Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28- 08-2017

Hội nghị Stockholm báo động : Nước sạch ngày càng hiếm

eau-nuocsach

Nước ngày càng trở nên khan hiếm là mối đe dọa lớn với nhân loại
Ảnh chụp màn hình : Le Figaro

Các dự án cải cách của chính phủ Pháp đứng trước nhiều thách thức, vào lúc kỳ nghỉ hè kết thúc, năm mới bắt đầu, là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay.

Trước hết xin giới thiệu bài « Tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng hơn trên hành tinh » trên Les Echos, đăng tải nhân dịp Tuần Lễ Nước Thế Giới, khai mạc hôm qua tại Stockholm, 27/08/2017.

Hơn 3.200 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới tụ về Stockholm để bàn về chủ đề đang ngày càng trở nên nóng bỏng : Nước sạch cho tất cả mọi người.

Theo Les Echos, mục tiêu bảo đảm cho toàn nhân loại có được nước sạch từ đây đến năm 2050, theo các mục tiêu phát triển bền vững (ODD), được Liên Hiệp Quốc thông qua, tỏ ra khó đạt.

Hiện tại, còn đến 633 triệu người không có đủ nước dùng, và tình trạng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn ở khắp nơi trênTrái Đất.
Đó là kết luận chủ yếu được rút ra từ rất nhiều nghiên cứu, báo cáo nhân dịp Tuần Lễ Nước Thế Giới ở Stockholm.

Nguyên cớ đầu tiên là do khí hậu Trái Đất bị hâm nóng, các đợt khô hạn ngày càng trở nên thường xuyên. Đến cả một số nơi ở châu Âu, cụ thể là tại Roma, cũng bắt đầu thiếu nước trong mùa hè này.
Vấn đề thứ hai là việc khí hậu ngày càng trở nên bất thường « đang làm đảo lộn việc phân bổ mưa trên địa cầu ».

Trong lúc mây ngày càng dày đặc hơn tại các vùng cực, thì tại các vùng xích đạo – như châu Phi nam sa mạc Sahara, Nam Mỹ - hay Trung Đông mây lại mỏng mảnh hơn.
Cũng trong xu hướng khí hậu biến đổi thất thường này, mưa lũ xảy ra « khốc liệt hơn » tại một số vùng, như Bangladesh, với khoảng 6 triệu dân thường xuyên bị nạn lũ đe dọa.

Một vấn đề thứ ba được các chuyên gia chú ý đến là trữ lượng nước trong các mạnh nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng.
Các mạch nước ngầm chiếm đến 30 % lượng nước dự trữ của hành tinh, tuy nhiên ở khắp nơi, lượng nước được lấy đi vượt quá lượng nước bổ sung nhờ mưa.
Dự kiến là tại Ấn Độ, trong 20 năm nữa, có đến 60% mạch nước ngầm sẽ lâm vào tình trạng khan hiếm.

Cùng với tình trạng nguồn nước suy kiệt, nhân loại phải đối mặt với mức tăng dân số vô cùng lớn, thêm 2,3 tỷ người, ở ngưỡng cửa năm 2050, tức hơn 20% so với hiện nay, khiến nhu cầu nước tăng vọt.

Biện pháp hàng đầu : Bảo vệ rừng trên các lưu vực sông

Từ nay đến thứ Sáu (1/9), các chuyên gia tại Stockholm sẽ phải đề ra các biện pháp. Biện pháp được coi có thể làm ngay là « tiết kiệm nước ».
Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi ngày có gần 23 tỉ lít nước bị lãng phí, do hệ thống ống nước bị rò rỉ, theo một nghiên cứu của Americain Water Works Association.
Tuy nhiên, chỉ tiết kiệm không đủ, vấn đề là phải nhằm thẳng vào các nguyên nhân chính.

Cụ thể là bảo vệ rừng trên các lưu vực, để bảo đảm chế độ nước được ổn định.
Đây là việc cần làm khẩn cấp. Tổ chức bảo vệ rừng Global Forest Watch (GFW) cảnh báo, trong 14 năm gần đây, có đến 22% thảm thực vật của các lưu vực sông lớn bị phá hủy.

Một giải pháp khác, cũng được các chuyên gia đề xuất là lập biểu giá nước sao cho phù hợp với giá thành thực sự của tài nguyên này, đồng thời cổ vũ tiết kiệm.
Như vậy, các doanh nghiệp có thể sẽ có động lực để tích cực đầu tư hơn.

Trump kẹt bẫy Afghanistan

Về thời sự quốc tế, Le Monde có bài phân tích về chiến lược của tổng thống Mỹ đối với Afghanistan, sau khi Donald Trump đưa ra kế hoạch mới nhằm giải quyết cuộc xung đột mà Hoa Kỳ đã can dự từ 16 năm nay.

Bài « Donald Trump kẹt bẫy Afghanistan » nhận xét là kế hoạch được cho là mới của tổng thống Mỹ trên thực tế « giống với » kế hoạch của người tiền nhiệm, và « không có dấu hiệu nào cho thấy » là ông Trump sẽ có thể làm được hơn những người tiền nhiệm, với một chiến lược tương tự và ít binh sĩ hơn.

Le Monde phân biệt hai cuộc chiến Afghanistan.
Cuộc chiến thứ nhất, của lực lượng Moudjahidine Afghanistan, tiến hành sau vụ 11/09/2001, chống lại quân Taliban và Al-Qaida.
Cuộc chiến được coi là chính đáng, và đã giành thắng lợi trong thời gian ngắn, với sự hỗ trợ từ xa của Mỹ.

Quân đội Mỹ không tham chiến, không đóng quân tại nước này. Le Monde lên án cuộc chiến Afghanistan thứ hai là một « thảm họa ».
Cuộc chiến này được khởi sự từ năm 2002, với sự triển khai của lực lượng Mỹ và NATO, tại một đất nước trên thực tế không còn « kẻ thù thực sự », sau khi Ben Laden lẩn trốn.

Theo Le Monde, hiện tại lực lượng Taliban đã chiếm được 60% lãnh thổ Afghanistan, và không gì cho thấy một chiến thắng quân sự là nằm trong tầm tay.
Cùng lúc đó xu thế tham gia « thánh chiến » đang gia tăng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, hiện tại Washington vẫn cho rằng « còn quá sớm » để thương lượng với Taliban.

Bài phân tích của Le Monde nhấn mạnh là tại Afghanistan hiện tại có hai cuộc chiến. Một cuộc nội chiến, mà về nguyên tắc, không liên quan đến người Mỹ, và cuộc chiến du kích chống Mỹ. Mà cuộc chiến thứ hai này sẽ không tồn tại, nếu không có người Mỹ.

Một bài học mà theo Le Monde có thể rút ra là : Để chống các lực lượng thánh chiến (trừ phi quân thánh chiến chiếm được các khu vực rộng lớn như tại Syria và Irak), không cần đến sự hiện diện của quân đội, mà chỉ cần một mạng lưới tình báo và các đơn vị đặc nhiệm hoạt động một cách kín đáo là đủ.

Nếu không hiểu được điều này, ông Trump chắc chắn sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba (hậu 11/09) rơi vào chiếc bẫy Afghanistan, chiếc bẫy của « một cuộc chiến không có hồi kết ».

Hội nghị các ngân hàng trung ương tại Mỹ : Ưu tiên bảo vệ thành quả

Hội nghị thường niên Jackson Hole, tại tiểu bang Wyoming, của thống đốc ngân hàng trung ương của các cường quốc năm nay vốn là sự kiện rất được giới kinh tế trông đợi.
Tuy nhiên, trong hội nghị diễn ra cuối tuần trước, lãnh đạo các ngân hàng lớn tỏ ra rất dè dặt khi nói về tương lai.

Theo Les Echos, việc các giám đốc ngân hàng trung ương « im lặng », được coi là chỉ dấu cho việc « duy trì nguyên trạng ». Các thị trường coi đây là một tín hiệu tốt đối với đồng euro.
 Ngay sau đó, đồng euro tăng giá lên 1,19 ăn 1 đô la, giá cao nhất kể từ năm 2015.

Theo Le Figaro, cả giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, bà Janet Yellen, và giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, ông Mario Draghi, đều tuyên bố trước hội nghị này là họ sẽ không bàn đến vấn đề « chính sách tiền tệ » trong thời gian tới.
Lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tập trung vào việc bảo vệ thành quả của cuộc cải cách điều chỉnh lĩnh vực ngân hàng, diễn ra tại Hoa Kỳ cũng như trên quy mô toàn cầu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Bà Janet Yellen nhấn mạnh là « mọi điều chỉnh bổ sung » trong lĩnh vực này phải được tiến hành một cách cẩn trọng, và nhằm gia tăng độ dẻo dai của các định chế tài chính lớn.
Quan điểm của lãnh đạo ngân hàng Mỹ được nhìn nhận như là một lời cảnh báo nhắm thẳng vào chính sách nới lỏng các quy định về tài chính – ngân hàng, vốn là một ưu tiên của tổng thống Mỹ.

Nhiệm kỳ của đương kim giám đốc Janet Yellen sẽ hết vào tháng 2/2018.
Người ta không rõ ông Trump có quyết định để bà Janet Yellen tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa hay không.

Brexit : Căng thẳng trước vòng đàm phán thứ ba

Về thời sự châu Âu, không khí căng thẳng dâng cao giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu trước ngưỡng cửa vòng đàm phán thứ ba về các thủ tục cho việc Anh chia tay với Bruxelles. Vòng đàm phán khai mạc chiều hôm nay.

Theo Le Figaro, các nhà đàm phán châu Âu đang gây áp lực để Luân Đôn làm rõ các điều kiện cụ thể của thủ tục « ly dị ».
Cụ thể là, nhóm 27 nước muốn có được « các tiến bộ đáng kể » trong ba vấn đề lớn: Quyền của các công dân châu Âu cư trú tại Anh, vấn đề quy chế đặc biệt của Ai Len và các quy định về tài chính.

Quan điểm của châu Âu là ba vấn đề này phải được làm rõ trước khi chuyển sang bước đàm phán tiếp theo.
Đứng từ quan điểm của Bruxelles, Luân Đôn hiện đang lúng túng với các tranh luận nội bộ về đường hướng đàm phán, giữa chủ trương Brexit cứng với Brexit mềm, do đó khó đưa ra được các đề xuất cụ thể và rõ ràng như châu Âu trông đợi.

Le Figaro cho rằng, cho dù nhóm 27 nước « khẳng định như đinh đóng cột » là muốn hoàn tất việc chia tay với Anh trước tháng 3/2019, theo quy định, nhưng cái mốc này tỏ ra ngày càng ít có khả năng trở thành hiện thực.

Ra hè : Tổng thống Pháp trước áp lực gia tăng

Tiêu điểm của nhiều nhật báo Pháp hôm nay là những thách thức sau kỳ nghỉ hè đối với chính phủ, trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ đối với tổng thống Macron sụt giảm mạnh.
 Từ 62% xuống còn 40% trong vòng ba tháng, theo một thăm dò dư luận, được Le Figaro dẫn lại.

Tờ báo phổ thông Le Parisien, trước cuộc họp các bộ trưởng hôm thứ Tư tới, tất cả thành viên chính phủ sẽ họp trước hôm nay để xem xét lại toàn bộ các hồ sơ, đặc biệt là ngân sách cho năm tới 2018, cải cách Luật Lao Động, cải cách hưu trí, đào tạo nghề, trợ giúp nhà ở hay đào tạo đại học.

Theo Le Parisien, người dân Pháp hy vọng là đích thân tổng thống Pháp sẽ có « những giải thích rõ ràng » để mọi người hiểu được các định hướng mà ông muốn đưa xã hội đi theo.

Theo tờ báo thiên hữu Le Figaro, đây là lúc tổng thống Macron phải chuyển các mục tiêu đã cam kết thành hành động. Vấn đề là hành động một cách kiên quyết, « không được tìm cách tránh né hay cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người ».
Le Figaro kêu gọi tổng thống Pháp lấy thủ tướng Đức Angela Merkel làm « một tấm gương ».

Trong khi đó, tờ báo thiên tả Libération chạy trang nhất hàng tựa : « Macron, phải chăng là một tổng thống của những người giàu ? ».

Libération khẳng định các quyết định được chính phủ đưa ra trong vài ba tháng trở lại đây nhắc lại câu nói của cố tổng thống Mitterrand, là những người cánh trung – ngụ ý nói đến tổng thống Macron – không thuộc cánh tả, cũng như cánh hữu.
Nếu tổng hợp lại cải cách trong các lĩnh vực, có thể thấy những người giàu tựu chung sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là với chính sách thuế của chính phủ.

Vẫn về chủ đề áp lực với tổng thống Macron, Les Echos dẫn lại quan điểm của người phát ngôn chính phủ Pháp, thừa nhận các khó khăn mà chính phủ đang phải đối mặt, tuy nhiên, ông nhấn mạnh, không nên « chỉ » nhìn vào các thăm dò dư luận, để căn cứ vào đó mà điều hành đất nước.

Le Monde thì giới thiệu quan điểm của bộ trưởng bộ Lao Động Pháp, bà Muriel Pénicaud, một nhân vật trụ cột của cuộc cải cách bộ Luật Lao Động rất được chú ý.

Theo bộ trưởng Pénicaud, cho đến nay dự án cải cách đã « nhận được nhiều đóng góp nhờ phối hợp với các đối tác xã hội », và sẽ hoàn toàn không có nguy cơ « đổ vỡ xã hội » do cải cách.


Switch mode views: