Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trump cho ngưng tập trận với Hàn Quốc, một cảnh cáo đối với đồng minh châu Âu?

Han-usa-military

Một cuộc tập trận cung Mỹ - Hàn Quốc gần khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, ngày 21/04/2017.
REUTERS/Kim Hong-Ji/Ảnh tư liệu

Ngày 12/06/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ thông báo ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Nếu như tuyên bố này ban đầu đã gây ngỡ ngàng cho cả Hàn Quốc lẫn bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, theo phân tích của chuyên gia Peter Apps, được Reuters trích dẫn, thì đây còn là một lời cảnh cáo nhắm tới các đồng minh châu Âu của Mỹ.

Khi cho rằng các cuộc tập trận này mang tính chất « khiêu khích » và « quá tốn kém », tổng thống Mỹ đã làm hài lòng lãnh đạo Bắc Triều Tiên và cả Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng phải chăng nguyên thủ Hoa Kỳ cùng lúc muốn nhắc khéo các đồng minh châu Âu ?

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump không ngừng nhắc lại điệp khúc Washington đã « hao tiền tốn của » để bảo vệ các đồng minh.

Nguyên thủ Mỹ công khai chỉ trích các thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO - đã đóng góp quá ít cho quốc phòng, trong khi Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp nhiều quân nhất tại Châu Âu (65.000 quân) để hỗ trợ các chương trình luyện tập cho nhiều nước vùng Baltic đối phó với mối đe dọa đến từ Nga.

Dù rằng Hoa Kỳ chưa chính thức đề cập đến việc rút bớt quân ở châu Âu, nhất là ở các nước Đông Âu, nhưng điều làm cho nhiều thành viên NATO lo ngại chính là ý định của chính phủ Ba Lan, một trong số ít quốc gia ủng hộ hết mình tổng thống Trump và quan điểm về thế giới của ông.

Theo các thông tin báo chí hồi tháng 05/2018, chính quyền Vacxava đã đề nghị chi tới 2 tỷ đô la cho Washington để có thêm một sư đoàn thiết giáp Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Ba Lan, bên cạnh một nhóm nhỏ các binh sĩ Hoa Kỳ đang có mặt tại đây.

Quyết định này của Ba Lan đã gây lo ngại cho nhiều nước thành viên khác, e sợ việc này sẽ tạo thành một tiền lệ để chính quyền Donald Trump « mặc cả » với những nước nào đang bị lệ thuộc vào sự bảo hộ quốc phòng của Mỹ như Đức, Nhật Bản, Anh Quốc, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ…

Trên thực tế, cho đến lúc này, những nước đó cung cấp cơ sở hạ tầng và nhiều dịch vụ miễn phí cho các lực lượng Mỹ đồn trú trên lãnh thổ của họ. Hiếm khi nào những nước đó phải chi trả cho sự hiện diện của binh sĩ Hoa Kỳ.

Các nước trong khối NATO giờ đây còn lo rằng trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 7 tới đây, các chính sách đối ngoại của Trump chẳng hạn như tái thương lượng lợi ích thương mại toàn cầu của Mỹ sẽ xen vào các vấn đề quốc phòng.

Tổng thống Mỹ đả kích công khai nhiều nước, kể cả những nước được Mỹ bảo vệ, đã có được những « thỏa thuận dở », không có lợi cho Hoa Kỳ.

Nếu như quyết định ngưng tập trận Mỹ - Hàn Quốc của tổng thống Hoa Kỳ có những mặt lợi và hại cho cả hai nước, thì sự việc này gióng lên một hồi chuông báo động khả năng Mỹ rút quân trên diện rộng, nhất là ở những vùng giáp ranh với những đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Nga và Trung Quốc chẳng hạn.

Cách tiếp cận theo kiểu co cụm này của Donald Trump có thể nhận được sự ủng hộ từ một vài nước cũng như là từ những ai tin rằng các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Trung Đông hay ở những nơi khác là những sai lầm đắt đỏ và tốn kém.

Nhưng ông Peter Apps nhắc lại rằng tuy các chiến dịch quân sự của Mỹ trên thế giới trong hơn hai thập kỷ qua không hẳn đã mang lại sự ổn định cho thế giới, nhưng sự hiện diện của binh sĩ Mỹ đó đây cũng đã góp phần duy trì một nền hòa bình không mấy dễ dàng tại châu Âu và châu Á trong gần 70 năm qua.

Switch mode views: