Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Kinh khai mạc Diễn đàn An ninh cạnh tranh với Shangri-La

BO truong quóc phong TQ

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, Bắc Kinh, ngày 16/10/2015.
REUTERS/cnsphoto

Các quan chức quốc phòng và chuyên gia châu Á-Thái Bình Dương họp lại hôm nay 16/10/2015 tại Bắc Kinh trong khuôn khổ một Diễn đàn An ninh kéo dài ba ngày.
Trung Quốc tổ chức diễn đàn này nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

Hội nghị Hương Sơn (Xiangshan, còn gọi là Fragrant Hills) diễn ra trong lúc tình hình đang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh - hai nền kinh tế đồng thời là sức mạnh quân sự lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương - qua vụ Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa thời gian gần đây.

Các quan chức Mỹ cảnh báo có thể gởi các chiến hạm đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo này, thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bắc Kinh đã « kiên quyết phản đối ».

Theo ban tổ chức, Diễn đàn An ninh Hương Sơn lần thứ sáu có sự tham dự của 60 viên chức quốc phòng và 130 nhà nghiên cứu.
Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, cùng với việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) với số vốn hùng hậu nhiều tỉ đô la.

Tờ báo nhà nước China Daily nhận định sự kiện này sẽ giúp Bắc Kinh có « tiếng nói quan trọng hơn », và sẽ tô điểm cho hình ảnh bị coi là "hung hăng" của Bắc Kinh.

Diễn đàn Hương Sơn được coi là có tiềm năng cạnh tranh với « Đối thoại Shangri-La » nổi tiếng lâu nay của Singapore, hàng năm được tổ chức vào mùa xuân, thu hút các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp cũng như các chuyên gia tên tuổi về an ninh.

Trong quá khứ, Diễn đàn Shangri-La là dịp để các quan chức phương Tây vạch mặt tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông - một điều không thể xảy ra trên sân nhà của Trung Quốc.

Hội nghị Hương Sơn diễn ra tiếp theo cuộc gặp không chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, cũng tại thủ đô Trung Quốc.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có các thành viên đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Các tranh chấp đôi khi biến thành đối đầu giữa các tàu của những nước liên quan về khu vực đánh cá hay khai thác tài nguyên.

Việt Nam hôm qua một lần nữa lại tố cáo Trung Quốc đánh đắm tàu của ngư dân Việt tại Hoàng Sa. Philippines thì đã đưa vấn đề ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, khiến Bắc Kinh giận dữ.

AFP dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn nhà nước Indonesia Antara cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu khi gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc bên lề hội nghị, đã đề nghị « tuần tra chung một cách hòa bình » giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Ông Ryacudu nói : « Nếu các nước có lợi ích tại Biển Đông có thể giảm bớt căng thẳng và có thể quản lý được xung đột, thì không cần các đối tác khác tham gia để giải quyết ».

Trong một bản tin khác, AFP cho biết Trung Quốc và Indonesia đã ký kết một hợp đồng xây dựng tuyến tàu cao tốc lên đến 5,5 tỉ đô la, trong đó 75% vốn do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp.

ASEAN từ nhiều năm qua vẫn kêu gọi Trung Quốc thương thảo Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, nhưng Bắc Kinh chỉ đồng ý « tham vấn » chứ không chịu « thương lượng ».
Nhiều Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sau khi dự hội nghị không chính thức, đã ở lại Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Hương Sơn, trong đó có Đại tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam.

Người điều khiển diễn đàn năm nay là Hun Sen, Thủ tướng Cam Bốt vốn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc.
Cam Bốt không nằm trong số các quốc gia yêu sách chủ quyền Biển Đông, và ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh là ASEAN nên đứng ngoài cuộc tranh chấp.
Không có quan chức Mỹ nào có tên trong nghị trình, dù Đô đốc về hưu Gary Roughead cũng sẽ phát biểu cùng với các Bộ trưởng Quốc phòng khác.


Switch mode views: