Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-04-2018

Vận hội hoà bình tại bán đảo Triều Tiên ?

abraco-Mm Moon
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp mặt tại Bàn Môn Điếm, 27/04/2018.
REUTERS

Thượng đỉnh Liên Triều hôm nay và Mỹ-Triều trong những tuần lễ tới, dư âm chuyến viếng thăm nước Mỹ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tiếp nối theo là của thủ tướng Đức Angela Merkel, bắt đầu vào hôm nay là những chủ đề lớn của báo chí Pháp ngày 27/04/2018.

Cơ may cho hoà bình

Trước khi gặp Trump, Kim Jong Un chìa bàn tay hoà giải với tổng thống Hàn Quốc, tựa của nhật báo kinh tế Les Echos kèm theo chân dung của hai nhà lãnh đạo : Kim Jong Un, một tay chính trị thủ đoạn bất chấp đạo lý ở miền Bắc và Moon Jae In, con trai của một người tị nạn, ôm trong lòng hoài bão đem lại hoà bình.

Tâm tư của người dân Hàn Quốc, tị nạn cũng như sinh trưởng tại miền Nam, được nhật báo công giáo La Croix trải rộng trên ba trang báo :
Cơ may cho hoà bình, một luồng gió mới thổi qua bán đảo Triều Tiên, phải đi đến cùng không chờ đến thế kỷ sau.
Mục tiêu cuối cùng này được Libération đưa lên trang bìa với hai thứ tiếng Pháp và Hàn kèm theo dấu hỏi : Thống nhất được chăng ?

Nhật báo cánh tả kỳ vọng cuộc gặp gỡ « lịch sử » giữa lãnh đạo hai miền Nam Bắc Hàn, vào thứ sáu hôm nay sẽ đặt được cơ sở cho hai nước tiến lại gần nhau hơn.
Nhưng tiến lại gần nhau không có nghĩa là thống nhất. Trong bài bình luận « Ngoắt ngéo », Libération dự đoán thái độ « tiền hậu bất nhất » của Donald Trump trong canh bạc « xì phé dối trá » với Kim Jong Un biết đâu sẽ mang lại kết quả theo tác động nhân quả « nghịch lý của nghịch lý » :

Ngồi trước mặt tổng thống Mỹ, có mái tóc kỳ lạ không thua gì mái tóc chải ngược của mình, và nhất là sẵn sàng « bấm nút », Kim Jong Un sẽ nghĩ rằng thái độ khiêu khích hạt nhân có nguy cơ dẫn đến một thảm họa.

 Con đường học khôn đôi khi rất « quanh co ».
Thiếu chuẩn bị để lãnh đạo quốc gia, bị đóng khung trong suốt 70 năm nghi kỵ, thượng đỉnh Liên Triều tại Bàn Môn Điếm mà Kim Jong Un tham dự ngày hôm nay với lãnh đạo Hàn Quốc mở ra với nhiều bất trắc : một số nhà quan sát nói đến triển vọng hoà bình, thống nhất, một số khác cảnh báo nguy cơ trở lại tình trạng căng thẳng cũ.

Nhưng theo Libération, kịch bản « đáng tin » nhất là Bắc Triều Tiên do e dè thái độ « bốc đồng » của tổng thống Mỹ cũng như vũ khí hạt nhân nên tìm cách tranh thủ thời gian.
Trong khi đó, Hoa Kỳ biết rõ chủ nghĩa Stalin thất bại thảm hại tại Bắc Triều Tiên, đặt chế độ Bình Nhưỡng vào thế yếu không thể che giấu được dưới lớp vỏ bọc sức mạnh hạt nhân.

Đây cũng là tình trạng của Liên Xô trước khi sụp đổ, bắt buộc Matxcơva phải chọn con đường chấm dứt chiến tranh lạnh.
Nhật báo cánh tả Pháp « hy vọng » « rocket man » sẽ có cùng kết luận với Gorbatchev.

Kim có lợi hay không nếu hai miền thân thiện ?

Kim Jong Un « tranh thủ thời gian » cũng là nhận định của một số người dân Hàn Quốc : Kim sẽ đòi được những gì ông ta muốn, nghĩa là được công nhận ngang hàng với Mỹ, nhưng không bao giờ chấp nhận một chính sách thân thiện với Hàn Quốc bởi vì người dân Bắc Triều Tiên sẽ chạy sang Hàn Quốc và chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ.

Nếu Libération ghi nhận « não trạng chiến tranh lạnh » hiện rõ ở Hàn Quốc, trừ những người vượt biên gốc Bắc, thì Le Monde, nhấn mạnh đến niềm hy vọng của công luận ủng hộ chủ trương hoà bình của tổng thống Moon Jae In nhưng cũng thận trọng trước thái độ « mập mờ » của Bình Nhưỡng.

Phe thân chính phủ thì hy vọng hai miền sẽ ký được một hiệp định hoà bình, công luận đối lập thì lo tổng thống của mình sẽ bị đánh lừa như thủ tướng Anh Chamberlain bị trúng kế Hitler ký thỏa hiệp Munich vào năm 1938, vài tháng trước khi nổ ra Thế chiến thứ hai.
Le Monde lưu ý chi tiết : trước khi gặp Moon Jae In, nhà độc tài vẫn chưa nói rõ là có « từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không » cho dù địa điểm thử bom đã bị « sụp đổ một phần » theo các chuyên gia địa chất Trung Quốc.

Theo Joseph de Trani, chuyên gia Mỹ, từng là thành viên của phái đoàn thương lượng 6 bên, Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận lời hứa suông « đình chỉ » chương trình hạt nhân.
Còn theo phân tích chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang thì Kim Jong Un không có một sự lựa chọn nào khác : hoặc từ bỏ hẳn vũ khí hạt nhân để đổi lấy bảo đảm an toàn cho chế độ, hoặc chấp nhận rủi ro chế độ từ từ sụp đổ.

Iran và bài học Bắc Triều Tiên

Trong bài phân tích « Iran cần hay không một quả bom », nhật báo Le Monde cho rằng « nhóm cố vấn diều hâu của Donald Trump » sai lầm khi tìm cách đe dọa Iran, gia tăng tối đa các biện pháp cấm vận một chế độ đang suy yếu vì phong trào phản kháng trong nước sẽ buộc Teheran nhượng bộ, ký một hiệp định hạt nhân mới.

Sai lầm thứ nhất vì Iran có thế lực cấp vùng và thế giới mạnh hơn Bắc Triều Tiên.
Thứ hai là giới lãnh đạo Iran biết rõ một điều là Hoa Kỳ không bao giờ uy hiếp một nước có vũ khí hạt nhân cho dù là Ấn Độ, Pakistan hay Bắc Triều Tiên.

Trái lại, để có thể đàm phán với Donald Trump, như Kim đang chuẩn bị, thì tốt hơn hết là phải có một quả bom. Đó là nhược điểm của chiến lược vừa muốn xé hiệp định đã ký với Iran, vừa cố gắng đòi Bắc Triều Tiên ký một hiệp định tương lai.

Macron sáng suốt

Chính ở hồ sơ hóc búa này, Le Monde khen ngợi sự sáng suốt của tổng thống Pháp trong bài « con dao hai lưỡi » tổng kết chuyến công du nước Mỹ : Macron đã sáng suốt nhìn nhận ông Trump sẽ không bao giờ bỏ lời đã hứa với cử tri là sẽ hủy hiệp định hạt nhân của người tiền nhiệm Obama ký với Iran.

 Nhưng cả hai lãnh đạo Mỹ-Pháp đã làm việc trên cơ sở mà các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu đã đạt được trong nỗ lực tìm một giải pháp cho bế tắc này.
 Thủ tướng Đức Angela Merkel, đến Washington ngày thứ sáu, sẽ tiếp tục nỗ lực này.
Tuy nhiên, theo Les Echos, chuyến công du của thủ tướng Đức không chỉ có hồ sơ chính trị quốc tế.

 Mối ưu tư của lãnh đạo đầu tàu kinh tế số một Liên Hiệp Châu Âu là « tránh thuế của Mỹ đánh lên thép xuất khẩu ».
Pháp, từ chối đàm phán dưới sự đe dọa, có thể sẽ không hài lòng nếu Đức chấp nhận sức ép của Donald Trump, thương thuyết lại mức thuế liên quan đến toàn bộ sản phẩm công nghệ chế biến.

Pháp và dự án hoà giải quốc gia 5 tỷ euro

Khác với các đồng nghiệp, Le Figaro không nói gì về Iran và Bắc Triều Tiên.
Trên trang nhất, nhật báo cánh hữu chấm điểm thấp chính phủ Macron sau một năm làm việc : Tên tuổi các bộ trưởng ít được dân chúng biết đến, nếu có biết thì cũng vì làm mất lòng dân.

Một trong những thách thức mới trong ngành giáo dục là đổi phương pháp tập đọc ở lớp một, trở lại cánh đánh vần thời trước để khắc phục tình trạng học sinh Pháp, nhất là con em các gia đình nghèo phạm nhiều lỗi chính tả.

Về xã hội, một dự án « tái chinh phục các khu phố bị bỏ quên » được công bố.
Tác giả, Jean Louis Borloo, một cựu bộ trưởng môi trường, đề nghị ngân sách 5 tỷ euro để huấn nghệ giới trẻ thất nghiệp, canh tân 1500 khu chung cư bị xuống cấp trong một chương trình đại quy mô mà ông gọi là « hòa giải dân tộc Pháp ».

Nga sắp giao S-300 cho Syria

Ở trang quốc tế, Le Figaro chú ý đến nhân vật được xem là ngôi sao đang lên trên chính trường Mỹ : tân ngoại trưởng Mike Pompeo, rất có thể là người thừa kế Donald Trump.
Tại Trung Đông, nhật báo cánh hữu cho biết Israel lo ngại tên lửa S-300 của Nga sắp giao cho Damas để bảo vệ lực lượng Iran chiến đấu tại Syria.
Giới phân tích ở Israel xem đây là dấu hiệu Putin sẵn sàng bênh Iran chống lại Israel.

Armenia : đối lập thắng 1-0

Tại Armenia, phong trào chống độc tài và tham nhũng đã thành công buộc thủ tướng Serge Sakissian từ chức, nhưng theo Le Fiagaro, chế độ đặc quyền đặc lợi đã bị lung lay nhưng cố bám trụ :
Nhà nước phá sản nhưng các nhóm thế lực đã khóa chặt đất nước . Một cán bộ chính trị, thân cận với lãnh đạo phong trào phản kháng Nikol Pashinian chia sẻ lo ngại :
Một khi lên nắm quyền, liệu Nikol Pashinian có khả năng chống lại bộ máy tham ô bám rễ ở Armenia, nhưng lại rất phù hợp với quyền lợi của Matxcơva ?
Cũng như thông lệ, chính quyền Trung Quốc thuê 8 trang báo Le Figaro mỗi thứ Sáu để quảng cáo cho các chính sách của Bắc Kinh.

 Hôm nay, các « phóng viên » Trung Quốc giới thiệu « 40 năm vàng ở Tây Tạng » do Trung Quốc thực hiện từ các lãnh vực văn hóa, xây dựng cho đến bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nông dân.

Cũng liên quan đến Tây Tạng, nhật báo cánh hữu cuối tuần đưa độc giả đến những nông trại ở miền nam nước Pháp, trồng cây cam đắng, rất được ưa chuộng để làm bánh mứt.
 Hạt giống được du nhập từ một vùng biên giới Ấn Độ-Tây Tạng từ thế kỷ thứ 10.

Switch mode views: