Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Merkel chuẩn bị rút lui, Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ tê liệt

Merkel- Macron

Thủ tướng Angela Merkel (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại phủ thủ tướng Đức, Berlin, sau cuộc họp báo ngày 15/05/2017.
REUTERS/Fabrizio Bensch

Quyết định của thủ tướng Angela Merkel dần dần rút khỏi sân khấu chính trị nước Đức sẽ làm suy yếu trục Pháp-Đức và có nguy cơ khiến Liên Hiệp Châu Âu bị tê liệt, vào lúc khối này đang đối đầu với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Đó là nhận định của nhiều nhà ngoại giao và giới phân tích được hãng tin AFP trích dẫn ngày 30/10/2018.

Sau cuộc bầu cử tại bang Hessen hôm Chủ Nhật, với kết quả cho thấy đại liên minh cầm quyền bị suy yếu thêm, hôm qua, 29/10/2018, bà Merkel đã tuyên bố nhiệm kỳ thủ tướng của bà sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng, đồng thời thông báo bà sẽ không ra tái tranh cử chức chủ tịch đảng Dân Chủ - Thiên Chúa Giáo CDU.

Ngoài việc sẽ dần dần rút lui khỏi sân khấu chính trị nước Đức, thủ tướng Merkel còn nói rõ là bà sẽ không tranh bất cứ chức vụ nào trong các định chế của Liên Hiệp Châu Âu.

Theo đánh giá của ông Jean-Dominique Giuliani, chủ tịch tổ chức Schuman, « sau khi thông báo sẽ rút lui, thế lực của bà Merkel sẽ giảm đi ».
Về phần Sébastien Maillard, giám đốc viện Jacques Delors Notre Europe (Châu Âu của chúng ta), ông cũng cho rằng kể từ nay ở châu Âu sẽ chẳng còn ai thèm nghe bà Merkel nữa, vì bà đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Theo ông Maillard, đây là « một vố đau » đối với châu Âu. Việc thủ tướng Đức rút dần khỏi sân khấu chính trị sẽ ảnh hưởng đến các cuộc họp quan trọng sắp tới của Liên Hiệp Châu Âu, nhất là cuộc họp thượng đỉnh tháng 12 bàn về vấn đề di dân và cải tổ khu vực đồng euro, hai hồ sơ đang gây chia rẽ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

 Nhà phân tích Julian Rappolt của European Policy Center (Trung tâm Chính sách Châu Âu) cảnh báo là có nguy cơ Liên Hiệp Châu Âu bị tê liệt và rất có thể là từ đây đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu, sẽ chẳng có gì xảy ra.
Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu lại không đồng ý với những dự báo bi quan nói trên.

Một quan chức, xin được giấu tên, nói với hãng tin AFP rằng, quyết định của bà Merkel đã được chờ đợi từ lâu và sẽ chẳng có gì thay đổi.
 Một lãnh đạo của German Marshall Fund (Quỹ Marshall Đức), một trung tâm tư vấn, bà Sudha David-Wilp, cũng không nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ gặp hỗn loạn và bất ổn, vì sự rút lui của thủ tướng Merkel sẽ diễn ra chậm, từng bước.

Vấn đề là với việc thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ rút lui, nước Đức đang bước vào một thời kỳ vô định, do cuộc chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo đảng CDU.
Mặt khác, là một nhân vật đã có ảnh hưởng rất lớn lên chính sách của châu Âu, bà Merkel chuẩn bị ra đi vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng nội bộ và những nền tảng của khối này đang có nguy cơ sụp đổ, với sự trỗi dậy của các đảng dân túy, chống hợp nhất châu Âu.

Như thổ lộ của đại diện một quốc gia thành viên với AFP, hiện nay ở châu Âu, rất ít người có đủ tầm cỡ lãnh đạo.
Theo nhận xét của ông Sébastien Maillard, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng tạo một sức bật mới cho Liên Hiệp Châu Âu, nhưng đã không nhận được nhiều sự ủng hộ, kể cả từ phía nữ thủ tướng Đức.

Ông Maillard ghi nhận rằng bà Merkel thật ra chưa bao giờ có một tầm nhìn rộng về châu Âu, tuy rằng bà vẫn được xem là một lãnh đạo gắn bó với châu Âu.

Switch mode views: