Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16- 4-2019
- Thứ Ba, 16 tháng Tư năm 2019 13:56
- Tác Giả: Thanh Phương
Pháp: Cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris, thảm kịch quốc gia
Quang cảnh Nhà Thờ Đức Bà Paris, Pháp, sáng ngày 16/04/2019
REUTERS/Benoit Tessier
Ngoại trừ tờ Le Monde ra từ chiều qua, toàn bộ các nhật báo hôm nay đều đã sửa kịp trang nhất trong buổi tối để đưa tin về vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), với hình ảnh ngọn tháp của nhà thờ đang bị xập trong khói lửa, trước sự bàng hoàng không chỉ của dân Pháp, mà của cả thế giới.
Nhật báo Công giáo La Croix nhấn mạnh đến việc vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris xảy ra ngay đầu Tuần Thánh, trước sự chứng kiến của hàng ngàn du khách ngoại quốc.
Tờ báo trích lời tổng giám mục Reims, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Eric de Moulins-Beaufort : « Đó là một phần máu thịt của chúng ta đang bị thiêu hủy. Cả nước Pháp đều xúc động, vì Nhà Thờ Đức Bà Paris là nơi tập hợp của nhiều sự kiện lớn. Thật là kinh khủng khi nhìn thấy công trình của bao thế kỷ bị thiêu rụi như vậy, nhất là một giáo đường đã được Nhà nước rất quan tâm chăm sóc. »
Trong bài xã luận, tờ báo viết :
« Nhà Thờ Đức Bà Paris chiếm một vị trí đặc biệt trong ký ức tập thể, ở Pháp, ở châu Âu, cũng như trên thế giới.
Công trình kiến trúc được tham quan nhiều nhất châu Âu đã từng trải qua bao thế kỷ, bao cuộc chiến và bao cuộc cách mạng.
Tại đây, người ta đã cử hành hôn lễ cho các vì vua, tang lễ cho các vị nguyên thủ quốc gia. Đây cũng là một trong những biểu tượng của nghệ thuật gothique ».
Nhưng La Croix tin tưởng : « Nhà Thờ Đức Bà Paris sẽ tái sinh từ đóng tro tàn. Cả một dân tộc sẽ lo việc đó. Cả một dân tộc sẽ ăn mừng ngày nhà thờ này mở cửa lại. »
Tờ Libération cũng nhắc lại là từ thời Trung Cổ, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã từng chứng kiến những thăng trầm của thủ đô Paris, từ thời nữ hoàng Margot cho đến lúc giải phóng thủ đô khỏi ách Đức Quốc Xã.
Nhưng không chỉ đánh dấu lịch sử nước Pháp, Notre-Dame de Paris còn là một di sản của quần chúng, nhờ tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo.
Tờ báo trích lời linh mục Olivier Ribadeau Dumas, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp :
« Tôi đã thụ phong linh mục tại đây, nhưng Notre-Dame cũng là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc, là nơi mà người dân Pháp vẫn tề tựu khi xảy ra những bi kịch. »
Về phần Le Figaro, trong bài xã luận, tờ báo này lưu ý : « Kiệt tác kiến trúc, nằm giữa lòng Paris, đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từng nhiều lần bị cướp phá. Nhưng chưa bao giờ nó là bị hủy hoại đến mức đó, chưa bao giờ bị thiêu rụi trong ngọn lửa kinh khủng như thế.
Dù là người có đạo hay không, dù có mê nghệ thuật hay không, ai cũng cảm thấy bàng hoàng : một cái gì đó trong cái đẹp của nước Pháp, trong sự vĩ đại của nước Pháp, trong linh hồn của nước Pháp đã tan theo khói bụi và đây quả là một tin buồn vô hạn. »
Trong một bài báo khác, Le Figaro nhấn mạnh : « Đối với người Công Giáo, giống như là nhà của họ đang bốc cháy.
Các giám mục nước Pháp không nói nên lời, mà chỉ biết khóc than cho sự mất mát không phải của một người bạn, mà là của một người mẹ ».
Tờ báo cho rằng Nhà Thờ Đức Bà « không chỉ là một giáo đường, di sản của một thời mà con người chỉ biết hướng lên trời, nhưng đó là một căn nhà chung, là cái vòm của lịch sử nước Pháp ».
Nhật báo Kinh tế Les Echos nhân dịp này cũng nhắc lại rằng Nhà Thờ Đức Bà Paris là di sản kiến trúc được tham quan nhiều nhất ở châu Âu, với khoảng 13 triệu du khách và khách hành hương mỗi năm, có những ngày nhà thờ đón tiếp đến 50 ngàn người.
Tờ báo cũng quan tâm đến hậu quả của vụ hỏa hoạn này đối với chính trường nước Pháp, vì tối qua, vài phút trước khi lên tiếng thông báo các biện pháp để xoa dịu phong trào Áo Vàng, tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải đình hoãn bài phát biểu của ông.
Theo Les Echos, mọi việc đã được chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ cho bài phát biểu long trọng này, nhưng hình ảnh vụ cháy dữ dội Nhà Thờ Đức Bà đã làm đảo lộn tất cả.
Tuy vậy, theo tờ báo này, đó chỉ là tạm hoãn thôi, ông Macron sẽ phải nhanh chóng ngỏ lời với quốc dân đồng bào, vì cả nước đang chờ những thông báo của ông và đây sẽ là khởi đầu tập 2 của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Kế hoạch « hòa bình » của Trump cho Trung Đông
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị một kế hoạch hòa bình cho vùng Trung Đông. Đó là đề tài được tờ Le Monde nêu bật hôm nay ở phần trang quốc tế.
Theo tờ báo này, tuy hầu như mỗi ngày đều có những tiết lộ về chính quyền Trump, nhưng có một đề tài cho tới nay vẫn được giữ bí mật, đó là kế hoạch hòa bình để giải quyết xung đột Israel – Palestine.
Kế hoạch này đã được ba nhân vật thân cận của tổng thống Mỹ vạch ra : Jason Greenblatt, trước đây là luật sư của ông Trump, Jared Kushner, con rễ của ông Trump và David Friedman, đại sứ Hoa Kỳ ở Israel.
Cả ba nhân vật này đều là những người chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng các khu định cư Do Thái và cũng là những người ủng hộ thủ tướng Israel Benjamin Netayahou.
Họ tự tin rằng có thể làm được một việc mà các chính quyền Mỹ từ nhiều thập niên qua vẫn thất bại, thông qua việc tạo điều kiện cho bình thường hóa bang giao giữa Israel với các nước Ả Rập.
Le Monde cho biết, theo tiết lộ của ông Robert Malley, nguyên là nhà thương thuyết dưới thời tổng thống Obama, kế hoạch hòa bình nói trên trước hết bao gồm một vế kinh tế nhằm cải thiện đời sống của người dân Palestine, « nhưng với một tính toán sai lầm là việc cải thiện này sẽ thúc đẩy người Palestine chống lại các lãnh đạo của họ. »
Theo kết quả một cuộc thăm dò vừa được công bố ngày 19/03, có đến 79% người dân Palestine bác bỏ kế hoạch của tổng thống Trump, ngay cả trước khi biết nội dung của nó. Kèm theo vế kinh tế sẽ là một kế hoạch chính trị.
Theo Le Monde, tuy không đề nghị một quốc gia Palastine, kế hoạch này có nguy cơ gây căng thẳng trong liên minh mới mà thủ tướng Netayahou sẽ phải thành lập trong những tuần tới với phe cực hữu và các đảng tôn giáo.
Trên thực tế, kế hoạch của tổng thống Trump đã được thực hiện, vì Washington kể từ nay xem giải pháp hai quốc gia Israel, Palestine chỉ là « khẩu hiệu suông ».
Hoa Kỳ cũng đã đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và không còn công khai lên án việc mở rộng các khu định cư Do Thái ở vùng Cisjordanie chiếm đóng.
Indonesia : Bầu cử và « fake news »
Về thời sự châu Á, tờ Le Monde chú ý đến tình hình Indonesia, một ngày trước cuộc tổng tuyển cử 1/04. Mặc dù có nhiều fake new (tin giả) chống ông, tổng thống mãn nhiệm Joko Widodo vẫn là ứng cử viên nặng ký nhất.
Tờ báo trích lời tỉnh trưởng tỉnh Tây Java Ridwan Kamil, ủng hộ tổng thống Widodo, lo ngại : « Internet kể từ nay quan trọng đến mức sự lan truyền các tin giả có thể đóng một vai trò trọng yếu ».
Với 48 triệu dân, Tây Java là tỉnh đông dân nhất và lá phiếu của cử tri tỉnh này sẽ có một ảnh hưởng đặc biệt.
Theo Le Monde, mối lo ngại của tỉnh trưởng Ridwan Kamil là có cơ sở, bởi vì theo các số liệu thống kê gần đây, có đến khoảng 130 triệu người Indonesia, tức gần phân nữa tổng dân số, mỗi ngày bỏ ra ba tiếng đồng hồ để lên các mạng xã hội, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất thế giới.
Theo lời ông Kamil, những tin đồn khó tin nhất về tổng thống « Jokowi » có thể ảnh hưởng đến quyết định của một số người ít học, nhất là những cử tri dễ « bức xúc ».
Một trong những tin đồn đó là tổng thống « Jokowi » đã đặt mua từ Trung Quốc các thùng chứa đầy lá phiếu mang tên ông để bỏ vào các thùng phiếu.
Ngay cả đối thủ chính của ông « Jokowi » là trung tướng Prabowo Subianto, cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Indonesia, cũng là nạn nhân của fake news, vì có tin đồn là ông đã bị cắt mất « của quý » trong một chiến dịch quân sự.
Đến mức ứng cử viên này đã phải công bố một thông cáo nói rõ : « Nếu tôi không có cái đó, làm sao tôi có con được ? »
Bầu cử Indonesia cũng thu hút sự chú ý của tờ Libération, trong một bài báo với hàng tựa « Indonesia : Hai thời kỳ trong các thùng phiếu ».
Tờ báo dự báo rằng tổng thống mãn nhiệm « Jokowi », người đã thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa Indonesia, dường như sẽ giành chiến thắng trước đối thủ của ông, cựu trung tướng Prabowo.
Theo Libération, ngày mai, người dân Indonesia sẽ chọn lựa giữa hai thế giới. Một bên là tổng thống Joko Widodo, vẫn tin tưởng là Indonesia trong tương lai có thể đảm nhận vai trò là tác nhân quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Ông đã cho tiến hành nhiều công trình lớn để hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là xây dựng các cơ sở hạ tầng mà quốc gia quần đảo này đang thiếu rất nhiều.
Hiện đang hơn đối thủ từ 13 đến 20 điểm, « Jokowi » được sự ủng hộ của các thành phần cấp tiến và trí thức, vì ông được họ xem là biểu tượng của nước Indonesia hiện đại.
Bên kia là cựu trung tướng Probowo Subianto, vẫn cho rằng chỉ có một quân nhân như ông mới đủ sức lãnh đạo Indonesia, giống như vào thời chế độ độc tài, tuy chế độ này đã chấm dứt cách đây 21 năm.
Tại quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới, với 264 triệu dân, lập trường cực đoan về tôn giáo thu hút một phần cử tri ở nông thôn và những người tiếc nuối chế độ độc tài.
Theo Libération, tuy là cuộc đối đầu giữa hai gương mặt quen thuộc, cuộc bầu cử này có tính chất lịch sử :
Lần đầu tiên, 192 triệu cử tri Indonesia, đông hàng thứ ba thế giới, sẽ bầu liên danh tổng thống – phó tổng thống trong một vòng, đồng thời bầu lại cả hai viện của Quốc Hội, cũng như bầu các hội đồng địa phương.
Bắc Triều Tiên : Dịch lao thêm trầm trọng
Cũng về châu Á, tờ Le Figaro quan tâm đến tình hình tại Bắc Triều Tiên, nơi mà các trừng phạt của quốc tế đang khiến cho dịch lao đang trở nên trầm trọng.
Theo Le Figaro, kể từ nạn đói của thập niên 1990, bệnh lao đã bùng phát mạnh mẽ trở lại ở Bắc Triều Tiên.
Các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân khiến cho công việc của số hiếm hoi các tổ chức phi chính phủ thêm phức tạp, theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc.
Những loại thuốc nào có chứa những chất bị cấm đều có thể bị cấm xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên.
Cuộc đọ sức về hạt nhân giữa quốc tế với Bắc Triều Tiên cũng khiến cho việc quyên góp tiền thêm khó khăn.
Le Figaro trích lời một bác sĩ thuộc tổ chức Eugene Bell của Mỹ : « Bây giờ có ai muốn cho tiền một người Bắc Triều Tiên ? Nhiều người vẫn không phân biệt giữa người dân với chế độ ».
Vào năm ngoái, trước sự ngạc nhiên của mọi người, Global Fund, tổ chức quốc tế phòng chống SIDA, lao và sốt rét, đã thông báo rút khỏi Bắc Triều Tiên.
Theo lời báo động của nhiều nhà khoa học trên tạp chí y khoa The Lancet, quyết định nói trên có thể dẫn đến một « khủng hoảng nhân đạo lớn » ở nước này.
Theo thẩm định của tổ chức Eugene Bell, phải cần đến 10 triệu đôla để nhổ tận gốc dịch lao kháng thuốc ở Bắc Triều Tiên.
Tin mới
- Tổng thống Pháp vinh danh những người đã cứu Nhà Thờ Đức Bà Paris - 19/04/2019 15:44
- Mỹ nương nhẹ Bình Nhưỡng để rảnh tay với Bắc Kinh ở Biển Đông - 18/04/2019 22:34
- Hồ sơ Nga : Nước Mỹ chờ đợi bản báo cáo Mueller được công bố - 18/04/2019 20:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-4-2019 - 18/04/2019 19:26
- Cựu tổng thống Peru tự sát trước khi bị bắt vì 'nhận hối lộ' - 17/04/2019 21:23
- Kho báu kiến trúc nhà thờ Đức Bà Paris - 17/04/2019 17:10
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-4-2019 - 17/04/2019 16:49
- Chính phủ Pháp họp bàn khôi phục Nhà Thờ Đức Bà "trong vòng 5 năm" - 17/04/2019 16:33
- 850 năm ngày xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris - 16/04/2019 14:22
- Tổng thống Macron : Nhà Thờ Đức Bà Paris sẽ được xây dựng lại - 16/04/2019 14:07
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15- 4-2019 - 15/04/2019 17:39
- Mỹ lo bị lộ công nghệ F-35 vì hệ thống S-400 của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ - 15/04/2019 16:50
- WikiLeaks : Assange bị tố đã biến sứ quán Ecuador thành ổ gián điệp - 15/04/2019 16:27
- Đầu tư Trung Quốc: Tâm điểm trong cuộc tranh cử tại Indonesia - 15/04/2019 15:50
- Thụy Sĩ: Một mặt trận chống triển khai 5G được hình thành - 15/04/2019 00:24
- Thuế vụ Mỹ muốn có phần trong tài sản của em bé hoàng gia Anh - 14/04/2019 22:40
- Trường Sa : Manila nhắc lại phán quyết Biển Đông để phản bác Bắc Kinh - 13/04/2019 18:37
- Trí thông minh nhân tạo: Microsoft hợp tác với Trung Quốc - 13/04/2019 17:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13- 4-2019 - 13/04/2019 14:31
- Yêu sách Biển Đông của Trung Quốc: Lời cảnh cáo cho châu Âu - 13/04/2019 01:57