Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Panama Papers : Cách Hồng Kông giúp tẩu tán tiền từ Trung Quốc

hongkong-economy-trade

Vịnh Victoria nhìn từ trên cao Hồng Kông.
REUTERS/Bobby Yip

Hồng Kông thị trường tài chính quốc tế, nhưng nằm dưới trướng Trung Quốc đã đóng một vai trò to lớn trong việc chuyển tiền từ Hoa Lục ra nước ngoài.

Các tiết lộ trong vụ Panama Papers cho thấy là có đến 16.300 công ty offshore đã được công ty luật Mossack Fonseca dựng lên cho các khách hàng tại 8 chi nhánh của công ty này đặt ở Trung Quốc và Hồng Kông, tương đương với 29% tổng số các công ty offshore mà Mossack Fonseca đã thành lập.

Số liệu trên cho thấy là một số người giàu có ở Trung Quốc sẵn sàng đi rất xa để cất giấu tài sản của họ, cho dù Bắc Kinh có một hệ thống kiểm soát chặt chẽ.
Giới chuyên gia giải thích là do kinh tế Trung Quốc hoạt động chậm lại, người giàu có giờ đây chuyển hướng đầu tư ra ngoại quốc.

 Thị trường địa ốc Trung Quốc suy sụp, cộng thêm với chiến dịch chống tham nhũng, đã khiến cho giới này lo ngại cho vốn liếng, tài sản của họ trong nước, do đó đã tìm cách chuyển tiền của ra nước ngoài.

Hồng Kông, nhờ hệ thống luật lệ thoáng hơn rất nhiều so với Hoa Lục, đã trở thành trục trung tâm của việc tẩu tán tiền bạc dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo các chuyên gia phân tích, một trong những thủ thuật được sử dụng là giả mạo hóa đơn – hạ thấp giá trị hàng xuất khẩu, nâng giá hàng nhập qua ngã Hồng Kông.
 Phần chênh lệch thu được sẽ được chuyển vào các tài khoản offshore.

Ông Andrew Collier, chuyên gia phân tích tại Hồng Kông, giải thích : « Rất nhiều người cho rằng tại Hồng Kông có cả một hệ thống làm hóa đơn giả cho các mặt hàng được giao dịch giữa Trung Quốc và Hồng Kông, và Hồng Kông được sử dụng như là nơi trung chuyển để tuồn tiền bạc ra ngoại quốc ».

David Webb, một cựu nhân viên ngân hàng, hiện đấu tranh đòi minh bạch hóa các hoạt động tài chánh, cho biết là thị trường chứng khoán Hồng Kông không hoàn toàn minh bạch vì lẽ chính quyền đặc khu này không muốn mất khách hàng Trung Quốc.

Chuyên gia này tố cáo : « Họ đã áp dụng một chính sách ‘không hỏi gì, không nói gì’ vì biết rằng tệ nạn tham nhũng tại Trung Quốc rất nặng nề ».
Họ sợ rằng truy hỏi quá « sẽ ảnh hưởng đến khối lượng kinh doanh của thị trường chứng khoán, và làm mất đi tính hấp dẫn của việc được yết giá tại Hồng Kông ».

Switch mode views: