Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-12-2013

 “Vùng nhận dạng phòng không”: Mỹ đầu têu?

East China Sea



Vùng phòng không Trung Quốc (Đỏ) và Nhật Bản tại biển Hoa Đông (bản đồ: wikipedia.org)


Hôm 23/11 vừa qua, Trung Quốc đã đơn phương quyết định thành lập “vùng nhận dạng phòng không”.

Tuyên bố trên gây bất bình tại nhiều nước trong khu vực, nhất là tại Nhật Bản. Tuy nhiên, theo một số nhận định chung, sự việc lần này cũng nhằm thách thức Hoa Kỳ. Bởi vì, quốc gia đầu tiên đưa ra khái niệm “vùng nhận dạng phòng không” chính là Mỹ, ngay sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc vào năm 1945.

Liên quan đến chủ đề này, Courrier International có bài viết trình bày lại các nhận định, phân tích trên báo chí Nhật Bản, Trung Quốc và Anh qua hàng tựa “Không phận cũng là đề tài chiến tranh”.

Tờ báo nhắc lại “vùng nhận dạng phòng không” bao trùm cả quần đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc “Senkaku/ Điếu Ngư” trên biển Hoa Đông. Hai nhật báo lớn hàng đầu tại Nhật tờ Asahi Shimbun và Yomiuri Shimbun cùng lên án hành động vạch khu vực nhận dạng cho là “vô căn cứ”.

Tờ Financial Times nhận thấy là: “Kể từ khi Thế Vận hội Olympic 2008, Bắc Kinh đã thông qua một thái độ hung hăng hơn, tiến hành các cuộc xâm nhập lãnh hải và không phận trên vùng biển tranh chấp”.

Đối với trang mạng thông tin Foresight của Nhật, vụ việc lần này còn có một phần trách nhiệm của Washington.

Tờ báo nhắc lại “Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đơn phương thiết lập vùng phòng không tại khu vực này sau năm 1945. Nhưng vì do việc vạch định ranh giới không rõ ràng, nên mới phát sinh căng thẳng”.

Xuất phát từ điểm này mà giới truyền thông tại Trung Quốc có cùng một lập luận. Tờ Á Châu Tuần san ấn bản tại Hồng Kông nêu rõ “Khái niệm vùng nhận dạng phòng không là do chính Hoa Kỳ sáng chế ra. Lúc ban đầu, nó liên quan khoảng không gian bao gồm Bắc Mỹ và nhất là nhằm vào Liên Xô.

Từ những năm 1950, Mỹ luôn trong vị thế ngự trị tại các khu vực Tây Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Và mỗi quốc gia này đã tự tạo vùng phòng không riêng cho mình dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ”.

Tờ nhật báo Quân độ giải phóng còn đi xa hơn nhằm xác quyết quyết định của Bắc Kinh: “Vào năm 1969, Nhật Bản đã gộp ba phần tư vùng trời biển Hoa Đông vào vùng phòng không của mình. Trong đó có đến 130 km là thuộc về Hoa lục, và không một ai đoái hoài quan tâm.

Vậy mà, ngay khi Bắc Kinh vừa xác định vùng phòng không cho mình, Nhật Bản đã ngay lập tức bày tỏ mối quan ngại. Đương nhiên là Bắc Kinh không thể nào chấp nhận tiêu chí đôi và luận điệu bá chủ này”.

Trong một bài phân tích đề tựa “Trung Quốc tung ra một thách thức với Hoa Kỳ”, được tờ Nihon Keizai Shimbun tại Tokyo trích dịch lại, nhật báo Anh Financial Times đã đưa ra “một lối diễn giải đáng ngại nhưng có thể chấp nhận được: Bắc Kinh quyết định trả thù Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương”.

Tờ báo đánh giá, Trung Quốc “đang thử nghiệm thái độ của Mỹ. Họ đang tìm hiểu xem ông Obama sẵn sàng đi đến được đâu […]. Hành động khiêu khích trên của Bắc Kinh xảy ra vào giai đoạn mà Hoa Kỳ đã bắt đầu kiệt quệ do các cuộc chiến (tại Irak và Afghanistan) và vào lúc mà Tổng thống Mỹ đang bước vào một trong những thời điểm rối ren nhất trong nhiệm kỳ của mình”.

Cuối cùng, nhật báo kinh tế này kết luận: “Việc Trung Quốc thành lập vùng phòng không đánh dấu một bước ngoặt quan trọng nhằm cân đối tương quan lực lượng tại khu vực này”.

Thái Lan, một vương quốc bị chia rẽ

Nhìn sang Đông Nam Á, tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan cũng là chủ đề thời sự quốc tế trên một số tuần san. Le Nouvel Observateur chạy tựa nhận định: “Thái Lan, vương quốc bị chia rẽ”.

Trong vòng 80 năm, vương quốc này có tổng cộng 18 vụ đảo chính (và âm mưu đảo chính). Và một lần nữa, quân đội lại được kêu gọi tham gia chính trường, vì nền “hòa bình” và “hòa hợp quốc gia”.

Quả thật, chính vị Tổng tư lệnh đáng gờm, tướng Prayut Chan-O-Cha, người từng ra lệnh đàn áp đẫm máu các vụ xuống đường năm 2010, đã triệu tập hai nhân vật chủ chốt, nữ Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra và Suthep Thaugsuban – thủ lĩnh phe nổi dậy “Áo Vàng” ngồi vào thương lượng.

Le Nouvel Observateur ghi nhận trong suốt tuần qua, tướng Prayut Chan-O-Cha đã liên tục đưa ra những lời bình luận rất mơ hồ, đại khái: “Tôi có hai chủ nhân: Đó là chính phủ nhưng cũng là quốc gia”. Lời phát biểu này đang làm thổi bùng các tin đồn dai dẳng tại Bangkok cho rằng quân đội sẽ nắm lại quyền kiểm soát.

Hiện tại tình hình tại Bangkok có vẻ hạ nhiệt từ sáng thứ Ba, 03/12/2013, nhưng lãnh tụ phe Áo Vàng Suthep Thaugsuban vẫn không từ bỏ mục tiêu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Theo ông Suthep, bà Yingluck chỉ là “một con rối” trong tay anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị lật đổ vào năm 2006 và hiện đang sống lưu vong.

“Tại Bangkok, người dân không buông vũ khí”, là hàng tựa nhận định trên tuần san Courrier International. Cuộc khủng hoảng lần này lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái.

Đối với tờ The Nation, được Courrier trích dẫn lại “mục tiêu của ông Suthep Thaugsuban, một ‘Hội đồng nhân dân’dưới chế độ quân chủ, đang làm suy yếu nền tảng dân chủ của chúng ta”. Ngược lại, tờ bangkok Post nhận thấy là “việc giải tán Nghị viện rất có thể sử dụng như là van an toàn, cho phép giảm bớt áp lực trước khi bùng nổ. Điều đó cũng có thể thuyết phục được một số người ngưng xuống đường. Việc này cũng có thể khuyến khích Suthep ngồi vào bàn thương lượng”.

Châu Á: Thủ phạm hâm nóng khí hậu

Cũng tại Châu Á, nhưng trên lĩnh vực môi trường, phụ trương số ra tháng 12/2013-01/2014 của tờ Les Echos có bài đáng chú ý đề tựa “Châu Á, người đốt khí hậu”. Theo bài viết, mục tiêu của Liên Hiệp Quốc kìm hãm sự tăng nhiệt độ dưới mức 2°C từ đây đến năm 2100 khó có thể đạt được.

Theo các số liệu do Ngân hàng Thế giới tập hợp được tính từ năm 1961 và do Shift Project (nhóm chuyên gia cố vấn về môi trường) xử lý, Châu Á bùng nổ khí thải từ giữa những năm 1990.

Các nhân tố chính của sự gia tăng nhanh chóng này: Ngành công nghiệp và sản xuất điện. Trong đó, Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than hàng đầu, thải ra nhiều khí CO2 nhất trên hành tinh, chiếm đến 25,5% tổng lượng khí thải trong năm 2011, so với mức 17% của Hoa Kỳ.

Mức khí thải CO2 xuất phát từ sản xuất năng lượng tại Trung Quốc đã tăng 9,7% trong giai đoạn 2010-2011, so với mức tăng 2,7% của toàn thế giới, theo như đánh giá của Cơ quan năng lượng thế giới.

Về phía các quốc gia phương Tây, các chuyên gia ghi nhận có sự tiến triển khá ổn định, tuy là tại vùng Bắc Mỹ có hơi tăng nhẹ so với các Châu lục khác.

Ukraina: Mặt trận mới cho cuộc chiến Châu Âu

Nhìn sang Châu Âu, việc Tổng thống Ukraina từ chối ký Thỏa thuận liên kết với Liên Hiệp Châu Âu, khiến người dân nổi dậy phản đối chính phủ tại Kiev, đòi Tổng thống từ chức. Sự việc cũng bộc lộ rõ sự chia rẽ sâu sắc giữa người dân phía Tây ủng hộ Châu Âu và người phía Đông theo Nga.

Liên quan đến chủ đề này, Courrier International trích dẫn lại các quan điểm từ báo chí tại Kiev, Matxcơva và tại Frankfurt.

Tình hình bất ổn chính trị tại thủ đô Ukraina được giới báo chí trong nước đánh giá qua hai cách nhìn đối lập nhau hoàn toàn.

Tại Kiev, tờ Oukrainska Pravda có bài viết được Courrier International trích dịch lại qua tựa đề “Hỡi ông Viktor Ianoukovitch, hãy cuốn gói đi!”, kêu gọi Tổng thống Ukraina nên từ chức vào lúc này. Tờ báo quy trách nhiệm cho chính phủ trong vụ cảnh sát can thiệp thô bạo làm thiệt mạng và bị thương một số người.

Đối với tờ báo, thái độ của Tổng thống Ukraina phớt lờ nguyện vọng của dân được xem như là một hành động phỉ báng nhân dân. Giờ đây, ông không còn nhận được sự ủng hộ của dân chúng nữa, kể cả từ Giáo hội. Tờ báo cho rằng, giờ hãy còn kịp lúc để ông từ bỏ các chức vụ của mình nhằm tránh cho điều tệ hại xảy ra.

Đổi lại, tờ Kievsky Telegraf, tờ nhật báo thân chính phủ lại đánh giá sự kiện trên là “Một ý đồ đảo chính”. Tờ báo tố cáo các sự kiện diễn ra tại Kiev chẳng có gì là một cuộc cách mạng, chẳng qua là phe đối lập chỉ tìm cách lấy lại phần bánh của mình.

Những gì xảy ra hôm đầu tháng 12 này cho thấy đó là một cú đảo chính. Chiếm lấy chính quyền bằng vũ lực không thể nào thay đổi triệt để đời sống của đất nước hay xã hội. Ý đồ xấu xa, tầm thường, quá nhàm chán và đẫm máu đó chỉ có một cách giải thích: Một nhóm người muốn có phần bánh chung và họ sẵn sàng truy đuổi một số nhà tài phiệt để chiếm chỗ của những người này.

Nga có sẵn lòng hào phóng với Ukraina?

Nhưng nếu đứng trên góc độ kinh tế-tài chính, thì khó có thể mà trách cứ được Tổng thống Ukraina. Tình hình tài chính tại quốc gia Đông Âu này hiện nay giống như cái giếng không đáy, không biết đổ bao nhiêu cho vừa, theo như nhận định của Chủ tịch Quỹ an ninh quốc gia về năng lượng, ông Konstantin Simonov.

Vậy thì “Cái giá nào dành cho Kiev?”, tờ Nezavissimaia Gazeta của Nga đặt câu hỏi.

Theo tờ báo, ông Viktor Ianoukovitch từ chối ký Thỏa thuận liên kết cũng bởi một nguyên nhân khá quan trọng đó là Liên Hiệp Châu Âu chưa sẵn sàng tài trợ ồ ạt cho Kiev trên phương diện tài chính. Quan điểm này cũng đã được Chủ tịch Nghị viện Châu Âu xác nhận khi trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Deutschlandfunk.

Bởi vì, nếu căn cứ vào nội dung thỏa thuận, Ukraina phải cần đến 10 năm chuyển tiếp để hiện đại hóa đất nước và có thể sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh. Thế nhưng, công cuộc hiện đại hóa này ước tính ngốn của đất nước từ 150 cho đến 165 tỷ euro.

Ukraina đã đề nghị sự trợ giúp của các đối tác Châu Âu. Nhưng đáp lại, phía Châu Âu đề xuất bù đắp cho các khoản chi tiêu 1 tỷ euro trong thời hạn 7 năm.

Trong khi đó, Ukraina vẫn bị ràng buộc về nợ với Nga. Tổng thống Nga Putin gần đây nhắc nhở rằng khoản nợ của các doanh nghiệp Ukraina với bốn nhà băng Nga đã vượt quá 20 tỷ đô la.

Câu hỏi đặt ra nếu Nga nhượng bộ với Ukraina, Matxcơva sẽ phải tốn kém cho Kiev bao nhiêu? Theo tính toán, nếu Ukraina thuyết phục được Nga, và nếu cộng gộp hết các khoản mà Matxcova có thể nhượng bộ thì Kiev có thể tiết kiệm được ít nhất 45 tỷ đô la hoặc có thể hơn nữa. Vấn đề bây giờ đặt ra liệu Nga có sẵn sàng hào phóng với người láng giềng của mình hay không?

Châu Âu ủng hộ dân chủ, nhưng không là con rối của Ianoukovitch

Nhìn từ các nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu, Courrier International trích lại bài nhận định trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung tại Frankfurt đề tựa “Liên Hiệp Châu Âu bên cạnh các nhà dân chủ”.

Phải chăng Liên Hiệp Châu Âu và Nga đang có một đối đầu với nhau trên phương diện địa chính trị?

Trong trận đấu lần này, tương lai và định hướng chính trị của Ukraina đang bị đe dọa: Kiev quay sang với Châu Âu hay là với Matxcơva?

Trong xung đột lần này, rõ ràng chính quyền Nga đang giở lại trò cũ: “Cây gậy và củ cà rốt”. Kết quả là chính quyền Ukraina đã sợ hãi và cho đình chỉ các cuộc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu.

Theo tờ báo, nước Nga sẵn sàng gây bất ổn một khi Nga cảm thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình lên các quốc gia Đông Âu bị đe dọa. Nga cho rằng nếu Kiev quay lưng lại với Matxcơva, họ sẽ mất tất cả từ chính trị, kinh tế cho đến cả văn hóa.

Rất có thể chưa bao giờ Nga thật sự chấp nhận nền độc lập của Ukraina. Vấn đề còn lại liệu Châu Âu có sẵn sàng chịu đựng được mối xung đột này và dám đối đầu hay không.

Nếu như mối liên kết giữa Đông Âu và Liên Hiệp Châu Âu cho thấy nhiều mối lợi hiển nhiên, thì nó cũng lộ rõ sự chia rẽ trong nội bộ, nhất là tại Ukraina. Sự chia rẽ tại quốc gia mà nền kinh tế vẫn còn rất mong manh và tham nhũng vẫn lan tràn đang tạo cơ hội cho Nga gây áp lực.

Châu Âu đã hành động đúng khi ủng hộ các nhà dân chủ và vẫn để ngỏ cánh cửa. Nhưng các nước có liên quan phải tự vượt qua chướng ngại. Bởi vì Liên Hiệp Châu Âu không phải con rối của Ianoukovitch.

Tổng thống Pháp: Cơ hội cuối cùng

Trong khi đó tại nước Pháp, tình hình kinh tế-xã hội cũng không mấy gì sáng sủa.

Sau một tháng Mười Một đầy căng thẳng, tình hình có vẻ lắng dịu, nhưng sự giận dữ của dân chúng vẫn còn đấy. Tuy vị thế của Tổng thống không còn nằm trong tình trạng báo động nữa, nhưng cũng không mấy dễ chịu. Đối với tuần san L’Express, Tổng thống Hollande vẫn còn “cơ hội cuối cùng”.

Tờ báo cho rằng, Tổng thống Pháp đang thử vận may cuối cùng. Ông đang ném những viên xúc xắc trên một tấm thảm kỳ lạ: Nửa mang tính chất chương trình nghị sự, nửa giống như trên một bãi mìn xã hội.

Những tháng tới đây là những tháng thử thách: Đó sẽ là kết quả không thể tránh được của kỳ bầu cử địa phương vào mùa xuân sắp đến, một cuộc cải tổ nội các không thể để thất bại và một Châu Âu cần tái thúc đẩy. Chính vào lúc này đây ông phải thắng cá cược bằng những quyết định chính xác.

Trên phương diện tài chính, phạm vi hoạt động của ông rất hạn hẹp, do chính phủ không những không thể tiếp tục tăng thuế, cũng như có can đảm giảm chi tiêu công, bằng chính sách cải cách các dịch vụ công và hệ thống an sinh xã hội.

Mặt khác, để có thể tìm thấy một cơ hội thứ hai, người đứng đầu quốc gia buộc phải thay đổi chiến lược kinh tế. Từ đó, tờ báo phân tích 5 tình thế hàng đầu ông Hollande cần phải xử lý, 5 đối thủ ông đang phải đối mặt và 5 sự việc đang gây vướng víu ông.

Theo tờ báo, đó là vận may cuối cùng mà Tổng thống Hollande phải vượt qua mới hòng cứu rỗi được nhiệm kỳ của mình. Giờ đây chính đất nước đang đặt vận mệnh của ông Holalande vào thế “được ăn cả, ngã về không”.

Tại Cuba, nghề thám tử tư nở rộ

Kể từ khi tự do hóa nền kinh tế, người dân Cuba lao vào tìm kiếm các công việc mới. Hiện có rất nhiều ngành nghề dù vẫn chưa được cấp phép hoạt động, nhưng vẫn được hành nghề một cách kín đáo, trong đó có nghề làm thám tử tư.

Chủ đề này được tuần san Courrier International quan tâm đến, qua bài viết “Những thám tử rất tư”, được đăng trên tờ Café Fuerte tại Miami.

Nghề này vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới, nhưng riêng tại Cuba chỉ mới xuất hiện gần đây, nhờ vào các cải cách kinh tế do chính Chủ tịch Raul Castro đề xướng cách đây 5 năm.

Theo tờ báo hiện khó có thể mà biết được con số chính xác số người làm việc này tại Cuba. Tuy nhiên, tờ báo cũng nhận thấy phần đông các hãng thám tử tư đó đều được cai quản hay tài trợ bởi người nước ngoài.

Hiện tại, do thiếu khung pháp lý, nên nghề này vẫn phải hoạt động bí mật.

Các hãng thám tử tư vận hành tốt nhờ vào sự trợ giúp của nhiều cộng tác viên thuộc nhiều tầng lớp và từ nhiều nghề nghiệp khác nhau. Nhất là, “các nhân viên cảnh sát, các thanh tra viên và công chức chính phủ” được cho là những nguồn cung cấp thông tin quý giá, cho phép các thám tử tư kết thúc điều tra nhanh chóng.

Theo lời thuật của một nhân chứng với phóng viên tờ báo, phần đông các yêu cầu điều tra có liên quan đến các nghi ngờ ngoại tình, nhưng đôi khi cũng có những vụ lừa đảo hay các doanh nghiệp đến yêu cầu điều tra về đời sống riêng tư của một số nhân viên chiếm giữ các vị trí quan trọng.

Công việc điều tra cũng không đòi hỏi nhiều đầu tư lớn. Chỉ cần một số thiết bị tối thiểu như máy ảnh và máy quay phim có vật kính, thiết bị nghe trộm và phương tiện đi lại để theo dõi.

Theo tờ báo, việc nhờ vả đến các thám tử tư tại Cuba cũng không phải là hiện tượng mới tại Cuba. Trên thực tế, Sepsa (Services specialises de securite – Cơ quan chuyên trách an ninh) cũng có một bộ phận chuyên biệt riêng tại các sở quản lý người nước ngoài từ 10 năm nay.

Thế nhưng, khách hàng cho các cơ quan này chủ yếu là người nước ngoài hay các công ty đa quốc gia vì chi phí khá cao. Người dân Cuba đến với các hãng tư nhân là vì giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, họ còn e sợ rằng các dữ liệu cá nhân có thể sẽ bị sử dụng để chống lại chính họ.

Phim của Giả Chương Kha vẫn bị kiểm duyệt tại Trung Quốc

Đến với mục điện ảnh, tuần san Le Nouvel Observateur cho hay bộ phim “Thiên Trụ định” của Giả Chương Kha, vẫn bị kiểm duyệt tại Trung Quốc.

Từng đoạt giải Cành cọ vàng về kịch bản phim hay nhất tại Liên hoan điện ảnh Cannes hồi tháng Năm năm nay, nhưng bộ phim “Thiên Trụ Định” của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha vẫn bị cấm chiếu ở trong nước.

Theo tuần san, hồi 10/11 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh quyết định không cho phép trình chiếu bộ phim trong các phòng chiếu trong nước.

Không chỉ có riêng bộ phim này, tờ báo cho hay hầu như không một bộ phim nào của Giả Chương Kha được chiếu công khai trong các rạp chiếu bóng.

Phim của ông chỉ đến được với người hâm mộ qua các đĩa DVD in lậu.

Sau khi các phim của Giả Chương Kha được trao giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, số lượng người hâm mộ trên trang mạng Vi Bác tại Trung Quốc đã lên đến 9,8 triệu người. Vậy thì tại sao phim của nhà đạo diễn trẻ cừ khôi này lại bị cấm chiếu ở trong nước.

Theo nhận định của Le Nouvel Observateur, đạo diễn họ Giả này đã biết cách đan xen sự tiến hóa của xã hội Trung Quốc với yếu tố con người tại chỗ. Chính điều này đã khẳng định nên tên tuổi của ông.

“Thiên trụ định”, bộ phim mới nhất, Cành cọ vàng cho kịch bản năm 2013, là một minh chứng điển hình. Những câu chuyện đạo diễn kể trong phim đều được lấy cảm hứng từ 4 sự việc có thật tại Trung Quốc.

Thông qua hình ảnh của bốn nhân vật – một thợ mỏ, một người lao động từ nông thôn lên thành thị, một nữ nhân viên phục vụ trong sauna và một anh công nhân trẻ - bốn con người nhưng có cùng một điểm chung : Cùng đi đến hành động bạo lực, chống lại chính mình hay là người khác.

Mỗi một hồi phim được tái hiện trong những vùng khác nhau “đi từ nông thôn cho đến thành thị, từ trong nội địa ra đến vùng duyên hải, và các nhân vật thì mỗi lúc mỗi trẻ hơn”, theo như chính lời đạo diễn.

Đối với đạo diễn trẻ này, thế giới tiến triển quá nhanh đến mức mà con người “chỉ biết có chịu đựng, những người mà không được ai lắng nghe, đôi khi buộc phải đi đến việc phạm các hành vi bạo lực”. Với “Thiên trụ định”, phim của ông đã nâng lên một cấp độ mới.

Những cảnh bùng phát bạo lực ngoạn mục, biến tấu nhịp đến sững sờ và sự bay bổng đến cái hư ảo gây ngạc nhiên, Giả Chương Kha đã thành công trong việc biến “hành động bạo lực, một việc làm của những con người tầm thường, trong những tình huống cũng tầm thường thành một hành động phi thường, để rồi ở một số giây phút nào đó làm nảy sinh bản chất siêu thực”.



Switch mode views: