Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt-Trung thỏa thuận gia tăng hợp tác kinh tế để làm giảm căng thẳng tranh chấp chủ quyền

Cuong-Dung



Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (P) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội quân danh dự, trong lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, 13/10/2013
REUTERS/Kham


Hôm nay, 15/10/2013, kết thúc chuyến công du ba ngày của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hà Nội, theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Hai bên ra bản « Tuyên bố chung về hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung », khẳng định tiếp tục phát triển quan hệ song phương, đặc biệt trong các hợp tác về kinh tế, kiểm soát các tranh chấp trên biển, duy trì « hòa bình, ổn định trên Biển Đông ».

Trong chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc tại Việt Nam, một số thỏa thuận về thương mại, nghiên cứu về môi trường giữa hai bên đã được ký kết, trong đó có « Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia », cũng như một thỏa thuận về văn hóa : Thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt 41,2 tỷ đô la năm 2012, theo số liệu được chính phủ Việt Nam công bố ngày 13/10/2013. Mục tiêu của hai nước đặt ra trong bản Tuyên bố chung kể trên là nâng mức kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 60 tỷ đô la vào năm 2015.

Hiện tại, kinh tế Việt Nam tiếp tục ở trong tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc, với tình trạng nhập siêu ngày càng tăng, 16,3 tỷ đô la trong năm ngoái, so với 12,7 tỷ đô la năm 2010.

Theo hãng tin Bloomberg, Hà Nội tăng cường « sự tin cậy về chính trị » với Bắc Kinh qua chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế và giảm nhẹ các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.

Liên quan đến Biển Đông, lãnh hải Việt-Trung, một điểm mới là hai bên nhất trí thành lập một nhóm công tác để bàn bạc về khả năng « hợp tác cùng phát triển trên biển » trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cao cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc, tuy nhiên không chỉ rõ khả năng hợp tác cụ thể tại đâu.

Đồng thời, hai nước thỏa thuận đẩy nhanh các dự án hợp tác tại một số khu vực được coi là « ít nhạy cảm » như : « Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ » hay « Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang ».

Hôm qua 14/10, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố, việc thành lập một nhóm công tác phối hợp hợp tác trên biển kể trên là « một đột phá quan trọng ».

 Trả lời hãng tin Bloomberg qua email, thạc sĩ Lê Hồng Hiệp, giảng viên Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định, quan hệ Việt Trung nhìn chung xấu đi trong ba năm gần đây, đặc biệt do các căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, và lãnh đạo hai bên cố gắng giảm nhẹ các tác động tiêu cực của xung đột đến quan hệ chung.

Vào tháng 3/2013 vừa rồi, tàu Trung Quốc đã bắn vào một tàu cá Việt Nam, gây nhiều phẫn nộ tại Việt Nam, tiếp theo đó là lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương mà Trung Quốc áp đặt hàng năm từ 15/05 đến 01/08 bị Việt Nam phản đối, cùng với việc tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản Philippines và Việt Nam tìm kiếm các nguồn dầu khí.

 Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, Bắc Kinh có một số động thái tỏ ra hòa dịu hơn trong vấn đề này, khi Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc có một số phát biểu nhấn mạnh đến đối thoại để tìm giải pháp, trong các tranh chấp chủ quyền với các nước ASEAN.


Switch mode views: