Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông giải tán thêm một tụ điểm biểu tình

HONGKONG- batbieutinh



Cảnh sát giải tán phong trào chiếm đóng Hồng Kông tại khu Mongkok. Ảnh ngày 25/11/2014Reuters

Sáng ngày, 25/11/2014, chính quyền Hồng Kông tiếp tục chiến dịch giải tỏa biểu tình tại Mongkok.
Đây là một trong các điểm tập hợp chủ yếu của phong trào dân chủ đòi quyền bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu.

Phong trào xuống đường ở Hồng Kông đã diễn ra từ cuối tháng 9/2014.

Khoảng 10 giờ 30 phút giờ địa phương, công nhân bắt đầu dỡ bỏ các hàng rào do sinh viên dựng lên tại Mongkok. Mongkok – nằm trên phần lục địa của đặc khu Hồng Kông – là một trong ba điểm biểu tình chính của phong trào đòi dân chủ.

Hai địa điểm còn lại là Admilralty, nơi có trụ sở chính quyền, và vịnh Causeway, một khu phố thương mại sang trọng mà người Hoa lục khá giả thường tới mua sắm.
Giống như cuộc giải tỏa tại Admilralty hồi tuần trước, tư pháp Hồng Kông công bố lệnh trục xuất trước khi triển khai chiến dịch.
Hàng chục nhân viên thi hành án có mặt tại đây, cùng với hơn một trăm cảnh sát. Khoảng 200 người biểu tình và rất nhiều phóng viên chứng kiến cảnh giải tỏa sáng nay.
Ông Ng Pun-tuk, một người biểu tình 78 tuổi, tuyên bố « một nghìn năm, mới có một cơ hội duy nhất để đòi dân chủ », ông « sẵn sàng đi tù », chứ « không rời vị trí ».
Theo báo chí địa phương, hoạt động giải tỏa sẽ tiếp tục mở rộng sang một số khu vực cố thủ khác của người biểu tình tại Mongkok.

Kể từ khi bùng nổ phong trào phản kháng với cả trăm nghìn người tham gia, Mongkok là nơi diễn ra nhiều đụng độ dữ dội giữa người biểu tình, cảnh sát, người dân tức giận phản đối biểu tình và một số phần tử bị nghi ngờ là thủ hạ của hội Tam Hoàng, một tổ chức mafia Trung Quốc.

Với phong trào chiếm lĩnh trung tâm nói trên, Hồng Kông – thuộc địa cũ của Anh Quốc – vừa trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất, kể từ khi vùng đất này trở về dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh năm 1997.
Sau nhiều tuần phong tỏa đường phố để gây áp lực lên chính quyền, phong trào đòi dân chủ đã sụt giảm đáng kể về số lượng.

 Theo một thăm dò dư luận, được Reuters công bố ngày 17/11/2014, có đến hai phần ba trong số 7 triệu cư dân Hồng Kông muốn chấm dứt phong trào chiếm lĩnh đường phố, một phần do mệt mỏi vì giao thông tắc nghẽn.

Về nguyên tắc, Bắc Kinh chấp nhận việc các công dân Hồng Kông bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu hành chính này, nhưng mặt khác, lại dành quyền tuyển chọn các ứng cử viên cho một ủy ban đặc biệt, mà đa số các thành viên là những người thân cận với chính quyền trung ương.

Đây là điều kiện mà những người tranh đấu cho dân chủ Hồng Kông không chấp nhận và chính là lý do bùng nổ cuộc phản kháng chưa từng có nói trên.

Theo tin giờ chót từ AFP, vào cuối ngày hôm nay, tổng cộng khoảng 80 người biểu tình bị câu lưu, trong đó có một thiếu niên 14 tuổi.
Thoạt tiên cảnh sát thông báo, có 32 người bị bắt, trong đó có nghị sĩ đối lập, nhà tranh đấu dân chủ Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung).

Cũng hôm nay, trong thời gian chính quyền giải tán khu biểu Mongkok, nhân vật số hai trong chính quyền Hồng Kông, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), tuyên bố “cảnh cửa đàm phán” với Liên đoàn sinh viên Hồng Kông “vẫn chưa hoàn toàn khép lại”.

Trên thực tế, cho đến nay, giữa chính quyền Hồng Kông với sinh viên – chủ lực của phong trào đòi bầu cử dân chủ - mới chỉ có một cuộc đối thoại duy nhất, mà không đi đến một kết quả cụ thể nào.

Switch mode views: