Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dân Hà Nội bi quan về tình hình kinh tế


HÀ NỘI 19-1 (NV) .- Kết quả khảo sát cảm nhận của dân chúng tại Hà Nội về kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, cho thấy, đa số nhận định, kinh tế năm vừa qua hết sức tồi tệ.

Hanoi-kinhteHangrong


Một số phụ nữ sống bằng việc thu mua đồ phế thải như giấy, chai nhựa, kim loại rồi mang đi bán kiếm ít tiền sống qua ngày tại Hà Nội. Khảo cứu của nhà nước cho thấy dân rất lo âu về nền kinh tế tồi tệ. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

 

Cuộc khảo sát này do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện. Kết quả cuộc khảo sát vừa được công bố hồi cuối tuần qua.
Theo đó, khi được hỏi về tình hình kinh tế của 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3% dân Hà Nội cho rằng “tốt”.

Dựa trên các số liệu thu thập được từ cuộc khảo sát cảm nhận của dân chúng Hà Nội về tình hình kinh tế 2013, nhóm thực hiện cuộc khảo sát cho rằng, cảm nhận của dân chúng Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội nửa đầu 2013 là chính xác.

Các viên chức lãnh đạo Việt Nam cũng đã từng bày tỏ sự lo âu tương tự. Chẳng hạn bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nhà nước, từng kêu ca trong một cuộc họp ở Quốc hội: “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”!

Hoặc ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Ban Kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, từng nhận định: “Tình hình hết sức đáng ngại, tăng trưởng sản xuất giảm cả ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Bức tranh vô cùng ảm đạm. Chỉ cần nhìn số lượng hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, phần còn lại thì đến 65% báo lỗ, đủ biết khả năng phục hồi kinh tế khó khăn đến mức nào”.

Những người thực hiện khảo sát cho biết thêm, khi được hỏi về tình hình kinh tế của 6 tháng cuối năm 2013, tuy có 41.7% dân chúng cho rằng “có khá hơn 6 tháng đầu năm 2013”, song nhìn chung, đa số dân chúng Hà Nội vẫn hết sức bi quan về tương lai.

Lý do khiến dân chúng Hà Nội bi quan về tương lai được lý giải là do thu nhập của đại đa số đã giảm đáng kể. Có đến 34.1% tự đánh giá thu nhập của họ quá thấp. Tỷ lệ hài lòng về thu nhập chỉ ở mức 6.3%.

Dẫu có 41.7% dân chúng nhận định, tình hình kinh tế của 6 tháng cuối năm 2013 khá hơn 6 tháng đầu năm 2013 nhưng chỉ số niềm tin tiêu dùng của sáu tháng cuối năm 2013 vẫn dưới mức trung bình.

Nhóm thực hiện cuộc khảo sát nhận định, đa số dân chúng sống ở Hà Nội vẫn bi quan về tình hình kinh tế, việc làm và thu nhập.

Kết quả cuộc khảo sát vừa kể thêm một lần nữa cho thấy, kinh tế Việt Nam đang bị đẩy sâu hơn vào vòng luẩn quẩn. Ngân sách bội chi mỗi lúc một nhiều trong khi nguồn thu càng ngày càng ít. Các doanh nghiệp vốn đã điêu đứng vì tác động của suy thoái kinh tế, nay càng thêm bế tắc do hàng hóa tồn đọng càng lúc càng lớn. Doanh nghiệp càng khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao, thu nhập của số đông dân chúng tụt giảm.

Cảm giác bất an tăng nên người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Kinh tế suy thoái nghiêm trọng hơn.

Đó cũng là lý do khiến năm vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế lẫn báo giới đồng loạt báo động, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế trong công chúng Việt Nam đang giảm đáng kể.

Không chỉ có người tiêu dùng kiệt quệ về tài chính, lo âu về tương lai, hạn chế chi tiêu tới mức tối đa mà doanh giới cũng hành xử tương tự. Hồi tháng 7, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới đã hạn chế đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn kinh tế Việt Nam có thêm sức để vượt qua những khó khăn như hiện nay, điều đầu tiên mà chế độ Hà Nội phải làm là khôi phục niềm tin của cả dân chúng lẫn doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình. Tuy nhiên hàng loạt chính sách, giải pháp được đề ra từ 2012 đến nay chỉ tạo thêm bất an. (G.Đ.)

Switch mode views: