Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-07-2013

Phản kháng vì bất mãn xã hội ở Trung Quốc

CHINA-EXPLOSION 2



Cảnh sát và an ninh Trung Quốc đang thu thập thông tin tại cửa B, khu đến sân bay Quốc tế Bắc Kinh, sau vụ một người tàn tật cho nổ bom, 20/07/2013 - REUTERS

 

Gần đây, tại Trung Quốc liên tục nổ ra các hành động bạo lực như vụ đánh bom sân bay Bắc Kinh, ám sát hai viên chức nhà nước hay người dân.

Báo Libération hôm nay quan tâm đến tình hình này qua dòng tựa trên trang nhất : "Phản kháng vì bất mãn".

Trang bên trong, tờ báo đăng bài : "Những người bị áp bức giờ đây trở thành người gây án" và đặt câu hỏi : phải chăng bạo lực gia tăng là do bất công xã hội ngày càng sâu sắc ?

Đặc phái viên báo Libération tại Bắc Kinh có bài viết khá sâu sắc phân tích những động cơ dẫn đến trào lưu bạo lực tại Trung Quốc.

Tác giả nhắc lại các vụ bạo động gây tiếng tăm gần đây như một người đàn ông vũ trang bằng dao ngày 23/07/2013 đã tấn công cơ quan kế hoạch hóa gia đình, phụ trách việc áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ có một con của Trung Quốc tại thành phố Đông Hưng (Dongxing) thuộc tỉnh Quảng Tây, giết chết hai viên chức và làm bị thương ba người khác cùng với một luật sư.

 Động cơ gây án là do chính quyền đã thừa cơ khi anh ta vắng nhà bắt cóc vợ anh để cưỡng chế phá thai vì đây là đứa con thứ tư. Hành động cưỡng bức phá thai rất phổ biến tại Trung Quốc.

Hôm qua, một hưu trí đã vào siêu thị mua một con dao và bất ngờ đâm chết một khách hàng trước khi đến quầy tính tiền và làm bị thương 3 người khác trong đó có hai trẻ em.

Chủ nhật vừa rồi, một người đàn ông đã giết hại một du khách người Mỹ và một khách hiếu kỳ đứng xem tại một trung tâm thương mại Bắc Kinh.

Thứ Bảy, một người ngồi xe lăn, đã cho nổ bom tại sân bay Bắc Kinh. Đặc biệt, người này đã ra hiệu cho hành khách sơ tán để không gây thiệt mạng và thương tích cho ai ngoài ông ta.

 Người nông dân tỉnh Sơn Đông vốn bị cảnh sát đánh nhừ tử vào năm 2005 và bị mất đôi chân.

 Điều gây chú ý là phần lớn cư dân mạng ủng hộ hành động bạo lực chống các quan chức cửa quyền và áp bức người dân.

Theo thống kê, đã có 180 000 cuộc biểu tình diễn ra hàng năm tại Trung Quốc. Nguyên nhân là do phản đối các dự án công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và chống nạn tham nhũng.

Tờ báo còn phỏng vấn đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha (Jia Zhangke), người đã đoạt giải thưởng kịch bản hay nhất tại liên hoan phim Cannes vào tháng Năm vừa rồi với bộ phim « Thiên Trụ Định » (A touch of sin).

Bộ phim phản ánh một xã hội Trung Quốc đang bùng nổ bởi đầy rẫy bất công xã hội, những biến động xã hội gây áp lực lên người dân và họ không có cách nào để bày tỏ nguyện vọng và giải quyết vấn đề theo cách thông thường.

Do đó, họ phải tìm đến bạo lực. Khi một xã hội tìm cách bịt miệng người dân thì đó là một xã hội bất thường.

Đạo diễn Giả Chương Kha nhận định, mối bất bình sâu sắc trong dân chúng là do chênh lệch giàu nghèo ngày càng cao, nạn tham nhũng hoành hành ngoài mức tưởng tượng.

Người dân cảm thấy bất lực do không thể hy vọng một tương lai sáng rạng hơn trong một xã hội con vua thì lại làm vua, con cái nông dân thì vẫn không hy vọng thăng tiến trong xã hội.

Hiện nay, người dân bắt đầu quan tâm đòi quyền tự lo, bình đẳng, hai vấn đề mà chính quyền Trung Quốc cho là mang tính « tư bản » và luôn tìm cách trấn áp.

Đổi mới công nghệ : khi Trung Quốc rượt đuổi Hoa Kỳ

Trong hồ sơ kinh tế, báo Les Echos hôm nay cũng quan tâm đến Trung Quốc qua bài viết « Đổi mới công nghệ : khi Trung Quốc rượt đuổi Hoa Kỳ » và so sánh với các nước khác trong bảng xếp hạng.

Hiện tại, theo một kết quả nghiên cứu được tiến hành trên các chủ doanh nghiệp của các quốc gia G20, trong 2 năm tới, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí quán quân (46%), tiếp sau đó là Trung Quốc (34%), Đức (22%), Anh (17%) và Ấn Độ (14%) đang cạnh tranh với Nhật. Pháp không lọt vào danh sách các quốc gia có đổi mới công nghệ.

Bài báo nhận định là vị trí số 1 của Hoa Kỳ đang bị Trung Quốc gặm nhấm từ từ. Hai nước trong khối các quốc gia tân hưng BRICS là Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cải tiến kỹ thuật từ chục năm nay và ngày nay đã thực sự trở thành những công xưởng tài năng.

Không dưới 86% trong 5 triệu người tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư, toán học trên toàn thế giới vào năm 2012 là người Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc. Hơn nữa, tại Trung Quốc, 41% người mới tốt nghiệp thuộc ngành khoa học, kỹ sư và 26% tại Ấn Độ trong khi chỉ có 13% tốt nghiệp chuyên ngành này tại Hoa Kỳ và 22% tại Anh.

Bài báo còn nhận định, điểm mạnh của các nước khôi tân hưng là hầu hết các doanh nhân đều phát triển các phương tiện kỹ thuật số hơn các quốc gia phát triển bởi vì họ biết rằng khoa học kỹ thuật không biên giới và không hạn chế ở bất kỳ lĩnh vực nào, giúp chiếm lĩnh thị trường dễ dàng mà trước đây chỉ có các tập đoàn lớn mới tìm đến phương tiện này. Ví dụ như các trang mạng xã hội, ứng dụng điện thoại di động thông minh để làm việc hay quản lý dữ liệu.

Căng thẳng dữ dội tại vùng Cachemir Ấn Độ

Liên quan đến thời sự tại Ấn Độ, báo Le Monde hôm nay có bài viết : « Khu vực Cachemir của Ấn Độ đang sống trong ảo tưởng có hòa bình ».

Theo bài viết, chính quyền New Delhi đàn áp mọi yêu sách đòi quyền tự trị, tách rời ra khỏi Ấn Độ của một tiểu bang tại vùng Cachemir với đa phần là người Hồi giáo.

Bài báo miêu tả cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người dân khu vực này trước đền thờ hồi giáo sau giờ cầu nguyện. Để trả đũa cảnh sát đã xịt hơi cay vào đám đông, dân chúng đã ném đá vào lực lượng an ninh. Đây là cảnh xảy ra như cơm bữa tại khu vực Cachemir. Tìm đến bạo lực là vì người dân tại đây đã quá ấm ức vì chính quyền New Delhi không hề đả động gì đến yêu sách của họ và không hề có một thương thuyết nào giữa Ấn Độ và Pakistan hay giữa chính phủ trung ương với các lãnh đạo chính trị vùng Cachemir.

Một giáo sư nhận định : « Ấn Độ nghĩ rằng thời gian sẽ làm cho người dân Cachemir chán và quên đi mọi yêu sách nhưng chính thái độ từ chối nhượng bộ của chính phủ đã gây nên mối bất bình của người dân ». Người dân tại đây muốn được tự do, độc lập và không bị sát nhập vào Pakistan.

Nước biển tại châu Âu sạch hơn

Liên quan đến môi trường, báo La Croix hôm nay đặc biệt quan tâm đến các bãi biển tại châu Âu qua hàng tựa ngay trên trang nhất : « Các bãi biển sạch hơn ».

Tờ báo có cái nhìn tổng quan và so sánh chất lượng nước biển tại các bãi tắm ở châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha…

Từ vài thập niên nay, chất lượng nước ở các bãi tắm ở Pháp không ngừng được cải thiện nhưng các quốc gia láng giềng còn làm tốt hơn. Nhiều chính quyền địa phương đặc biệt là Pays basque, giáp ranh với Tây Ban Nha và Pháp đã huy động để làm cho cảnh quan các bãi biển và nước biển sạch hơn phục vụ du khách.

Tại Ý, 85% nguồn nước được xét nghiệm đạt chất lượng tốt.

Theo báo cáo hàng năm mới nhất của cơ quan môi trường châu Âu đăng vào tháng Năm, chất lượng nước biển được cải thiện trên khắp các quốc gia thành viên châu Âu. Nước Pháp đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ có 60% nguồn nước được cho là « tốt » trong khi tại các quốc gia châu Âu khác là 78%.

Giờ đây, các tòa thị chính có đầy đủ thông tin để cấm du khách tắm biển khi nước bị ô nhiễm. Tại Pháp, hầu như các dòng nước bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Bulgari : làn sóng phản đối dâng cao

Nhìn sang quốc gia Đông Âu Bulgari, báo chí Pháp hôm nay khá quan tâm về các cuộc biểu tình, chống đối của dân chúng Bulgari trước nạn tham nhũng qua bài viết trên báo Les Echos mang tựa : « Làn sóng chống đối lan rộng và mạnh hơn tại Bulgari chống lại chính thể đầu sỏ ».

Báo La Croix đăng bài : « Nền dân chủ Bulgari đang gặp thử thách ».

Cả hai tờ báo đều nhận định sau 40 ngày, làn sóng chống đối trong dân chúng vẫn tiếp diễn tại một đất nước nghèo nhất Liên hiệp châu Âu. Những người phản kháng bao vây Nghị viện trong vòng nhiều giờ đêm 23 rạng sáng 24/07. Từ trung tuần tháng Sáu, những người biểu tình lên án nạn tham nhũng và kêu gọi chính phủ từ chức.

Báo La Croix nhận định nguyên nhân dẫn đến sự phẫn nộ của người dân là do nạn tham nhũng của một bộ phận đầu sỏ của đất nước, thiếu đạo đức, cuộc sống thì đắt đỏ trong khi mức lương thì quá thấp… Bulgari là quốc gia duy nhất thuộc Liên hiệp châu Âu mà người dân chi đến hơn 70% ngân sách của họ cho lương thực thực phẩm. Thêm vào đó là bộ máy chính trị được sắp đặt trước, lại càng gây thêm ấm ức cho người dân.

Theo nhận định của một nhà xã hội học Bulgari thì « những người biểu tình sẽ tạo nên một làn sóng di cư mới trong khi đất nước đang cần đến năng lực của họ ».

Detroit : nguyên nhân của sự khánh kiệt

Thành phố Detroit kiệt quệ vẫn là đề tài được báo Le Monde hôm nay quan tâm qua bài viết : « Những nhà bảo thủ không muốn cứu Detroit ».

Tờ báo trích phân tích của nhà sử học Thomas Sugrue về nguyên nhân gây kiệt quệ cho thành phố Detroit, kinh đô của ngành sản xuất ô tô Hoa Kỳ.

Thành phố đã từng tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ gốc châu Phi. Thế nhưng, thành phố nổi tiếng là kỳ thị chủng tộc.

Khi người da đen đến sống trong khu phố người da trắng thì liền bị tấn công. Tại công xưởng, người da đen làm những công việc kém kỹ năng và nặng nhọc nhất so với người da trắng.

Ngành sản xuất xe hơi bắt đầu xuống dốc trong những năm 1950. Thành phố Detroit bắt đầu giảm khoảng 140 000 việc làm và một số xưởng sản xuất dời về phía Nam nước Mỹ hay ra nước ngoài, nơi có giá thành nhân công rẻ hơn. Cùng lức đó, người da trắng tại Detroit cũng di cư đi nơi khác. Vào cuối những năm 60, 40% dân số của thành phố là dân da đen.

Hậu quả là nguồn đầu tư vào thành phố giảm nghiêm trọng. Một số công ty và trung tâm thương mại cũng dẹp tiệm.

Đối lại, thành phần da đen liên tục biểu tình, mối bất bình và xung khắc với cảnh sát ngày càng tăng. Dưới thời tổng thống Johnson, năm 1967, nhiều công trình, tòa nhà bị tiêu hủy. Sau đó là người da đen vươn lên nắm chính quyền thành phố Detroit.

Từ đó, các cử tri và dân biểu xem Detroit là nơi bạo động và tham nhũng nên chẳng ai muốn giúp đỡ thành phố này.

Ngành công nghiệp sản xuất xe hơi đã được cứu vào năm 2009 với sự hỗ trợ của liên bang thế nhưng thành phố Detroit thì không. Các nhà bảo thủ cho rằng Detroit phải chịu trách nhiệm cho số phận của mình và phải bị trừng phạt như để làm gương. Phần đông Nghị viện không hề muốn cứu Detroit.

Tai nạn tàu hỏa tại Tây Ban Nha

Sau Pháp là đến Tây Ban Nha, báo Le Figaro và báo Libération ra ngày hôm nay đồng quan tâm đến tai nạn xe lửa do bị trật đường ray xảy ra vào đêm hôm qua gần ga Saint-Jacques-de-Compostelle.

Báo Le Figaro có bài viết mang tựa : « Tai họa đường sắt tại Tây Ban Nha ». Báo Libération đăng bài : « Tai nạn tàu lửa gây chết người tại Galice ».

Giới chức địa phương cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 20h41 giờ địa phương. Đoàn tàu chở 238 hành khách, đang trên đường từ thủ đô Madrid tới cảng Ferrol, đã trật bánh ở khúc cua cuối đường hầm ngay sau khi vừa ra khỏi khu vực ngoại ô thành phố Saint-Jacques-de-Compostelle.

Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 35 người và 200 người bị thương. Tất cả các toa đều bị trật ray. Tối hôm qua, nhiều thi thể phơi ra trên đường ray và nhân viên cứu hộ đã cố gắng giải thoát cho những nạn nhân còn bị kẹt lại trong các toa tàu.

Kênh truyền hình của Tây Ban Nha dẫn lời các nhân chứng sống sót cho biết đoàn tàu đã chạy quá nhanh khi đi vào khúc cua.

Apple : sự hưng thịnh đã chấm dứt

Báo Le Monde ra hôm nay quan tâm đến sức khỏe của tập đoàn điện tử Apple. Trên trang nhất mục kinh tế của báo Le Monde chạy tựa : « Apple : sự hưng thịnh đã chấm dứt ».

Theo tờ báo, lợi nhuận của tập đoàn mang biểu tượng trái táo đã giảm rõ nét trong quý II còn 6,9 tỷ đô la. Tờ báo nhận định thị trường hàng cao cấp mà Apple vốn chiếm lĩnh bắt đầu bão hòa.

Theo một chuyên gia thì tại Hoa Kỳ và châu Âu, người khá giả đã bắt đầu được trang bị đầy đủ. Do đó, Apple cần sản xuất mặt hàng điện thoại thông minh rẻ hơn để tận dụng thị trường của các nước như Ấn Độ và Trung Quốc.

Switch mode views: