Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Pháp trước cơ may cuối cùng

FRANCE-POLITICS-GOVERNMENT

Cựu bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg bất đồng với chính sách của Thủ tướng Manuel Valls - REUTERS /Charles Platiau


Thủ tướng Pháp Manuel Valls phải thông báo danh sách nội các mới trong ngày hôm nay 26/08 sau khi bất ngờ thông báo từ chức.

Đây là chính phủ thứ tư của Tổng thống François Hollande trong vòng 27 tháng trong bối cảnh kinh tế buồn thảm, nội bộ liên minh cánh tả và đảng Xã Hội chia rẽ, uy tín Tổng thống xuống thấp.

Mục tiêu của Tổng thống Pháp là thành lập thật nhanh một chính phủ mới với thành phần bộ trưởng đồng nhất, cùng chủ trương hay chấp nhận đường lối kinh tế khắc khổ, tăng thu giảm chi để giới hạn nợ công, kềm chế tỷ số thâm hụt ngân sách không được quá 3% mỗi năm theo quy định chung của Châu Âu.

Do vậy, nội các mới phải không có bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg và bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon mà vào cuối tuần qua, đồng kêu gọi « đổi hướng », công khai phản đối mạnh mẽ đường lối của Thủ tướng và Tổng thống.

Sở dĩ cặp lãnh đạo hành pháp phải quyết định dứt khoát như vậy là vì tình thế rất khẩn trương.
 Trong năm tháng qua, đảng Xã hội đã bị hai thất bại nặng nề : bầu chính quyền địa phương và bầu dân biểu Nghị viện châu Âu.

Chính phủ Manuel Valls được thành lập cách nay 5 tháng là nhờ có sự ủng hộ triệt để của hai ông Arnaud Montebourg và Benoit Hamon, thuộc loại cột trụ của đảng Xã Hội.

 Nội các này được chính tân Thủ tướng trình bày là chính phủ « đồng nhất, chiến đấu » thay thế chính phủ Jean Marc Arault bị xem là thiếu chuyên nghiệp, thiếu quyết tâm tiến hành cải cách đớn đau.

Thế mà cuối tuần qua, với tư cách là bộ trưởng Kinh tế, ông Arnaud Montebourg nhận định « giảm bớt thâm thủng ngân sách một cách trói buộc là sai lầm kinh tế, phi lý tài chính và một thảm họa chính trị ».
 Tiếp tục đường hướng này, theo ông, sẽ đưa nước Pháp vào tay phe cực đoan.

Còn đồng sự Benoit Hamon thì nhẹ nhàng hơn nhưng sắt bén không kém với lời tuyên bố « quan điểm không xa mấy với nhóm dân biểu cằn nhằn trong đảng ».

Theo « hai bộ trưởng phá đám » này thì lập luận đánh động công luận của họ rất hữu ích trong bối cảnh tình hình nước Pháp ảm đạm, người dân xuống tinh thần, tăng trưởng kinh tế gần như số 0, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong khi đó thì toàn cảnh kinh tế Liên Hiệp Châu Âu cũng giẫm chân tại chỗ.

Tuy nhiên, Tổng thống và Thủ tướng Pháp không chia sẻ lập luận « ly khai này » trong giờ phút bất trắc này vì nó đe dọa trực tiếp quyền lực của hành pháp.

Theo phân tích của Le Monde, nhật báo có ảnh hưởng mạnh tại Pháp thì quyền lực của François Hollande và Manuel Valls sẽ bị lung lay nếu như trong chính phủ có hai tiếng nói trái ngược nhau.

Mới đây, ngày 21/08, đích thân Tổng thống Pháp viết một bài tham luận dài trên Le Monde với lời cam kết sắt thép « đường hướng kinh tế, ngân sách sẽ được duy trì và hơn thế nữa sẽ được tăng tốc thực hiện ».

Nếu để cho những nhân vật đại diện cho xu hướng chống đối có chỗ đứng trong nội các thì chẳng khác nào tạo cho chính phủ hình ảnh con thuyền không định hướng.
Tuy nhiên, hành động chứng tỏ quyền lực được đưa ra trong bối cảnh rất tế nhị : công luận càng ngày càng mất tín nhiệm nơi Tổng thống và Thủ tướng.

Do vậy, đối với cặp lãnh đạo hành pháp Hollande-Valls, hơn bao giờ hết, họ đang đứng trước giờ của sự thật : Sau khi loại hai bộ trưởng có ý kiến khác biệt, liệu chính phủ mới có hội đủ đa số dân biểu tại Quốc hội ủng hộ hay không ?

 Liệu Tổng thống và Thủ tướng còn đủ khả năng thuyết phục hàng ngũ của mình, đúng hơn là những người còn ở lại, chính sách kinh tế và tài chính khắc khổ hiện nay là giải pháp duy nhất ?

Vài giờ tới sẽ có giải đáp. Nhưng dù câu trả lời như thế nào đi nữa thì đây cũng là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Pháp cứu nguy nhiệm kỳ năm năm của ông, kết thúc vào năm 2017.


Switch mode views: