Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hà Nội đề nghị tạm ngưng mua ống dẫn nước của Trung Quốc

HÀ NỘI (NV) - Ðó là diễn biến mới nhất liên quan đến “Dự án dẫn nước sông Ðà giai đoạn 2” - một dự án nổi tiếng tại Việt Nam vì có rất nhiều tai tiếng.

Ðường ống dẫn nước từ sông Ðà về Hà Nội là một phần quan trọng trong kế hoạch cấp nước cho các vùng đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Ðông,” do Vinaconex - một doanh nghiệp nhà nước - thực hiện.

ongdannuoc-songDa

Sửa chữa đường ống dẫn nước sông Ðà do ống tự vỡ. (Hình: Tuổi Trẻ)

 

Theo đó, Vinaconex sẽ thu nước từ bề mặt sông Ðà, lọc, đưa vào bể rồi dẫn 220 ngàn mét khối nước/ngày, qua 47.5 cây số về Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Ðông.

Vinaconex bắt đầu cung cấp nước cho dân chúng Hà Nội từ giữa năm 2008 và từ đầu năm 2012 đến nay đường ống dẫn nước đã vỡ khoảng... 15 lần.

 Mỗi lần đường ống này vỡ, tại Hà Nội có chừng... vài trăm ngàn gia đình không có cả nước để ăn uống, chứ đừng mơ tới tắm, giặt.

Lúc đầu, mỗi khi đường ống dẫn nước từ sông Ðà về Hà Nội bị vỡ, Vinaconex lại biện bạch nguyên nhân khiến ống vỡ là vì địa chất yếu.

Sau lần vỡ thứ năm, một số chuyên gia tiết lộ, loại ống mà Vinaconex sử dụng để dẫn nước sông Ðà từ tỉnh Hòa Bình về Hà Nội làm bằng composite.
Không có quốc gia nào dùng ống composite để dẫn nước sạch.

Tại Nam Hàn và, Nhật, ống composite chỉ được sử dụng để làm... ống cống thoát nước thải.

Trước sự phẫn nộ của dân chúng Hà Nội, đặc biệt là những người cư trú tại các quận: Thanh Xuân, Hà Ðông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, giữa năm 2014, đại diện của Vinaconex lên tiếng trấn an rằng, tổng công ty nhà nước này “sẽ” xây dựng một đường ống dẫn nước mới, chạy song song với đường ống dẫn nước cũ và gọi đây là “Dự án dẫn nước sông Ðà giai đoạn 2.”

Khoảng 5,000 tỉ cho “Dự án dẫn nước sông Ðà giai đoạn 1” đã thành giấy lộn.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục xuất ngân sách và hỏi vay ngoại quốc cho Vinaconex thực hiện “Dự án dẫn nước sông Ðà giai đoạn 2.”

Tháng trước, Vinaconex loan báo đã chọn xong nhà thầu cung cấp ống gang dẻo cho “Dự án dẫn nước sông Ðà giai đoạn 2.”

Thay vì vui mừng vì sắp có nguồn nước ổn định, dân chúng Hà Nội lại sôi lên vì giận khi biết nhà thầu sẽ cung cấp ống gang dẻo, dẫn nước sông Ðà về cho họ dùng là một tập đoàn của Trung Quốc.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, đại diện Vinaconex bảo rằng, có bốn nhà thầu (một của Pháp, một của Ấn và hai của Trung Quốc) muốn cung cấp ống dẫn nước cho “Dự án dẫn nước sông Ðà giai đoạn 2.”

 Vinaconex đã “lựa chọn cẩn thận” và thấy tập đoàn Xinxing của Trung Quốc là tốt nhất. Trước lo ngại của công chúng cả về chất lượng ống dẫn nước lẫn mức độ an toàn cho sức khỏe khi sử dụng ống dẫn nước do Trung Quốc sản xuất, đại diện Vinaconex khẳng định, 97% dự án cấp nước tại Việt Nam sử dụng ống gang dẻo và tất cả đều là sản phẩm do Trung Quốc sản xuất nhưng chủ đầu tư không công khai nên dân chúng không biết.

Ngay sau đó, một phó giám đốc của Sở Khoa Học-Công Nghệ Sài Gòn, lập tức khẳng định, thành phố này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ sử dụng ống dẫn nước do Trung Quốc sản xuất.

Dẫu chính quyền thành phố Hà Nội vừa đề nghị tạm ngừng thực hiện việc ký hợp đồng mua ống dẫn nước do Trung Quốc sản xuất nhưng kết quả cuối cùng thì chưa rõ ràng.

Chính quyền Việt Nam từng phải trả nhiều khoản “học phí” rất đắt khi chọn nhà thầu Trung Quốc là phía cung cấp nguyên liệu, vật liệu hay thi công hoặc cả hai, vì việc thực hiện hợp đồng chậm trễ, vì “hố” khi nhà thầu Trung Quốc bỏ giá nhận thầu rất thấp nhưng trong quá trình thực hiện đòi trả thêm,... Tuy nhiên thường thì nhà thầu Trung Quốc vẫn thắng thầu tại Việt Nam.

Những người am tường tình hình Việt Nam tin rằng, lý do chính khiến nhà thầu Trung Quốc vẫn được các viên chức Việt Nam chọn thực hiện các dự án là vì Trung Quốc chưa bao giờ điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự của giới lãnh đạo các doanh nghiệp đã đưa hối lộ ở ngoại quốc và tất nhiên sẽ không bao giờ yêu cầu chính quyền Việt Nam phải điều tra xem có những viên chức nào của Việt Nam đã nhận hối lộ như Hoa Kỳ, Nhật, Úc,... (G.Ð)

Switch mode views: