Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hy Lạp chính thức làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu

Samaras- Barroso




Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (P) bên cạnh Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso trong buổi Hy Lạp chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, Athens, 08/01/2014.
REUTERS/Aris Messinis/Pool


Nhân một buổi lễ tại thủ đô Athens vào hôm nay 08/11/2014, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo châu Âu, Hy Lạp đã chính thức nhận chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong một nhiệm kỳ 6 tháng.

 Đây là một sự kiện đầy tính biểu tượng, vì Hy Lạp là nguồn gốc gây nên cuộc khủng hoảng ở châu Âu cách nay bốn năm, nhưng nay đang có dấu hiệu phục hồi.

Việc Hy Lạp nắm quyền điều hành châu Âu lại càng có ý nghĩa hơn vào lúc Liên Hiệp Châu Âu sắp bầu lại Nghị Viện của mình.

Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, Ngoại trưởng Hy Lạp Evangelos Venizelos đã nêu bật ý nghĩa này khi xác định : « Đây là một trách nhiệm lớn đối với Hy Lạp khi lên giữ chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu vào thời điểm sẽ diễn ra cuộc bầu cử (Nghị viện Châu Âu) vào tháng Năm ».

Hai lãnh đạo cao cấp nhất của Châu Âu là Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso, cùng với 28 ủy viên châu Âu, đều đã đến Athens dự lễ và sẽ tiếp xúc với chính phủ Hy Lạp.

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã được áp dụng để bảo đảm trật tự.
Tại một nước thường xuyên bị các cuộc biểu tình chống chính phủ khuấy động trong thời gian qua, mọi cuộc tập hợp đều bị cấm tại khu vực trung tâm thành phố, trong lúc xe cộ bị cấm đi vào khu này vào chiều nay.

Chuyến thăm của toàn bộ giàn lãnh đạo châu Âu tại Hy Lạp rất nhạy cảm tại một đất nước là tâm chấn của cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, và đã từng buộc người dân phải thắt lưng buộc bụng, hy sinh nặng nề, để đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Liên Hiệp Châu Âu và quốc tế.

Đối với Hy Lạp, thách thức của nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu là làm sao để trở thành một quốc gia « như mọi nước khác » chứ không phải là một nước bị đe dọa trục xuất khỏi khối Euro, phải ngửa tay đi xin trợ giúp tài chánh.

 Thủ tướng Hy Lạp, trong phát biểu đầu năm, đã hứa rằng năm 2014 sẽ đánh dấu sự kết thúc của kế hoạch hỗ trợ tài chính do Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thiết lập từ năm 2010 để cứu giúp Hy Lạp.

Năm nay cũng được cho là năm Hy Lạp tăng trưởng trở lại sau sáu năm suy thoái kinh tế.
 Theo dự báo của chính phủ và Ủy ban Châu Âu, năm nay Hy Lạp sẽ tăng trưởng khoảng 0,6%, một tỷ lệ dù khiêm tốn, nhưng cũng là số dương.

Đối với giới lãnh đạo châu Âu, chuyến ghé Hy Lạp lần này là cơ hội để Bruxelles nhắc lại rằng những dự báo đen tối nhất của nhiều người về thảm họa đến từ Hy Lạp đều đã sai, và những hy sinh của người dân Hy Lạp không phải là vô ích.

Điều này rất cần thiết trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu cần phải kháng lại tâm lý hoài nghi châu Âu đang lan tràn ở châu Âu, có nguy cơ tác động đến kết quả cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu sắp tới đây.


Switch mode views: