Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhiều công ty chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam


HÀ NỘI (NV) .- Một số công ty giày dép hàng đầu thế giới chuyển đơn đặt hàng của họ từ Trung Quốc và Bangladesh sang sản xuất tại Việt Nam, theo bản tin của Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso).
CongtyGiay

Công nhân tại một xưởng sản xuất giày ở Hà Nội. (Hình: STR/AFP/Getty Images)



Nguồn tin nói rằng trong nửa đầu năm 2014, các nhà sản xuất giày dép khổng lồ như Nike, Adidas và Puma đã chuyển các đơn đặt hàng của họ từ Trung Quốc và Bangladesh vào Việt Nam.

 Lý do chính dẫn đến quyết định đó, theo Lefaso là “Gia tăng chi phí lao động và môi trường cũng như hành động công nghiệp mới đây tại Trung Quốc đã khiến một số các thương hiệu quốc tế lựa chọn để di dời một số dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á như Việt Nam.”

Bên cạnh đó, “những tập đoàn túi xách Lancaster và Sequoia Paris cũng chuyển đầu tư vào Việt Nam để tránh rủi ro.
 Timberland và Puma muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng”.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khả năng cung cấp phần lớn nguyên vật liệu cho các hãng sản xuất giày dép và quần áo nên vẫn phụ thuộc vào các nguồn cung cấp ngoại quốc.
Tỉ lệ nội địa hóa là mới chỉ đạt 25%, dù vậy Lefaso nói rằng như thế đã là “cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

Nhờ các đơn đặt hàng gia tăng và do chuyển sản xuất của một số công ty tới Việt Nam, Lefaso nói trong 6 tháng đầu năm 2014 giày dép xuất khẩu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, tăng trưởng 21.54% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 4.85 tỷ USD; riêng trong tháng 6/2014 giá trị xuất khẩu đạt 965 triệu USD (tăng 2.33% so với tháng trước đó và tăng 22.37% so với cùng tháng năm 2013).

Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có kim ngạch xuất khẩu giày dép lớn trên thế giới.
 Tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, nhập khẩu giày dép từ Việt Nam đứng vị trí thứ 2 sau Trung Quốc.

Để có thể đạt được thương vụ cao như vậy, các nhà sản xuất tại Việt Nam cũng đã phải gia tăng nhập cảng nguyên vật liệu.

Theo Lefaso, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày từ các thị trường trên thế giới đạt 1.86 tỷ USD, chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước, tăng 27.51% so với 5 tháng đầu năm ngoái.

Riêng trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày tăng 9.22% so với tháng trước đó và cũng tăng 17.65% so với cùng tháng năm 2013, đạt 460.09 triệu USD.

Nhóm hàng nguyên vật liệu này được nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, riêng tháng 5/2014 kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này tới 149.19 triệu USD, tăng 2.56% so với tháng trước và tăng 15.97% so với tháng 5/2013; đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm từ Trung Quốc lên tới 616.22 triệu USD, chiếm 33.18% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may, da giày của cả nước, tăng 31.74% so với cùng kỳ năm trước, Lefaso nói. (TN)

Switch mode views: