Tây Tạng: Đòn mới của Mỹ nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc
- Thứ Sáu, 20 tháng Chín năm 2019 23:25
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đời thứ 14. Ảnh chụp tại Milano, Ý, ngày 20/10/2016.
GIUSEPPE CACACE / AFP
Chiến lược gây áp lực toàn diện phải chăng đang được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng để tấn công Trung Quốc ?
Sau các sức ép liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Tân Cương, mới đây, Washington đã bất ngờ chĩa mũi dùi công kích Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng, cụ thể là cảnh cáo Trung Quốc là không nên áp đặt người thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, mũi tấn công của Mỹ xuất phát từ cả hành pháp lẫn lập pháp, với lời cảnh báo của một quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Mỹ và một dự luật đang được thảo luận ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhằm lưu ý Bắc Kinh rằng họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối quốc tế nếu tìm cách áp đặt « tiến trình tái sinh » của đức Đạt Lai Lạt Ma.
Ngày 18/09/2019 vừa qua, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, ông David Stilwell, quan chức hàng đầu của bộ Ngoại Giao Mỹ đặc trách Đông Á, đã cam kết là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để cho người dân Tây Tạng được hưởng một « quyền tự trị có ý nghĩa ».
Về vấn đề kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, mà theo đức tin Tây Tạng, sẽ tái sinh trong cơ thể người thay thế, ông Stilwell đã không ngần ngại chế nhạo việc đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn can thiệp vào tiến trình tái sinh này.
Quan chức Mỹ đã tuyên bố nguyên văn như sau :
« Thật đáng băn khoăn và mỉa mai thay, đảng (tức là đảng Cộng Sản Trung Quốc) tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong tiến trình tái sinh của đức Đạt Lai Lạt Ma, ngay cả khi chủ tịch Tập (tức là ông Tập Cận Bình) luôn thúc giục các đảng viên duy trì “lòng kiên định của những người Mác Xít vô thần” ».
Theo ông Stilwell : « Người Tây Tạng, cũng như tất cả các cộng đồng có đức tin khác, phải có quyền tự do thực hành đức tin của mình, và tự do lựa chọn lãnh đạo của mình mà không bị bên ngoài can thiệp vào ».
Hành pháp Mỹ đã lên tiếng sau khi một nhóm dân biểu tại Hạ Viện Mỹ đệ trình một dự luật quy định việc trừng phạt bất kỳ quan chức lãnh đạo Trung Quốc nào can dự vào các hoạt động nhằm chọn người kế vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.
Bên cạnh đó, dự luật còn cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán tại Hoa Kỳ, ngày nào mà Mỹ không có cơ sở ngoại giao của chính mình tại Lhassa, thủ phủ vùng Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm đã 84 tuổi, vấn đề chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp càng lúc càng gay gắt.
Theo truyền thống, các tu sĩ Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma thông qua một nghi thức có thể kéo dài nhiều năm, với một ủy ban lưu động có trách nhiệm đi khắp nơi tìm kiếm một đứa trẻ có thể là hóa thân tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần đương nhiệm.
Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rõ ý muốn tự mình chọn người kế vị đức Đạt Lai Lạt Ma, với hy vọng bổ nhiệm được một lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thân Bắc Kinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, đang sống lưu vong ở Ấn Độ sau khi chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959, đã nghĩ đến việc chống lại ý đồ của Trung Quốc bằng cách đề ra những khả năng phi truyền thống để tìm người kế nhiệm, chẳng hạn như chọn ngay người kế nhiệm khi ông đang còn sống, thậm chí chọn một cô gái.
Một khả năng nữa là tuyên bố rằng ông là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng.
Đối với giới bảo vệ dân tộc Tây Tạng, sự can thiệp của Mỹ có thể sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi ý kiến, nhưng sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lợi hại trước khi hành động.
Dẫu sao thì với hồ sơ Tây Tạng, kể như là Mỹ đã tung đòn gây sức ép trên toàn bộ các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi của họ.
Bên cạnh ba điểm truyền thống là Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, còn có Biển Đông mới được Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi trong một vài năm qua.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã phải đối phó với áp lực của Washington trên toàn bộ 4 hồ sơ này.
Tin mới
- Exxon, trắc nghiệm về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông - 24/09/2019 19:29
- Tân chính phủ Ý lùi bước trên Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc - 23/09/2019 21:07
- Dự án cao tốc Bắc-Nam và nỗi lo Trung Quốc - 23/09/2019 16:53
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-9-2019 - 23/09/2019 16:13
- Kazakhstan: Biểu tình chống Trung Quốc nổ ra tại 2 thành phố lớn - 22/09/2019 17:43
- Tại Mỹ, Hoàng Chi Phong tố cáo ‘‘Nhà nước cảnh sát’’ Hồng Kông - 22/09/2019 17:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-9-2019 - 21/09/2019 18:52
- Tại sao người dân Iran ghét Macron và Putin hơn ai hết ? - 21/09/2019 18:12
- Mỹ đưa thêm quân đến Vùng Vịnh theo đề nghị của Ả Rập Xê Út - 21/09/2019 14:28
- Phá đường dây gian lận visa đưa nhân viên chính phủ Trung Quốc vào Mỹ - 21/09/2019 00:46
Các tin khác
- “Siêu tên lửa” của Nga: Thực hư thế nào? - 20/09/2019 17:41
- Các nước châu Âu quyết tâm hiện diện thường xuyên tại Biển Đông - 20/09/2019 02:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-9-2019 - 19/09/2019 20:00
- Mạng lưới phòng thủ dầy đặc của Nga thách thức phương Tây - 19/09/2019 15:53
- Hi Tech : Hoa Vi trình làng điện thoại mới Mate 30 - 19/09/2019 14:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-9-2019 - 19/09/2019 00:31
- Trump bổ nhiệm nhà đàm phán con tin O’Brien thay John Bolton - 18/09/2019 23:51
- Đối đầu với Teheran, Ả Rập Xê Út đơn độc - 18/09/2019 22:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-9-2019 - 17/09/2019 20:14
- Mike Pompeo, cột trụ cuối cùng trong chính sách ngoại giao của Donald Trump - 17/09/2019 15:33