Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-12-2019

Để mặc Hồng Kông chao đảo, Bắc Kinh khen thưởng Macao

macau politics 3

 


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua 18/12/2019 sang thăm Macao nhân dịp 20 năm cựu thuộc địa Bồ Đào Nha được trả cho Trung Quốc. REUTERS/Jason Lee

 


Nhìn sang châu Á, nhân dịp tròn 20 năm cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha trở lại thuộc Trung Quốc, báo Libération giới thiệu bài phóng sự thông tín viên Anne-Sophie Labadie tại Macao: “Để mặc Hồng Kông chao đảo, Bắc Kinh “khen thưởng” cho Macao”.

Trái ngược với những cuộc trấn áp ở Hồng Kông là không khí lễ hội ở Macao.
Một giáo sư xã hội học thuộc đại học Macao ca ngợi “chính phủ trung ương ban tặng nhiều cơ may vàng cho thanh niên.

Các mối liên hệ với Trung Hoa Đại Lục rất chặt chẽ”. Macao vốn nổi tiếng là “học sinh ngoan” của Bắc Kinh.

Đến Macao hôm qua 18/12 để dự lễ kỷ niệm 20 năm vùng đất này được trao trả lại cho Trung Quốc, hôm nay chủ tịch Tập Cận Bình công bố hàng loạt biện pháp kinh tế, vừa để ban thưởng cho sự trung thành của Macao, vừa nhằm chỉ trích Hồng Kông về phong trào phản kháng xã hội.

Ngay khi vừa đến Macao, ông Tập đã phát biểu “Nhân dân chính quốc và chính quyền trung ương rất tự hào” về những thành quả mà Macao đã đạt được từ năm 1999 khi áp dụng nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”.

Macao và Hồng Kông là hai vùng duy nhất được quản lý theo nguyên tắc mà trên lý thuyết là “có một mức độ tự chủ cao”, với các quyền tự do ngôn luận và một hệ thống luật định còn chặt chẽ hơn cả ở Trung Hoa đại lục.
Tuy nhiên, hai đặc khu “hàng xóm, láng giềng” lại không có cùng cách hiểu về khái niệm “hai chế độ”.

Tại Hồng Kông, nơi người dân luôn đòi hỏi và gắn bó với bản sắc riêng của họ, từ hồi tháng 06 đã nổi lên phong trào ngờ vực chế độ cộng sản Bắc Kinh. Còn Macao thì có thái độ hòa giải và dễ thích nghi hơn, toàn tâm toàn ý hướng về Trung Quốc.

Hơn 50% tổng số 667.000 dân Macao sinh ra tại đại lục và hơn 70% trong tổng số 36 triệu du khách đến Macao hàng năm cũng là dân đại lục.
Macao đã trở thành “Trung Quốc hơn cả Trung Hoa đại lục”. Tại các cảng biển ở cả Hồng Kông và Macao, lực lượng an ninh dày đặc bất thường được triển khai để ngăn cản người Hồng Kông đến Macao.

Trong vòng 20 năm, kinh tế Macao phát triển mạnh nhờ ngành công nghiệp sòng bạc và mở cửa thị trường vào năm 2002.
Nhưng đại diện một tổ chức công giáo thiện nguyện ở Macao cho biết cho dù tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức dưới 2%, các khoản trợ cấp xã hội rất cao và mức lương tăng 5-6 lần so với 20 năm trước, nhưng giá cả sinh hoạt tăng gấp 20 lần, chi phí chăm sóc y tế cũng tăng mạnh.

Trên thực tế, có rất ít người Macao không ca ngợi sự thành công của nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”.
Cách đây nhiều tháng, nhiều người đã tìm cách tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào phản kháng tại Hồng Kông, nhưng cảnh sát đã kịp ngăn cản không để xảy ra biểu tình.

Sulu Sou, một dân biểu trẻ của đảng đối lập phát biểu “nhiều người ủng hộ tự do nhưng không biết làm thế nào để thể hiện, cũng có nhiều người sợ không dám làm.
Bắc Kinh đang lo sợ Macao sẽ phản kháng giống như Hồng Kông nhưng việc kiểm soát xã hội và chính trị, truyền thông và trường học rất sâu đậm”.
Nhưng tại sao phe đối lập ở Macao không thúc đẩy các đòi hỏi, yêu sách về dân chủ như ở Hồng Kông?

Dân biểu Sulu Sou giải thích là hiện họ có quá nhiều hồ sơ cần tập trung giải quyết, nhất là các vấn đề riêng của Macao, chẳng hạn chống sự phát triển của phương pháp nhận diện gương mặt.

Nhiều người thuộc phe đối lập cũng không hiểu nổi cuộc tranh đấu ở Hồng Kông, thậm chí một số người còn sợ là nếu được bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu, cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn như ở Hồng Kông.
Dân biểu Sulu Sou nhấn mạnh sự thay đổi có thể làm một số người lo sợ, vì thế “cần hành động từng bước”.

Cải tổ hưu trí: Phong trào đình công đối diện với nguy cơ trở nên cực đoan

Cũng như suốt 2 tuần qua kể từ ngày 05/12, phong trào đình công, biểu tình chống dự án của chính phủ cải tổ chế độ hưu bổng vẫn thu hút sự chú ý của hầu hết các báo Pháp.

Le Monde ra sạp sớm từ chiều hôm qua chạy tít « Hưu bổng : chính phủ không nhượng bộ, các công đoàn cũng không lui bước ».
Báo Libération lại chú ý đến “Hưu trí: cuộc đọ sức bên trong phủ thủ tướng Pháp”.

Bên cạnh các bài báo tập trung phân tích cuộc đấu bất phân thắng bại giữa chính phủ và các nghiệp đoàn, báo Le Figaro và La Croix chú ý đến vụ việc hôm thứ Ba 17/11, để gia tăng áp lực đối với chính phủ, các thành viên cực đoan của nghiệp đoàn CGT của tập đoàn Điện Quốc Gia Pháp đã cố ý ngắt điện của 170.000 hộ gia đình ở nhiều nơi trên toàn nước Pháp, từ Paris, Montluçon, đến Dunkerque, Cherbourg, Lyon, Nanté, Orléans …

 

Trong bài viết “Nghiệp đoàn CGT gây ra các vụ mất điện”, Le Figaro nhận định, sau khi làm tê liệt hệ thống giao thông, nghiệp đoàn CGT đã bước sang một chặng mới có thể bùng nổ nhiều tranh cãi, thậm chí hành động cực đoan của CGT còn bị coi là “phi pháp”.
Bộ trưởng bộ Môi trường chỉ trích mạnh mẽ hành động tiêu cực, phi pháp của CGT và cảnh báo việc cắt điện tùy tiện như vậy có thể gây ra nhiều bi kịch.

Trên thực tế, không chỉ cắt điện của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn, trung tâm thương mại và các hộ gia đình, chẳng hạn ở Lyon, CGT còn cắt điện của 5 bệnh viện tư nhân, một trạm metro, một đơn vị cứu hộ cứu hỏa.
 Quan chức chính phủ kêu gọi lãnh đạo các cơ quan quản lý mạng điện RTE và Enedis khởi kiện CGT.

Điều đáng ngại là bất chấp sự phản đối của người dân và chính quyền, lãnh đạo nghiệp đoàn hôm qua khẳng định CGT có thể sẽ gia tăng biện pháp cắt điện trong tương lai và người dùng điện sẽ vẫn ủng hộ họ!

Còn trong bài viết “Một cuộc đình công đối diện với nguy cơ trở nên cực đoan”, báo La Croix trích một đại diện của một nghiệp đoàn ủng hộ dự án cải tổ chế độ hưu bổng theo đó nhiều thành viên CGT đã thực sự trở nên cực đoan và chỉ muốn duy trì chế độ hưu bổng vốn rất có lợi cho họ.
Người này nhấn mạnh CGT bắt đầu đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của nghiệp đoàn.

Tuy nhiên, báo La Croix cũng nhắc lại là tại tập đoàn điện EDF của Pháp, đây không phải lần đầu tiên biện pháp cúp điện được CGT sử dụng để gây sức ép cho chính phủ.
 Hồi những năm 1970, chính nghiệp đoàn này đã đe dọa “đẩy nước Pháp vào bóng đêm”.
Phủ tổng thống cũng từng bị cúp điện vào năm 2004, gia đình các bộ trưởng bị tháo đồng hồ đo điện khi chính phủ muốn cải tổ EDF.

Pháp : Kinh tế vẫn tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế bất ổn

Mặc dù nước Pháp đang vướng vào phong trào đấu tranh chống cải tổ hưu trí, nhưng trên lĩnh vực kinh tế, Le Monde nhận định kinh tế đất nước vẫn trụ được trong bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều bất trắc.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 1,3%, sức mua tăng thêm 1,6%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2007.

Theo dự báo Viện Thống Kê Pháp công bố hôm 17/12/2019, mặc dù giảm nhẹ một chút so với dự báo ban đầu, nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Pháp vẫn cao hơn của cả khu vực đồng euro, nhất là nước láng giềng Đức. 263.000 việc làm đã được tạo thêm trong năm 2019, so với con số 230.000 của năm 2018.
Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các ngành dịch vụ phát triển năng động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nhưng chủ yếu là các công việc không đòi hỏi trình độ cao.

Nước Pháp, với nền công nghiệp hướng tới các lĩnh vực dược phẩm, hàng xa xỉ, vũ khí và hàng không vũ trụ, được coi là được định hướng ngành nghề tốt hơn nước Đức, vốn chuyên về xe hơi, hóa học và sản phẩm công nghiệp - 3 lĩnh vực đang suy thoái.
Trong khi khả năng sản xuất của Đức giảm 5% trong năm 2019, thì sản xuất của Pháp lại tăng 3%.
 Nước Pháp đã được chuẩn bị tốt hơn để có thể tranh thủ được sự phục hồi của nền thương mại quốc tế.

Không khí cũng nhiễm độc thuốc trừ sâu diệt cỏ

Vẫn về nước Pháp, nhưng liên quan đến sức khỏe, môi trường, báo Le Monde cho biết trong không khí có 40-90 hoạt chất được dùng trong các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong nông nghiệp.

Điều đáng ngạc nhiên là một số hoạt chất đã bị cấm dùng từ nhiều năm nay và được các cơ quan chức năng xếp vào danh sách các chất nguy hiểm, có thể gây bệnh ung thư … nhưng các chuyên gia vẫn phát hiện các hoạt chất này trong không khí, không chỉ ở nông thôn mà cả ở đô thị, thậm chí trong các khu dân cư.

Đây là số liệu từ cơ sở dữ liệu Phytatmo, được Atmo France, Liên đoàn các hiệp hội giám sát chất lượng không khí, công bố ngày 18/12/2019.
Đây là kết quả đầu tiên tổng hợp 15 năm đo lường dư lượng 321 loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong không khí.

Tổng cộng, các hiệp hội giám sát chất lượng không khí đã tiến hành 6.837 lần lấy mẫu tại 176 địa điểm, ở cả nông thôn và thành thị, để đo lường dư lượng của 321 hoạt chất diệt trừ sâu bệnh.
Riêng thuốc diệt cỏ glyphosat không có trong danh sách các hoạt chất phát hiện được trong không khí, đơn giản bởi phải có kỹ thuật đặc biệt với chi phí rất cao.

Một chiến dịch đo lường dư lượng glyphosat trong không khí đã được Cơ quan quốc gia Pháp về an toàn vệ sinh y tế khởi động nhưng phải đến giữa năm 2020 mới có kết quả.
Le Monde cho biết, Pháp vẫn chưa có quy định giám sát các loại thuốc diệt cỏ trong không khí, giống như đối với các loại bụi mịn và khí thải từ xe hơi chạy bằng dầu diesel.

Hiện giờ, Pháp mới chỉ có quy định về dư lượng thuốc trừ sâu diệt cỏ trong nước và thực phẩm.
Một chuyên viên về mảng thuốc trừ sâu của Atmo France giải thích : « Cho đến những năm 2000, người ta vẫn cứ nghĩ là không có thuốc trừ sâu diệt cỏ trong không khí, vì thế không ai quan tâm ».

Trên thực tế, các loại thuốc trừ sâu diệt cỏ có thể bốc hơi từ mặt đất và lan tỏa trong không khí khi gặp gió thổi.
Các nhà khoa học đưa ra ba giả thuyết : nông dân vẫn lén sử dụng các hóa chất bị cấm trong sản xuất nông nghiệp, dân thường tự ý sử dụng các chất đó và các hoạt chất nói trên tồn tại rất lâu trong môi trường.

Trang nhất các báo Pháp

Báo kinh tế Les Echos và Le Figaro đều quan tâm đặc biệt tới vụ sáp nhập hai tập đoàn xe hơi PSA và Fiat Chrisler qua các hàng tựa “Peugeot - Fiat: sự ra đời của một hãng xe hơi khổng lồ”, “Peugeot và Fiat tạo ra người khổng lồ trên thế giới”.

 Được sáp nhập, Peugeot và Fiat sẽ trở thành hãng xe hơi lớn thứ tư toàn cầu.
Dưới sự điều hành của Carlos Tavares, tập đoàn sẽ bán ra khoảng 9 triệu xe hơi mỗi năm.

Còn báo Công Giáo La Croix hướng sự quan tâm đến công trình cải tạo nhà thờ Đức Bà Paris vốn đã bị lửa thiêu rụi một phần trong vụ hỏa hoạn hồi tháng 04. La Croix chạy tựa : “Notre Dame, công trường thi công đang tăng tốc”.


Switch mode views: