Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-03-2013

 Trung Quốc : Thế hệ lãnh đạo mới và những lời hứa

CHINA-Quochoi



Gần 3000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc lắng nghe diễn văn bế mạc khóa họp của chủ tịch nước Tập Cận Bình, ngày 17/03/2013
REUTERS/Jason Lee


Bộ máy lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã kiện toàn và ngay lập tức đã có những hứa hẹn đưa đất nước Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên mới.

Chủ nghĩa yêu nước, xây dựng một đất nước phồn thịnh và toàn vẹn lãnh thổ, đó sẽ là nền tảng của đường lối chính trị của tân chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Tập Cận Bình trong vòng một thập niên tới.

«Giấc mơ Trung Hoa » đó của thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc đã thú hút sự quan tâm của báo chí Pháp ra hôm nay. La Croix chạy tựa ngắn gọn « Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình ».

Trước tiên tờ báo nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua ở Trung Quốc với nhận định : « Vậy là mô hình « Xã hội hài hòa » mà những người tiền nhiệm của ông Tập đê ra đã không thành công.

Đúng là kinh tế có tăng trưởng đấy, nhưng bất bình đẳng xã hội cũng gia tăng, tham nhũng đã thành nạn dịch, ô nhiễm ngột ngạt và chính trị thì mù mờ ».

Kết quả của một thập kỷ qua như vậy đã làm lòng người càng bất mãn với chế độ.

Tiếp quản một di sản như vậy, ông Tập Cận Bình muốn là một người cầm lái cho công cuộc « đại phục hưng Trung Hoa » đưa người Trung Quốc đến với « giấc mơ Trung Hoa ».

Theo La Coix, tân chủ tịch Trung Quốc không cụ thể hóa đường lối chính trị mà chỉ đề ra một mục tiêu chung chung cho mười năm tới trên nền tảng chủ đạo : « Bảo vệ nguyên lý của chủ nghĩa xã hội mang đặc thù Trung Quốc, để thực hiện giấc mơ Trung Hoa và đại phục hưng dân tộc Trung Hoa ».

Ông Tập nhấn mạnh đến chủ nghĩa yêu nước để củng cố khối đoàn kết dân tộc, một thách thức lớn của Trung Quốc.

Không một lời nào về cải cách chính trị, ông Tập Cận Bình bảo đảm rằng « tất cả mọi người Trung Quốc đều xứng đáng có cơ hội bình đẳng để xây dựng một cuộc sống phồn vinh và để được thấy ước mơ của họ thành hiện thực ».

Một điểm nữa cần phải nói đến, đó là ông Tập Cận Bình rất chú trọng đến quân đội. Ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải xây dựng một quân đội mạnh để bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ công dân.

Tóm lại, Tập Cận Bình mong muốn « Trung Quốc phải trở thành một cường quốc được thế giới nể trọng ».

Trong khi đó, nhật báo Le Monde tập trung vào những hứa hẹn của người thực thi trực tiếp đường lối chủ trương của ông Tập là tân thủ tướng Lý Khắc Cường. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng, ông Lý Khắc Cường đã có cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp.

Ở diễn đàn này, lãnh đạo hành pháp Trung Quốc cũng đã đưa ra hàng loạt hứa hẹn nhằm biến « giấc mơ Trung Hoa » thành hiện thực.

Theo Le Monde, một trong những quan tâm chủ yếu của ban lãnh đạo mới, đó là nạn tham nhũng. Chính vì thế Lý Khắc Cường đã thông báo sẽ thiết lập « một cơ chế hiệu quả » để sao cho các lãnh đạo « không dám và không thể » dính vào tham nhũng.

Tân thủ tướng không nói rõ cơ chế này ra sao, nhưng cho biết sẵn sàng « chấp nhận sự giám sát của toàn bộ xã hội và truyền thông ».

Le Monde nhắc lại là hứa hẹn này không có gì mới. Năm 2008, lãnh đạo số một Hồ Cẩm Đào cũng đã từng đưa ra những tuyên bố tương tự trước Quốc hội, nhưng sau đó đã mau chóng bị rơi vào lãng quên.

Theo giới quan sát, dù là ban lãnh đạo mới, nhưng mục tiêu đi theo con đường « xã hội chủ nghĩa theo đặc thù Trung Quốc » với một hệ thống chính trị độc đảng không có gì thay đổi.

Heo chết trôi sông ở Trung Quốc, «chuyện thường ngày ở huyện »

Vẫn là đề tài Trung Quốc, báo Le Monde tiếp tục với vụ heo chết trôi sông Hoàng Phố đang gây nhiều lo ngại không chỉ trên vấn đề môi trường mà có thể sẽ trở thành tai họa cho vấn đề y tế sức khỏe.

Đặc phái viên của tờ báo từ tỉnh Chiết Giang Trung Quốc gửi về bài viết mang tựa đề « Virus giấu trong những con « heo nổi » của Thượng Hải ».

Việc hàng ngàn xác heo trôi lềnh bềnh trên sông Hoàng Phố trong những ngày qua khiến dư luận ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài không khỏi kinh hãi.

Các mẫu giám định cho thấy heo chết là do bị dịch bệnh. Phóng viên của Le Monde đã gặp gỡ những người dân chài trên sông Hoàng Phố ở đoạn chảy qua tỉnh Chiết Giang được họ cho biết, việc những người chăn nuôi ném heo bệnh bị chết xuống sông là thường xuyên từ vài năm trở lại đây.

Một phần người dân không ý thức hết vấn đề y tế, mặt khác, bởi vì việc họ thấy ném xác heo xuống sông là tiện nhất. Chính quyền sợ dân chúng hoang mang đã trấn an rằng, chất lượng nước sông vẫn bảo đảm, tuy nhiên, không mấy người dân tin vào điều này.

Trong khi đó, một nhà báo Trung Quốc cho biết, hôm 12/03, cơ quan tuyên huấn đã chỉ thị cho báo chí hạn chế đưa tin về vụ việc.

Phóng viên của Le Monde phát hiện ra một điều, đó là cho đến tận năm ngoái, người chăn nuôi có heo chết vì bệnh chỉ cần nhấc điện thoại gọi cho một đầu mối ở địa phương đến là họ mua lại với giá rẻ, sau đó đem chế biến bán ra thị trường trong vùng, bất kể heo chết vì lý do gì.

Mặc dù các cơ quan kiểm dịch chăn nuôi cũng có chính sách mua lại xác heo chết của nông dân, nhưng với giá quá rẻ và việc mua bán không tiện lợi.

Cũng năm ngoái, đã có 17 người bị đưa ra tòa vì buôn bán heo chết và vụ việc như vậy không phải là cá biệt ở Trung Quốc.

Đế chế Samsung, biểu tượng của công nghiệp Hàn Quốc

Vẫn liên quan đến châu Á, phụ trang kinh tế báo Le Monde chạy tựa chính « Samsung, một triều đại Tiều Tiên ».

Tờ báo đã dành hai trang báo lớn để giới thiệu về thành công của đại tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc Samsung nhân sự kiện ông Lee Kun-hee 71 tuổi con trai nhà sáng lập ra hãng Samsung, người đã làm lên thành công ngày hôm nay của Samsung, đang chuẩn bị chuyển giao quyền lãnh đạo tập đoàn cho con trai.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ hợp công nghiệp Hàn Quốc này đã lớn thành người khổng lồ của thế giới.

Với sản phẩm tinh hoa là điện tử, Samsung giờ chiếm 35% thị phần điện thoại thông minh của thế giới, gấp đôi người khổng lồ Apple.

Samsung cũng đã qua mặt hàng loạt các siêu tập đoàn lớn như Hewlett-Packard và nhà sản xuất ô tô Nhật Toyota trong lĩnh vực niêm yết vốn chứng khoán. Hoạt động của tập đoàn trải rrộng từ lĩnh vực công viên giải trí cho đến bảo hiểm rồi chuyển qua điện tử, một lĩnh vực mà tập đoàn Hàn Quốc đã thể hiện sức mạnh sáng tạo không ngừng của mình.

Cứ 4 chiếc TV màn hình phẳng bán ra trên thế giới thì trong đó có 1 mang nhãn hiệu Samsung. Giờ đây, Samsung đóng góp 20% tổng thu nhập sản phẩm quốc nội cho Hàn Quốc.

Theo Le Monde, thành công rực rỡ của Samsung, biểu tượng cho sự phát triển của Hàn Quốc, có được phần lớn nhờ vào công sức của gia đình lãnh đạo tập đoàn, giờ đã là một trong những gia đình giàu có nhất thế giới. Đó là gia đình họ Lee.

Tháng 12 năm ngoái, chỉ vài ngày sau kỷ niệm 25 năm lãnh đạo tập đoàn, chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đã tỏ ý sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo cho người con trai duy nhất của ông là Jay-yong, 44 tuổi, hiện là phó chủ tịch của Samsung Electronics, ngành mũi nhọn của đại tập đoàn hiện nay.

Việc chuyển giao quyền lãnh đạo chuẩn bị diễn ra, nhưng ở Hàn Quốc người ta đang bàn nhiều và trong đó cũng có không ít hoài nghi về tương lai của tập đoàn. Nhiều người cho rằng nếu không phải là con của chủ tịch Samsung thì Jay-yong ít có cơ hội được chọn kế tục chiếc ghế lãnh đạo cả đại tập đoàn này.

Nhiều tiếng nói đang được đưa ra tranh luận về vai trò gia đình trị ở tập đoàn hiện đang rất thành công này.

Cũng nhân việc đề cập đến Samsung, xã luận của trang Kinh tế của Le Monde chạy tựa « Ba bài học của sông Hàn » để nói về thành công kinh tế của Hàn Quốc, được ví như sự « diệu kỳ của sông Hàn », con sông chảy qua Seoul trước khi đổ ra biển Hoàng Hải.

Tờ báo nhắc lại, năm 1954, sau cuộc chiến tranh khốc liệt chia cắt hai miền nam bắc, Hàn Quốc là một đất nước điêu tàn, đói khổ, không có cơ ở hạ tầng cũng như tài nguyên. Thu nhập quốc dân khi đó của Hàn Quốc còn thấp hơn cả nhiều nước châu Phi và 80% dân số là nông dân. Nhưng 50 năm sau GDP, tính theo đầu dân của Hàn Quốc đã ngang bằng Tây Ban Nha và gấp 10 lần Nigeria.

Tờ báo nhận định, sự kỳ diệu của Hàn Quốc, có thể đánh giá như điều thần kỳ đối với Nhật Bản hay Đức. Thành công kinh tế của quốc gia này có lẽ gắn với nền văn hóa trọng chữ tín và đề cao tinh thần lao động miệt mài và nhất là gắn với chính sách công nghiệp có phương pháp được khởi xướng từ đầu thập niên 1960.

Trước một đất nước không hề có cơ sở cho công nghiệp, thị trường trong nước không tồn tại, chế độ độc tài (1963-1979) đã chọn 2 hướng ưu tiên là xuất khẩu và dựa chủ yếu vào xây dựng các tổ hợp công nghiệp.

Trong hoàn cảnh đó mà các đại tập đoàn Chaebols (theo tên gọi Hàn Quốc) đã ra đời theo hình mẫu của các siêu công ty của Nhật (Keiretsu).

Hàn Quốc đã chọn con đường phát triển theo kiểu tư bản chủ nghĩa độc đoán và tự do hóa, ưu tiên một số nhân tố và một số gia đình có quan hệ với chính quyền.

Chế độ dân chủ sau đó vẫn theo hướng đi đó. Các tập đoàn như Samsung, Hyundai, LG hay Daewoo đã nhanh chóng nổi lên trong thời kỳ này.

Nhưng sau đó các tập đoàn này cũng rơi vào những vụ lùm xùm tranh chấp gia đình, gian lận hay tham nhũng. Cuộc khủng hỏang 1998 đã làm 11 trong số 30 tập đoàn đa quốc gia của nước này biến mất.

Thành công của Samsung trên trường quốc tế, theo LeMonde, chứng tỏ sự thành công của mô hình dựa trên sức mạnh của những triều đại công nghiệp.

Tuy nhiên, theo bài xã luận, cùng với việc phương Tây hóa về kinh tế và xã hội, đất nước này cũng đang phải đặt ra những vấn đề về tương lai phát triển để có thể đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh toàn cầu.

Hợp đồng kỷ lục cho Airbus

Tiếp tục với mảng đề tài kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay, một tin vui đến với nước Pháp và đối với cả tổng thống Francois Hollande : Airbus vừa ký được một hợp đồng kỷ lục bán 234 chiếc A 320 cho hãng hàng không Indonesia Lion Air.

Hầu như tất cả các tờ báo Pháp hôm nay đều không bỏ lỡ thông tin về lễ ký hợp đồng kỷ lục, diễn ra hôm qua tại phủ tổng thống Pháp.

La Croix hân hoan với hàng tự lớn trang nhất « Airbus trên mây ».

Tờ báo nhấn mạnh nhà chế tạo máy bay của châu Âu « giờ đây hơn 5000 chiếc máy bay đã có đơn đặt hàng và hãng liên tục tuyển dụng nhân công ».

Tờ báo Công giáo gọi Aibus là « chiếc tủ kính trưng bày của công nghiệp châu Âu ».

Tờ báo nhận định việc bán chạy hàng như vậy cho thấy sự năng động hiện nay trong lĩnh vực hàng không mà trong đó Pháp chiếm vị trí quan trọng.

Tổng thống Pháp Francois Hollande chứng kiến lễ ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử hàng không dân dụng này ngày hôm qua tại điện Elysée, đã ca ngợi : « Con số này tôn vinh công nghiệp châu Âu và thể hiện sinh lực của châu Á ».

Với hợp đồng này, 5000 việc nàm được bảo đảm trong vòng 10 năm.

Nhân sự kiện này, nhật báo La Croix cũng cho biết thêm một vài chi tiế khá thú vị về vị « khách sộp » của Airbus.

Theo tờ báo, Lion Air là một khách hàng vốn quen với những đơn đặt hàng lớn.

Tháng 11/2011, hãng đã thông báo đặt mua 230 chiếc Boeing với giá 17 tỷ euro, khi đó, cũng được cho là một hợp đồng kỷ lục trong ngành hàng không dân dụng. Một chi tiết có lẽ ít người để ý, đó là từ năm 2009, các cơ quan quản lý hàng không châu Âu đã đưa Lion Air cùng với khoảng bốn chục hãng hàng không khác của Indonesia vào danh sách đen bị cấm bay trên bầu trời châu Âu.

Liệu mua máy bay mới của châu Âu có phải là cách để Lion Air thoát ra khỏi danh sách cấm bay.

Cũng cần biết là Lion Air vẫn bị cấm bay ở Mỹ dù đã mua Boeing để bay. Ngoài ra, nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về khả năng tài chính của hãng khi mà bản hợp đồng với Boeing trước đây vẫn chưa hoàn tất.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì nhấn mạnh : « Airbus : Biểu tượng chiến thắng của công nghiệp châu Âu ».

Switch mode views: