Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện : Ân Xá Quốc tế lên án các dự luật ''bảo vệ giống nòi và tôn giáo''

Myanamar Monkmanif.net

Biểu tình của sư tăng và nhiều cư dân Miến Điện chống quyền có thẻ cư trú của người Rohingya, Rangoon, 11/02/2015.REUTERS/Soe Zeya Tun


Ngày 17/03/2015, giám đốc Châu Á của Tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty International (AI), Richard Bennett, có bài viết bày tỏ lo ngại về bạo lực tại Miến Điện.

Bài "Buddhist nationalists stoke hatred in Myanmar" (Sư dân tộc chủ nghĩa kích động thù hận tại Miến Điện) được hãng thông tấn Al Jazeera đăng tải, nhấn mạnh đến trường hợp ông Htin Lin Oo.

Đại diện của AI nêu bật các áp lực hiện nay buộc Quốc hội Miến Điện thông qua nhiều dự luật đàn áp nhắm vào các thiểu số tôn giáo, sắc tộc trong khuôn khổ của chủ trương « bảo vệ giống nòi và tôn giáo ».

Hồi cuối năm ngoái, một trích dẫn phát biểu của ông Htin Lin Oo, bị tách khỏi bối cảnh, đã gây ra một làn sóng chỉ trích đầy hận thù, khiến ông bị bắt giữ sau đó.
Ông Htin Lin Oo là một cây viết, nguyên phụ trách truyền thông của đảng đối lập chủ yếu Liến đoàn Quốc gia vì dân chủ.
Hiện tại, ông bị giam tại một nhà tù ở miền trung Miến Điện, sau khi bị cáo buộc tội « làm tổn thương các tình cảm tôn giáo ».

Theo ông Richard Bennett, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhóm cực đoan lợi dụng tôn giáo căm ghét người phụ trách truyền thông đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ.

Trong những năm gần đây, không khí bạo động do thái độ bất khoan dung tôn giáo thường được một số nhóm Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan kích động thêm, mà đối tượng nhắm tới là người theo Hồi giáo.

Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương của AI chỉ trích chính quyền Miến Điện đã có nhiều biện pháp làm ngọn lửa thù hận càng bốc cao hơn, thay vì tháo gỡ các căng thẳng hay xử lý thực sự các vấn đề.

Hiện tại, giới chức Amnesty International cho biết Quốc hội Miến Điện đang thảo luận về một loạt dự luật đàn áp nhắm bảo vệ « giống nòi và tôn giáo ».
Nếu các dự luật này được thông qua, đại diện Ân Xá Quốc tế lo ngại chính quyền sẽ còn rảnh tay hơn nữa trong việc phân biệt đối xử đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, và có thể làm bùng lên các đụng độ mới giữa các sắc tộc.

Giám đốc Châu Á Thái Bình Dương của AI nêu bật vai trò của các nhóm Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan, như các thế lực đứng ở hậu trường đang thúc đẩy cho sự ra đời của các dự luật kỳ thị này.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Điện, Yanghee Lee, hồi tháng 1/2015, trong chuyến công tác Ấn Độ, đã bị một thủ lĩnh Phật giáo cực đoan gọi là « con điếm », chỉ vì bà đã đề cập đến quyền của người Rohingya thiểu số theo đạo Hồi.

Nhiều nhóm cực đoan dân tộc chủ nghĩa thường sử dụng các cáo buộc không có bằng cứ về các bạo lực, kể cả cưỡng dâm, do người Hồi giáo gây ra đối với các phụ nữ theo đạo Phật, để kích động dân chúng.

Trong các dự luật liên quan, nhà bảo vệ nhân quyền của Ân Xá Quốc tế nhận xét, có nhiều quy định xâm phạm nghiêm trọng các quyền con người căn bản, như can thiệp vào việc lựa chọn một tôn giáo, tín ngưỡng, đặt điều kiện cho người đàn ông theo đạo Hồi muốn lập gia đình với một phụ nữ theo đạo Phật, áp đặt các biện pháp hạn chế sinh đẻ đối với các nhóm dân nghèo (vì lo ngại người Hồi giáo có đông con hơn người theo đạo Phật)...

Theo giới chức Ân Xá Quốc tế, dự án « bảo vệ giống nòi và tôn giáo » nói trên của các lực lượng dân tộc cực đoan, thổi bùng thêm kỳ thị, có mục tiêu đánh lạc hướng xã hội Miến Điện hiện nay khỏi những vấn đề hệ trọng của đất nước, từ nạn nghèo đói đến các cải cách chính trị kinh tế quan trọng, trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ đầu tiên đang đến gần.


Switch mode views: