Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngân hàng Thế giới thúc giục Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

SieuthiHanoi



Một góc siêu thị Intimex tại Hà Nội, ngày 7/6/2013.
REUTERS/Kham


Tại cuộc hội thảo « Tạo thuận lợi Thương Mại, Tạo giá trị và Năng lực Cạnh tranh », hôm nay 04/07/2013, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đã công bố một báo cáo đề ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là về xuất khẩu.

 Báo cáo trên ghi nhận, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh : 34% năm 2011, 18% năm 2012 và gần 20% trong quý đầu của năm 2013.

Thế nhưng, Việt Nam bị xem là chưa thành công trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch lên trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhìn chung, các động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hiện tại gần như đã cạn kiệt và Việt Nam phải tìm ra hướng đi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.

 Cũng theo báo cáo nói trên, khả năng Việt Nam có thể thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” cũng phụ thuộc vào khả năng xây dựng nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, như phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông đơn giản hóa các thủ tục pháp quy để giảm thời gian và chi phí và tăng cường độ tin cậy của thương mại qua biên giới.

Báo cáo cũng đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi thương mại (NCTF) để thực hiện kế hoạch tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại cho Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại hội thảo hôm nay, bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, chính phủ sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Theo bà Kwakwa, « chính phủ phải hỗ trợ các hoạt động mang lại ảnh hưởng tích cực từ bên ngoài, và có những trợ giúp để thúc đẩy luồng thương mại ».

 Đồng thời, bà đề nghị chính phủ Việt Nam loại bỏ những yếu tố cản trở, trong đó có việc rút lui dần khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đóng vai trò đi đầu.

Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam lưu ý rằng, cần phải có cam kết chính trị từ cấp lãnh đạo, do trong các hoạt động cải cách mà bản báo cáo đề xuất sẽ có những « xung đột lợi ích ».

Bà nhấn mạnh : « Nếu không hành động ngay, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì các nước khác vẫn đang tiếp tục chương trình tạo thuận lợi thương mại của mình. »


Switch mode views: