Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-05-2013
- Thứ Bảy, 04 tháng Năm năm 2013 23:06
- Tác Giả: Lê Vy
Việt Nam : Cuộc cách mạng của giới đồng tính?
Gay Pride ở Việt Nam ngày 05/08/2012.
Reuters
Đến thời điểm này ở vùng châu Á -Thái Bình Dương chỉ mới có New-Zeland hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Giờ đây, tại Việt Nam, một quốc gia dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa, giới đồng tính cũng đòi hỏi quyền đó.
Liệu chế độ có chấp thuận yêu cầu của những người đồng tính ?
Báo Le Monde hôm nay có bài viết khá sâu sắc mang tựa « Mùa xuân của những người đồng tính ».
Tờ báo cho biết một trang mạng kể lại một nhóm người đồng tính nam và nữ ăn mừng chiến thắng trên trang YouTube, đoạn clip này được nửa triệu người xem. Cuối tháng tư, thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến phát biểu : « Những người có cùng giới tính có quyền sống, yêu nhau, tìm kiếm hạnh phúc và kết hôn ». Năm ngoái, một nhóm đồng tính đã diễu hành tại Hà Nội giương cao băng-rôn và hô to : « Hãy hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ».
Báo Le Monde nhận định sự kiện này làm người ta vô cùng sửng sốt vì dưới chế độ Cộng sản độc tài luôn kìm hãm tự do của những người viết blog và bỏ tù những người bài xích chế độ, lại dung thứ cho hoạt động này quả là tiến bộ.
Năm ngoái, bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã mạnh dạn lên tiếng trên mạng : « Đã đến lúc cần đối diện với thực tế : Số lượng người đồng tính tăng lên đến hàng trăm nghìn người tại Việt Nam. Họ sống chung với nhau mà không cưới xin hợp pháp. Chúng ta phải tìm ra giải pháp thích đáng và hợp pháp ».
Đương nhiên là còn quá sớm để dự báo một sự hợp pháp hóa nhanh chóng kết hôn đồng tính mặc dù có những tuyên bố nói trên.
Tuy vậy, Quốc Hội sắp tới đây sẽ phải bàn bạc vấn đề này. Tờ báo thẩm định nếu sự việc này tiến triển thì chính phủ sẽ cho phép người đồng tính sống chung với nhau dưới dạng « khế ước », nhưng chưa tương đương với « giấy hôn thú ».
Những dấu hiệu của tự do xuất hiện gần đây trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2011, bộ phim « Hotboy nổi loạn » kể về cuộc tình giữa một người mãi dâm đồng tính và một người bán sách đã được chiếu ở rạp mà không hề bị cấm đoán.
Tranh cãi xung quanh vấn đề cho phép hôn nhân đồng tính ngày càng kịch liệt khi mà mà người đồng tính vẫn còn vấp phải thái độ kỳ thị của dân chúng, trong một đất nước vốn vẫn còn hằng sâu các giá trị Khổng giáo.
Đó là chưa kể đến cái vẻ đoan trang bề ngoài của thời hậu Mac-xít.
Theo kết quả thăm dò do Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế, môi trường tiến hành, có 90% người đồng tính thừa nhận bị kỳ thị, 86% che giấu sự đồng tính.
Đề ra việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, liệu chế độ có muôn ngụy trang bởi lớp sơn bóng cho bề ngoài của sự tự do, vào lúc mà cư dân mạng không ngừng đăng các lời bình luận lê án chế độ hà khắc do đảng Cộng sản lãnh đạo ?
Câu trả lời mà báo Le Monde đưa ra là có thể. Bởi vì bàn cãi về chủ đề này không hề gây xáo động xã hội, trong một hệ thống chính trị được cho là khá ổn định.
Le Monde nhận xét thấy nếu như chính phủ thực hiện những lời hứa trên thì Việt Nam sẽ thực sự là nước tiên phong tại châu Á trong việc công nhận hôn nhân đồng tính.
Malaysia : Không khí tranh cử hứa hẹn một sự thay đổi
Vẫn trong dòng thời sự tại châu Á, người dân Malaisia sẽ đi bầu cử vào ngày mai nhằm quyết định xem Đảng nào sẽ lên cầm quyền.
Lần tổng tuyển cử này hứa hẹn xóa bỏ hệ thống chính trị bị chỉ trích là kỳ thị chủng tộc.
Theo tờ báo, phe đối lập có thể thắng cử lần vào ngày mai. Báo Libération có bài viết phân tích mang tựa: « Một không khí thay đổi tại Malaisia ».
Tờ báo đăng ảnh cờ xí, biểu ngữ giăng đầy các khu phố tại Malaysia để chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử.
Theo nhận định của tờ báo thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử từ khi Malaysia độc lập vào năm 1957, đảng đối lập đang thắng thế trước Liên minh Mặt trận Dân tộc và có cơ hội thắng cử vào ngày mai (5/5).
Các đảng chính tranh cử đã tung lên mạng các vidéo lên án những hành vi tình dục của một số ứng cử viên, tố cáo tham nhũng ở mọi khía cạnh nhằm ảnh hưởng đến quyết định cử tri.
Hai đảng kình chống nhau. Đó là phe của thủ tướng đương nhiệm ông Najib Razak, người kế vị của gia đình quý tộc và là lãnh đạo của Tổ chức quốc gia Mã Lai thống nhất (UMNO) được thành lập sau khi thoát ách thống trị của Anh. Cánh bên kia là Đảng Liên minh dân tộc, tập hợp ba đảng và do ông Anwar Ibrahim lãnh đạo.
Về quan điểm, hai cánh này có quan điểm khác nhau trong việc lãnh đạo một đất nước gần 30 triệu dân. Liên minh Mặt trận dân tộc hiện nay muốn duy trì một hệ thống chính trị-phân biệt chủng tộc, ban nhiều đặc quyền cho người Mã Lai (chiếm 50,4%) và hạn chế quyền lợi của người Hoa (23,7%) và người Ấn Độ (7,1%) trong việc đi học tại trường đại học, làm trong lĩnh vực công, tậu nhà đất hay được vay tiền ngân hàng.
Phe Đối lập tập hợp đa số người Mã Lai bảo thủ theo Hồi giáo, người Hoa thuộc Đảng Hành động Dân chủ và một số thành phần thân ông Anwar Ibrahim.
Chủ trương của Đảng này là chấm dứt chế độ hiện thời bị chỉ trích là lỗi thời và tham nhũng.
Đảng này nhắm đến thay đổi chính trị đương thời bằng cách có những tiêu chí giúp đỡ khác nhau tùy vào tình hình phát triển kinh tế của các cộng đồng dân tộc khác nhau.
Giới trẻ Mã Lai hiện nay rất gắn bó với Internet và ít phục tùng trước các tuyên truyền của chính phủ. Theo giới quan sát thì đây chính là những lá phiếu chủ chốt của cuộc bầu cử này : 22% trong số 13 triệu cử tri dưới 30 tuổi.
Pháp : Được thêm hai năm cắt giảm thâm thủng ngân sách
Trở lại với kinh tế Pháp, chủ đề thâm thủng ngân sách xuất hiện hầu hết trên các trang báo Pháp hôm nay.
Báo Le Monde chạy tựa : « Bruxelles cho Pháp thêm hai năm để giảm nợ công ». Báo cánh hữu Le Figaro dành hẳn hai trang lớn trong mục kinh tế để phân tích hoàn cảnh nguy kịch của Pháp với bài viết : « Thâm thủng ngân sách : Pháp trượt dốc ».
Báo cảnh tả cũng chú ý đến sự kiện này trên trang nhất với dòng tựa : « Thâm thủng ngân sách : Gia hạn thêm hai năm cho ông Hollande ».
Theo báo Le Monde, Ủy ban châu Âu dự đoán thâm thủng ngân sách của Pháp phải lên đến 4,2% GDP vào năm 2014, cao hơn hẳn 2,9%, con số mà ông Moscovici, Bộ trưởng Tài chính Pháp hứa hẹn.
Năm 2013 , thâm thủng ngân sách của Pháp đạt con số 3,9% GDP, vượt xa mục tiêu ban đầu là 3%.
Xét thấy khả năng chính phủ khó có thể tuân giữ các cam kết, Ủy ban sẽ cho Pháp thêm thời hạn hai năm để giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3%.
Đổi lại, Pháp phải tiến hành các cải cách cơ cấu.
Ông Moscovici thì hân hoan : « Nước Pháp không phải là nước duy nhất. Đây là một học thuyết mới của Ủy ban châu Âu».
Tình trạng nợ công chồng chất nhắc nhở rằng chính sách thắt lưng buộc bụng không phải là thừa và hiện nay vẫn là sự lựa chọn duy nhất mà đang bị đa số các quốc gia chống đối.
Cũng bàn luận về chủ đề thâm thủng ngân sách và tăng trưởng quốc gia nhưng báo Le Figaro có cách tiếp cận rộng hơn sang các nước trong khối Liên Hiệp châu Âu.
Theo tờ báo thì Ủy ban châu Âu kêu gọi Pháp nhanh chóng cải tổ cơ cấu. Ủy ban chấm nhận cho Pháp thêm thời gian nhưng cũng sẽ theo dõi tiến trình áp dụng cải tổ của đất nước nhằm giảm thâm thủng ngân sách và tăng tính cạnh tranh.
Tờ báo đăng bản đồ các quốc gia châu Âu với các con số dự đoán của Ủy ban châu Âu về tỷ lệ thâm thủng ngân sách của khu vực đồng euro vào năm 2014.
Theo dự đoán mức tăng trưởng của khu vực đồng euro vào năm 2014 thì Slovakia có tỷ lệ cao nhất (2,8%) còn Pháp la 1,1%.
Tỷ lệ suy thoái tại Bồ Đào Nha ở mức 2,3%. Do đó, thứ sáu vừa qua, chính phủ đã tuyên bố một số biện pháp thắt lưng buộc bụng mới, như tăng giờ làm của công chức nhà nước từ 35 lên 40 giờ, lùi lại thời gian về hưu. Số lượng nhân viên Nhà nước cũng sẽ giảm xuống còn 30 000 người.
Vẫn chủ đề này, báo Libération cho biết, xét thấy một số điểm bất cập hiện nay, Ủy ban châu Âu đã nới lỏng một số mục tiêu giảm thâm thủng ngân sách cho một số nước châu Âu.
Tờ báo nhận định đây cũng chính là lúc Ủy ban châu Âu cần xem xét lại học thuyết của mình về thâm thủng ngân sách và những hạn chế của chính sách khắc khổ.
Trong những năm tới đây, Pháp cũng như các quốc gia châu Âu cần huy động tiền tiết kiệm và đưa ra các cải tổ về mặt cơ cấu.
Ngân hàng trung ương châu Âu cần đưa ra một số cơ chế để thu hồi nợ nần của các nước.
Thời kỳ này có lẽ sẽ mở ra cho ông Hollande một cơ hội chứng tỏ thiện chí của khuynh hướng xã hội-dân chủ, mà không đả phá láng giềng Đức.
Nam giới Pháp đòi bình đẳng nuôi dạy con cái
Liên quan đến tình hình xã hội tại Pháp, báo Le Monde có bài viết cho biết đấng mày râu Pháp khi ly dị vợ đòi hỏi công bằng trong việc nuôi dạy con cái.
Thông qua các phương tiện truyền thông, họ lên án hầu hết đặc quyền được giữ con khi ly hôn đều được giao cho phụ nữ.
Đầu năm 2013 đã diễn ra một sự kiện chưa từng có tại Pháp mang tên : « Mùa xuân của người cha ».
Tại một số tỉnh của Pháp, đàn ông leo lên nóc nhà giương cao khẩu hiệu : « Người cha cũng quan trọng như người mẹ » hay « Tự do, bình đẳng, đồng làm cha làm mẹ ».
Tờ báo dẫn ra một thí dụ điển hình đó là của ông Serge Charnay, ly hôn vợ, đòi hỏi quyền được nuôi con.
Ông đã thể hiện bằng cách giăng một tấm biển lớn trên cần cẩu với dòng chữ : « Benoît, 2 năm không có cha ».
Bài viết cho biết đàn ông ly hôn vợ có thiện chí muốn chăm sóc con cái nhưng đa số là bị vợ cũ họ ngăn cản.
Cánh đàn ông lên án các vụ việc liên quan đến gia đình, hầu hết tòa án đều xử giao con cho người mẹ nuôi : 75% những đứa con của các vụ ly hôn sống với người mẹ. Hiệp hội SOS Papa sẽ được bà Christiane Taubira, bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp.
Giới đàn ông vẽ ra cảnh tượng này nhằm đánh lừa người khác vì trên thực tế nếu 75% con cái của vụ ly hôn sống với người mẹ là vì hiếm khi người cha giành nuôi con hay giữ con luân phiên.
Một thực tế khác mà người ta quên đi là nuôi con một mình không đơn giản tí nào đối với các bà mẹ.
Nào là khó khăn về tài chính phải chi trả tiền ăn học cho con, sự nghiệp của họ cũng bị kìm hãm và đặc biệt, họ khó xây dựng đời sống tình cảm mới hơn chồng cũ của họ.
Theo một nhà dân số học thì từ trước đến nay, người cha tham gia trong việc nuôi dạy con cái rất ít tiến triển.
Xưa nay, phụ nữ luôn thu xếp thời gian, xin các kỳ nghỉ để chăm sóc con cái. Sau đó, họ có nguy cơ bị thất nghiệp hay làm một số việc bấp bênh.
Vào năm 2002, dưới thời của cựu Thủ tướng Lionel Jospin, luật về quyền làm cha mẹ xác định quyền lợi của con cái được cả cha lẫn mẹ nuôi.
Do đó, luật này cho phép trong trường hợp ly hôn, tòa án có thể xử cha và mẹ luân phiên nuôi con.
Ngày nay, chính phủ dự định cho phép phần đông nam giới có kỳ nghỉ để chăm con mới sinh, nhằm khuyến khích nam giới tham gia nhiệt tình hơn nữa vào việc nuôi dạy con cái.
Việc luân phiên nuôi con trong các cặp ly hôn bây giờ vẫn còn là thiểu số, nhưng đang tăng lên dần : 15% trường hợp vào năm 2007 trong khi chỉ có 10% vào năm 2003. Hệ thống này khá mới mẻ, đáng chú ý bởi từ trước đến nay, người cha không tưởng tượng được có ngày lại được nuôi con mà không có người mẹ.
Hoa Kỳ cam kết đóng cửa trại giam Guantanamo
Hôm nay báo Le Monde và báo Libération đều có bài viết cho biết tổng thống Obama cam kết sẽ đóng của nhà tù tại Guantanamo.
Báo Libération chạy tựa : « Obama không thoát khỏi Guantanamo » còn báo Le Monde đăng bài : « Nhà Trắng lại tiếp tục đấu tranh để đóng cửa nhà tù Guantanamo ».
Theo báo Le Monde, ông Obama đã hứa hẹn sẽ nỗ lực mời gọi Quốc hội đóng cửa trại tù Guantanamo vì theo ông « trại này không hề cần thiết để duy trì an ninh cho châu Mỹ ».
Báo Libération cho biết sau gần 5 tháng tù nhân tại đây tuyệt thực, ông Obama đã kêu gọi đóng cửa trại giam trong một cuộc họp báo đánh dấu những ngày đầu cầm quyền trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông. Theo ông Obama, « việc duy trì trại giam này làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới. Điều đó cản trở sự hợp tác của Mỹ với các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Do đó, cần phải đóng trại này ».
Tin mới
- Ấn Độ và Trung Quốc cùng rút quân khỏi vùng có tranh chấp - 06/05/2013 21:52
- Kaesong : Hàn Quốc bác bỏ các điều kiện "phi lý" của Bắc Triều Tiên - 06/05/2013 21:44
- Dù bớt ngân sách, Mỹ vẫn tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương - 06/05/2013 21:36
- Du lịch quá tải tại đền Angkor - 06/05/2013 21:19
- Người Hồi giáo bạo loạn ở Bangladesh - 06/05/2013 04:57
- Ngoại trưởng Mỹ công du Nga lần đầu tiên để làm dịu căng thẳng - 06/05/2013 02:34
- Israel tấn công một cơ sở quân sự Syria - 06/05/2013 02:23
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-05-2013 - 06/05/2013 01:58
- Tổng Thống Bolivia tuyên bố trục xuất cơ quan USAID - 05/05/2013 00:19
- Các khu rừng khu vực Mêkông đang bị đe dọa, đập Xayaburi là mối nguy lớn - 04/05/2013 23:16
Các tin khác
- Tàu cá Trung Quốc làm hỏng khu bảo tồn của Philippines - 04/05/2013 22:50
- Máy bay dùng pin mặt trời bay chuyến đông tây nước Mỹ đầu tiên - 04/05/2013 18:43
- Israel oanh kích mục tiêu vận chuyển phi đạn ở Syria - 04/05/2013 18:34
- Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ lóe sáng - 04/05/2013 04:32
- Mỹ lo Triều Tiên sắp có tên lửa hạt nhân vươn tới Mỹ - 03/05/2013 20:56
- Cựu Giáo Hoàng Benedict XVI trở lại Vatican - 03/05/2013 19:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-05-2013 - 03/05/2013 19:23
- Trung Quốc : Nhà trẻ cạnh tranh nhau, hai em bé bị đầu độc chết - 03/05/2013 19:10
- 900 người bị bắt tại Trung Quốc vì lấy thịt chuột giả làm thịt bò - 03/05/2013 19:01
- Indonesia phá vỡ một âm mưu tấn công vào đại sứ quán Miến Điện - 03/05/2013 18:44