Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bốn lý do để Trung Quốc chen chân vào Bắc Cực

pole nord


Bắc Cực và Groenland, ảnh chụp từ vệ tinh của tập đoàn NASA Mỹ.
Reuters

Bắc Cực có nhiều lợi thế thu hút : Mở ra một tuyến đường hàng hải mới, một vùng đất và đại dương giàu tài nguyên thiên nhiên từ dầu khí đến thủy sản và những hứa hẹn về du lịch.

Không là quốc gia duy nhất quan tâm đến vùng cực bắc Địa Cầu, nhưng Trung Quốc tranh thủ để dự án Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ 21 bao hàm luôn cả một tuyến đường trên băng.

Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch nhiều bước để chen chân vào Bắc Cực nhưng lần đầu tiên, Trung Quốc cho công bố sách trắng về chiến lược phát triển Bắc Cực.

Đâu là những điểm nổi bật trong sách trắng của Trung Quốc và phải hiểu như thế nào về những lời cam kết hòa hoãn của Bắc Kinh ?
Trong bài phân tích ngắn đăng trên trang mạng của tờ báo Nhật Bản The Diplomat, ấn bản ngày 26/01/2017, Charlotte Gao tìm cách trả lời những câu hỏi trên.

Từ quốc gia "Cận Cực" đến OBOR trên băng

Mở đầu bài báo, chiến lược về Bắc Cực của Bắc Kinh được công bố hôm 26/01/2018 , khẳng định Trung Quốc là một quốc gia "Cận Cực", là một trong những quốc gia "gần Bắc Cực nhất".

Theo như giải thích của Bắc Kinh, "những điều kiện thiên nhiên" của cực bắc địa cầu và mọi tác động đối với khu vực này đều "ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, môi trường, hệ sinh thái" của Trung Quốc.
Qua đó là cả "những quyền lợi kinh tế" của nước này trong nhiều lĩnh vực, từ "nông, lâm nghiệp, đến các hoạt động đánh bắt thủy sản công nghiệp đường biển"

Sách trắng Arctic Policy của Trung Quốc không vòng vo : Vì chia sẻ lợi ích với các quốc gia chung quanh Bắc Cực, Bắc Kinh "hy vọng cùng làm việc với tất cả các bên để cùng nhau xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Bắc Cực và tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối và phát triển kinh tế, xã hội" trong khu vực này.

Tác giả bài viết trên The Diplomat bình luận :
"Mặc dù Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế và tham gia vào các hoạt động phát triển Bắc Cực một cách chừng mực, sách trắng của Trung Quốc lại chỉ ra rõ mục tiêu tận dụng các nguồn tài nguyên của Bắc Cực để phục vụ lợi ích kinh tế của bản thân quốc gia này".

Charlotte Gao nêu rõ bốn mục đích mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Thứ nhất là Trung Quốc tham gia vào các dự án phát triển các tuyến đường hàng hải ở cực bắc địa cầu và các tuyến đường đó gồm ba ngả "Đông Bắc", "Tây Bắc" và "Trung Tâm".
Trong bối cảnh trái đất đang bị hâm nóng gây hiện tượng băng tan, "giao thương hàng hải qua Bắc Băng Dương đang trở thành những cửa ngõ quan trọng đối với mậu dịch quốc tế".
Thêm vào đó Bắc Kinh nói rõ là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, mở ra những trục giao thương và khám phá những hành trình du lịch mới.

Mục tiêu thứ nhì Trung Quốc nhắm tới là các nguồn tài nguyên của một vùng đất còn vắng bóng người này :
 "tham gia vào các công trình thăm dò và khai thác dầu, khí, quặng mỏ và nhiều tài nguyên thiên nhiên".

Trong chiến lược phát triển Bắc Cực, Trung Quốc không quên nhấn mạnh đến các nguồn năng lượng "không truyền thống từ năng lượng địa nhiệt đến năng lượng gió và nhiều nguồn năng lượng sạch khác".
Bắc Kinh cam kết là sẽ cùng các quốc gia trong vùng "đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng sạch".

Hướng thứ ba được Trung Quốc quan tâm là các nguồn hải sản phong phú của Bắc Băng Dương được Bắc Kinh coi là "đầy tiềm năng trong tương lai".
Trên điểm này, Charlotte Gao lưu ý độc giả, trong thời gian gầy đây ngư dân Trung Quốc ngày càng hoạt động ở các vùng biển xa nhà, họ đi tìm những vùng nước giàu tôm cá và trên con đường đi tìm kế sinh nhai ấy, ngư dân Trung Quốc không từ các hoạt động đánh bắt trái phép.

Sau cùng Bắc Cực còn là một mảnh đất màu mỡ để mở rộng các hoạt động du lịch và sách trắng của Trung Quốc nói rõ là đã khuyến khích các công ty du lịch đào tạo nhân sự và chuẩn bị cho các chuyến du hành lên xứ sở băng giá này.

Kho dự trữ dầu khí của thế giới ?

The Diplomat nhắc lại, tham vọng chinh phục Bắc Cực của Bắc Kinh đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến từ 2013 Trung Quốc mới được mời làm quan sát viên Hội Đồng Bắc Cực – Arctic Council.

Đây là một diễn đàn giữa 8 thành viên gồm Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga, được mở rộng cho hơn một chục quan sát viên, trong đó có Ấn Độ, Pháp hayTrung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu...
 Chức năng của diễn đàn này nhằm thảo luận và giải quyết những vấn đề liên quan đến việc quản lý cực bắc của địa cầu.

Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, chưa khi nào khu vực có diện tích dao động từ 4 triệu cây số vuông đến 15 triệu km2 tùy theo mùa này lại được các cường quốc trên thế giới quan tâm như hiện tại.

Đầu tháng Giêng 2018 chính quyền Trump thông báo sẽ "mở cửa gần như toàn bộ" các vùng biển của Mỹ kể từ năm 2019 cho các công trình khai thác dầu khí ngoài khơi.
Trong số 47 dự án được cấp giấy phép phép hoạt động, 19 trong số này bao quanh vùng biển Alaska.
Đây không phải là một tin vui với giới bảo vệ môi trường. Tai nạn thủy triều đen ở vùng Alaska hồi năm 1989 đến nay vẫn để lại dấu vết.

Bản thân các các tập đoàn dầu khí vẫn còn thận trọng trước những dự án đầu tư khai thác ở Bắc Cực.
Theo giải thích của chuyên gia về dầu hỏa Matthieu Auzanneau, tác giả của Vàng Đen – Or Noir, nhà xuất bản La Découverte (một cuốn sách được xem là kinh điển đối với giới trong ngành) để đầu tư vào các dự án khai thác dầu lửa ở Bắc Cực có lãi, giá dầu phải được ấn định tối thiểu là 100 đô la một thùng.

Nga quan tâm trở lại đến Bắc Cực

Theo quan điểm của phóng viên báo Le Figaro, Frédéric Faux trong bài viết đăng ngày 29/01/2018, nhưng quan trọng hơn cả các khoản dự trữ tài nguyên tiềm tàng, là Bắc Cực tan băng mở ra những trục giao thương mới cho phép thu hẹp hành trình và thời gian để khí đốt khai của Nga từ bán đảo Yamal, miền bắc Siberia được chuyển tới tận các nước trong vùng Đông Nam Á.

Đi qua Bắc Cực, cho phép Nga giao hàng sớm hơn đến 15 ngày - rút ngắn gần 1/3 thời gian- thay vì phải qua ngả kênh đào Suez.
Một điều chăc chắn là Nga chắc sẽ không phản đối sách trắng của Trung Quốc về chiến lược phát triển Bắc Cực khi biết rằng Bắc Kinh là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua khí đốt từ Yamal.

Những chân trời mới

Nếu như giới bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu về khí hậu liên tục báo động về hiện tượng trái đất bị hâm nóng làm tan băng, thì các nhà chiến lược và địa chính trị đang nhìn thấy những "chân trời mới".

Phóng viên báo Le Figaro nêu lên những con số cụ thể cho thấy "Russia is Back" tại Bắc Cực : "không còn bị các tảng băng cản trở, khối lượng tàu chở hàng của Nga nối liền châu Âu và châu Á, trong năm 2017 tăng 25 %.

Trong năm qua, 10 triệu tấn hàng đã được chuyển qua tuyến đường Đông Bắc.
Nga dự trù đến năm 2020 phải có tới 40 triệu tấn hàng sử dụng con đường hàng hải mới này.

Bắc Cực từng bị lơ là trong những năm 1990 nay bỗng trở thành một vùng đất hứa cả về mặt tài nguyên lẫn chiến lược".

Switch mode views: