Hội nghị Bắc Đới Hà : Thách thức quyền lực tuyệt dối của Tập Cận Bình
- Thứ Hai, 13 tháng Tám năm 2018 21:03
- Tác Giả: Anh Vũ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi ngày 26/07/2018.
Reuters
Trong tuần qua, truyền thông chính thức tại Trung Quốc đã loan báo nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra.
Đó là cuộc họp kín, không chính thức, nhưng lại rất quan trọng, giữa các cựu quan chức cao cấp của đảng và lãnh đạo đương nhiệm của chế độ Bắc Kinh.
Các đường lối chính sách, nhân sự lãnh đạo đảng đương nhiệm sẽ được đưa ra để mổ xẻ.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong điều hành kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm cho nội bộ đảng Cộng sản chia rẽ, hội nghị này sẽ là một thách thức cho chính sách và quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình, cho dù ông vừa dọn đường thành công để làm lãnh đạo Trung Quốc suốt đời.
Ngay từ khi lên lãnh đạo Trung Quốc cho đến khi quyền lực thâu tóm gần như tuyệt đối, ông Tập luôn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về chính trị, kinh tế và tranh giành quyền lực.
Các chỉ trích, chống đối trong nội bộ tăng tỷ lệ thuận với phạm vi quyền hành của ông Tập Cận Bình.
Giáo sư Đại học Hồng Kông, Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một nhà quan sát lâu năm tình hình Trung Quốc, được hãng tin AP trích dẫn, nhận định « vì tập trung hết quyền lực nên ông Tập phải chịu trách nhiệm tất các mặt trái cũng như thất bại về chính trị … Ông không thể đổ trách nhiệm được cho ai khác».
Những thách thức đến lúc này chưa thể là mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của ông Tập.
Nhưng rõ ràng là với nhiều người Trung Quốc, lòng tin vào chế độ đang có vấn đề.
Cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng đẩy kinh tế Trung Quốc vào như thế khó, trước nguy cơ tổn thất hàng trăm tỷ đô la.
Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng Bắc Kinh không có chiến lược phù hợp để đối phó với Washington, ít ra là hướng tới các cuộc thương lượng, tránh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Hiện tại phương sách của Bắc Kinh dường như vẫn chỉ là phản ứng đáp trả, nhưng rõ ràng đó là sự đáp trả yếu ớt.
Một hội nghị của đảng tháng trước đã thừa nhận những yếu tố từ bên ngoài đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Ở trong nước, vụ bê bối vắc xin giả lại càng làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động của những công ty đang lũng đoạn nền kinh tế.
Tuần trước, chính quyền đã phải tìm mọi cách để dẹp một cuộc biểu tình lớn ở Bắc Kinh của hàng ngàn người bị trắng tay do hàng loạt tổ chức tín dụng đổ bể.
Người biểu tình lên án chính phủ đã không có khả năng cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đó là bằng chứng cho thấy chế độ độ đang bị mất lòng tin trầm trọng trong dân trên lĩnh vực quản lý kinh tế.
Giáo sư chính trị Đại học Nhân dân Bắc Kinh, ông Trương Minh khẳng định : « Lòng tin là quan trọng nhất, việc dân mất lòng tin với chính phủ sẽ có sức tàn phá rất lớn ».
Cuộc họp hàng năm của các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu và lãnh đạo đương nhiệm tại Bắc Đới Hà do Mao Trạch Đông khởi xướng và đã đi vào truyền thống của chế độ Bắc Kinh.
Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động sẽ là một chủ đề quan trọng sẽ được các « trưởng lão » trong đảng mang ra bàn thảo và chất vấn.
Báo Bưu điện Hoa Nambuổi sáng (SCMP) hôm 8/8 trích dẫn giáo sư Trương Minh, cho biết tình hình đang diễn biến phức tạp, phe đối lập có thể phản pháo ông Tập Cận Bình ngay tại hội nghị Bắc Đới Hà.
Trong khi đó, cuộc chiến chống tham nhũng không có hồi kết đã được chính ông Tập thừa nhận là đang gặp thách thức lớn.
Trong chiến dịch « đả hổ diệt ruồi », ông Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn trong đảng đó là các thành viên cao cấp của Trung ương, Bộ chính trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu thì phải được miễn trừ xử lý.
Điều này càng củng cố các suy đoán cho rằng các nhóm chính trị bị tước đi các đặc quyền đặc lợi trong đảng Cộng Sản đang cố gắng tập hợp để đối phó với Tập cận Bình.
Trong chính trị Trung Quốc, cuộc họp Bắc Đới Hà từ lâu nay vẫn là dịp để các vị lãnh đạo về hưu xem xét đường lối của người kế nhiệm và cho ý kiến đóng góp thêm cho các quyết sách của đảng.
Nhưng trên thực tế đó cũng là nơi để các « trưởng lão » của đảng thể hiện sự ảnh hưởng còn lại của mình trên chính trường.
Vì thế hội nghị cũng là cơ hội lý tưởng để các phe cánh trong đảng vận động hậu trường tranh giành quyền lực hay tìm cách bảo vệ mình.
Tin mới
- Mỹ : Donald Trump thóa mạ nặng nề cựu nữ cố vấn Omarosa - 15/08/2018 16:05
- Malta chấp nhận cho tàu chở thuyền nhân Aquarius cặp bến - 15/08/2018 15:58
- Biển Đông : Manila đả kích hành vi xua đuổi nước khác của Bắc Kinh - 15/08/2018 12:42
- Biển Đông : Thủ tướng Malaysia không muốn tàu chiến neo đậu thường trực - 15/08/2018 01:46
- Bắc Triều Tiên ngừng cấp visa du lịch trước ngày quốc khánh thứ 70 - 15/08/2018 01:18
- Trung Quốc bác bỏ tố cáo về trại giam người Duy Ngô Nhĩ - 14/08/2018 20:16
- Hồng Kông : Lãnh đạo đảng đòi độc lập phát biểu, dù Bắc Kinh phản đối - 14/08/2018 19:31
- Châu Âu bất lực trước khủng hoảng di dân - 14/08/2018 19:22
- Tổng thống Đài Loan ghé Mỹ đọc diễn văn, Trung Quốc tức giận - 14/08/2018 18:49
- Cuba tổ chức thảo luận toàn dân về sửa đổi Hiến pháp - 14/08/2018 16:31
Các tin khác
- Pháp : Bản án Monsanto sẽ đẩy nhanh việc cấm chất glyphosate ? - 13/08/2018 20:24
- Nga dọa tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ để trả đũa lệnh trừng phạt - 13/08/2018 17:18
- Hoa Kỳ: Một cựu nữ cố vấn cáo buộc Trump kỳ thị chủng tộc - 13/08/2018 17:11
- Hai miền Triều Tiên thông báo gặp thượng đỉnh vào tháng 9 tại Bình Nhưỡng. - 13/08/2018 17:01
- Malaysia nhắc lại ý muốn hủy 22 tỷ đô la hợp đồng với Trung Quốc - 13/08/2018 12:41
- Tập đoàn Đức Bayer: "Glyphosat an toàn và không gây ung thư" - 12/08/2018 21:16
- Đức-Tây Ban Nha đồng tình ủng hộ Maroc để hạn chế nhập cư - 12/08/2018 21:06
- Syria: 28 trẻ em thiệt mạng vì không kích ở miền Bắc - 12/08/2018 20:58
- Trung Quốc : Thịt lợn, thịt bò Mỹ trả giá vì chiến tranh thương mại - 12/08/2018 20:51
- Lào vẫn im lặng hai tuần sau tai họa vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy - 12/08/2018 20:34