Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 01-01-2014

 Thế giới 2014 : Rủi ro kinh tế cao ?

FED.net


Ngân hàng Trung ương Mỹ FED
Reuters

Năm 2014 sẽ ra sao, có tươi tốt hơn 2013 hay không ? Đây là chủ đề mà các báo, trong số đúp tất niên và tân niên đều tìm hiểu, và đánh giá. Tờ Le Monde trong số ghi ngày 01-02/01/2014 nhìn thấy một bối cảnh không mấy thuận lợi trong hàng tít lớn mở đầu bản tin : « 2014, một năm đầy rủi ro tài chính ».

Le Monde lược qua những yếu tố khiến tờ báo không mấy lạc quan : 5 năm sau khủng hoảng tài chính lớn trên thế giới (2008), các rủi ro vẫn đè nặng lên kinh tế toàn cầu. Các nước phương Tây đang trên đường vực dậy, nhưng tất cả đều sẽ lệ thuộc vào sự lèo lái của Ngân hàng Trung ương Mỹ FED.

Còn các quốc gia đang trỗi dậy trong năm qua 2013, đã bị thất thoát vốn nghiêm trọng, và đang tìm một mô hình phát triển mới. Điều đáng ngại nữa đối với các quốc gia này là công nợ tăng lên một cách nguy hiểm : như tại Trung Quốc, nợ công ở địa phương lên đến mức 1/3 GDP.

Riêng vùng đồng euro, dù thoát ra khỏi suy thoái, nhưng tăng trưởng vẫn còn yếu và nợ thì vẫn tiếp tục tăng lên trong nhiều nước của khu vực.

Ở trang trong Le Monde phân tích chi tiết hơn trong bài tựa đề : « 2014, một năm đầy rủi ro cho kinh tế thế giới ». Le Monde nhận thấy là kinh tế thế giới quả là đã được vực dậy trong giai đoạn từ 2013 chuyển sang 2014, nhưng không đồng đều.

Mỹ và Anh Quốc, thì có vực dậy thật sự, theo đánh giá giới chuyên gia, như phân tích của kinh tế gia Patrick Artus thuộc ngân hàng đầu tư Pháp Natixis : « Đầu tư cao, đơn đặt hàng đầy ắp, việc làm tăng, hoạt động công nghiệp vươn lên. Kinh tế thật sự vực dậy. »

Ngược lại tại vùng đồng euro, tăng trưởng có vẻ ì ạch cho dù tất cả các nước lớn trong khu vực này đều nối lại với tăng trưởng.

Riêng các nước đang trỗi dậy, trong quý 3/2013 vẫn đóng góp gần ¾ vào tăng trưởng của thế giới, hoạt động kinh tế Châu Á đã chống chọi tốt kể từ sự ‘vùng dậy’ của hoạt động kinh tế Trung Quốc vào mùa hè, nhưng tại những nơi khác thì có phần chậm lại. Tuy nhiên, Le Monde cũng cảnh báo nếu kinh tế Nhật Bản tụt hậu trở lại thì sẽ làm cho các nền kinh tế Châu Á yếu đi. Theo tờ báo, tình hình vực dậy khác biệt như trên sẽ còn kéo dài.

Le Monde cũng nêu lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng hối đoái đối với các nước đang trỗi dậy, như Indonesia, vì không có trữ lượng ngoại tệ tốt, hay Ấn Độ vì tăng trưởng yếu, lạm phát cao. Ngân hàng Trung ương Ấn năm tới đây sẽ phải rất chật vật để đối phó.

Trong lãnh vực tài chính, Le Monde cũng nhìn lại các món nợ địa phương Trung Quốc, mối quan ngại triền miền của chính quyền trung ương Bắc Kinh, và cũng nêu bật khó khăn của Trung Quốc trong việc từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, vốn đặt nền tảng trên nợ công không kiểm soát được của các địa phương.

Bài báo nhắc lại thông báo của cơ quan kiểm toán Trung Quốc, theo đó nợ của các địa phương đã tăng 67% trong 3 năm qua. 50.000 nhân viên cơ quan đã đến kiểm tra kế toán của 62.000 đơn vị hành chính các vùng. Cộng thêm với nợ của chính quyền Trung ương, nợ công tại Trung Quốc như thế chiếm khoảng 56,2% GDP của nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Tờ báo cho là kể từ cuộc khủng hoảng 2008, vấn đề nợ các địa phương là vấn đề nan giải của kinh tế Trung Quốc. Chính quyền địa phương vay nợ để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đường xá, nhà ga, cơ quan chính quyền, khu nhà ở sang trọng, cho phép Trung Quốc duy trì tăng trưởng, giữ được công việc làm.

Le Monde trích lời ông Chu Hải Bân (Zhu Haibin), một kinh tế gia ngân hàng JP Morgan ở Trung Quốc, cho là Trung Quốc không đứng trước một vấn đề khả năng chi trả, mức nợ vẫn có thể giải quyết được, nhưng vấn đề là một số địa phương sẽ không có khả năng thanh toán, trả nợ, và chính quyền Trung ương lại không có những cơ chế rõ ràng để giải quyết vấn đề.

Le Monde nhắc lại là Bắc Kinh chưa bao giờ để ai trong tình trạng không chi trả nợ, tránh cảnh phá sản như thành phố Detroit ở Mỹ. Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cứ cấp tín dụng thêm, không trừng phạt về rủi ro. 60% nợ nêu lên trong báo cáo kiểm toán đáo hạn từ đây đến năm 2015. Một tỷ lệ tương tự đã dược ghi nhận trong kế toán năm 2010 và phải giải quyết vào năm 2013. Chiếc thảm như thế cứ được trải dần ra.

Căng thẳng Nhật-Trung chi phối năm 2014

Báo Les Echos nhìn vào năm mới bắt đầu hôm nay, khi điểm trong hàng tựa về những « cuộc hẹn » trong năm tới đã lưu ý trước tiên đến 4 sự kiện đánh dấu năm 2014 : Quan hệ căng thẳng Nhật-Trung, cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu, cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland và Cúp Bóng đá Thế giới.

Ở Châu Á, Les Echos trong nhận định ngắn gọn, chỉ thấy « leo thang tiếp diễn trong tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc », với vùng nhận dạng phòng không mới trải dài đến không phận các đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn, nhưng phản ứng của các nước láng giềng như Hàn Quốc – đã mở rộng vùng phòng không - hay máy bay Mỹ vào vùng mà Trung Quốc mở rộng, nhắc nhở Bắc Kinh về thái độ không mấy tán đồng của quốc tế.

Về bầu cử nghị viện Châu Âu vào giữa năm tới, Les Echos cảnh báo rằng có một « bóng ma ám ảnh » : Những phe hoài nghi Châu Âu đang vươn lên mạnh mẽ. Theo các cuộc thăm dò và tiên liệu của giới phân tích, các đảng ‘dân túy’ hay chống đối Châu Âu, từ Pháp, Anh, Ý, Hy Lạp có thể tiến mạnh.

Tờ báo nêu câu hỏi : Thái độ bất bình hiện nay của người Châu Âu do thuế cao, hay vấn đề nhập cư, có thể dẫn đến một cuộc địa chấn chính trị hay không ?

Les Echos còn chú ý đến các cuộc bầu cử khác trong năm 2014 tại ba « nước lớn đang trỗi dậy » : Brazil, Ấn Độ, Indonesia. Đối với Brazil, sẽ bầu lại tổng thống, tờ báo nhận định là ngoại trừ xẩy ra biến cố xã hội, bà Dilma Roussef chác chắn giữ được chiếc ghế.

Còn đối với hai nước kia, Ấn Độ và Indonesia, các đảng cầm quyền có thể gặp khó khăn do tình kinh tế. Trước cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ vào tháng 5, đảng Quốc Đại cầm quyền từ 10 năm nay đang bị yếu đi do tình hình kinh tế kém cỏi, lạm phát cao, vật giá leo thang, trong lúc đối thủ là đảng BJP, lại được uy tín. Tại Indonesia bầu quốc hội vào tháng 4 và tổng thống vào tháng 7, tình trạng cũng tương tự.

Một câu hỏi khác cũng tùy thuộc lá phiếu cử tri : đó là Anh Quốc liệu sẽ mất đi 1/3 lãnh thổ của minh ? Cử tri Scotland vào tháng 9 tới đây sẽ phải trả lời cuộc trưng cầu dân ý : Có muốn Scotland độc lập hay không ?. Theo Les Echos hiện số muốn độc lập không hơn 29 %, nhưng cũng một tỷ lệ tương tự còn do dự.

Nhìn về Pháp có gì thay đổi trong cuộc sống hàng ngày : Les Echos nêu một thông tin tích cực : Mức lương tối thiểu Smic tăng 1,1% - tức là lên 9,53 euro/giờ. Thế nhưng giá năng lượng cũng lại tăng, dĩ nhiên là giá thuốc lá tiếp tục tăng đều đặn.

Một thay đổi khác cũng mang tính chất tích cực đó là thời hạn hiệu lực của thẻ căn cước được kéo dài lên 15 năm thay vì 10 năm như hiện nay.

2014 : Năm bản lề đối với François Hollande

Báo La Croix cũng nhìn nước Pháp trong năm 2014, thấy đây là một năm ‘bản lề đối với Tổng thống François Hollande’.

Tờ báo nhìn lại bối cảnh u ám năm 2013 : kinh tế vẵn chưa vực dậy được, thất nghiệp lại lên, uy tín của chính phủ ở mức thấp nhất. Trong bối cảnh này trong năm 2014, hai ưu tiên như tổng thống Pháp luôn nhấn mạnh là : Đẩy lùi nạn thất nghiệp, nối lại với tăng trưởng.

Cho dù số liệu về thất nghiệp trong tháng 11/2013 cho thấy Tổng thống Pháp không thực hiện được lời hứa giảm thất nghiệp vào cuối 2013, nhưng ông vẫn kiên trì giữa mục tiêu mà theo ông qua đó lấy lại sự tin tưởng của người Pháp.

Tổng thống Hollande có được toại nguyện hay không, phải chờ đến ngày 27 tháng giêng này, ngày công bố số liệu người tìm việc làm trong tháng 12/2013, rồi đến 6/03, lúc Viện Insee công bố tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp trong quý Tư năm vừa kết thúc.

Trên bình diện tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng Pháp yếu kém. Nhiều nhà kinh tế lo ngại là Pháp vẫn đứng cuối sổ, kém thua Đức và Anh. Tăng trưởng Pháp chỉ có thể đạt 1% vào năm 2014, trong lúc ông Hollande chờ đợi 2%. La Croix không thấy cách nào Tổng thống Pháp có thể thay đổi tình hình. Năm 2014 sẽ khó khăn như năm 2013.

Tờ báo xem năm 2014 này là một năm bản lề do hai cuộc bầu cử hội đồng thành phố vào mùa xuân này và tiếp theo đó là nghị viện Châu Âu, đây là hai cuộc bầu cử bản lề, vì nếu có trừng phạt đối với cánh tả, với đảng xã hội, thì ông Hollande sẽ phải xem xét lại chính sách của mình.


Switch mode views: