Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhà Thờ Đức Bà Paris cháy: Sững sờ… và chiêm nghiệm

France notredame 2019


Ngôi thánh đường của nước Pháp nhìn từ mặt tiền ngày 15/04/2019.
B.MOSER©BSPP via REUTERS

 

Notre-Dame de Paris lâm nạn. Từ sững sờ đến chiêm nghiệm : Sau thảm họa bất ngờ, truyền thông đồng loạt nói đến những giá trị của công trình độc nhất vô nhị này.
Nhiều bài học lịch sử được nhắc lại, nhiều suy ngẫm được rút ra.

 

Tuần báo L’Obschạy tựa trang bìa : « Nhà Thờ Đức Bà, chuyện ngày xửa ngày xưa. Từ huy hoàng đến thảm kịch ».

 

Courrier International với tựa đề « Notre-Dame, thánh đường của nhân loại », dẫn nhiều phản ứng từ báo chí nước ngoài. Le Point nói về « Notre-Dame, 9 thế kỷ tình yêu».

Sững sờ…

Báo Đức Suddeutsche Zeitung ghi nhận « Nước Pháp bị đâm trúng tim ».
Báo Ba Lan Gazeta Wyborcza so sánh hỏa hoạn với vụ khủng bố tháng 11/2015 nhắm vào nhà hát Bataclan và một số địa điểm khác ở Paris, khiến 137 người chết.

 Trong vụ cháy kinh hoàng này, không có nạn nhân nào, nhưng theo Gazeta Wyborcza, một cú sốc tương tự hiện rõ trên gương mặt người dân Paris, đau đớn trước một tổn thất lớn lao.
Triết gia Đức Peter Sloterdijk trên Le Point hay xã luận cũng của báo này thậm chí so thảm họa với vụ khủng bố tháp đôi New York 11/09.

Tuần báo Le Point thốt lên : « Trưởng nữ của Giáo Hội Công Giáo bị đánh đúng vào nơi linh thiêng nhất ».
 Bởi, Nhà Thờ Đức Bà là « Trái tim Thiên Chúa của nước Pháp ».

Notre-Dame, chứng nhân của những thời khắc vinh quang và đau đớn. Vào mỗi ngày Chủ Nhật, tiếp theo một thảm kịch quốc gia, chính tại Notre-Dame, mọi người thường tề tựu tham gia thánh lễ tưởng nhớ các nạn nhân.
Nhưng lần này, nạn nhân lại chính là Notre-Dame, là đức tin của người Thiên Chúa.

Le Point trong bài « Một cuốn sách kỳ diệu về lịch sử nước Pháp » cho biết ngôi thánh đường khổng lồ trong suốt 850 năm tồn tại, đã từng nhiều lần thoát khỏi họa tiêu vong qua những biến động lớn, từ các cuộc chiến tranh tôn giáo, thời Đại Cách mạng cuối thế kỷ XVIII, Cách mạng 1831, Thế chiến thứ nhất, rồi Thế chiến Hai…
Điều gây sững sờ là thảm họa lại xảy ra trong một xã hội được coi là bình an như hiện nay, công nghệ hùng hậu như hiện nay.

Xã luận Courrier International với tựa đề « Một di sản chung » ghi nhận : từ Thượng Hải, Mêhicô, Luân Đôn, hay Montréal…, hầu như ai cũng biết đến Nhà Thờ Đức Bà Paris, qua những đồ lưu niệm nho nhỏ, một bức hình, hay nhân vật chàng gù Quasimodo của Victor Hugo, khảm sâu trong tâm tưởng người xem phim hoạt hình Disney....

Nhà Thờ Đức Bà không phải của riêng 2,2 triệu người Paris, hay 67 triệu người Pháp, mà là di sản chung của 7 tỉ rưỡi cư dân Trái đất.
Nhưng giờ đây, chuông Notre-Dame bặt tiếng. Mọi người chợt nhận ra : các thánh đường vĩ đại tưởng như vĩnh cửu, cũng giống như các nền văn minh, « đều theo lẽ có sinh, có tử ».

… chợt ngộ ra

Nhưng có một nghịch lý đã xảy ra : cùng với tai họa kinh hoàng, mọi người đột ngột nhận ra những giá trị phi thường của ngôi thánh đường.

Như nhận định của nhà nghiên cứu về thời Trung Cổ, viện sĩ hàn lâm Michel Zink, trong bài trả lời phỏng vấn của Le Point, với tựa đề « Zink : Quel soulagement déchirant ! » (tạm dịch là : « Zink : Thở phào trong đau xót ! ) :
« Làn sóng cảm thông, chia sẻ và đóng góp hào phóng mà thảm họa tối thứ Hai dấy lên tại nước Pháp và trên thế giới là một bằng chứng cho thấy Notre-Dame / Đức Bà vẫn sống ».

Notre-Dame không chỉ là linh hồn của nước Pháp, mà còn là của cả châu Âu.

ABC, tờ báo Tây Ban Nha nhận xét : Ít có công trình kiến trúc nào tiêu biểu đến như vậy cho lịch sử châu Âu, không phải ngẫu nhiên đây là công trình được thăm viếng nhiều nhất ở Liên Hiệp Châu Âu (với 13 triệu du khách hàng năm).

 Vụ hỏa hoạn là một bi kịch đối với tất cả mọi người, nhưng cũng có thể chính là một cơ hội để đo lường « giá trị biểu tượng » của công trình này.
Báo Anh The Guardian nhắc lại những gắn bó lịch sử Anh - Pháp thời trung cổ qua ngôi đền thờ. Notre-Dame là nơi vua Anh Henri VI được phong làm người đứng đầu nước Pháp hồi thế kỉ XV, nơi vua Pháp François đệ nhất làm lễ thành hôn với Marie Stuart, hoàng hậu tương lai xứ Scotland…

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất theo The Guardian là, công trình Trung Cổ này đáng được coi là « một hiện thân cho nền văn minh châu Âu trong một thời gian dài », về vẻ đẹp của tượng, của tranh, của âm nhạc và nhiều sưu tập.

Hồn Gothic với tinh thần Khai Sáng

Báo Ba Lan Gazeta Wyborcza chỉ ra tính chất độc nhất vô nhị của Notre-Dame, như một công trình mang tính « nối kết » lịch sử, gắn liền châu Âu hiện đại với châu Âu thời Trung Cổ.
Vương cung thánh đường của nước Pháp sở dĩ có được hình hài như ngày nay chính là nhờ can thiệp phi thường của văn hào Victor Hugo.

Tác phẩm « Nhà Thờ Đức Bà Paris » ra đời năm 1831 là một đóng góp quyết định cho sự phục sinh của ngôi thánh đường thời Trung Cổ, vốn bị khinh rẻ trong suốt giai đoạn Phục Hưng và thế kỷ Khai sáng, tiền Cách mạng, sau đó.

Bài « Cái đích đầy cuốn hút » của L’Obs chú ý đến giai đoạn đứt gẫy văn hóa đặc biệt này của châu Âu, mà nước Pháp chính là một ví dụ tiêu biểu.
Đầu thế kỷ XIX, các thánh đường Thiên Chúa Giáo lâm vào tình trạng hoang phế. Kiến trúc gothic bị đánh giá là « hỗn độn », « quá mong manh », hay « trang trí thừa thãi »…

 Nghệ thuật thời Trung Cổ nhìn chung có xu hướng bị vứt vào sọt rác của lịch sử, bị gắn nhãn mê tín, phong kiến, hay kém thẩm mỹ. Kiến trúc La Mã và Hy Lạp, theo phong cách Corinth, với các cột trụ và trán tường vuông vức từng được coi là mẫu mực trong suốt ba thế kỷ.

Theo L’Obs, « các nhà Khai Sáng đã đánh mất chiếc chìa khóa » cho phép họ nhận ra vẻ đẹp của các di sản văn hóa cổ xưa đó.
Thế hệ các nghệ sĩ lãng mạn đầu thế kỷ XIX đã tuyên chiến chống lại trào lưu thống trị này.

Victor Hugo là người tiên phong. Tiểu thuyết « Nhà Thờ Đức Bà Paris » đã tạo nên một mặt trận thống nhất, quy tụ hai nhóm xã hội lớn : những người theo quan điểm tự do và những người chủ trương phục hưng đức tin Công Giáo.
Kết quả là : Ủy ban Quốc gia về các Công trình Lịch sử ra đời, nhiều nguồn vốn quan trọng được huy động.

Kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc đã nỗ lực khôi phục và cải biến Nhà Thờ Đức Bà với khát vọng thầm kín.

Hòa trộn tâm hồn gothic, phóng khoáng và huyền bí, với tinh thần duy lý của kỷ nguyên Khai Sáng.
Nhiều ý tưởng nghệ thuật của Victor Hugo được dùng làm kim chỉ nam.

Tâm thức nào bừng dậy ? Rung động nào lan tỏa ?

Vẫn bài « Nước Pháp bị đâm trúng tim » trên báo Đức Suddeutsche Zeitung nhận xét :
 « Notre-Dame – công trình kiến trúc mà nghệ thuật và lịch sử phương Tây hóa thân trong từng viên đá – chính là trái tim của một dân tộc từng được hình thành với hai hạt nhân, nền quân chủ và Giáo Hội Công Giáo.

Thế nhưng Nhà Thờ Đức Bà cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của những người Pháp vô thần, hay những người không theo đạo.

Công trình được coi là biểu tượng cho phong cách nghệ thuật vừa uy nghi, đường bệ, nhưng cũng vừa tinh tế và thanh lịch kiểu Pháp… biểu tượng của lòng hiếu khách và sự tỏa sáng của nước Pháp ra thế giới ».
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Le Point, triết gia Đức Peter Sloterdijk trở lại với Victor Hugo.

 Để giúp công chúng hiểu hơn những giá trị kỳ lạ của ngôi đền, từng hồi sinh sau nhiều lần bị phế bỏ, rồi phục dựng.
Với đại văn hào Pháp, ngôi đền thờ thuộc loại cổ xưa nhất Paris này chẳng khác gì « một thứ quái vật » đầu Ngô, mình Sở.

Nhưng nhà phân tâm học Freud từng chỉ rõ : tâm hồn con người cũng sâu xa và chất chứa, như những trầm tích (khảo cổ) được bảo tồn trong lòng đất.
Cái kiến trúc « cổ sơ, hỗn tạp » đầu Ngô, mình Sở ấy lại chính là một không gian văn hóa đặc biệt, nơi lưu giữ những trầm tích lộ thiên.
Triết gia Đức đặt câu hỏi : Vào thời điểm ngọn tháp Mũi Tên của Notre-Dame bốc cháy, rồi gục xuống, những gì sâu thẳm trong lòng người bị đánh thức?

Khi Nhà Thờ Đức Bà lâm nạn - không gian văn hóa ấy tan nát - Cung Thánh đổ vỡ, những rung động nào tỏa ra thế giới ?

« Bình an mầu nhiệm »

Trên Le Point, viện sĩ Michel Zink đưa công chúng trở về với thời khởi thủy, với giám mục Maurice de Sully, người khởi công Nhà Thờ Đức Bà năm 1163.
Ít người biết cũng chính vị giám mục này đã để lại một « tác phẩm đồ sộ » khác : các bài thuyết giảng ngày Chủ Nhật hàng tuần cho đại chúng bằng tiếng Latinh.
Ngay lập tức được dịch sang tiếng Pháp, những lời giảng ấy vẫn tiếp tục vang lên trong các thánh đường cho đến tận thế kỷ XIX.

« Bình an mầu nhiệm » là cảm nhận của nhà báo Stefan Hrib, trên tờ Tyzden của Slovakia.
Đối với người phóng viên này, Notre-Dame de Paris là biểu tượng cho « lòng từbi ».
 Theo ông, «… lịch sử như một vở kịch không hồi kết… với những điều tuyệt vời… với những thảm kịch… tình yêu… hận thù…

Giáo Hội khi thịnh, lúc suy, khi yêu thương, lúc kiêu ngạo… những người đối lập khi cao thượng, lúc tàn ác… ».
Nhưng tại đây, trên hết, mãi mãi là « bình an huyền nhiệm ». Trong không gian đẹp vô cùng này, mỗi người như được mời gọi : hãy khiêm nhường.
Nhà Thờ Đức Bà bốc cháy, nhưng những điều tốt đẹp nhất ở chốn này chẳng thể biến thành tro bụi.

Thiếu tiền bảo trì : Nguyên nhân chính của thảm họa ?

Khơi dậy những giá trị lịch sử, nghệ thuật, xã hội của báu vật bị tổn thương, báo chí cũng bắt đầu tìm cách lý giải các nguyên nhân dẫn đến thảm họa.

Le Point, với bài « Notre-Dame : Báu vật quốc gia bị coi nhẹ từ quá lâu », cho biết để phục chế Nhà Thờ Đức Bà, trong tình trạng ngày càng xuống cấp, cần khoảng 150 triệu euro trong vòng 20 năm.

Tuy nhiên, Nhà nước chỉ chấp nhận bỏ ra 2 triệu/năm. Theo một thỏa thuận với chính quyền mới đây, cứ một euro của mạnh thường quân, Nhà nước sẽ góp thêm một euro.

Tốc độ huy động đầu tư rốt cục quá trễ. Không chỉ Nhà Thờ Đức Bà Paris xuống cấp, mà nhiều công trình văn hóa, lịch sử khác trên khắp đất nước cũng cần được trùng tu.

Về phần mình, trong khi chờ đợi kết quả điều tra của Công Tố Paris, L’Obs có bài « Đáng lẽ có thể tránh được điều này ! » thuật lại cuộc tranh luận xung quanh vấn đề những ai phải chịu trách nhiệm về thảm họa.

L’Obs dành lời cho ông Didier Rykner. Nhà sáng lập « Tribune de l’art » cực lực lên án tình trạng các công trình phục chế nhìn chung không tuân thủ các quy tắc an toàn.

Báo Ý Repubblica, được Courrier International dẫn lại, trực diện buộc tội :
 « Nhà nước Pháp là thủ phạm của sự lơ là ».
Repubblica tố cáo chính quyền thu được gần 4 triệu euro/năm, nhờ bán vé cho du khách thăm tháp, nhưng chỉ rót một nửa số tiền này cho Nhà Thờ.

Trong khi đó, ban quản lý Nhà Thờ cương quyết không buộc du khách thăm thánh đường phải mua vé, chỉ nhận quyên góp tình nguyện.
Theo Repubblica, chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tình trạng Notre-Dame de Paris, cũng như việc nhiều nhà thờ khác bị bỏ rơi, bởi Nhà nước là chủ sở hữu, theo Đạo Luật phân ly Giáo Hội với Nhà nước năm 1905.

Tóm lại, trong việc « quản lý các di sản tôn giáo, ở quê hương của các nhà Khai sáng và Thể chế thế tục (Laïcité), có nhiều điều phải được xem lại ! ».

Tái thiết : Cơ hội đoàn kết

Trên hầu hết các tuần báo lần này, độc giả liên tục chứng kiến những kêu gọi tái thiết nhanh chóng.
Về góc độ kỹ thuật, Courrier International nhấn mạnh đến một đóng góp có thể sẽ rất quan trọng của nhà sử học Mỹ Andrew Tallon và đồng nghiệp Stephen Murray.

Trước khi qua đời, Andrew Tallon – được coi là người hiểu rõ nhất về kiến trúc Notre-Dame de Paris - đã để lại cho hậu thế các bản chụp chi tiết bằng laser.
Toàn bộ mọi ngóc ngách của kiệt tác, với khoảng một tỉ điểm chụp, từ nền móng cho đến đỉnh tháp, chỉ với sai số 5 mm.
Với các dữ liệu này, Nhà Thờ Đức Bà hoàn toàn có thể được dựng lại giống hệt như trước.

Nhưng tái thiết Notre-Dame không đơn giản chỉ là khôi phục một công trình kiến trúc.
Theo báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, tái thiết cũng chính là để « châu Âu nối lại với những cội rễ của mình ».

« Một nước Pháp đa văn hóa - với những người thế tục, những người theo đạo Hồi - cùng nhau đoàn kết xây dựng lại thánh đường Công Giáo, di sản của toàn dân tộc, của nền văn minh chung. Đó là một bài học rất đáng để suy ngẫm ».

Lửa « Đức Bà » thổi bạt lửa Fouquet’s ?

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà Thờ Đức Bà Paris xảy ra trong một thời điểm hết sức đặc biệt.
Với L’Obs, trong bài viết trang nhất với tựa đề « Đức Bà ấy là của chúng ta », dường như trong cái rủi, có cái may.

Vụ hỏa hoạn bất ngờ đặt trở lại cái tâm linh – tôn giáo và những giá trị nghìn năm của Notre-Dame vào tâm điểm của công luận.
« Ngày 16 tháng Ba, trong tiếng la ó của ‘‘nhiều người Áo Vàng’’, mặt tiền của tiệm ăn nổi tiếng Fouquet’s trên đại lộ Elysée bị phóng hỏa. Ngọn lửa - mà chính quyền rất mong dập tắt - ấy, ít nhất có thể cũng tạm thời bị thổi bạt bởi ngọn lửa đánh chặn (contre-feu) khủng khiếp Notre-Dame ».

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Point mang tựa đề « Đây là tín hiệu ! », triết gia Đức Peter Sloterdijk cũng liên hệ giữa hai đám cháy : ở tiệm ăn Fouquet’s và ở Notre-Dame de Paris để nói về tình thế nghiêm trọng hiện tại ở nước Pháp.

 « Đốt cháy Fouquet’s là một chuyện, nhưng nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà cháy có thể khiến người ta phải thay đổi quan điểm ».
Peter Sloterdijk cho rằng một bài học có thể rút ra từ đây : phải chăng tai nạn này là một « tín hiệu », một cơ hội cho phép người Pháp hướng đến một sự đoàn kế tmới với chất lượng khác trước?

Phải chăng chính trong bối cảnh này, đông đảo dân chúng có thể tập hợp xung quanh tổng thống, « rời bỏ những lập trường tiêu cực cố hữu, và hiểu rằng chừng nào Notre-Dame chưa được dựng lại, chừng đó các đấu tranh xã hội cần phải tạm lắng.
Tính toàn vẹn về mặt biểu tượng của cả một dân tộc là điều rất cần được trân trọng ».

Thánh đường cháy, « mô hình xã hội » bị đe dọa

Cũng trong hướng chiêm nghiệm này, Courrier International giới thiệu một bài viết của báo Mỹ New York Times, với tựa đề « Mặt trận mới của Macron ».
Nhà báo Michael Kimmelman nhìn thấy sự « tương đồng đầy ấn tượng », giữa vụ hỏa hoạn kinh hoàng Notre-Dame với phong trào xã hội « Áo Vàng » kéo dài từ nhiều tháng nay.

Theo tác giả, phong trào này sở dĩ đã bùng lên, do đông đảo người dân lo sợ « mô hình xã hội », hệ thống an sinh xã hội, vốn là niềm tự hào của người Pháp từ nhiều thế hệ nay, có nguy cơ « tan thành mây khói ».

Trong vụ hỏa hoạn Nhà Thờ Đức Bà, không có ai là nạn nhân, nhưng nhà báo Mỹ cũng so sánh với vụ hỏa hoạn khu chung cư xã hội Grenfell (Luân Đôn) năm 2017, khiến gần 100 người chết, vụ sập cầu Genova (nước Ý) năm 2018, hay vụ Thư viện Quốc gia Brazil bị thần lửa thiêu trụi cũng hồi năm ngoái, để nhấn mạnh đến nguy cơ bất bình đẳng gia tăng, tư nhân hóa mù quáng…

New York Times ghi nhận nước Pháp đang trong giai đoạn tìm đường sáng tạo mới.
Với độ lùi thời gian, cuộc phản kháng Áo Vàng sẽ chỉ là một giai đoạn trên con đường tiến hóa của một đất nước từng vượt qua bao thách thức.
Mỗi lần đều biết cách tái sinh trong vinh quang. Thánh đường của nước Pháp cũng vậy !

Hỏa hoạn Notre-Dame, vận mệnh Giáo Hội

Xã luận của Le Point thì đặt câu hỏi : « Vụ hỏa hoạn bùng lên đúng vào giữa Tuần Thánh (một thời điểm hệ trọng với người Công Giáo – người viết) và đúng vào lúc chỉ hơn một giờ trước phát biểu dự kiến của tổng thống Macron (với toàn thể nhân dân, để trình bày một số giải pháp sau ba tháng Thảo luận toàn quốc – người viết). Liệu có thể coi là một chuyện tình cờ ? ».

Le Point tin tưởng là với tư cách một công trình kiến trúc, Nhà Thờ Đức Bà « sẽ lại tái sinh » như trong suốt những thăng trầm nhiều thế kỷ.
Thế nhưng, về mặt biểu tượng, liệu có thể nào không nhìn thấy mối liên hệ giữa thảm họa này với « một thế giới đang rơi vào thời kỳ suy sụp » ?

Sau hai ngàn năm tồn tại, phải chăng đã đến lúc Thiên Chúa Giáo bước vào thời kỳ « thoái trào không thể cứu vãn », với xu thế giải ảo thượng phong ở phương Tây, với những bê bối tình dục của một bộ phận giới tăng lữ, đang trên đường chấp nhận đầu hàng nhục nhã.

Cũng chính trong bối cảnh này, bài xã luận « Notre-Dame, ngôi thánh đường bất khuất » nhắc đến hàng loạt xuất bản trong những ngày gần đây liên quan đến Giáo Hội, đòi dân chủ hóa, minh bạch, trở về những giá trị tâm linh nguyên thủy…, của sơ Véronique Margron, nhà thần học dòng Đa Minh (« Un moment de vérité »), của nhà văn, nhà báo Jean-Pierre Denis (« Un catholique s’est échappé ») hay của nữ văn sĩ Christiane Rancé (« Dictionnaire amoureux des saints »).

Le Point đặc biệt khuyên nên khẩn cấp đọc cuốn « Un catholique s’est échappé ».

Tác phẩm của Jean-Pierre Denis nhắc đến văn hào Bernanos với cuốn « Scandale de la vérité » (ra đời năm 1939).
Trong tác phẩm vừa ra mắt, Jean-Pierre Denis nói đến tình trạng gần như « chết não » của Giáo Hội hiện nay.
Le Point nhắn nhủ : Hãy đọc sách này trong tư thế của Nhà Thờ Đức Bà, « luôn tái sinh sau mọi phong ba, bình thản và chính trực ».

Switch mode views: