Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bảo vệ Hiệp định Khí hậu Paris : Hạ Viện Mỹ phản công TT Trump

usa congress climat aoc


Nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez, thủ lĩnh của nhóm nghị sĩ tranh đấu vì Khí hậu, Hạ Viện Mỹ, điện Capitol, Washington ngày 04/04/2019.REUTERS/Yuri Gripas

 

Đảng Dân Chủ Mỹ thông qua dự luật bảo vệ Hiệp định Khí hậu, chống lại tổng thống Trump.

Los Angeles, thành phố lớn thứ hai nước Mỹ, đẩy nhanh tốc độ hướng đến xã hội không khí thải.

 

Ấn Độ hân hoan, sau khi Trung Quốc buộc phải đưa một trùm khủng bố vào danh sách đen quốc tế. Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên án nước Anh phạt một năm tù nhà sáng lập Wikileak.
 Phong trào « Nổi dậy chống Hủy diệt » bất ngờ nhận được sự ủng hộ của Banksy, một huyền thoại của nghệ thuật đường phố/street art.

Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Đảng Dân Chủ phản công tổng thống Mỹ tại Hạ Viện. Với 231 phiếu thuận và 190 phiếu chống, Hạ Viện Mỹ ngày 02/05/2019 đã thông qua một văn bản ngăn cản tiến trình chính quyền Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Paris về Khí hậu.

Dự luật « Climate Action Now / Hành động Ngay vì Khí hậu » buộc chính quyền phải thực thi một kế hoạch để nước Mỹ tuân thủ các mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà chính quyền tiền nhiệm đã cam kết.

Dự luật vừa được thông qua là luật lớn đầu tiên về Khí hậu được Hạ Viện Mỹ phê chuẩn từ 10 năm trở lại đây.
Cơ hội để dự luật này chính thức trở thành luật coi như bằng không.

Lãnh đạo nhóm nghị sĩ Cộng Hòa, kiểm soát Thượng Viện, cho biết không ủng hộ.
Và dù có vượt qua Thượng Viện, « Climate Action Now » cũng sẽ bị ông Donald Trump phản đối, bởi tổng thống Mỹ sẽ chống lại đến cùng.

Tuy nhiên, cho dù gần như không có cơ hội thành luật, việc Hạ Viện thông qua dự luật « Climate Action Now » có nhiều ý nghĩa.

 

Trước hết, dự luật trước hết ngăn cản hành pháp sử dụng các khoản tiền của Liên bang, để thực hiện các thủ tục rút khỏi Hiệp định Paris.

 

Theo đòi hỏi của các dân biểu, tổng thống Trump phải trình một báo cáo trước Quốc Hội trong vòng 120 ngày, về các bước tiến trong việc thực thi Hiệp định.

Về nguyên tắc, chủ trương rút khỏi Hiệp định Paris của tổng thống Mỹ sớm nhất chỉ có thể có hiệu lực từ cuối năm 2020 trở đi.

 

Đây cũng là thời điểm cử tri Mỹ bầu tổng thống mới. Thông qua dự luật này, đảng Dân Chủ muốn gửi đến cộng đồng quốc tế thông điệp : nếu tổng thống nhiệm kỳ tới thuộc đảng Dân Chủ, Hoa Kỳ sẽ ở lại với Hiệp định Khí hậu.

Ý nghĩa thứ ba, và có thể là cái đích ngắm chủ yếu của đảng Dân Chủ, đó là đưa vấn đề Khí hậu trở lại trung tâm chính trường Mỹ, vào đúng thời điểm cuộc tranh cử tổng thống 2020 vừa khởi sự.

Khí hậu, môi trường, sinh thái là một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ Mỹ. Trong cuộc bầu cử 2020, thế hệ Z (tức những người ra đời vào thời điểm bước chuyển thiên niên kỷ) sẽ chiếm khoảng 10% cử tri.

Với việc thông qua « Climate Action Now », đảng Dân Chủ đã thể hiện được một lập trường chung, trong bối cảnh có nhiều bất đồng sâu sắc trong nội bộ các phe nhóm trong đảng, về mục tiêu cụ thể của các hành động vì Khí hậu.

Nỗ lực hướng đến 100% năng lượng tái tạo ngay từ năm 2035, để đáp ứng các đòi hỏi khẩn cấp, của nữ nghị sĩ trẻ Alexandria Ocasio-Cortez, với Chính Sách Kinh Tế Xanh mới (Green New Deal), chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 100 dân biểu Dân Chủ.

Tuy nhiên, Chính Sách Kinh Tế Xanh Mới đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương, thành phố lớn tại Mỹ.
Giữa tháng 4/2019, thành phố New York thông qua kế hoạch Green New Deal riêng của mình.

Los Angeles quyết đi nhanh đến xã hội Xanh

Ít hôm sau, ngày 29/04/2019, đến lượt thị trưởng Los Angeles, thành phố lớn thứ 2 nước Mỹ, tuyên bố lấy dự thảo nghị quyết về Chính Sách Kinh Tế Xanh Mới của phe tả trong đảng Dân Chủ tại Hạ Viện, làm cương lĩnh hành động.

Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :

« Đây là cuộc đấu tranh cho hành tinh của chúng ta, cho tương lai, bảo vệ công ăn việc làm và sự sống còn của chúng ta. Eric Garcetti đã tuyên bố như vậy.

 

Để làm cho Los Angeles từ nay đến năm 2050, trở thành thành phố không phát thải khí CO2, ông thị trưởng trước tiên muốn cải tạo các khu nhà ở, từ các tòa tháp cao chọc trời cho đến từng ngôi nhà của người dân.

Từ nay đến năm 2045, toàn bộ điện của thành phố lớn thứ hai nước Mỹ sẽ được sản xuất từ các năng lượng tái tạo.

 Los Angeles tập trung đầu tư vào điện mặt trời. Một mục tiêu khác còn đầy tham vọng hơn, tại một thành phố tôn sùng văn hóa xe hơi hơn bất kỳ nơi nào, đó là thị trưởng Eric Garcetti muốn cấm toàn bộ xe hơi động cơ nhiệt và thúc đẩy người dân thành phố này giảm bớt sử dụng xe hơi bằng cách phát triển các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng điện.

Los Angeles cũng thông báo chấm dứt thời kỳ dùng đồ nhựa, muốn trồng thêm 90 ngàn cây và hướng tới mục tiêu không có rác thải.

 

Ông thị trưởng coi việc thực hiện Chính Sách Xanh này như là một cơ hội kinh tế, mà theo ông có thể tạo ra 400 ngàn việc làm.

Los Angeles nằm trong số các thành phố của Mỹ đã cam kết tôn trọng Hiệp định Khí hậu Paris, sau khi Donald Trump tuyên bố, vào năm 2017, rút Hoa Kỳ ra khỏi văn bản này.
Lần này, thị trưởng Los Angeles lấy lại dự thảo nghị quyết mà phe tả trong đảng Dân Chủ đã đệ trình ra Quốc Hội hồi tháng Hai để xây dựng một Chính Sách Kinh Tế Xanh Mới (Green New Deal).

Dựa trên mô hình Chính Sách Kinh Tế Mới (New Deal) của Roosevelt khởi sự năm 1933, dự thảo này đề xuất Nhà nước đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực năng lượng xanh nhằm đối phó với tình trạng Khí hậu khẩn cấp ».

 

Mô hình Chính Sách Kinh Tế Mới được coi là cứu tinh, giúp nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái bắt đầu từ 1929 kéo dài suốt trong những năm 1930.

Chính sách này của Roosevelt được coi là đã giúp cho Hoa Kỳ vươn lên giành thế thắng trong Thế chiến Hai. Đối với nhiều người, những thách thức sống còn về Khí hậu, môi trường hiện nay cũng đòi hỏi một nỗ lực lớn lao tương tự.

Một Chính Sách Kinh Tế Xanh Mới, lấy cảm hứng từ Roosevelt, đã được giới bảo vệ môi trường châu Âu khởi xướng hồi 2008, khi khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ. Mười năm sau, ý tưởng này đã được nhiều chính trị gia Mỹ thâu nhận.

Bắc Kinh buộc phải đưa một trùm khủng bố vào danh sách đen

Ngày 01/05/2019, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa Massod Azhar vào danh sách khủng bố quốc tế.

Công dân Pakistan này là lãnh đạo tổ chức Hồi Giáo Jaish-e-Mohammad (JeM), từng tuyên bố đứng đằng sau nhiều cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào quân đội Ấn Độ.
Việc Ấn Độ và Pakistan bên bờ vực chiến tranh hồi tháng 2 vừa qua cũng liên quan đến nhân vật này.

Cho đến nay, Trung Quốc – một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An – vẫn sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc đưa Massod Azhar vào danh sách khủng bố.

 

Đối với New Delhi đây là một tin vui. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :
« Hôm nay là một ngày tự hào đối với mỗi người dân Ấn Độ. Đó là một thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

 

Đang trong chiến dịch vận động để tái đắc cử, thủ tướng Narenda Modi không giấu được niềm vui khi biết được thông tin Trung Quốc rốt cuộc đã nhượng bộ.

Cụ thể là từ khoảng một chục năm nay, chính quyền Bắc Kinh ngăn cản việc đưa Masood Azhar vào danh sách khủng bố quốc tế, nhằm làm suy yếu đối thủ Ấn Độ và hỗ trợ Pakistan, đối tác kinh tế của Trung Quốc.

Thế nhưng, sau vụ khủng bố đẫm máu ở Pulwama nhắm vào các binh sĩ Ấn Độ hồi tháng Hai, Bắc Kinh đành chấp nhận.
Áp lực của Hoa Kỳ, Anh Quốc và nhất là Pháp đã hỗ trợ rất nhiều.
 Masood Azhar nằm trong danh sách đen của cơ quan an ninh Ấn Độ từ hai chục năm nay.

Năm 1994, Masood Azhar bị tống giam ở vùng Cachemir Ấn Độ, rồi được thả sau khi những kẻ trung thành với y thực hiện một vụ không tặc, bắt cóc con tin.

Sau khi sang Pakistan, nhân vật này điều phối một vụ khủng bố vào năm 2001, nhắm vào trụ sở nghị viện Ấn Độ ở New Delhi.

 

Giờ đây, việc đưa Masood Azhar vào danh sách những kẻ khủng bố quốc tế cho phép phong tỏa tài sản và ngăn cản nhân vật này đi đây đi đó.
Từ nay, chính quyền Pakistan rất khó mà bảo vệ che chở cho kẻ này ».

Hội Đồng Nhân Quyền lên án Anh phạt tù nhà sáng lập Wikileak

Ngày 01/05, nhà sáng lập Wikileak Julian Assange bị tư pháp Anh kết án 50 tuần tù giam, vì tội vi phạm quy chế « tự do có điều kiện » hồi 2012, khi ông trốn vào sứ quán Ecuador ở Luân Đôn xin tị nạn.
Ngày hôm qua, 03/05, tức hai ngày sau phán quyết trên, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng.

Nhóm chuyên gia độc lập của Hội Đồng Nhân Quyền, bày tỏ « nỗi quan ngại sâu sắc » trước quyết định phạt tù của tư pháp Anh đối với ông Assange, mà họ cho là một hình phạt « hoàn toàn không tương xứng ».

Nhóm chuyên gia cũng lo ngại về việc ông Assange bị giam giữ tại một nhà tù ở Belmars, được bảo vệ nghiêm ngặt, như thể nhà sáng lập Wikileaks « phạm tội hình sự nghiêm trọng ».

Nhà sáng lập Wikileak, công dân Úc 47 tuổi, nổi tiếng với việc công bố hàng trăm nghìn trang « tài liệu mật » của chính phủ Mỹ, liên quan đến tình trạng tham nhũng, vi phạm nhân quyền tại nhiều quốc gia, hay các báo cáo quân sự về Afghanistan, Irak. Ông Assange được coi là một người hùng của tự do thông tin.

Trong một bức thư gửi đến tòa án, hôm 02/05, Julian Assange tái khẳng định việc ông xin tị nạn tại sứ quán Ecuador là nhằm tránh bị dẫn độ sang Mỹ, vì lo ngại bị trả thù, chứ không phải sợ bị dẫn độ sang Thụy Điển, để đối mặt với một cáo buộc bạo hành tình dục.

Theo nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, chính phủ Anh đã cố tình tìm cách tước đoạt tự do của người sáng lập Wikileak.
Nhóm chuyên gia cũng khẳng định ông Assange không bị tư pháp Thụy Điển truy tố, và hiện tại cơ quan công tố Thụy Điển đã khép lại cuộc điều tra.

Hiện tại Julian Assange bị Mỹ yêu cầu dẫn độ. Với cáo buộc công bố các tài liệu mật, ông có thể bị phạt đến 5 năm tù.

 

Giới bảo vệ tự do thông tin kêu gọi ủng hộ Assange. Nhiều nhà nhân quyền khẳng định cần phải bảo vệ Assange, cho dù nhiều người có thể không ưa cách hành xử của cá nhân ông.

« Nổi dậy chống Hủy diệt » được Anh hùng bí ẩn « street art » ủng hộ

Trở lại với vấn đề Khí hậu, nhưng liên quan đến nghệ thuật.
Ngày 26/04/2019, một đoạn tường tầm thường ở trung tâm thủ đô Luân Đôn, đột ngột trở nên nổi tiếng, với bức tranh tường mà nhiều người cho rằng của nghệ sĩ đô thị nổi tiếng có nghệ danh « Banksy ».

climate change



Bức tranh tường tại Luân Đôn ủng hộ phong trào Nổi dậy chống Hủy diệt, được cho là do "Banksy" sáng tác.
REUTERS/Peter Nicholls

 

Đây cũng là nơi những người theo phong trào Nổi dậy chống Hủy diệt cắm trại trong nhiều ngày để đánh động công luận, với phương pháp bất tuân dân sự, bất bạo động.

 

Phong trào kêu gọi hành động khẩn cấp vì Khí hậu, Sinh thái, ra đời tháng 10/2018 tại Anh, rồi lan ra khắp thế giới kể từ đó.

Nội dung bức tranh tường cho thấy, nghệ sĩ « Banksy » ủng hộ cuộc đấu tranh vì Khí hậu, Sinh thái. Banksy là một tên tuổi lớn, nhưng công chúng cũng gần như không có thông tin gì về đời tư của người mang nghệ danh này.

 

Thông điệp nổi bật trong các tác phẩm của Banksy là cổ vũ tự do, chống độc tài, quân phiệt, chống chủ nghĩa tư bản.

 

Thông tín viên Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :

« ‘‘Bắt đầu từ thời điểm này, chấm dứt tình cảm tuyệt vọng, đây là thời điểm hành động’’.
Khẩu hiệu nói trên vẽ bằng màu trắng, ngay bên cạnh một cô gái nhỏ quỳ gối, mang trong tay biểu tượng của phong trào Extinction Rebellion (tức phong trào Nổi dậy chống Hủy diệt) (biểu tượng chiếc đồng hồ cát cho thấy thời gian không còn nhiều).

Bức tranh tường được phát hiện tại Marble Arch, nơi phong trào này đã cắm trại trong vòng hai tuần lễ hành động, để báo động về tính khẩn cấp của biến đổi khí hậu.
Đối với các chuyên gia về nghệ thuật, thì không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là tác phẩm của Banksy.

Hai chuyên gia, mà truyền thông Anh Quốc phỏng vấn, đã khẳng định là tác phẩm này mang đầy đủ các dấu ấn của nghệ sĩ : nét chữ và thông điệp phản kháng của ông.
Bảo vệ hành tinh cũng là một lý tưởng mà nhà nghệ sĩ này ủng hộ.
 

Các thành viên của phong trào chống nguy cơ tuyệt diệt tin tưởng là nhà nghệ sĩ đường phố này đã có mặt trong hàng ngũ của họ vào buổi tối thứ Năm đó, thời điểm họ chấm dứt các hoạt động đánh động công luận trên đường phố.
Họ rất tự hào vì đã nhận được sự ủng hộ rõ ràng này.

Nghị Viện Anh Quốc, về phần mình, tỏ ra thận trọng chừng nào mà nghệ sĩ chưa chính thức đứng ra nhận là tác giả. Tuy nhiên, các nghị sĩ cũng hứa hẹn sẽ bảo tồn tác phẩm này, cho đến khi có bằng chứng ngược lại, chứng tỏ đây không phải là tác phẩm của Banksy ».

 

Switch mode views: