Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đức sẽ mềm dẻo hơn trên hồ sơ khủng hoảng kinh tế châu Âu?

Angela Merkel KENKL RTRMADP 3 GERMANY-ELECTIONBà Angela Merkel cụng ly mừng chiến thắng - REUTERS /Kai Pfaffenbach

Một liên minh chính phủ mới đang hình thành tại Đức. Nhiều đối tác châu Âu của Berlin xem việc đảng Dân chủ Xã hội SPD cấp tiến tham gia chính quyền trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của thủ tướng Merkel như một tin vui. Nhiều người kỳ vọng Berlin sẽ quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng của khối euro.

Cựu thủ tướng Ý, Mario Monti tin tưởng là quan hệ giữa Berlin và các đối tác châu Âu sẽ được « cải thiện ». Đương nhiên là nước Đức sẽ tiếp tục đòi các đối tác châu Âu áp dụng chính sách khắc khổ, giảm chi tiêu công cộng để tránh bị đe dọa mất khả năng thanh toán, nhưng đồng thời chính phủ liên minh CDU/SPD sắp tới sẽ chú trọng nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng.

Đối với dư luận trong nước, uy tín của thủ tướng Angela Merkel lên đến đỉnh cao bởi nhờ đuờng lối cứng rắn của bà trong cách đối phó với khủng hoảng tài chính châu Âu. Nhưng nhìn từ Hy Lạp, hay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thì bà Merkel là bà đầm thép, không chút thông cảm hay đoàn kết với những nền kinh tế đang bị khủng hoảng.

Từ đầu khủng hoảng tài chính châu Âu, Berlin luôn cương quyết đòi giải quyết khủng hoảng bằng con đường giảm bội chi ngân sách và giải quyết nợ công. Đường lối cứng nhắc đó của chính phủ Đức bị coi là đã đẩy các thành viên yếu kém nhất trong khối euro vào chân tường. Nhiều kế hoạch khắc khổ đã liên tiếp nối đuôi nhau ra đời tại các quốc gia đó, kéo theo những hậu quả tai hại về phương diện xã hội mà vẫn không đem lại tăng trưởng.

Vì vậy sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày hôm qua 22/9/2013 khi thủ tướng Đức phải thay đổi liên minh cầm quyền, liên kết với đảng Dân chủ Xã hội thay vì đảng Tự do Dân mở ra triển vọng nước Đức trong 4 năm tới sẽ quan tâm hơn đến các thành viên khác trong đại gia đình châu Âu. Mọi người chờ đợi đối tác chính trị của bà Merkel trong liên minh cầm quyền mới sẽ dễ dãi hơn với các nước đang gặp khó khăn. Theo lời một chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg Bank chính sách châu Âu của Berlin « có khuynh hướng xây dựng hơn ».

Trên thực thế, trong những năm gần đây, đảng Dân chủ Xã hội cũng như đảng Xanh gần thường xuyên ủng hộ quan điểm của thủ tướng Merkel về phương pháp giải quyết khủng hoảng châu Âu. Một chuyên gia thuộc ngân hàng Deutsche Bank được AFP trích dẫn cho rằng lập trường của Đức sẽ không thay đổi nhiều bởi vì đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Dân chủ Xã hội SDP gần như là đã có cùng một tiếng nói trên hồ sơ châu Âu, mặc dù là đảng SPD có chỉ trích bà Merkel quá coi trọng mục tiêu cân bằng ngân sách, để gây ra nhiều hậu quả tai hạn về phương diện xã hội cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Đảng SDP ủng hộ khả năng các nước thành viên khối euro cùng phát hành công trái phiếu chung, gọi là « eurobond » do Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu bảo lãnh. Thế nhưng đại đa số người dân Đức lại không tán đồng quan điểm này. Nói cách khác đảng SDP không dễ dàng nới lỏng chính sách khắc khổ đối với các đối tác châu Âu.

Về phần mình, từ nhiều tháng qua, bà Merkel bắt đầu tỏ ra thông cảm hơn với các đối tác trong khu vực đồng euro đang điêu đứng. Cụ thể là thủ tướng Đức đã kêu gọi Bruxelles phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên.

Tại một số quốc gia như là Tây Ban Nha hay Hy Lạp có đến gần một nửa thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 25 không có việc làm. Ủy ban châu Âu với sự đồng thuận của Đức cho các thành viên khối euro thêm thời hạn để hoàn thành mục tiêu thu hẹp bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP theo như quy định.

Cuối cùng giới quan sát cho rằng trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa liên minh Thiên chúa giáo với đảng SDP để thành lập chính phủ, đôi bên sẽ chủ yếu tập trung vào những vấn đề nội bộ của nước Đức. Những vấn đề của châu Âu sẽ chỉ đứng hàng thứ yếu.

Switch mode views: