Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bốn năm sau thảm họa, Fukushima vật vã truy quét "kẻ thù vô hình"

TSUNAMI-WIDERIMAGE


Biển rác thải hạt nhân tại xã OkumaREUTERS/Toru Hanai

Bốn năm sau thảm họa Fukushima, các thành phố xung quanh trung tâm khai thác hạt nhân đã khởi động công tác khử nhiễm vất vả, với mục tiêu làm sao cho người dân quay về.

Thế nhưng, việc lưu trữ rác thải hạt nhân đang là bài toán hóc búa và làm kéo dài thêm các thời hạn.

Trong bài viết đề tựa « Fukushima, chuyện những người tẩy nhiễm chất phóng xạ », đặc phái viên Arnaud Vaulerin, của nhật báo Libération có dịp quay lại những vùng bị nhiễm phóng xạ sau tai nạn hạt nhân Fukushima.

Tiếp xúc với những người đi vận động cho công cuộc tẩy nhiễm, tác giả nhận thấy mục tiêu trên của Nhật Bản đề ra khó có thể đạt được trong trung hạn.

Chất thải phóng xạ, « kẻ thù vô hình »

Các con số đưa ra cho thấy mức độ quá đỗi của tình hình khu vực, 4 năm sau thảm họa hạt nhân ngày 11/03/2011. Chỉ riêng tại vùng Tomioka, 5.000 nhân công đã được tuyển dụng cho khoảng 100 doanh nghiệp để truy quét cái gọi là « kẻ thù vô hình ».

Trong vòng có một năm, họ đã thu nhặt được hơn một triệu m3 rác thải hạt nhân. Theo đánh giá của nhật báo, mục tiêu đạt mức 1mmsivert/ năm sẽ khó mà đạt được trong trung hạn. Còn chuyện người dân quay về, thì đó là cả một cuộc đánh vật.

Tại khu vực đỏ Yonomori, hiện chỉ có ¼ số dân trong tổng số 15800 cư dân là còn trụ lại. Nhưng không một ai dám đưa ra ngày dự kiến để khởi động công việc khử nhiễm.

Ông Yoshio Takano, một quan chức địa phương, phụ trách về tái kiến thiết thành phố cho hay : « Mọi người đã quyết định không đụng đến vùng đất nguy hiểm này trong vòng ít nhất là năm năm. Trong hiện tại, duy chỉ có chất thải phóng xạ vẫn còn được tồn kho ở đó ».

Cũng theo vị quan chức này, lịch trình dự kiến để cho người dân có thể trở về sinh sống tại xã Tomioka vào năm 2017 là một điều không thể, do công tác tẩy rửa chỉ mới bắt đầu vào năm 2014.

Theo ông, khó khăn không chỉ đến từ khối lượng công việc đồ sộ và đôi khi cả từ phía hành chính.

Phải làm sao thuyết phục được Bộ Môi trường hiểu rằng nên nạo vét một lớp khá dày đất ô nhiễm chứ không chỉ ở mức 5 cm như Bộ đưa ra.

Trên các con lộ cũng vậy, không chỉ xử lý các mặt đường, các hố đất và sườn dốc cũng phải được tẩy rửa. Vì theo ông, đây là những điểm tập trung cao các chất phóng xạ.

Đối với ông Yoshio Takano, việc phối hợp với Bộ Môi trường chuyên trách khử nhiễm trong các thành phố bị ảnh hưởng đòi hỏi cả một sự bền bỉ và một nghệ thuật thuyết phục, sao cho công tác tẩy nhiễm được thực hiện một cách tối đa nhất.

75000 điểm lưu trữ tạm thời

Một khi công việc tẩy rửa được khởi động, thì phải nghĩ đến thực hiện công việc này lần hai, rồi sau đó phải tìm nơi chứa hàng tấn rác thải phóng xạ tích tụ trong bao nhựa màu xanh dương.

Theo quan sát của nhật báo, cả một chiều dài khoảng 40 km, người ta có cảm giác như nhìn thấy một đại dương túi chất thải và vải bạt nằm dọc theo vùng duyên hải lân cận với trung tâm hạt nhân Fukushima Daichi.

Từ đây cho đến năm 2018, một phần chất thải đó phải được thiêu hủy trong các lò hỏa táng như Tomioka và Namie, cách trung tâm hạt nhân 10 km về phía bắc.

Còn những túi chất thải nào vượt quá mức 100 ngàn becquerels/kg phải được gởi đến những điểm lưu trữ mới được xây dựng ở xã Futaba và Okuma. 

Để có thể được lưu trữ tại hai điểm này, chính quyền trung ương phải mất nhiều tháng thương lượng với chính quyền địa phương để được phép lưu trữ hàng ngàn tấn rác thải phóng xạ trong vòng 30 năm.

Nhưng với 16 km² cần thiết, chính phủ chỉ có được có 6 ha (tức 0,4% tổng diện tích). Thậm chí nơi chứa chất thải phóng xạ Futaba-Okuba vẫn chưa mở cửa mà đã thông báo đầy.

Một điều tra do hãng truyền hình Nhà nước NHK cho biết điểm này chỉ chứa được có 10% tổng lượng rác thải tích tụ và được phân rải tại 75.000 điểm chứa tạm thời. Như vậy là Futaba và Okuma sắp trở thành những vật hy sinh lớn cho thảm họa hạt nhân Fukushima.

Tại Namie, cách Fukushima có 5 km về phía bắc, tình trạng thiếu điểm chứa chất thải phóng xạ nghiêm trọng đến mức chính phủ phải thương lượng với các chủ sở hữu để thuê đất.

Một công việc không mấy dễ dàng, theo như nhận xét của ông Takayuki Nakano, một kỹ thuật viên tham gia vào công tác tẩy nhiễm.

Người dân dễ dàng nổi nóng vì chưa quên được những mất mát mà họ phải hứng chịu sau tai nạn sóng thần. Họ e ngại việc chứa tạm chất phóng xạ có nguy cơ trở thành vĩnh viễn.

Theo ông Takashi Sugawara, phụ trách hội trợ giúp các nạn nhân thảm họa, trong một môi trường như thế, người dân không có ham muốn trở về.

« Ở Hirono, cách Frukushima đến 30 km và ít bị nhiễm xạ nhất mà chỉ có 1/3 người dân chịu trở về, huống chi là Tomioka bị nhiễm nặng nhất, bị tàn phá nhiều nhất, thậm chí từng là khu vực cấm, thì làm sao khuyến khích họ về được », ông nói.

Một điều tra thăm dò do ông Takayuki Nakano thực hiện ở vùng Namie cho thấy chưa tới 20% số người được hỏi là có ý muốn trở về.


Switch mode views: