Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tokyo âm thầm chuẩn bị chế tạo chiến đấu cơ 100% Nhật Bản

ATD-X-chiendauco-japan

Tokyo chuẩn bị chế tạo kiểu chiến đấu cơ ATD-X - wikimedia



Sau hàng chục năm bị bó hẹp trong vai trò phụ tá cho Mỹ trong lãnh vực chế tạo chiến đấu cơ, Tokyo đang cân nhắc khả năng tự mình thiết kế một loại máy bay chiến đấu 100% Nhật Bản.

Theo tiết lộ của nhật báo tài chánh Nikkei vào hôm nay, 21/08/2014, từ bốn năm qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã âm thầm xúc tiến một đề án nhằm tạo cơ sở cho việc chế tạo chiến đấu cơ hoàn toàn « made in Japan » một khi kế hoạch được bật đèn xanh.

 Đây là một động thái có thể làm dấy lên quan ngại của Trung Quốc và Hàn Quốc về sự trỗi dậy quân sự của Nhật Bản.

Phải nói là ngay từ thập niên 1980, Tokyo đã từng nghĩ đến việc chế tạo trở lại các loại chiến đấu cơ hoàn toàn của Nhật Bản, điều mà nước này đã làm từ trước Đệ nhị Thế chiến.

Tuy nhiên, mong muốn của Tokyo đã vấp phải sự chống đối của Hoa Kỳ, do đó Nhật Bản đã phải chấp nhận cộng tác với Mỹ để phát triển và sản xuất loại phi cơ F-2.

Tuy nhiên, hợp tác Mỹ-Nhật để chế tạo máy bay F-2 đã chấm dứt từ cách nay hơn hai năm, và hoạt động của những chiếc F-2 cuối cùng dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng năm 2028.

Hiện nay, ngoài loại F-2, không quân Nhật đang sử dụng chiến đấu cơ F-15 của Mỹ - mà Nhật Bản cũng hợp tác với Hoa Kỳ để cùng chế tạo – và loại F-4 được cho là đã lỗi thời và đang trong quá trình được thay thế bằng loại F-15.

Sắp tới đây, Không quân Nhật Bản sẽ được tăng cường bằng loại chiến đấu cơ tàng hinh hiện đại loại F-35, cũng của Mỹ, được đặt hàng từ năm 2011, với những chiếc đầu tiên được giao vào năm 2016.

Đề án chiến đấu cơ tàng hình thế hệ năm

Với truyền thống dân tộc chủ nghĩa sâu đậm, dĩ nhiên là Tokyo không thể nào tự bằng lòng với việc bị lệ thuộc vào nước ngoài – dù đó là đồng minh Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh đó, theo nhật báo Nikkei, cách nay bốn năm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu làm việc trên đề án máy bay tàng hình thế hệ năm, mang tên ATD-X, từ tắt tiếng Anh của Advanced Technology Demonstrator-X (ATD-X), tạm dịch là « Vật thể chứng minh Công nghệ Tiên tiến X ».

Mục tiêu của đề án này là nghiên cứu tính khả thi của một loại khung máy bay nhẹ, cùng với những hệ thống bắn tên lửa gắn liền bên trong.
Vào tháng Giêng năm 2015 tới đây, ATD-X sẽ bắt đầu công việc thử nghiệm các động cơ, còn khung máy bay tàng hình dự kiến sẽ được thử nghiệm vào tháng Tư.

Trong khâu chế tạo loại phi cơ mới này, Bộ Quốc phòng Nhật chủ trương cộng tác với hai tập đoàn dạn dày kinh nghiệm trong lãnh vực chế tạo máy bay như IHI Corporation và nhất là Mitsubishi Heavy Industries - đối tác của Mỹ trong việc sản xuất chiến đấu cơ F-2 và F-15 cho Không quân Nhật – cũng như với nhiều tập đoàn quốc phòng khác.

Theo báo Nikkei, trước mắt, Bộ Quốc phòng hiện đang lên kế hoạch xin ngân sách Nhà nước khoảng 40 tỷ yên (387 triệu đô la) để tiến hành công cuộc thử nghiệm dự trù cho chiếc ATD-X.

Bắc Kinh quan ngại nhưng chỉ nên tự trách mình

Phải chờ đến tài khóa 2018 thì chính quyền Tokyo mới quyết định dứt khoát về đề án chiến đấu cơ hoàn toàn Nhật Bản này, nhưng theo các nhà quan sát, tình hình diễn biến một cách thuận lợi cho giới chức quân sự Nhật Bản nhờ vào các hành động hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, trực tiếp đe dọa Nhật Bản.

Đương nhiên là Bắc Kinh sẽ không hài lòng chút nào với khả năng Tokyo tự mình chế tạo chiến đấu cơ hiện đại.

Trung Quốc luôn luôn chống lại điều mà họ gọi là « Nhật Bản âm thầm tái vũ trang ». Viện lẽ Nhật Bản vẫn chưa thực sự hối lỗi về các tội ác đã gây ra vào nửa đầu thế kỷ 20, Bắc Kinh cho là Tokyo sẽ trở thành nguy hiểm nếu khôi phục được một quân đội đầy đủ.

Nếu trước đây lập luận của Trung Quốc còn lọt tai nhiều nước, nhưng với các hành động bị đánh giá là « khiêu khích » trong thời gian gần đây, nhắm vào hầu như tất cả các láng giềng, từ Nhật Bản, Ấn Độ, cho đến Philippines, Việt Nam, luận điểm của Bắc Kinh không còn sức thuyết phục nữa.


Switch mode views: