Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc 'đẩy các nước về phía Mỹ'


Hải quân Mỹ

uss george washington


Mỹ duy trì một số hàng không mẫu hạm trong khu vực

Một vị tướng của Hoa Kỳ ở châu Á nói các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực củng cố quan hệ với Mỹ.

Tướng không quân Herbert Carlisle được dẫn lời nói với các phóng viên mảng quốc phòng tại Washington: "Thái độ hung hăng mang lại nguy cơ tính toán sai lầm. Đó là điều chúng tôi cân nhắc mỗi ngày".

Ông Carlisle là người chỉ huy cao nhất của lực lượng không quân Hoa Kỳ tại khu vực Thái Bình Dương.

Vài năm nay, Mỹ đã công bố chính sách chuyển dịch trọng tâm về châu Á, mà một phần được cho là do chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong khu vực.

Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền với một loạt quốc gia, trong có các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ.

Tướng Carlisle nói ông lo ngại rằng một số hành động của Mỹ có thể gây hiệu ứng muộn lan rộng.

"Môi trường hiện tại rất phức tạp và luôn thay đổi. Mỗi hành động đều có thể dẫn tới hậu quả không mong đợi."

Cùng lúc, theo Carlisle, các chính sách của Trung Quốc đang khiến Washington tăng cường các mối liên hệ trong khu vực, thí dụ tuyên bố mới rồi về việc Washington và Manila mở rộng đàm phán về hợp tác quốc phòng.

Ông nói: "Một số hành xử hung hăng, ngỗ ngược của họ thực tế đã mang bạn bè chúng tôi lại gần hơn, những người mong muốn chúng tôi hiện diện ở đó".

Theo Tướng Carlisle, một số đồng minh có thể sẽ mua vũ khí của các nước khác, không phải Mỹ, nhưng họ vẫn muốn sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ để đối trọng lại với Trung Quốc.

Ông cũng cho biết một nửa số chiến đấu cơ F-22 của Không lực Hoa Kỳ hiện đã có mặt tại khu vực Thái Bình Dương, căn cứ đầu tiên cho loại chiến đấu cơ mới F-35 mà tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cũng sẽ đặt ở châu Á và không quân Mỹ sẽ điều tới khu vực này một cơ số máy bay do thám không người lái Global Hawks do hãng Northrop Grumman chế tạo.

Một chi tiết đáng chú ý mà vị tướng này tiết lộ, là Washington đang tăng cường bán vũ khí cho các nước ngoài không truyền thống, khi thị trường vũ khí nội địa và châu Âu đang thu hẹp.

Tái sử dụng căn cứ Subic

Trong một diễn biến liên quan, Philippines cho hay có thể chuyển tàu chiến tới đóng tại căn cứ Vịnh Subic ở Biển Đông.

Đây từng là căn cứ quân sự của hải quân Hoa Kỳ trước khi Mỹ rút đi năm 1992, và được chính phủ Philippines chuyển thành cảng dân sự.

Phát ngôn viên của hải quân Philippines Gregory Fabic nói hiện quá trình thảo luận đang diễn ra, nhưng "việc sử dụng căn cứ Subic cho hải quân mang ý nghĩa chiến lược".
"Đây là cảng nước sâu tự nhiên thuận tiện cho tàu chiến."

Philippines cũng mua hai tàu chiến từ Mỹ, dự tính chuyển tới Subic trong tương lai.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, Peter Paul Galvez, cho hay một sân bay gần Vịnh Subic cũng sẽ được nâng cấp.

Quân đội Philippines, bị cho là thuộc loại yếu kém nhất nhì châu Á, lâu nay vẫn phải dựa vào Hoa Kỳ.

Năm 2011, Manila mua một tàu tuần duyên của Mỹ và biến cải thành tàu mà họ đặt tên là Gregorio del Pilar. Một chiếc khác cũng mua lại từ Mỹ, Ramon Alcaraz, sẽ được chuyển về Philippines vào cuối tuần này.

Cả hai sẽ được sử dụng để tuần tra Biển Đông, mà lâu nay đang gặp căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ.

Bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc nay đã nắm kiểm soát sau khi hải quân Philippines phải rút đi vì sợ đụng độ, nằm khá gần Vịnh Subic.

Switch mode views: