Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Dự trù ngân sách 2016 của Tổng thống Mỹ ưu tiên tầng lớp trung lưu

USA-BUDGET 2016



Dự thảo ngân sách 2016 của Tổng thống Mỹ, Nghị viện Hoa Kỳ, Washington, 02/02/2015.REUTERS/Jonathan Ernst

Sáng hôm nay, 02/02/2015, Tổng thống Barack Obama chuyển sang Hạ viện Hoa Kỳ bản dự trù ngân sách 2016, với 3.990 tỷ đô la. Bản dự trù được đánh giá mang lại nhiều cải cách có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.

Theo các nhà quan sát, dự án của Tổng thống Mỹ sẽ vấp phải các cản trở quyết liệt tại Lưỡng viện Hoa Kỳ do phe Cộng hòa kiểm soát.

Trong dự trù ngân sách 2016 (được áp dụng cho giai đoạn kể từ tháng 10/2015), Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định nhiều ưu tiên, vốn là những sáng kiến ông đưa ra trong kỳ tranh cử Tổng thống, như đánh thuế cao hơn đối với các doanh nghiệp và những người Mỹ khá giả để giúp đỡ tầng lớp trung lưu.

 Cụ thể là mức thuế tối đa đối với lợi tức từ vốn và đầu tư sẽ tăng từ 23,8% lên 28%.

Ngân sách năm tới dự kiến lập một ngân hàng có mục tiêu tài trợ cho các cơ sở hạ tầng, trong đó 6% số vốn sẽ được dành cho hoạt động nghiên cứu-phát triển và việc hợp nhất một số cơ quan chính phủ vốn bị nhiều chỉ trích.

 Dự thảo ngân sách mới cũng dành 14 tỷ đô la cho việc tăng cường an ninh mạng và 7,4 tỷ cho năng lượng tái tạo.

Hành pháp Mỹ cũng dự định xóa bỏ việc “cắt bỏ ngân sách tự động”, có hiệu lực từ 2013, với việc tăng chi thêm 74 tỷ đô la cho việc xây dựng các hạ tầng cơ sở và quốc phòng, tức tăng 7%, so với mức trần do Hạ viện ấn định từ năm 2011.

Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong 6 năm của Tổng thống Mỹ có trị giá tổng cộng 478 tỷ đô la.

Một khoản thuế đặc biệt 14% nhắm vào các khoản lợi nhuận được các doanh nghiệp của Hoa Kỳ ở ngoài lãnh thổ giữ lại.
Khoản thuế ước tính mang lại 238 tỷ đô la sẽ đóng góp một phần cho chương trình xây dựng các cơ sở hạ tầng nói trên.

Đây là một điểm mới trong chính sách của nước Mỹ, vì theo luật hiện hành, lời lãi của doanh nghiệp Mỹ ở ngoài nước sẽ chỉ chịu thuế liên bang, một khi trở về Hoa Kỳ.
Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp đưa cơ sở ra nước ngoài để tránh thuế.

Trong bài phát biểu trong kỳ nghỉ cuối tuần, Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng các biện pháp mới sẽ cho phép tăng trưởng tiếp tục và tạo việc làm “với nhịp độ nhanh nhất kể từ thập niên 1990”.

Năm 2015 này, hành pháp Mỹ đặt hy vọng tăng trưởng ở mức 3,1% và thất nghiệp giảm từ 5,6% còn 5,4%.

Trong số các khoản chi tăng chủ yếu, có chi phí dành cho quân sự, với 585 tỷ đô la, tăng 38 tỷ so với năm ngoái, trong đó gần 51 tỷ cho Afghanistan và các hoạt động quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Cận Đông.

Tăng chi trong một số lĩnh vực nhắm chấn hưng kinh tế, dự kiến ngân sách năm tới của Tổng thống Mỹ cũng giữ thâm hụt ở mức 2,5 % GDP, tức 474 tỷ đô la.

Nếu như một số đề xuất của Tổng thống, như cải cách thuế hay đầu tư hạ tầng được nhiều nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, thì nhiều kế hoạch khác của Obama – được công bố trong những tuần gần đây - có rất nhiều khả năng sẽ bị đảng Cộng hòa bác bỏ thẳng thừng.

Theo bà Neera Tanden, chủ tịch Center for Americain Progress – một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Nhà Trắng -, việc trình ra một dự án ngân sách như vậy là một cơ hội để Obama “so sánh quan điểm của ông với cách tiếp cận của Hạ viện do phe Cộng hòa kiểm soát.

Một tiếp cận có xu hướng gia tăng các bất bình đẳng, thờ ơ với tầng lớp trung lưu và chồng chất các gánh nặng lên những ai muốn vươn lên gia nhập vào nhóm này”.

Đề cao trước hết chính sách kinh tế có lợi cho tầng lớp trung lưu (middle class economics), Tổng thống Mỹ tìm cách đặt các đối thủ Cộng hòa trong tư thế phòng ngự, đúng vào thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đang tới.

Bà Hillary Clinton hy vọng kế tục ông Obama, giữ lại Nhà Trắng trong tay đảng Dân chủ.


Switch mode views: