Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cuba tránh khiêu khích Mỹ trong vụ Snowden

USA-SECURITY-FLIGHT


Một chuyến bay đi Cuba chuẩn bị khởi hành từ sân bay Sheremetyevo Matxcơva ngày 24/6/2013.
REUTERS/Maxim Shemetov


Cuba “ủng hộ” các đồng minh chính trị muốn cấp quy chế tỵ nạn cho cựu kỹ thuật viên tình báo Mỹ Edward Snowden.

Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia phân tích được hãng tin Pháp AFP tham khảo, hậu thuẫn của La Habana chỉ thể hiện trên mặt ngôn từ, chứ quốc gia này có vẻ rất thận trọng, không muốn đi xa hơn để khỏi tác hại đến triển vọng cải thiện bang giao với Washington.

Trả lời AFP, ông Michael Shifter, Chủ tịch nhóm tư vấn Mỹ Interamerican Dialogue nhận định là La Habana « đã bị đủ các vấn đề với Washington, cho nên không cần tạo thêm chuyện nữa, mà lại là một chuyện lớn như vụ này”.

Nhà phân tích này còn lưu ý : "Thậm chí cho phép Snowden sử dụng La Habana làm nơi quá cảnh cũng là điều nguy hiểm".

Theo ông, cái tối thiểu mà Cuba có thể làm được thì đã được thực hiện hôm Chủ nhật, 07/07, với việc Chủ tịch Cuba Raul Castro "bày tỏ tình đoàn kết" với Venezuela, Bolivia và Nicaragua, ba nước sẵn sàng cấp quy chế tỵ nạn cho Snowden.

Anya Landau French, biên tập viên của blog The Havana Note đồng thời là chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ-Cuba còn khẳng định thêm : "Tôi không nghĩ rằng chúng ta sắp sửa thấy Edward Snowden tại La Habana".

Đối với giới quan sát, Cuba đang phải chịu muôn vàn khó khăn do chính sách cấm vận ngặt nghèo mà nước láng giêng hùng mạnh phương Bắc áp đặt trên họ từ năm 1962 đến nay.

Chính sách này đang có dấu hiệu được giảm nhẹ, và La Habana đang hy vọng trước mắt là được Mỹ xóa tên khỏi ‘danh sách đen’ của các quốc gia hỗ trợ khủng bố, bao gồm cả Iran, Sudan và Syria.

Việc được rút tên ra khỏi danh sách đó có thể cho phép Cuba tiếp nhận trợ giúp từ các định chế tài chính quốc tế khác nhau, giúp họ cứu vãn một nền kinh tế đang kiệt sức.
 La Habana đã bị Washington ghi vào sổ đen kể trên từ năm 1982.

Trong bối cảnh đó, Cuba được cho là sẽ cố tránh gây hiềm khích với Hoa Kỳ, nhất là khi - theo ghi nhận của chuyên gia Anya Landau French – báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ từng xác định rằng Cuba đã cam đoan là sẽ không tiếp nhận thêm những người Mỹ "đào thoát" khỏi Hoa Kỳ.

Đối với chuyên gia này, "Tiếp nhận Snowden, dù chỉ quá cảnh, sẽ là một hành động vi phạm lời cam đoan đó".

Ông Paul Webster Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, hiện là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Boston (Mỹ) khẳng định :

 "Cuba biết rõ hơn bất kỳ ai rằng việc cho ông Snowden tỵ nạn có thể mang lại cho họ một sự hài lòng chính trị trong ngắn hạn, nhưng rốt cuộc, điều đó sẽ tác hại xấu đến ngành ngoại giao trong nhiều năm trời".

Riêng đối với ông Arturo Lopez-Levy, một nhà nghiên cứu người Cuba tại Đại học Denver (Hoa Kỳ), thì "Thái độ ếm mình của Cuba trong vụ Snowden cho thấy ưu tiên ngoại giao của Chủ tịch Cuba Raul Castro : Phát huy một môi trường thuận lợi cho cải cách kinh tế và chính trị ở Cuba".

Theo nhà phân tích này, Cuba không muốn vụ Snowden phá hoại triển vọng tiến bộ thực sự trong quan hệ với Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama.

Nhìn chung, theo ông Lopez-Levy, chế độ La Habana đã phải đi giây : "Một mặt, Cuba không muốn lợi dụng lúc Hoa Kỳ gặp khó khăn để ghi điểm trên bình diện ý thức hệ, nhưng một mặt khác, Cuba lên tiếng ủng hộ các đồng minh của minh.
Đây là một thế cân bằng khó khăn, nhưng trước mắt, Cuba đã duy trì được."



Switch mode views: