Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam muốn kéo người nước ngoài vào mua nhà

HÀ NỘI (NV) - Chỉ cần có visa cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên là được quyền mua – sở hữu nhà tại Việt Nam. Đó là đề nghị mới nhất của Bộ Xây Dựng CSVN.

Nhaban-vn

 Những biệt thự mà các đại gia quốc doanh vay tiên ngân hàng bừa bãi, xây dở dang rồi bỏ hoang khắp nơi cả trăm ngàn căn. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

 

Đề nghị này được nêu trong một báo cáo gửi thủ tướng của chế độ về việc thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc Hội.
Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc Hội cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam theo kiểu thử nghiệm.

Theo Bộ Xây Dựng, từ năm 2008 đến giữa năm nay, chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Con số 126 trường hợp này chỉ mua nhà từ miền Trung Việt Nam trở vào tới miền Nam Việt Nam và 80% là cá nhân. Chỉ có 20% là doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ Xây Dựng nhận định, các quy định hiện hành liên quan đến việc cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam không khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đến Việt Nam mua nhà nên cần phải sửa đổi sớm (chẳng hạn tổ chức, cá nhân người nước ngoài không được dùng nhà để cho thuê, không được dùng nhà để góp vốn, cá nhân chỉ được sở hữu căn hộ trong 50 năm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà tương ứng với thời gian ghi trong giấy chứng nhận đầu tư).

Điểm đáng chú ý là trong báo cáo vừa kể, Bộ Xây Dựng đề nghị cho phép các quỹ đầu tư nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài, cũng được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Mặt khác, bộ nay đề nghị cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư lẫn nhà ở riêng lẻ và không hạn chế về số lượng.

Người ta tin rằng, đề nghị của Bộ Xây Dựng nhằm cứu cả thị trường bất động sản lẫn nền kinh tế Việt Nam.

Năm ngoái, CBRE (CB Richard Ellis Group, Inc. – một hãng bất động sản đa quốc gia, trụ sở ở California, Hoa Kỳ) ước đoán, số lượng căn hộ tồn đọng ở Hà Nội vào khoảng 21,000 căn và tại Sài Gòn là khoảng 18,000 căn.
Nếu tính trung bình, giá mỗi căn hộ khoảng 2 tỷ đồng thì số tài sản đang "chôn” ở khoảng 40,000 căn hộ này lên tới 80,000 tỷ đồng.

Sau đó, quỹ Dragon Capital ước đoán, lượng căn hộ tồn đọng cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn phải đến 70,000 căn.

Đến đầu năm 2013, dựa trên một số báo cáo của các sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội và Sài Gòn, người ta loan báo, ít nhất, riêng hai thành phố này tại Việt Nam đã có 42,000 căn nhà (gồm 26,000 căn hộ và 16.000 nhà thấp tầng) tồn kho.

Chưa kể có 92,000 mét vuông văn phòng cho thuê, 98,000 mét vuông trung tâm thương mại, 8 triệu mét vuông đất nền, 2 triệu mét vuông đất thương mại bị bất động. Tống lượng vốn tồn kho ít nhất cũng khoảng 112,000 tỷ đồng.

Sau đó ít lâu, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Xây dựng thú thật, giá bất động sản ở Việt Nam đã giảm khoảng 50% so với giai đoạn 2008-2010.
Nhiều chuyên gia khẳng định giá bất động sản Việt nam đã chạm đáy nhưng cứ vài tuần báo giới lại thông tin bất động sản Việt Nam phá đáy để có đáy mới.

Tháng trước, trả lời tờ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành ở Sài Gòn, khẳng định, nguy cơ đổ vỡ cực kỳ lớn đã xuất hiện.
Theo ông Đực, các dự án bất động sản đổ vỡ là vì chủ đầu tư vay mượn từ nhiều nguồn để khởi công, sau đó thuyết phục dân chúng trả trước, khi không có ai chịu mua, chủ đầu tư thiếu tiền để hoàn chỉnh dự án nên đành bỏ dở dự án rồi… bỏ chạy. 
Ông Đực dự đoán những người đã trót trả trước một phần tiền sẽ kiện cáo, sẽ hỗn loạn.

Cũng theo ông Đực, đang có rất nhiều dự án như vậy. Nếu có năm, mười dự án đổ vỡ thì sẽ xảy ra tình trạng đổ vỡ dây chuyền vì người mua thi nhau rút khỏi các dự án.

Nhân vật được xem là rất am tường lĩnh vực bất động sản này cho rằng, số lượng căn hộ tồn đọng ở Sài Gòn và Hà Nội không thấp như một vài thống kê.

Riêng Sài Gòn, nếu tính cả những căn hộ đã hoàn thiện xong chưa bán được và những căn hộ đang xây dựng dở dang, hoặc vừa làm xong móng hay mới khởi công thì phải tới cả cả trăm ngàn căn chứ không phải chỉ mười mấy ngàn căn.

Theo dự tính, ở kỳ họp nêu trên, Bộ Xây dựng sẽ trình dự luật lên Quốc Hội xem xét để thông qua “Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12” và nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành ngay vào đầu năm 2014.

Khi tình trạng thị trường bất động sản ở Việt Nam đã tuyệt vọng tới mức như vậy, chẳng lẽ cứ chế độ Hà Nội “cho” sở hữu nhà là các quỹ đầu tư, các ngân hàng, các tổ chức, các doanh nghiệp và các cá nhân người nước ngoài có chịu “nhảy” vào cứu thị trường này? (G.Đ.)

Switch mode views: