Thỏa thuận Genève không gạt bỏ được đe dọa của Nga đối với Ukraina
- Thứ Hai, 21 tháng Tư năm 2014 20:45
- Tác Giả: Đức Tâm
Các Ngoại trưởng Mỹ, Nga, đại diện ngoại giao Châu Âu và Ukraina trong cuộc họp tại Genève - REUTERS /Alain Grosclaude
Ngày 17/04/2014, lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina, một cuộc họp bốn bên bao gồm Hoa Kỳ, Châu Âu, Nga và chính quyền Kiev đã diễn ra tại Genève.
Điều gây ngạc nhiên là cuộc họp đã ra được một « tuyên bố chung » nhằm làm giảm căng thẳng tại Ukraina, đặc biệt là việc giải giáp các nhóm vũ trang bất hợp pháp và giải tỏa các công sở bị chiếm đóng, chủ yếu ở phía đông Ukraina.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thỏa thuận này rất khó được áp dụng trên thực tế và không loại trừ được mối đe dọa của Nga đối với Ukraina.
Nhiều nhà quan sát tỏ thái độ bi quan.
Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố là không có gì chắc chắn là tình hình sẽ giảm căng thẳng trên thực địa.
Đồng thời, ông cũng cảnh báo là Mỹ và Châu Âu sẽ có các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, nếu tình hình vẫn bế tắc.
Ông Serguei Mikheev, một nhà phân tích độc lập, được AFP trích dẫn, nhận định : « Tất cả các bên ký văn bản đều có thể diễn giải theo hướng có lợi cho mình.
Không có gì bảo đảm là văn bản sẽ được các bên ký kết tôn trọng ».
Vẫn theo chuyên gia này, « Nga đã tham gia các cuộc thảo luận tại Genève bởi vì họ không muốn thấy một cuộc nội chiến tại Ukraina ». Nếu xẩy ra nội chiến, Nga sẽ bị liên lụy.
Ông Viktor Kremeniouk, thuộc Viện Mỹ-Canada ở Matxcơva, đi xa hơn, nhấn mạnh : « Cuộc khủng hoảng Ukraina có thể là ngòi kích nổ cho cuộc khủng hoảng Nga ».
Quả thực là nền kinh tế Nga đang rất mong manh. Tăng trưởng liên tục giảm, và tình hình này trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng Ba, do các biện pháp trừng phạt đầu tiên của phương Tây, sau khi Nga sáp nhập Crimée.
Theo giới phân tích, Nga cũng cố gắng tìm kiếm một số đồng thuận với phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraina, để tránh phải hứng chịu các trừng phạt mới.
Bà Maria Lipman, đại diện của Trung tâm Carnegie, tại Matxcơva nhận định, với thỏa thuận ở Genève, phương Tây có thể nói rằng đã có những tiến bộ và do vậy, vấn đề trừng phạt thêm Nga không được đặt ra nữa.
Vì lợi ích của mình, Nga tìm cách tránh các trừng phạt khiêm khắc đối với nền kinh tế.
Thế nhưng, thỏa thuận ở Genève không gạt bỏ được mối đe dọa tình hình tiếp tục leo thang, không có tính ràng buộc và theo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, gần 40 ngàn binh sĩ Nga vẫn tập trung sát biên giới Ukraina.
Theo xã luận báo Le Monde, trong hồ sơ Ukraina, Nga đã áp đặt được quan điểm của mình, qua việc kết hợp sự phũ phàng, vũ lực kiểu thời Liên Xô với kỹ năng ngoại giao : Sáp nhập Crimée và ký thỏa thuận tại Genève.
Thậm chí, các nhà bình luận cho rằng thỏa thuận Genève là một thắng lợi chính trị của Tổng thống Vladimir Putin.
Điều an ủi đối với phương Tây là Matxcơva ngầm thừa nhận chính quyền ở Kiev qua việc Nga đồng ý tham gia đàm phán bốn bên và Ngoại trưởng Sergei Lavrov cùng ký tuyên bố chung với đại diện Mỹ, Châu Âu và Ukraina.
Thế nhưng, văn bản này không hề có một từ ngữ nào nhắc đến Crimée, có nghĩa là việc sáp nhập bán đảo này đã được các bên liên quan thừa nhận.
Thỏa thuận Genève nói đến việc tổ chức « đối thoại toàn quốc » tại Ukraina, để bảo đảm các quyền của công dân nước này.
Cụm từ trên thực chất có nghĩa là các vùng phía đông Ukraina cần phải được hưởng quyền tự trị rộng lớn.
Qua việc sáp nhập Crimée và gây mất ổn định ở phía đông Ukraina, ông Putin có ý định thiết lập hệ thống chư hầu và ông không hề dấu diếm ý định của mình, trong bài phát biểu ngày 17/04 vừa qua, cùng ngày với cuộc gặp bốn bên tại Genève :
« Dưới thời các Sa Hoàng Nga, Kharkov, Lugansk, Donetsk, Odessa không thuộc Ukraina. Có trời mới biết là các vùng này được chuyển giao (cho Ukraina) vào năm 1920 ».
Nguyên thủ Nga còn nhắc lại ông vẫn có quyền can thiệp quân sự, khi cần.
Báo Le Monde nhấn mạnh, một trong những ý đồ chiến lược của Tổng thống Putin là tái lập vùng ảnh hưởng xung quanh nước Nga.
Những quốc gia nào muốn thoát ra khỏi vùng này sẽ phải trả giá đắt. Và đây là một trong những điểm mà thỏa thuận Genève ghi nhận.