Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tranh cãi về việc sử dụng nhân dân tệ ở Việt Nam

nhan dan te

Ảnh minh họa: Một tờ giấy bạc nhân dân tệ.Reuters

Việc cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ tại vùng biên giới Việt - Trung sẽ có hại cho nền kinh tế của Việt Nam hay không, đó là vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi kể từ khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 28/08/2018 ban hành « Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc » (Thông tư 19).

Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10.

Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, cơ chế thanh toán trong mua bán ở biên giới Việt - Trung (biên mậu) đã được thực hiện từ năm 2004 và thông tư mới được ban hành là nhằm « khắc phục những vướng mắc, bất cập » của quyết định năm 2004.
Thông tư này « cũng nhằm thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân hai nước trong việc giao thương, thực hiện tốt hơn việc quản lý Nhà nước về ngoại hối ».

Theo văn bản mới, các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước sẽ được phép thanh toán cả bằng đồng Việt Nam lẫn nhân dân tệ Trung Quốc, tức là bằng bản tệ của hai nước.

Trả lời VietnamNet ngày 03/09, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, thành viên tổ soạn thảo Thông tư 19, cho biết là trên thế giới, các nước có chung đường biên giới, có những hợp tác thương mại song phương, vẫn thường thanh toán bằng bản tệ, như Thái Lan, Miến Điện, Nga, Trung Quốc...

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 04/09/2018, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hà Nội, cũng nhận định là Thông tư 19 quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao thương ở vùng biên giới, cho nên nếu được áp dụng nghiêm chỉnh thì sẽ ít có nguy cơ việc sử dụng đồng tiền của Trung Quốc lan sang những nơi khác :

« Không phải là Ngân hàng Nhà nước tự đưa ra thông tư này. Thông tư được đưa ra là căn cứ trên nghị định số 14 của chính phủ, được ban hành đầu năm nay, hướng dẫn thi hành luật về quản lý ngoại thương, mà Quốc Hội ban hành từ năm 2017, thực thi từ ngày 01/01/2018.
Vì luật này được thực thi vào đầu năm, cho nên chính phủ mới ban hành một nghị định vào tháng Giêng, để quy định các chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Nghị định này thật ra quy định chung về các hoạt động thương mại giữa Việt Nam với các nước có biên giới đất liền với Việt Nam (Cam Bốt, Lào và Trung Quốc), nói rõ là chỉ quy định cho những hoạt động thương mại của cư dân hoặc thương nhân ở các tỉnh biên giới và các chợ ở biên giới.

Các văn bản này cũng quy định rất rõ về danh mục hàng hóa nào, về phạm vi nào được coi là biên giới, cư dân nào thì được coi là cư dân biên giới và thương nhân như thế nào thì được hoạt động ở biên giới các nước này.
Tất cả các văn bản đó khoanh trong một đối tượng nhất định, chứ không quá rộng trong xã hội. Ngoài ra người ta cũng quy định rõ là các cơ quan Nhà nước giám sát, kiểm soát bằng những công cụ nào.

Còn đối với ngân hàng thì người ta cũng quy định rõ là dù sử dụng đồng bản tệ của hai nước, dù bằng phương thức nào, kể cả tiền mặt, thì thương nhân, cư dân cũng phải báo cáo cho ngân hàng và đưa tiền đó vào hệ thống ngân hàng trong thời gian 7 ngày sau khi thực hiện giao dịch, cùng với tất cả các chứng từ liên quan.
Tôi cho là họ đã quy định khá rõ về các công cụ quản lý, cho nên nguy cơ nó lan ra các nơi khác, nếu theo luật, thì được giảm thiểu đáng kể. »

Mặc dù thông tư quy định chặt chẽ như vậy, nhưng nhiều người lo ngại là thông tư nói trên sẽ dẫn đến nguy cơ « nhân dân tệ hóa » nền kinh tế Việt Nam.
Trên mạng hiện đang lan truyền một tuyên bố của giới nhân sĩ trí thức người Việt trong và ngoài nước, phản đối việc cho phép sử dụng nhân dân tệ ở Việt Nam. Bản tuyên bố cho rằng :
« Việc sử dụng nhân dân tệ trong giao thương, dù giới hạn ở khu vực biên giới Việt - Trung, không chỉ vi phạm nguyên tắc chủ quyền tiền tệ, mà còn tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia ».

Theo các tác giả bản tuyên bố, đó còn là hành động « xâm lấn và xâm phạm chủ quyền tiền tệ của Việt Nam, có thể dẫn đến sự nhân dân tệ hoá cả nền kinh tế Việt Nam và vô cùng nguy hại cho an ninh quốc gia ».

Họ yêu cầu bộ Tư pháp ngay lập tức hủy bỏ Thông tư 19 và đòi truy xét trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và mọi quan chức có liên quan đến việc soạn thảo và ban hành thông tư này.

Trả lời báo điện tử Một Thế Giới ngày 02/09, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính, cũng cho rằng « việc quy định vùng biên mậu của Việt Nam được phép sử dụng nhân dân tệ cũng cần được quản lý để loại tiền này không đi ra khỏi khu vực cho phép ».
Đồng thời, theo ông, Việt Nam cần thúc đẩy phía Trung Quốc chấp nhận chính thức cho dùng đồng Việt Nam tại khu vực lãnh thổ nước họ ở biên giới.

Cũng trên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, cảnh báo rằng việc cho phép thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ ở các vùng biên giới giáp với Trung Quốc là « chính thức mở ra một cánh cổng để nhân dân tệ dần dần len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam » và « làm gia tăng sâu sắc hơn nữa sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc ».

Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhắc lại rằng hiện giờ quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn và Việt Nam đang mua hàng từ Trung Quốc nhiều hơn bán được hàng cho Trung Quốc.
 Việc cho phép sử dụng nhân dân tệ để thanh toán trực tiếp đối với hoạt động thương mại biên giới có thể sẽ làm cho trao đổi mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc bị thâm hụt nhiều hơn.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, mối lo ngại về nguy cơ của việc cho phép sử dụng nhân dân tệ là xuất phát từ tình trạng hiện nay của quan hệ kinh tế Việt - Trung :

« Trước hết là hiện nay, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp và gần đây có thêm nhiều nguy cơ mà làm cho người Việt Nam lo lắng thêm, kể cả cá nhân tôi, ví dụ như tình trạng Trung Quốc xuất siêu sang Việt Nam rất nhiều.

Tất cả những thông tin Việt Nam đưa ra, về con số thống kê chẳng hạn không khớp với con số của Trung Quốc.
 Phía Trung Quốc chứng minh họ xuất siêu sang Việt Nam rất nhiều so với con số mà Việt Nam công bố về nhập siêu từ Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là còn một khoảng khá lớn, có năm lên tới tương đương 20 tỷ đôla, mà Việt Nam không kiểm soát được phần nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hàng Trung Quốc có thể thâm nhập Việt Nam một cách quá đáng, mà Nhà nước Việt Nam không thể kiểm soát nổi, gây bất lợi cho phía Việt Nam.
Thứ hai là hiện tượng buôn bán qua biên giới diễn ra nhiều năm nay rồi, thực sự là Nhà nước Việt Nam chưa quản lý được tốt, chưa bao giờ chứng minh được quy mô thương mại ở biên giới là bao nhiêu.

Người ta cứ coi biên mậu là có tỷ lệ nhỏ, nhưng với con số chênh lệch lên đến hàng chục tỷ đôla như vậy, quy mô của nó không hề nhỏ chút nào !
Biên mậu mà không quản lý được thì cũng có nghĩa là Nhà nước thất thu về thuế và có nhiều bất lợi khác có thể xảy ra, kể cả về chất lượng hàng hóa, cạnh tranh không lành mạnh, buôn gian bán lận.

Thứ ba là gần đây nổi lên chuyện về các đặc khu kinh tế. Vì những hiện tượng như vậy cho nên người ta sợ là Trung Quốc sẽ lạm dụng tất cả những cái đó để gây thêm bất lợi cho Việt Nam.
Vì vậy mà người dân bức xúc về thông tư này.

Nếu như Nhà nước thực hiện được các điều quy định trong thông tư này, cũng như Nghị định 14 của chính phủ về thương mại biên giới và luật về quản lý ngoại thương mà Quốc Hội đã thông qua, thì không sao.
Các quy định này khá chặt chẽ và đủ để Việt Nam kiểm soát được. Nhưng vấn đề là liệu các cơ quan Nhà nước có kiểm soát được tốt hay không. Đó là điều vẫn gây lo ngại. »

Từ chuyện nhân dân tệ, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng Nhà nước Việt Nam cũng cần rút kinh nghiệm trong việc thông báo các quyết định có liên quan đến quan hệ với Trung Quốc :

« Người dân Việt Nam rất nhạy cảm với các vấn đề với Trung Quốc, cho nên khi đưa ra bất cứ quy định nào liên quan đến Trung Quốc, phải có một sự chuẩn bị kỹ càng hơn và phải có giải thích đầy đủ cho người dân từ đầu, đừng để người ta phải tự đi tìm hiểu.

Nói thật, tôi được tiếng là chuyên gia, nhưng đâu có phải là đọc được hết !
Cũng phải đọc mãi, suy nghĩ mãi thì mới hiểu được ra vấn đề. Những người khác đâu có thời giờ như vậy.
Cho nên người ta có thể bức xúc.

Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải giải trình rõ cho người dân khi đưa ra các quy  định mới ».

Switch mode views: