Hàn Quốc và Nhật Bản cố hàn gắn quan hệ dưới áp lực của Mỹ
- Thứ Tư, 12 tháng Ba năm 2014 19:15
- Tác Giả: Mai Vân
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yong trước cuộc gặp tại Seoul ngày 12/3/2014.
REUTERS/Kim Hong-Ji
Hai thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc và Nhật Bản đã có cuộc tiếp xúc vào hôm nay 12/03/2014 tại Seoul để thảo luận về nhiều vấn đề nẩy sinh trong bang giao giữa hai bên.
Cuộc gặp gỡ mở ra chỉ ít hôm sau khi Hoa Kỳ đã một lần nữa lên tiếng thúc giục hai đồng minh châu Á mau chóng hàn gắn mối quan hệ đang bị căng thẳng.
Phát biểu trước cuộc họp với đồng nhiệm Nhật Bản Akitaka Saiki, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Yong xác nhận : "Đây là một dịp để trắc nghiệm sự vận hành của quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản trong tương lai".
Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc hội đàm cấp thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước được mở ra vào lúc bang giao giữa Seoul và Tokyo đang xuống đến mức thấp nhất từ nhiều năm nay.
Nguyên do gây xích mích vẫn là những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến chế độ thực dân của Nhật Bản tại Hàn Quốc trong những năm 1910-1945, vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị quân đội Nhật Bản buộc làm gái giải sầu trước đây, và tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo/Takeshima hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Seoul.
Tình hình càng xấu đi thêm sau chuyến thăm đến tử sĩ Yasukuni vào tháng 12/2013 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một chuyến thăm đã bị cả Seoul lẫn Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ.
Rạn nứt trong quan hệ Nhật-Hàn đã làm cho Mỹ hết sức quan ngại vì cả hai nước này đều là đồng minh quân sự quan trọng của Hoa Kỳ tại châu Á, và là nhân tố thiết yếu trong chiến lược "xoay trục" của Mỹ qua khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Vào tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Danny Russel đã lại kêu gọi Seoul và Tokyo tìm cách tháo gỡ các bế tắc ngoại giao hiện nay giữa hai bên.
Phát biểu trước một tiểu ban của Thượng viện Mỹ, ông Russel khẳng định là Mỹ "tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thận trọng và tự kiềm chế từ cả hai bên, để thực hiện các bước nhằm hàn gắn quan hệ".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nêu bật ví dụ của Nhật Bản và Hoa Kỳ trong việc khắc phục các hệ quả của Chiến tranh Thế giới Thứ hai để đạt tới một quan hệ thân thiết như hiện nay.
Cho đến nay, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye luôn từ chối một hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày nào mà Tokyo chưa chứng tỏ thái độ thực sự sự ăn năn đối với "các việc làm sai trái trong quá khứ".
Các cuộc điều tra dư luận gần đây đã cho thấy là Thủ tướng Nhật Bản Abe còn bị người Hàn Quốc ghét hơn cả lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Tuy vậy, kết quả một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Á châu tại Seoul, công bố vào tháng Hai vừa qua, đã cho thấy là một nửa dư luận Hàn Quốc ủng hộ việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Nhật Bản, và gần 60% muốn Tổng thống Park Geun Hye đóng vai trò chủ động trong việc cải thiện quan hệ với Tokyo.
Thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn vào cuối tháng ?
Trong bối cảnh đó, một quan chức chính phủ Nhật Bản vừa tiết lộ với hãng tin Anh Reuters vào hôm nay là Nhật Bản đang cố gắng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với Hàn Quốc và Mỹ vào cuối tháng Ba này.
Nếu được thực hiện, thì đây sẽ là một bước tiến trong quan hệ Nhật-Hàn vì lẽ từ ngày tái nhậm chức thủ tướng Nhật Bản đến nay, ông Abe đã họp thượng đỉnh với rất nhiều người, từ lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á cho đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng ông chưa gặp được đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng người tiền nhiệm của bà là Lee Myung Bak.
Cố gắng tổ chức cuộc gặp lần này liệu có thành công hay không ? Điều này chưa thể có lời giải đáp vì một quan chức Hàn Quốc đã lên tiếng như sau về đề nghị họp thượng đỉnh của Nhật Bản :
"Nếu Tokyo không thay đổi lập trường về các vấn đề lịch sử, chúng tôi sẽ không xem xét bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào".
Tin mới
- Máy bay Malaysia có thể đã bay thêm nhiều giờ sau khi mất liên lạc - 13/03/2014 20:17
- Giáo Hoàng Phanxico : Một năm cải cách sâu rộng Giáo hội Thiên chúa giáo - 13/03/2014 20:03
- Thách thức kinh tế của Trung Quốc - 13/03/2014 19:57
- LHQ : Quá trình chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện còn « mong manh » - 13/03/2014 19:43
- Cuộc chiến Syria qua năm thứ tư, TT Assad ngày càng mạnh - 12/03/2014 22:00
- Nga thoả thuận xây thêm hai nhà máy điện hạt nhân cho Iran - 12/03/2014 21:17
- Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ : Hơn 150 người bị bắt - 12/03/2014 20:59
- Chiến hạm Ukraina bị giam lỏng trong cảng Sébastopol - 12/03/2014 20:50
- Thủ tướng Pháp xác nhận được thông báo việc tư pháp nghe điện thoại cựu tổng thống Sarkozy - 12/03/2014 19:44
- Bắc Kinh sẽ thúc đẩy truy bắt quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài - 12/03/2014 19:20
Các tin khác
- Vụ máy bay Boeing mất tích : Việt Nam ngừng tìm kiếm trên không - 12/03/2014 18:31
- RSF tố cáo Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam là kẻ thù của internet - 12/03/2014 18:24
- Kịch bản của Vladimir Putin đối với Ukraina - 11/03/2014 18:09
- Máy bay Malaysia mất tích : Interpol dè dặt với giả thuyết khủng bố - 11/03/2014 15:55
- Manila phản đối Bắc Kinh chận tàu tiếp tế cho đơn vị đồn trú tại Trường Sa - 11/03/2014 15:47
- LHQ : Bắc Triều Tiên dùng thủ đoạn tinh vi để né tránh cấm vận - 11/03/2014 15:42
- Em gái Kim Jong Un là quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên - 11/03/2014 15:35
- Đại diện Ngoại giao Châu Âu thận trọng về thỏa thuận hạt nhân với Iran - 10/03/2014 23:50
- Trưng cầu dân ý sáp nhập Crimée vào Nga : Merkel phản đối Putin - 10/03/2014 23:41
- Chiến tranh kinh tế Nga-Phương Tây : Cả hai bên đều sứt đầu mẻ trán - 10/03/2014 23:22