Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-12-2018

Trump rút quân khỏi Syria : « Nước Mỹ (và tái đắc cử) trước hết ! »

Syria- Trump

Lính Mỹ quan sát trận địa trong một cuộc hành quân hỗn hợp tại Manbij, Syria, ngày 01/11/2018.
Courtesy Zoe Garbarino/U.S. Army/Handout via REUTERS

Sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định triệt thoái ra khỏi Syria là trung tâm chú ý của tất cả các báo Pháp ra hôm nay 21/12/2018.

Le Figaro chạy tựa « Syria : Việc Mỹ rút quân mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ » : ông Erdogan nay tha hồ mở chiến dịch mới tấn công vào người Kurdistan.

Đối với Le Monde, việc « Trump tự ý áp đặt rút quân » sẽ làm đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực.
« Syria, một nền hòa bình kỳ lạ » - đó là tựa đề bài xã luận của La Croix.
Nhận định rằng « Trump đã hất hủi người Kurdistan », Libération đăng ảnh tổng thống Mỹ ở trang nhất, với dòng tựa ngắn gọn đầy bực tức « Kẻ bỏ rơi bạn bè ».

Donald Trump bỏ rơi đồng minh, gây nguy hiểm cho thế giới

Mở đầu bài xã luận mang tên « Nguy hiểm », Libération nhắc lại tuyên bốcủa Donald Trump « Chúng ta đã chiến thắng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) tại Syria » và cho rằng phải đặc biệt xuẩn ngốc mới viết như thế trên Twitter, mạng xã hội mà ông Trump vẫn tung hoành.

Đã hẳn là tổ chức khủng bố này đã gánh chịu những cú đòn nặng nề từ liên minh quốc tế, nhiều tên chỉ huy cũng như quân thánh chiến bị tiêu diệt, mất hầu hết những vùng đất mà chúng kiểm soát tại Syria và Irak.

Nhưng ai cũng biết rằng con quái vật bảy đầu này vẫn còn đó, vẫn có thể sống lại bất cứ lúc nào và tung ra những cuộc tấn công đẫm máu, mà châu Âu là một trong những mục tiêu. Một loạt những thảm họa sẽ xảy ra.
Những nạn nhân đầu tiên của quyết định làm chính quyền Mỹ sững sờ, gây phẫn nộ cho nhiều quan chức Cộng Hòa, là số phận người Kurdistan ở Syria, bị rơi vào tay kẻ thù là Erdogan và Assad.

Trong khi các chiến binh Kurdistan chiếm phần lớn trong lực lượng bộ binh đã đẩy lùi quân thánh chiến.
Một lần nữa, dân tộc vô tổ quốc này đã bị bỏ rơi ở nửa đường, sau khi đã sát cánh chiến đấu với đồng minh.

Giờ đây ai còn có thể tin được lời nói của các viên chức Mỹ ?
Nhất là việc Mỹ rút quân sẽ làm Trung Đông đã bất ổn càng đầy thêm rủi ro, giúp cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cơ hội giành chiến thắng, chưa kể đến sự tham lam của Nga, Iran và chế độ Damas.
Libération kết luận, nếu lâu nay người ta vẫn phải chịu đựng tính bất định của ông Donald Trump, thì giờ đây ông đã trở thành mối nguy cho thế giới.

Trung Đông quá phức tạp, không thể nghĩ giản đơn

Tương tự, trong bài xã luận « Thế trận mới tại Syria », Les Echos cũng cho rằng Nga và Iran – hai cường quốc với sự hỗ trợ của dân quân Hezbollah ở Liban đã cứu vãn chế độ Bachar Al Assad - từ nay tha hồ thao túng.

Bên cạnh đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể rộng tay đuổi đánh người Kurdistan tại Syria.
Mặc dù sau « tweet » của Donald Trump, lực lượng Mỹ chưa rút ngay, Pháp, Anh vẫn có mặt trên trận địa với sự hỗ trợ của Đức.

Nhắc lại tuyên bố thiếu thận trọng của cựu tổng thống George W.Bush hồi tháng 5/2003 là « nhiệm vụ đã hoàn thành » tại Irak, Les Echos cho rằng tổng thống Donald Trump cũng đã có cùng nhận định hết sức sai lầm.

Quân thánh chiến có thể ngóc đầu dậy tại Syria và Irak, tấn công vào châu Âu.
Hơn nữa, vẫn chưa có giải pháp chính trị nào cho cuộc nội chiến Syria.
Với việc rút quân, Hoa Kỳ sẽ không còn trọng lượng trong khu vực. Trong một Trung Đông phức tạp như thế, những ý tưởng giản đơn kiểu như ông Trump quả là nguy hiểm.

« Nước Mỹ (và tái đắc cử) trước hết ! »

Le Figaro trong bài xã luận « Chính sách thực dụng ở phương Đông » nhận xét, tại một Trung Đông đầy những liên minh cơ hội, người ta thường nói rằng rốt cuộc chỉ có người Kurdistan là thiệt thòi, và giờ đây đã trở thành sự thực.
Những dân quân Kurdistan luôn ở tuyến đầu chống quân thánh chiến, nay phải đơn độc trước Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã khởi động các động cơ của xe tăng để lao vào họ.

Đối với ông Donald Trump, luôn là sự tính toán hơn là tầm nhìn, chính trị trong nước nhiều hơn đối ngoại. « Nước Mỹ (và tái đắc cử) trước hết ! ».
Thông tin về những chàng lính Mỹ về nước có tác dụng như một món quà Noel.
Hơn nữa, tổng thống Mỹ luôn trung thành với những lời hứa tranh cử, bất chấp khuyến cáo của các vị tướng và chính khách ngay trong đảng Cộng Hòa.

Nhưng phía sau chọn lựa này, là những tính toán thực dụng của ông Trump.
Ông đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ hơn là người Kurdistan : việc mua hỏa tiễn Patriot rõ ràng là một « deal » giữa Washington với Erdogan.

Mặc cho những biến tướng về Hồi giáo và sự độc tài, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là đồng minh cần thiết của Trump trước Iran.
Một số người nói rằng việc rút đi 2.000 quân Mỹ sẽ không thay đổi gì nhiều, vì từ lâu Vladimir Putin đã làm chủ tình hình. Họ không hoàn toàn sai.
Tuy nhiên việc Mỹ triệt thoái sẽ tạo động lực cho quân thánh chiến đang suy yếu, chứng tỏ phương Tây đã bị mất đi ảnh hưởng ở Trung Đông, trao Syria vào tay Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Rộng hơn nữa, quyết định đột ngột này cho thấy Mỹ có thể bất chợt « ăn cháo đá bát », coi các đồng minh như những vai phụ ; trong khi cuộc chiến tranh chống quân khủng bố Hồi giáo còn lâu mới kết thúc.

Syria, hòa bình mong manh

La Croix cũng cho rằng quyết định của ông Trump là thảm họa cho cuộc chiến chống khủng bố : 2.000 quân thánh chiến đang bị bao vây tại thung lũng Euphrate có thể thở phào nhẹ nhõm.

Nhìn ra toàn vùng Trung Đông, chọn lựa của Donald Trump - không còn quân tâm tới Syria - cũng không khác người tiền nhiệm Barack Obama, trong việc tái cân bằng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù là thành viên NATO, Ankara lại xích gần với Nga, và đặc biệt bất bình trước việc Hoa Kỳ hợp tác quân sự với người Kurdistan.
Nay Daech đã yếu đi, Mỹ có thể dành ưu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ, chấp nhận một vai trò tối thiểu tại Syria.

Đối với người dân Syria sau bảy năm xung đột, tương lai hết sức bất định.
 Chiến tranh có thể tái khởi động tại vùng Idlib ở tây bắc.
Một nền hòa bình mong manh được thiết lập, Bachar Al Assad vẫn tại vị nhưng chưa chắc được trọn quyền.

Sự thiếu vắng một thỏa ước chính trị khiến cộng đồng quốc tế không tham gia tái thiết, trên 5,5 triệu người Syria vẫn đang tị nạn tại các quốc gia láng giềng, chưa kể hàng triệu người khác phải sơ tán ở trong nước.
Trong bài « Sau khi quân Mỹ triệt thoái là làn mưa đạn », Libération cho rằng gánh nặng sẽ đè lên người Nga, phải làm trọng tài giữa các đối tác Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
 « You break it, you own it » (Bạn đã đập vỡ thì bạn phải sở hữu nó) - câu thành ngữ Mỹ xuất phát từ quy tắc của các xưởng gốm sứ, nay sẽ được áp dụng cho ông Putin.

Nỗi sợ của người Kurdistan bị bỏ rơi trên đất địch

Le Monde trong bài viết « Nỗi sợ hãi của người Kurdistan, bị bỏ rơi trên đất địch », dẫn lời một quan sát viên cho rằng « Hết sức xấu hổ cho các quân nhân Mỹ trên thực địa, bị buộc phải bỏ rơi đồng minh, để lại lỗ hổng an ninh to lớn, giống như Saigon năm 1975 ».

Không có sự yểm trợ của các đối tác bên ngoài, dân quân Kurdistan sẽ đơn độc trên mảnh đất thù địch.
Ở phía bắc, là kẻ thù muôn thuở Thổ Nhĩ Kỳ, còn ở phía nam, chế độ Syria được Matxcơva và Teheran hỗ trợ, quyết tâm nắm lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước sau tám năm chiến tranh.

Tờ báo dẫn lời một người có trách nhiệm phía Kurdistan thổ lộ :
 « Chúng tôi rất sững sờ. Mới cách đây vài ngày, đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Syria là ông James Jeffrey đã khẳng định lực lượng quân sự và các nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn ở lại lâu dài ».

Kể từ sau vụ vây hãm Kobané mùa thu năm 2014, sự liên kết giữa liên minh quốc tế chống thánh chiến do Washington dẫn đầu với dân quân Kurdistan đã mang lại kết quả tốt đẹp.

Sau khi phá vỡ vòng vây ở Kobané, các vụ oanh tạc của liên minh và tính hiệu quả của các đội quân trên bộ người Kurdistan và Ả Rập đã giúp đuổi được IS khỏi vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, rối sau đó tái chiếm Rakka, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, đẩy tàn quân thánh chiến về phía nam và biên giới Irak.
Nhờ đó, cả một dải đất rộng lớn giàu tài nguyên và dưới ảnh hưởng phương Tây đã trải rộng ở tả ngạn sông Euphrate, một đòn bẩy đầy hy vọng cho mọi giải pháp chính trị.

 Nay thì những tổ chức của người Kurdistan liên kết với các bộ tộc Ả Rập nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ, có thể sẽ sụp đổ như lâu đài trên cát.
 Hỗn loạn sẽ quay lại, và liên minh chống thánh chiến có nguy cơ mất trắng những thành quả đạt được trong những năm qua.

Thánh chiến luôn đe dọa Pháp

 « Đối với Pháp, thánh chiến luôn là mối đe dọa thực sự » - Le Monde nhận định.
Loan báo rút quân của Donald Trump, tuy phương thức vẫn chưa rõ và không hẳn là một ngạc nhiên cho Paris, là một đòn nặng giáng vào chiến lược của Pháp ở Trung Đông.

Le Monde cho biết ngay tối thứ Ba 18/12, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với đồng nhiệm Donald Trump.
Paris hy vọng cuộc triệt thoái sẽ được tiến hành từ từ và trong trật tự, để bảo đảm an ninh cho các đối tác tại chỗ của liên minh chống thánh chiến.

 Và nếu việc Assad phải ra đi không còn là điều kiện tiên quyết, tổng thống Pháp vẫn nhắc nhở rằng về lâu về dài, việc duy trì Bachar Al Assad với đôi tay đẫm máu trên chiếc ghế tổng thống Syria, sẽ là « một sai lầm chết người ».
Theo Le Figaro, tuy không chính thức công nhận, lực lượng đặc biệt của Pháp vẫn hiện diện tại vùng đông bắc Syria để hỗ trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) và truy lùng thánh chiến.

Ba khẩu đại bác Caesar có tầm bắn 40 km có thể can thiệp từ Irak.
 Các chiến đấu cơ Rafale từ Jordanie « xử lý » những mục tiêu ở Syria, và thu thập thông tin.

 Nay bên cạnh nguy cơ quân Daech đang ẩn nấp trong hang ổ cuối cùng Hajine ở tỉnh Deir Ez Zor được cởi trói, là nỗi lo khoảng mấy chục quân thánh chiến quốc tịch Pháp đang bị dân quân Kurdistan bắt giữ sẽ được giao cho chế độ Damas, gây khó khăn cho Paris.

Switch mode views: