Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-12-2013

Chi phí xử lý vụ Fukushima có thể lên đến 24 tỷ đô la

Fukushima Daiichi



Khắc phục hậu quả động đất - sóng thần, một công trình dài hơi, chật vật đối với TEPCO.Ảnh nhà máy Fukushima Daiichi chụp từ trên không, ngày 31/8/ 2013.
REUTERS/Kyodo


Gần 3 năm sau khi thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ập đến khu vực nhà máy Fukushima, công tác khắc phục hậu quả hầu như chưa được như mong muốn.

Trong khi đó, tập đoàn điện lực Tepco, đon vị khai thác nhà máy Fukushima, vừa đệ trình một kế hoạch mới.
 Sự việc được phản ánh trên nhật báo kinh tế Les Echos với dòng tựa đáng chú ý : « Tepco : một kế hoạch tái cấu trúc nhằm sang trang thảm họa Fukushima ».

Tờ báo cho biết, hôm qua, kế hoạch này được Tepco đệ trình lên cơ quan hỗ trợ tài chính do chính phủ thành lập sau khi xảy ra thảm họa Fukushima.
Dự kiến, kế hoạch sẽ được đệ trình lên Bộ trưởng Công Nghiệp Nhật Bản vào thứ Sáu này, và sẽ được chính phủ thông qua chính thức vào tháng Giêng 2014.

Theo Les Echos, Hội đồng quản trị tập đoàn Tepco đã thông qua kế hoạch nói trên vào hôm thứ Ba tuần này, trong đó điểm đáng chú ý là việc cho tái vận hành một số nhà máy điện hạt nhân.

 Số là để có tiền thực hiện các khâu trong kế hoạch đã nêu, Tepco sẽ phải cần đến hỗ trợ tài chính, và theo bản kế hoạch nói trên, Tepco có thể sẽ được tiếp cận nguồn vay lên đến 500 tỷ yên (khoảng 4,7 tỷ đô la) từ các ngân hàng và cơ quan tài chính trong nước.

Để kiếm tiền trả nợ, Tepco sẽ tái vận hành một lò phản ứng vào tháng 07/2014 và hai lò khác trong năm 2015, trên tổng số 7 lò phản ứng của nhà máy hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa miền Tây Nhật Bản.

Một điểm đáng chú ý khác là bản kế hoạch cũng tái khẳng định việc thành lập một bộ phận chuyên trách cho công tác phá hủy nhà máy hạt nhân Fukushima.

Sau thảm họa năm 2011, nhà máy này đã bị tàn phá nghiêm trọng đến mức không thể cho vận hành trở lại.

Les Echos cho biết thêm, chính phủ Nhật Bản đã quyết định chia bớt gánh nặng với Tepco bằng việc đứng ra mua lại những nơi có đất bị nhiễm xạ trong khu vực xung quanh nhà máy để tạo ra một vùng đệm chứa các chất phóng xạ.

Tuy nhiên, theo tờ báo, viễn cảnh của việc phục hồi thảm họa Fukushima không phải vì thế mà quá sáng sủa.
 Chẳng hạn như việc cả Tepco và chính phủ Nhật Bản đều chưa dự phóng được tổng chi phí đền bù thiệt hại cho hàng chục ngàn gia đình nạn nhân của việc ô nhiễm phóng xạ sống trong khu vực lân cận nhà máy Fukushima.

Kế đến, Tepco và chính phủ vẫn chưa dự phóng được rõ ràng tổng chi phí cho việc phá hủy 6 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima. Con số này hoàn toàn không nhỏ, mà theo thông tin đăng tải gần đây của hãng tin Bloomberg thì nó có thể lên đến 24 tỷ đô la.

Đức Giáo hoàng kêu gọi hòa bình thế giới

Trong thông điệp nhân ngày Giáng Sinh hôm qua tại Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành phần lớn thời gian kêu gọi một nền hòa bình « thật sự » cho thế giới. Đây là một trong những chủ đề được phản ánh nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay.

Nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất đăng ảnh Giáo hoàng Phanxicô đang vẩy tay chào với nụ cười thân thiện kèm theo dòng tựa lớn : « Lời kêu gọi hòa bình ».

Nhật báo Le Figaro cũng có bài chạy tựa : « Lời kêu gọi hòa bình của Giáo hoàng Phanxicô ». Nhật báo L’Humanité đăng bài : « Bài diễn văn ủng hộ hòa bình ».

Các tờ báo cho biết, trong buổi lễ cầu nguyện nhân ngày Giáng Sinh hôm qua, trước khoảng 70 000 người tập trung trước nhà thờ Thánh Phêrô tại khu vực trung tâm Vatican, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi chấm dứt các cuộc chiến tranh và bất ổn đang hoành hành trên thế giới, từ Trung Đông đến Châu Phi.

Đức Giáo hoàng nhấn mạnh : «Một nền hòa bình thật sự không phải là một một trạng thái căn bằng lực lượng giữa các phe đối lập, cũng không phải là một tình trạng có vẻ bề ngoài thì đẹp đẻ nhưng ẩn dấu phía sau là sự đối đầu và chia rẻ ». Ngài kêu gọi tất cả mọi người tham gia xây dựng hòa bình trên thế giới.

Trong bài xã luận mang tên « Sự bất lực của các cường quốc », nhật báo Công Giáo La Croix nhắc lại những xung đột và bất ổn hiện đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, và cho rằng tình trạng đó là biểu hiện của « sự bất lực » của các cường quốc trên thế giới, của những cường quốc tự cho là « người giữ gìn an ninh thế giới ».

Tờ báo nhấn mạnh : « Khắp nơi trên thế giới, chính sách ngoại giao và vũ khí của các nước lớn được triển khai mà không đạt được kết quả như mong muốn.

Các cường quốc thì thiếu sự đồng thuận bởi những chính sách theo kiểu mạnh ai nấy lo thân, bởi thiếu sự chia sẻ nhiệm vụ, bởi thế mà chậm đạt được tiến bộ, các thảm cảnh thì cứ tiếp diễn ». Trong bối cảnh đó, tờ báo nhấn mạnh, lời kêu gọi hòa bình của đức Giáo hoàng thật sự có giá trị đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Thổ Nghĩ Kỳ : Chính phủ trong bão táp tham nhũng

Tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những chủ đề nóng được báo Pháp phản ánh hôm nay.

Nhật báo cánh tả Libération đăng bài : « Điều tra tham nhũng : thủ tướng Erdogan chao đảo ».

Tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng có cùng quan điểm với bài viết : « Cuộc chiến huynh đệ tương tàn của những người Hồi Giáo cực đoan tại Thổ Nhĩ Kỳ ».

Hai tờ báo đề cập đến xì căng đan tham nhũng đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Số là, theo một cuộc điều tra chống tham nhũng ở nước này, thì hiện đã có hơn 20 người có liên quan, mà những người này là quan chức cao cấp của đảng cầm quyền AKP của thủ tướng đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan, là các doanh nhân thuộc hàng đại gia, và con cháu của các bộ trưởng.

Tối hôm qua, thủ tướng Erdogan đã phải tuyên bố thay đến 10 trên tổng số 20 bộ trưởng. Trong số các bộ trưởng mất chức có cả bộ trưởng Nội vụ và bộ trưởng Môi trường. Trước đó, con trai của hai bộ trưởng này đã bị bắt.

Thật ra, theo hai tờ báo, có ba cuộc điều tra riêng biệt, một liên quan đến hồ dơ rửa tiền và giao dịch tài chính bất hợp pháp liên quan đến ngân hàng nhà nước Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ ; hai điều tra khác liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Điều đáng chú ý là các cuộc điều tra này lại được các quan chức tư pháp Istanbul tiến hành từ một năm nay mà bộ trưởng Tư pháp lại không hề hay biết gì. Vì thế, thủ tướng Erdogan cho rằng, đó là một «âm mưu » lật đổ ông. Từ một tuần nay, ông Erdogan đã bắt đầu chiến dịch « thanh trừng » những phần tử nghi vấn trong hàng ngũ cảnh sát.

Lực lượng đối lập bị ông Erdogan nhắm đến, theo hai tờ báo, đó là tổ chức Hồi Giáo mang tên Hizet do giáo sĩ Fetthullah Gulen lãnh đạo. Nhân vật này đã sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, đã từng là đồng minh thân cận với đảng AKP của ông Erdogan, và bắt đầu trở mặt chống chính phủ Erdogan kể từ năm 2002 khi chính phủ chuẩn bị thông qua dự luật xóa bỏ trường học tư. Tổ chức Hizet rất có ảnh hưởng đối với cảnh sát và ngành tòa án Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, bộ trưởng Môi trường vừa bị thủ tướng Erdogan buộc từ chức đã lên tiếng kêu gọi thủ tướng từ chức « vì lợi ích của quốc gia ».

Hồi tháng 6 rồi, quyền lực của chính phủ Erdogan đã bị thử thách khi hàng loạt người dân xuống đường biểu tình phản đối một dự án đô thị.

Cảnh sát đã dùng vũ lực, và kết quả là có 6 người chết và 8000 người bị thương. Mới chủ nhật tuần trước, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Istanbul yêu cầu chính phủ từ chức sau các bê bối tham nhũng.

Tờ Libération kết luận : « Quyền lực của thủ tướng Erdogan đang bị lung lay ».

Pháp có nguy cơ sa lầy tại Cộng Hòa Trung Phi

Ba tuần đã trôi qua kể từ khi Pháp can thiệp quân sự vào Cộng Hòa Trung Phi theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tình hình thực địa vẫn vô cùng phức tạp, quân Pháp có nguy cơ sa lầy trong cuộc chiến. Đó là nhận định chung của cả hai tờ nhật báo cảnh tả Libération và cánh hữu Le Figaro.

Libération chạy tít lớn trên trang nhất : » Trung Phi : Pháp bị rơi bẫy », Le Figaro cũng dành trang nhất đăng tựa : « Quân đội Pháp trong vòng hỗn loạn của Cộng Hòa Trung Phi».

Hai tờ báo thuật lại tình hình vô cùng bất ổn tại Cộng Hòa Trung Phi, và chiến sự vẫn diễn ra ác liệt trong những ngày lễ Giáng sinh.

Sự việc dữ dội từ hôm 5/12 với sự đối đầu giữa hai phe, một bên thuộc cộng đồng Hồi Giáo thiểu số và một bên thuộc cộng đồng Thiên Chúa Giáo chiếm đa số. Xung đột ba tuần qua đã làm thiệt mạng hơn 1000 người.

Trong bối cảnh đó, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại khu vực Trung Phi (Misca) hiện chỉ có 4000 người, trong đó quân Pháp chiếm hết 1 600 người, quân đến từ Cộng hòa Tchad chiếm 850 người. Rõ ràng lực lượng này hoàn toàn không thắm vào đâu ở một đất nước có diện tích gấp rưỡi nước Pháp, và trong một thành phố gần 1 triệu dân như Bangui. Le Figaro cho rằng, trên nguyên tắc, lực lượng nói trên của Pháp phải gấp 10 lần thì mới tạm đủ.

Thêm vào đó, cả hai tờ báo đều tỏ ra không tin tưởng quân đội Tchad vì cho rằng lực lượng này đang chơi trò bắt cá hai tay. Trong bối cảnh đó, nước Pháp bị đẩy ra đứng mũi chịu sào, và đang trong cảnh trên đe dưới búa : nếu không hành động thì sẽ bị cho là bất lực, còn như can thiệp mạnh thì sẽ không tránh bị chỉ trích là thiên vị một bên, bởi nước Pháp khi can thiệp vẫn tuyên bố lập trường trung lập.

Tờ báo cánh hữu Le Figaro thì chỉ trích gay gắt hơn khi cho rằng, tổng thống Hollande đã quyết định can thiệp vào Cộng hòa Trung Phi theo cảm tính, không cân nhắc kỹ lưỡng tình hình trên thực địa.

Ăn nhiều thì phải tập thể dục nhiều

Ăn nhiều thì phải tập thể dục nhiều, đều này có lẽ ai cũng biết. Nhưng càng được khẳng định chắc chắn hơn qua một nghiên cứu khoa học vừa được công bố trên tạp chí chuyên ngành The Journal Of Physiology, được Le Figaro đề cập với hàng tựa dí dõm : « Việc ăn uống quá nhiều sẽ được tha thứ nhờ vào vận động cơ bắp ».

Nghiên cứu được tiến hành trên 26 người có tuổi trung bình là 25 và hoàn toàn khỏe mạnh. Trong cùng một khoảng thời gian, tất cả họ sẽ được cho ăn theo khẩu phần gấp rưỡi bình thường. Trong đó, 13 người sẽ không tập thể dục gì cả, và 13 người chạy bộ 45 phút mỗi ngày. Kết quả là, những người không vận động tăng 2,7 kg, còn những người chạy bộ tăng chỉ có 1,1kg.

Thông tin này càng rất có ích cho mọi người, nhất là trong dịp cuối năm với nhiều tiệc tùng thịnh soạn.


Switch mode views: