Bà Minh Hằng được thả ngày 11/2, từ chối đi Mỹ
- Thứ Sáu, 10 tháng Hai năm 2017 01:25
- Tác Giả: VOA
Tòa án tỉnh Đồng Tháp tuyên án bà Hằng 3 năm tù giam với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật hình sự vào tháng 8 năm 2014.
Một nhà hoạt động cho biết bà Bùi Thị Minh Hằng sẽ được thả tự do vào ngày 11/2, sau 3 năm thụ án vì "gây rối trật tự công cộng". Bà đã từ chối đề nghị đi định cư tại Hoa Kỳ.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bắc Truyển, người vận động cho nhân quyền và tôn giáo Việt Nam cho VOA biết, dù được Bộ Công an Việt Nam khuyên nên đi Mỹ nhưng bà Bùi Thị Minh Hằng đã nhất mực từ chối:
“Chị Bùi Thị Minh Hằng là nhà tranh đấu cho quyền con người ở tại Việt Nam.
Chính vì đấu tranh cho nhân quyền nên chị bị giam cầm, tù tội trong 3 năm vừa qua.
Vừa rồi chị có nói với gia đình rằng là Bộ Công An có vào khuyên chị là nên đi định cư ở Hoa Kỳ thì họ sẽ thả chị sớm, nhưng chị Hằng đã từ chối.
Chị Hằng nói là chị sẽ ở lại cho đến ngày cuối cùng của hạn tù, và sẽ tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.”
Theo ông Nguyễn Bắc Truyển, gia đình và bạn bè đã thu xếp để đi đón bà Hằng về từ trại giam Gia Trung vào ngày 11/2.
Tuy nhiên ông Truyển không biết liệu bà Hằng có được thả từ trại giam hay không:
“Chị Hằng có nói với tôi qua điện thoại là chị không biết về bằng cách nào, nên chúng tôi sắp xếp cho tất cả các tình huống.
Trại giam có hứa với chị là họ thu xếp thả chị theo một cách bình thường nhất.
Hiện nay có nhiều anh em trong số 21 người bị đánh đập ở Lấp Vò, Đồng Tháp vào năm 2014 đang bị công an để ý, ngăn cản không cho họ lên Sài gòn để đi đón chị Hằng.”
Các trang mạng xã hội cũng cho biết là một nhà hoạt động bị cầm tù khác, là Đoàn Huy Chương cũng sắp mãn hạn tù.
Từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ của ông Đoàn Huy Chương cho VOA biết chồng của bà sẽ được ra tù vào 7 giờ sáng ngày 13/2:
“Hôm 29 Tết em có đi thăm ảnh. Ảnh kêu tới ngày ảnh ra (13/2) thì lên đón ảnh từ trai giam K2 Xuân Lộc, Đồng Nai. 7 giờ sáng là ảnh ra rồi.”
Bà nói bà rất trông mong ngày chồng được phóng thích, về lại với gia đình:
“Em rất trông đến ngày ảnh ra. Em mừng lắm. Em trông ảnh ra để ảnh mần phụ nuôi hai đứa nhỏ, một mình em lo khổ lắm.
Nhờ có ông bà ngoại đùm bọc. Thằng con trai của em học lớp 9, con gái em học lớp 7. Ở quê em làm mức lương thấp lắm, không đủ cho hai đứa con em đi học.”
Những tin tức quốc tế xoay quanh các vụ bắt bớ các nhà hoạt động, đàn áp giới bất đồng ở Việt Nam thường xuyên bị chính quyền chỉ trích là đưa thông tin sai lệch và “thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.
EU, Mỹ lên tiếng việc Việt Nam bắt giới hoạt động
Quá trình hoạt động
Vào năm 2008, Đoàn Huy Chương, sinh năm 1985, cùng Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng thành lập phong trào Lao động Việt, để hỗ trợ cho các công nhân tranh đấu cho quyền của người lao động tại Việt Nam.
Vào tháng 10, năm 2010, ông Chương, bà Hạnh và ông Hùng bị xét xử về tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cả 3 người được cho là đã phát tờ rơi và tham gia tổ chức cuộc đình công đòi tăng lương tại công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh.
Ông Chương và bà Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng bà Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay ông Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.
Trước đó, ông Chương bị kết tội là thành lập “Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam” năm 2006, và rồi bị bắt tháng 11, 2006 và bị xử 18 tháng tù.
Ông được thả năm 2008.
Bà Bùi Thị Minh Hằng là nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến từ năm 2011, khi bà tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa - Trường Sa.
Kể từ đó, bà trở thành mục tiêu thường xuyên bị hành hung, bắt bớ và giam cầm.
Vào tháng 8 năm 2014, tòa án tỉnh Đồng Tháp tuyên án bà Hằng 3 năm tù giam với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật hình sự.
Bà Hằng bị đưa ra xét xử cùng với hai người khác là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, cả hai bị tuyên án theo thứ tự là 2,5 năm tù và 2 năm tù.
Ông Minh và bà Quỳnh đã mãn án tù. Cả 3 bị bắt vào ngày 11/2/2014 vì bị quy tội “gây cản trở giao thông nghiêm trọng.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng trước và sau 5 tháng tù đầu tiên.
Năm 2014, trong một chuyến đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Đồng Tháp để thăm các nhà hoạt động khác bị công an sách nhiễu và câu lưu, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh cùng đi với một nhóm 21 nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo, đã bị công an chặn xe với lý do là “vi phạm giao thông”, rồi bị một nhóm côn đồ mặc thường phục hành hung.
Sau đó công an bắt cả nhóm, nhưng chỉ truy tố 3 người vừa nêu.
Ngay sau phiên xét xử bà Hằng, bà Quỳnh và ông Minh, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ án này, nói rằng “việc chính quyền Việt Nam sử dụng luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là ‘đáng báo động’.”
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói “Chính quyền Việt Nam giờ còn dùng cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động.
Lẽ ra chính quyền Việt Nam nên nhận thức rằng cách hành xử này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế, và tức thời hủy bỏ những cáo buộc đó.”
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Cassidy và các nhà lập pháp Mỹ từng thúc giục Hà Nội phóng thích cho nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, lúc đó nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng "sẽ bất lợi cho chính họ khi họ bịt miệng những tiếng nói bất đồng như tiếng nói của bà Hằng".
Trong bức thư đề ngày 9/9/2015 gửi đến trại giam Gia Trung, Gia Lai, nơi bà Hằng bị giam cầm, thượng nghị sĩ Cassidy viết: “Dù bị tước quyền tự do và bị buộc phải sống trong điều kiện giam cầm tệ hại, bà vẫn tìm cách động viên những người cùng hoạt động xã hội với mình. Tôi xin vinh danh lòng can đảm và sự mạnh mẽ của bà”.
Nhà chức trách Việt Nam từng ra lệnh quản chế không cần xét xử và đưa bà Hằng tới Cơ sở Giáo dục Thanh Hà ở tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2011, chỉ vì bà tham gia biểu tình ôn hòa chống chính sách bá quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà được trả tự do vào tháng 4 năm sau, do làn sóng phản đối dữ dội từ trong nước và của quốc tế.
Việt Nam - nhân quyến - tù giam - vu khống - bất đồng - bịt miệng
voa
Tin mới
- Rumani : Bộ trưởng Tư Pháp từ chức sau các đợt biểu tình - 10/02/2017 21:11
- Nga “chia buồn” với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ oanh kích nhầm tại Syria - 10/02/2017 20:27
- Miến Điện : Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền lợi người dân - 10/02/2017 19:21
- Máy bay Mỹ và Trung Quốc đối mặt nhau « không an toàn » ở Biển Đông - 10/02/2017 19:01
- Shinzo Abe tạo cơ hội cho Donald Trump hạ nhiệt - 10/02/2017 17:46
- Tổng thống Mỹ công nhận nguyên tắc “một nước Trung Hoa” - 10/02/2017 17:20
- Thượng đỉnh Abe-Trump: Nhật lo ngại Mỹ giảm cam kết tại châu Á - 10/02/2017 16:48
- Cử tri Mỹ tin tưởng chính phủ Trump hơn giới truyền thông - 10/02/2017 02:13
- Orange County tuyên bố chấm dứt tình trạng thiếu nước khẩn cấp - 10/02/2017 01:43
- Bão tuyết rầm rộ kéo tới vùng Đông Bắc Mỹ - 10/02/2017 01:36
Các tin khác
- MỘT CHIẾC QUAN TÀI… ĐẦY YÊU THƯƠNG!! - 10/02/2017 00:59
- Giáo sư Đại học Mỹ : Nội các của Trump ưu việt nhất kể từ sau thời Abraham Lincoln - 10/02/2017 00:41
- Mỹ: Thái độ khinh miệt thẩm phán của ông Trump dấy lên bất bình - 09/02/2017 23:15
- Chiến sự vẫn ác liệt ở miền Đông Ukraina - 09/02/2017 23:06
- Nga: Nhà đối lập Alexeï Navalny bị kết án 5 năm tù treo - 09/02/2017 22:38
- Hạ Viện Anh thông qua dự luật về Brexit - 09/02/2017 22:30
- Hàn Quốc : ‘‘Danh sách đen’’, công cụ kiểm duyệt văn hóa - 09/02/2017 21:54
- THAAD tiếp tục khuấy động quan hệ kinh tế Trung-Hàn - 09/02/2017 21:28
- Miến Điện: Biểu tình phản đối viện trợ của Malaysia cho người Rohingya - 09/02/2017 21:17
- Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ rất cứng rắn đối với Trung Quốc ? - 09/02/2017 21:09