Tài chính : Trung Quốc thách thức Mỹ
- Thứ Ba, 30 tháng Bảy năm 2019 16:57
- Tác Giả: Thanh Hà
Ảnh chụp trước khi diễn ra lễ niêm yết giá của loạt công ty đầu trên thị trường STAR Market, Thượng Hải, ngày 22/07/2019.REUTERS/Stringer
Mỹ có sàn chứng khoán điện tử Nasdaq, thì nay Trung Quốc cũng vừa khai trương thị trường STAR Market dành riêng cho ngành công nghệ cao.
Huy động vốn đầu tư của tư nhân nhằm phục vụ chương trình phát triển công nghệ mới nằm trong kế hoạch "Made In China 2025" của ông Tập Cận Bình. Đây cũng là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.
Ngày 22/07/2019, Trung Quốc trọng thể khai mạc một sàn chứng khoán mới ở Thượng Hải mang tên STAR Market.
Trị giá cổ phiếu 25 công ty tham gia thị trường mới trong ngày đầu tiên hoạt động lập tức được nhân lên gấp từ 3 đến 5 lần.
Đến cuối phiên giao dịch ngày hôm đó, STAR Market huy động được 5,4 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 20 % so với mong đợi.
Trong số 25 công ty niêm yết giá tại thị trường mới này, có công ty bán dẫn Anji Microelectronics Technology, Suzhou Harmontronics Automation Technology chuyên sản xuất đủ loại máy xử dụng trong ngành xây dựng, khai thác quặng mỏ, công nghiệp hay tập đoàn đường sắt China Rail Signal &Communication ...
Bên cạnh những cái tên đã khá quen thuộc với giới trong ngành, STAR Market còn là nơi để một số công ty khởi nghiệp huy động vốn, dù vẫn trong giai đoạn làm ăn thua lỗ.
Nhìn rộng ra hơn, STAR Market là sân chơi của các hãng trong giới IT (Information Techonology), thông minh nhân tạo, công nghệ hàng không không gian, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học ...
Một sự lập lại của ChiNext ?
Thoạt tiên giới quan sát có thể ngạc nhiên về quyết định của Trung Quốc cho ra đời một sàn chứng khoán mới và đặt địa bàn ở Thượng Hải.
Bởi từ 2009, Trung Quốc đã có một thị trường chứng khoán mới, cũng hoạt động theo mô hình của Nasdaq tại Hoa Kỳ dành cho công nghệ cao và tin học.
Thị trường đó sử dụng chỉ số ChiNext, trụ sở được đặt tại Thâm Quyến, nơi được xem là "cái nôi" tin học và high tech Trung Quốc, là điểm khởi nghiệp của những con chim đầu đàn như Foxconn hay Hoa Vi.
10 năm trước, 28 trong số 200 công ty xin đăng ký đã được phép tham gia sàn chứng khoán ở Thâm Quyến, trong ngày khai trương, cổ phiếu cũng tăng đến mức chóng mặt như tại Thượng Hải hôm tuần trước.
Đấy cũng là những hãng hoạt động trong ngành công nghệ cao và có tiềm năng phát triển mạnh.
Đúng ngày khai trương, 30/10/2009, thị trường ChiNext đã nhiều lần phải tạm ngưng hoạt động, tránh để xảy ra hiện tượng đầu cơ.
Mục tiêu của chính quyền Bắc Kinh khi đó cũng nhằm tạo điều kiện cho các công ty nhỏ có vốn để phát triển.
Thế nhưng khi "lên sàn" tìm vốn đầu tư, các đại gia Trung Quốc từ Alibaba đến Baidu hay Tencent, Xiaomi ... đã không yết giá tại Thâm Quyến, mà đều đã chọn New York hoặc Hồng Kông làm bãi đáp.
New York là điểm hẹn của tất cả các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ - từ Google đến Amazon, còn Hồng Kông mới là "điểm hẹn" tại châu Á của giới tư bản thế giới.
Câu hỏi đặt ra: đâu là mục tiêu chính quyền Trung Quốc nhắm tới khi chọn Thượng Hải là địa bàn hoạt động cho một sàn chứng khoán mới ?
Trả lời hệ thống truyền thanh và truyền hình Thụy Sĩ RTS, chuyên gia kinh tế Mathilde Lemoine, ngân hàng Pháp Rothschild, phân tích :
"Trước hết chính quyền Bắc Kinh và ông Tập Cận Bình muốn các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc quay về nước để tham gia sàn chứng khoán Thượng Hải này.
Điều mới của thị trường STAR là nhắm tới các tập đoàn lớn và cả những công ty khởi nghiệp.
Thậm chí những hãng đang làm ăn thua lỗ cũng có thể huy động vốn.
Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta quá vội vã khi so sánh thị trường mới này của Trung Quốc với Nasdaq của Mỹ.
Lý do: Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty điện tử và công nghệ của Mỹ cũng như các công ty ngoại quốc.
START Market thì không. Đó là một khác biệt rất lớn giữa hai thị trường Mỹ và Trung Quốc trong cùng một lĩnh vực và điều đó thể hiện rõ đường lối mang tính dân tộc chủ nghĩa từ quyết định cho ra đời một sàn chứng khoán mới.
Đồng thời chúng ta càng thấy rõ quyết tâm của ông Tập Cận Bình muốn rằng Trung Quốc cũng phải có những thị trường tài chính quan trọng vào bậc nhất.
Mục tiêu mà Bắc Kinh theo đuổi là trong tương lai, thị trường đó phải mở rộng ảnh hưởng đến toàn châu Á và cho phép Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ ngay cả trên phương diện tài chính".
STAR Market của Trung Quốc phải mất một thời gian dài mới hy vọng bắt kịp Hồng Kông hay New York.
ChiNext tại Thâm Quyến, cho đến năm 2016 mới chỉ có hơn 300 công ty niêm yết giá.
Còn Nasdaq bắt đầu hoạt động năm 1971 và tới nay quy tụ hơn 3.200 công ty điện tử, công nghệ cao.
Mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra châu Á
Thực ra, từ tháng 11/2018 ông Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch biến Thượng Hải thành "một trung tâm tài chính quốc tế và là bàn đạp cho các phát minh khoa học, công nghệ mới".
Do vậy, trong bối cảnh đọ sức Mỹ –Trung đã mở rộng ra nhiều mặt trận ngoài lĩnh vực thương mại, ồn ào khai trương sàn chứng khoán mới STAR Market càng khẳng định thêm vai trò của Nhà nước Trung Quốc, của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong các lĩnh vực công nghệ mới.
Mathilde Lemoine, ngân hàng Rothschild, giải thích:
"Hiện thời, 25 công ty Trung Quốc tham gia sàn chứng khoán mới này và mục tiêu là trong một vài tháng nữa sẽ có khoảng 50 hãng niêm yết trên thị trường này.
Nhìn chung, tới nay các hãng đầu tiên huy động vốn trên STAR Market hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ sinh học hay môi trường...
Trung Quốc muốn phát triển những mảng công nghệ mới từng được đề cập đến trong kế hoạch mang tên "Made in China 2025".
Nói cách khác, chủ đích của START Market là tài trợ trực tiếp cho chương trình phát triển mà Tập Cận Bình đã đề xuất, đồng thời mở rộng vài trò quốc tế của đồng nhân dân tệ".
Tuy nhiên, sự ra đời của STAR Market được tất cả các nhà phân tích xem như một bước ngoặt quan trọng bởi thứ nhất, Bắc Kinh đã nới rộng các điều khoản để các hãng nhỏ dễ huy động vốn, qua đó tạo đà phát triển nhanh.
Thứ hai là cỗ máy kinh tế của Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang high tech và đấy mới là cột trụ trong tương lai như ghi nhận của một chuyên gia thuộc quỹ đầu tư First Sea Fund Management, trụ sở tại Thâm Quyến.
Điểm đáng chú ý thứ ba theo chuyên gia kinh tế Mathilde Lemoine, STAR Market thể hiện tham vọng rất cao của ông Tập Cận Bình để thống lĩnh thế giới trong thế kỷ 21.
"Cho đến hiện tại, kinh tế Trung Quốc phát triển được là nhờ có các ngân hàng - với không ít những mờ ám ở bên trong và đó chính là điều mà người ta thường chỉ trích Bắc Kinh.
Một nền kinh tế hiện đại phải trực tiếp tìm kiếm vốn trên các thị trường tài chính.
Ông Tập Cận Bình muốn phát huy mảng này, để cho phép các doanh nghiệp - bất luận lớn hay nhỏ - đều có thể huy động vốn của tư nhân.
Hiện tại các hãng Trung Quốc không thể huy động vốn của quốc tế để phát triển, nên Bắc Kinh muốn chấm dứt tình trạng này.
Đừng quên rằng Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành một siêu cường kinh tế hàng đầu vào năm 2050. Thành thử Bắc Kinh muốn cạnh tranh với Mỹ ngay cả về mặt tài chính, một lĩnh vực mà tới nay Hoa Kỳ còn đang dẫn dầu khá xa".
Nhưng có lẽ yếu tố Donald Trump và căng thẳng Mỹ-Trung kéo dài từ mùa xuân 2018 là động lực thúc đẩy Bắc Kinh tăng tốc việc hiện đại hóa cơ cấu kinh tế, mà chặng đầu tiên là phải có những phương tiện xứng tầm.
Kinh tế gia Mathilde Lemoine, ngân hàng Rothschild, ghi nhận:
"Căng thẳng Mỹ-Trung vốn đã có và việc mở thêm một mặt trận mới càng cho thấy rõ thêm điều này. Chiến lược của Tập Cận Bình là phát triển Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh lên châu Á.
Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu "khu vực hóa đó", nhất là nước này đang bảo đảm gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu và gần một nửa tại châu Á.
Đương nhiên Bắc Kinh muốn có một công cụ tài chính xứng tầm.
Từ trước tới nay, Mỹ luôn đòi Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính, Bắc Kinh có hứa hẹn, nhưng không đưa ra bất kỳ một giải pháp cụ thể nào.
Lần này, chúng ta càng thấy rõ là Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ lao vào một cuộc chiến thương mại, mà cuộc đọ sức đó đã lan ra cả mặt trận tài chính, liên quan đến các dịch vụ tài chính và chính sách tài trợ cho các doanh nghiệp".
Nếu đúng như vừa nói, STAR Market là công cụ để Bắc Kinh thực hiện kế hoạch Made in China 2025 và thỏa mãn tham vọng kinh tế của Trung Quốc, thì phải nhìn nhận là chiến lược phát triển của ông khổng lồ châu Á này là rất lợi hại.
Related news items:
Tin mới
- Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung - 02/08/2019 18:59
- Hiệp ước INF tan vỡ, Mỹ rảnh tay đối phó Trung Quốc - 02/08/2019 18:32
- Đọ sức Việt-Trung tại Biển Đông: Việt Nam có chỗ dựa là Nga? - 02/08/2019 16:05
- Ngân Hàng Trung Ương Mỹ hạ lãi suất chỉ đạo - 01/08/2019 20:29
- Biển Đông: Việt Nam tố cáo Trung Quốc nhưng ASEAN vẫn dè dặt - 01/08/2019 15:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-7-2019 - 31/07/2019 21:54
- Bình Nhưỡng vẫn khiêu khích Mỹ ở mức độ vừa phải - 31/07/2019 20:16
- Đàm phán thương mại Mỹ - Trung ở Thượng Hải thất bại - 31/07/2019 18:51
- Biển Đông: Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu phản ứng mạnh Trung Quốc - 31/07/2019 16:02
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-7-2019 - 30/07/2019 21:12
Các tin khác
- Mêkông : Mối nguy từ các đập thủy điện ở thượng nguồn - 30/07/2019 15:56
- Căn cứ Incirlik : Lá chủ bài của Ankara để đối đầu Mỹ - 30/07/2019 15:39
- Biển Đông : Việt Nam thông báo cho Ấn Độ về vụ Tư Chính - 30/07/2019 14:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-7-2019 - 29/07/2019 23:51
- Hơn hai thế kỷ nhộn nhịp Chợ Lớn - Sài Gòn - 29/07/2019 18:11
- Bãi Tư Chính : Việt Nam nên để ngỏ khả năng kiện Trung Quốc - 29/07/2019 17:18
- Biểu tình vì dân chủ ngay tại trung tâm Hồng Kông - 28/07/2019 23:22
- Nga : Đòi bầu cử tự do, hơn 1.300 người bị bắt - 28/07/2019 22:13
- Kết thúc Tour de France 2019 : Egal Bernal lập kỳ công - 28/07/2019 22:03
- Mưa đá và đất lở gây xáo trộn cuộc đua xe đạp Tour de France 2019 - 28/07/2019 02:21