Việt Nam: Tham luận hối thúc ‘‘cải cách chính trị’’ gây xao động Đại hội XII
- Thứ Hai, 25 tháng Giêng năm 2016 18:48
- Tác Giả: Trọng Thành
Ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Đầu tư.
Ảnh : chính phủ Việt Nam
Trong ngày thứ hai của Đại hội XII của đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 22/01/2016, một bản tham luận được báo chí trong nước và ngoài nước đặc biệt chú ý, trong số hơn 20 diễn văn của các lãnh đạo trung ương và địa phương.
Bài viết của Reuters nhấn mạnh thông điệp chính của tham luận : Đảng hoặc chấp nhận « cải cách » chính trị, hoặc sẽ « đánh mất cơ hội ».
Trên các báo và mạng xã hội tại Việt Nam, có nhiều ý kiến hết lời ca ngợi phát biểu của bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tuy nhiên có bình luận cho rằng chẳng qua tác giả cũng chỉ kêu gọi chính quyền Việt Nam trở lại với « những điều bình thường của thế giới tiến bộ ».
Phát biểu của ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, được báo chí chính thức trong nước đánh giá là « tâm huyết », « thẳng thắn ».
« Yêu cầu Đổi mới đất nước cấp bách hơn bao giờ hết », « Đổi mới hệ thống chính trị là điều kiện để phát triển » và « Đảng cần nghiêm khắc đánh giá lại mình » là những lời trong tham luận được báo chí trong nước lấy làm tít (xem toàn văn tham luận trên trang của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam).
Phần mở đầu tham luận của bộ trưởng Đầu tư Việt Nam nêu ra một so sánh đáng chú ý, nhưng « có lẽ ít ai biết », đó là thu nhập trung bình của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX vượt mức trung bình của thế giới, trong khi đó mức thu nhập hiện nay chưa bằng 1/5 phần năm thế giới.
Vị bộ trưởng Việt Nam khẳng định, cho dù đã có đến 30 năm « đổi mới » « trong hòa bình », tốc độ trỗi dậy của Việt Nam là hết sức chậm so với nhiều quốc gia láng giềng.
Ông Bùi Quang Vinh cảnh báo, để « tránh tụt lại », tránh cho nền « kinh tế trì trệ kéo dài », chính quyền Việt Nam phải chấp nhận đối mặt với một nguyên nhân chủ yếu ngăn cản sự hội nhập và phát triển : Đó là sự ì trệ của hệ thống chính trị.
Ông nói : « (…) bao năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp gần như không thay đổi.
Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách ».
Theo Reuters, bộ trưởng Đầu tư Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh đến « Đổi Mới », một cụm từ thường được dùng để nói về giai đoạn mở cửa của kinh tế Việt Nam kể từ những năm 1980.
Cho dù mức độ hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu là ngày càng mạnh mẽ, nhưng cũng giống như 30 năm mở cửa, thực tế của 5 năm vừa qua cho thấy Việt Nam « đổi mới » về kinh tế, nhưng gần như không « đổi mới » về chính trị, Reuters dẫn lời bộ trưởng Bùi Quang Vinh :
« Thực tế năm năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế, đạt kết quả nhất định. Nhưng đổi mới hệ thống chính trị thì hầu như chưa làm ».
« Việt Nam cần đến một lực lượng lãnh đạo có năng lực, một đảng chính trị hiệu quả hơn và hậu thuẫn (mạnh mẽ hơn) cho khu vực kinh tế tư nhân » là điều chủ yếu mà Reuters rút ra từ các thông điệp của bản tham luận đáng chú ý này.
Tham luận của bộ trưởng Đầu tư Việt Nam kết thúc với nhận định : « để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách » trong « sáu mũi chuyển đổi lớn » được ông nêu lên trước đó.
Chuyển đổi lớn mà ông đặt lên số một là : « xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, với nền kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao ».
Tham luận của bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận được nhiều phản hồi tích cực trên các báo mạng của Nhà nước, cũng như nhiều mạng truyền thông xã hội.
Có người hết lời ca ngợi ông Vinh « nói ra được những gì mà hơn 90 triệu người Việt Nam đang mong đợi».
Có người khẳng định, với kinh nghiệm, tầm nhìn và sự thẳng thắn, ông Bùi Quang Vinh xứng đáng đảm nhiệm một cương vị đứng đầu đất nước.
Bên cạnh đó, cũng không ít người tỏ ra nghi ngờ rằng, trong một thể chế tham nhũng như hiện nay, kêu gọi cải cách nhiệt huyết của ông Vinh chỉ là một ngọn lửa lóe lên rồi tắt ngấm.
Một bình luận khác cho rằng những phát biểu được cho là gây tiếng vang của ông Vinh chẳng qua cũng chỉ là lời kêu gọi chính quyền Việt Nam trở lại với «những điều bình thường của thế giới tiến bộ».
Tin mới
- John Kerry thảo luận nhân quyền và kinh tế với Hun Sen - 26/01/2016 16:43
- Đại hội Đảng cho Thủ tướng Dũng rút khỏi danh sách đề cử - 26/01/2016 13:35
- Biển Đông : Cam Bốt lại tỏ rõ lập trường ủng hộ Trung Quốc - 26/01/2016 13:26
- TT Nguyễn Tấn Dũng không có mặt trong Ban chấp hành trung ương khóa XII - 26/01/2016 07:26
- Suy thoái kinh tế Nga : GDP năm 2015 giảm 3,7 % - 25/01/2016 21:13
- Mỹ đặt căn cứ quân sự tại miền đông bắc Syria - 25/01/2016 21:07
- Ai Cập kỷ niệm 5 năm cách mạng dưới sự kiểm soát an ninh chặt chẽ - 25/01/2016 20:45
- Ấn Độ ký thư ngỏ ý mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp - 25/01/2016 20:37
- Miến Điện : Người thân các sinh viên bị giam lo ngại cho sức khỏe của họ - 25/01/2016 19:33
- Đài Loan xác nhận đã dùng vòi rồng xua đuổi tàu cá Việt Nam - 25/01/2016 19:29
Các tin khác
- Mỹ hứa giúp Lào tháo gỡ bom mìn thời chiến tranh Việt Nam - 25/01/2016 18:07
- Đại hội Đảng 12 : Ông Nguyễn Tấn Dũng không có tên trong danh sách ứng cử - 25/01/2016 17:27
- Rạn nứt nghiêm trọng tại Đại hội Đảng: nỗi sợ hãi của Nguyễn Phú Trọng đã thành hiện thực - 25/01/2016 02:47
- Đại hội 12 vỡ trận, Nguyễn Tấn Dũng nhận đề cử “nhiều nhất” - 25/01/2016 02:30
- Miền Đông Mỹ dọn dẹp sau bão tuyết, giao thông tiếp tục khó khăn - 25/01/2016 01:49
- Ngân hàng Mỹ chống kịch bản « Brexit » - 25/01/2016 01:11
- Pháp Ấn gia tăng hợp tác quốc phòng và kinh tế - 25/01/2016 00:55
- Mỹ- Trung còn bất đồng về Bắc Triều Tiên - 25/01/2016 00:22
- Chủ hiệu sách Hồng Kông mất tích gặp lại vợ tại… Trung Quốc - 24/01/2016 20:09
- Iran-Trung Quốc hướng tới « đối tác chiến lược » - 24/01/2016 19:45