Mạng lưới buôn bán ngầm của Bắc Triều Tiên
- Chúa Nhật, 16 tháng Bảy năm 2017 10:53
- Tác Giả: RFI
Bắc Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa Hwasong-14. Ảnh do KCNA cung cấp ngày 05/07/2017. KCNA/via REUTERS
Trung Quốc đóng vai trò trung gian quan trọng cho phép Bắc Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu để lách các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do phát triển chương trình nguyên tử và vũ khí đạn đạo.
Qua rồi tuần trăng mật giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vì Bắc Kinh tiếp tục tạo điều kiện cho trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên với thế giới. Bằng chứng là trao đổi mậu dịch giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng tiếp tục tăng, thêm 37% trong quý I năm 2017, theo thẩm định của Mỹ.
Washington tức giận và sẵn sàng đơn phương gia tăng trừng phạt đối với chế độ Kim Jong Un, bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán của Bắc Triều Tiên. Cuối tháng 06/2017, Hoa Kỳ đã trừng phạt Ngân hàng Đan Đông (Bank of Dandong) của Trung Quốc vì đã thực hiện các giao dịch cho Bình Nhưỡng.
Theo bài viết của tác giả Julie Zaugg, được đăng trên website Le Temps (13/07/2017) của Thụy Sĩ, nếu như một phần hoạt động trao đổi giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là hợp pháp, như xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu sang Bắc Triều Tiên, thì nhiều hoạt động khác lại vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được đưa ra năm 2006 và lần lượt được tăng cường.
Để tiếp tục chương trình nguyên tử, Bắc Triều Tiên nhập khẩu aluminium và uranium, cũng như một số bộ phận mà nước này không sản xuất được. Bình Nhưỡng cũng xuất khẩu giấy bạc giả mệnh giá 100 đô la, thuốc lá giả, ma túy đá (methamphetamine), hoặc đánh cắp dữ liệu để đòi tiền chuộc và bán vũ khí cho nhiều nước, trong đó có Syria, Iran, Miến Điện, Cộng hoà Dân chủ Congo và Eritrea.
Mạng lưới công ty bình phong
Thế nhưng, các luồng tài chính liên quan đến các hoạt động này “được tiến hành thông qua một hệ thống phức tạp gồm các công ty bình phong và ngân hàng mà phần lớn nằm ở Trung Quốc, nhằm mục đích xóa nhòa nguồn gốc và điểm đến của các nguồn tiền”, theo như ghi nhận của David Thomson, thuộc tổ chức phi chính phủ C4ADS chuyên phân tích các loại trao đổi kiểu này.
Nhiều trường hợp gần đây chứng minh cho nhận định này. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ngày 11/08/2016, một con tầu có tên Jie Shun đã bị chính quyền Ai Cập chặn. Trên tầu có 132 tấn vũ khí, trong đó có 30.000 quả lựu đạn và súng phóng lựu đạn PG-7. Tất cả đều được sản xuất tại Bắc Triều Tiên và dường như đang trên đường đến Syria hoặc Liban. Con tầu được một người Trung Quốc mang tên Phạm Mẫn Điền (Fan Mintian) khai thác. Nhân vật này cũng sở hữu công ty hàng hải Dalian Sea Glory, từng bán các bộ phận tên lửa Bắc Triều Tiên cho Miến Điện vào năm 2011.
Về chủ nhân con tầu Jie Shun, cuộc điều tra của tổ chức C4ADS cho biết đó là công ty Hồng Kông Vast Win Trading Ltd, thuộc sở hữu của bà Tôn Tư Hồng (Sun Sihong), công dân Trung Quốc, cùng hùn vốn với một người Hoa khác tên là Tôn Tư Đông (Sun Sidong). Ông Tôn Tư Đông lại là chủ của doanh nghiệp Dandong Dongyuan Industrial. Tháng 06/2016, chính công ty Dandong Dongyuan Industrial đã xuất sang Bắc Triều Tiên 790.000 đô la thiết bị truyền thông được dùng trong hệ thống điều khiển tên lửa đạn đạo.
Trong một trường hợp khác được tiết lộ vào tuần trước, tư pháp Mỹ đã tịch biên các tài khoản của công ty Trung Quốc Dandong Zhicheng Metallic Material và bốn công ty con bình phong của công ty này trong tám ngân hàng Mỹ và châu Âu, trong đó có HSBC, Deutsch Bank, Standard Chartered và JPMorgan Chase. Theo kết quả của các nhà điều tra Mỹ, Dandong Zhicheng Metallic Material là một trong số các công ty trung gian chính được Bình Nhưỡng sử dụng để xuất khẩu than và đã thực hiện nhiều giao dịch cho chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên.
Tháng 09/2016, tư pháp Mỹ cũng đã bắt đầu thủ tục tố tụng nhắm vào một doanh nghiệp Trung Quốc Dandong Hongxiang Industrial Development (DHID). Vụ việc này cũng góp phần cho thấy cách thức được Bắc Triều Tiên tận dụng nước láng giềng để kinh doanh. Công ty DHID đã thành lập 22 công ty bình phong ở Hồng Kông, Seychelles, quần đảo Virgin của Anh và xứ Wales để kín đáo khai thác một đội tầu chuyên xuất-nhập khẩu hàng hóa cho Bắc Triều Tiên, như đường, phân bón, xe hơi hoặc than.
Nhập alumin để phát triển máy ly tâm làm giầu uranium
Năm 2015, công ty DHID giao cho chính quyền Bình Nhưỡng ô-xít nhôm (alumin), một chất được dùng để phát triển các máy ly tâm làm giầu uranium. Theo đơn kiện của chính quyền Mỹ, trước đó, tháng 03/2013, công ty này cũng tìm cách mua phân urê từ một doanh nghiệp Thụy Sĩ thông qua trung gian của một công ty có tên Fully Max Trading và đăng ký trên quần đảo Virgin của Anh. Ông David Thomson, thuộc tổ chức C4ADS phát hiện ra trường hợp này, cho biết : “Tiền cho các thương vụ này được trung chuyển qua các tài khoản được mở dưới tên của các công ty bình phong trên tại các ngân hàng Trung Quốc”.
Nhưng Trung Quốc không phải là nước duy nhất giúp đỡ Bình Nhưỡng. Trong một vụ bắt giữ vũ khí của Cuba trên đường đến Bắc Triều Tiên vào năm 2013, tất cả hóa đơn đều do công ty hàng hải Chinpo của Singapore thanh toán. Bà Sandy Baggett, cựu biện lý Singapore tham gia cuộc điều tra, cho biết : “Công ty Chinpo chủ yếu hoạt động như là tài khoản ngân hàng của chế độ Bắc Triều Tiên”. Từ năm 2009 đến 2013, công ty này đã thực hiện 605 giao dịch cho Bình Nhưỡng với tổng số tiền là 40 triệu đô la.
Trong quá khứ, Josef Schwartz, nhà bán tầu hạng sang người Áo, và Nigel Cowie, một người làm trong ngành ngân hàng Anh, đều đóng vai trò như các nhà trung gian cho Bình Nhưỡng. Tương tự còn có Banco Delta Asia, một công ty ở Macao mà các tài khoản ngân hàng bị tư pháp Hoa Kỳ phong tỏa vào năm 2005.
Thụy Sĩ cũng góp phần xây dựng hệ thống tài chính ngầm của Bắc Triều Tiên. Năm 2010, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết Ngân hàng Thương mại và Đầu tư Geneve và Banca Commerciale de Lugano có một tài khoản ủy thác của ngân hàng Korea United Development Bank. Năm 2009, một điện tín ngoại giao do WikiLeaks công bố khẳng định chi nhánh tại Geneve của ngân hàng Lloyds TSB quản lý một tài khoản ủy thác của Tanchon Commercial Bank, một nhánh tài chính của Komid, công ty xuất khẩu vũ khí Bắc Triều Tiên.
Related news items:
Tin mới
- Vatican: Hai viên chức cao cấp lấy quỹ bệnh viện sửa chung cư Hồng Y - 19/07/2017 07:12
- Bất đồng quan điểm, Hồng Y Mueller chỉ trích Đức Giáo Hoàng Francis - 19/07/2017 07:09
- Mỹ: Nỗ lực ‘quật ngã’ Obamacare thất bại tại Thượng viện - 19/07/2017 00:57
- VN: Lập đài tưởng niệm trận Gạc Ma và nhìn lại - 19/07/2017 00:51
- Trung Quốc phản đối dự luật cho phép chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan - 18/07/2017 11:46
- Nga ép Mỹ về vụ thu giữ cơ sở ngoại giao - 18/07/2017 11:40
- Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt: Giá trị bị đảo lộn, khái niệm bị đảo nghĩa qua sự kiện Đan viện Thiên An - 18/07/2017 06:06
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17- 07-2017 - 18/07/2017 05:57
- Hoãn bỏ phiếu ở Thượng viện Mỹ về dự luật chăm sóc y tế - 17/07/2017 11:32
- TT Duterte thừa nhận Mỹ cung cấp vũ khí cho Philippines chống khủng bố - 17/07/2017 11:09
Các tin khác
- Nga cảnh báo có quá nhiều gián điệp Mỹ tại Matxcơva - 15/07/2017 20:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15- 07-2017 - 15/07/2017 19:01
- Hồng Kông : Phe đối lập mất quyền phủ quyết các cải cách quan trọng - 15/07/2017 14:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14- 07-2017 - 14/07/2017 21:29
- Pháp mừng Quốc khánh 2017 với Mỹ là khách mời danh dự - 14/07/2017 15:48
- Donald Trump hứa nhiều, làm chẳng bao nhiêu - 14/07/2017 02:50
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13- 07-2017 - 14/07/2017 01:45
- Trung Quốc : Giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba qua đời - 13/07/2017 22:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12- 07-2017 - 13/07/2017 22:00
- Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc hành động vì điều gì? - 13/07/2017 06:40