Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao hơn gấp đôi con số được loan báo

marine chine


Lễ duyệt binh của lực lượng hải quân Trung Quốc tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông 04/03/2013 (REUTERS /Stringer)


Hôm qua, 05/03/2013, Bắc Kinh chính thức loan báo là ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 sẽ là 720 tỷ nhân dân tệ (hơn 115 tỷ đô la), tăng 10,7% so với năm 2012.

 Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, số liệu chính thức này, dù rất lớn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các chi tiêu thực tế mà Trung Quốc dành cho bộ máy quân đội của họ.

Khoảng cách giữa ngân sách quốc phòng được loan báo – có thể gọi là "ảo" – so với chi phí "thực", có thể lên đến gần 150%, thậm chí 200%, tùy theo cách tính.

Trong bài viết mang tựa đề : « Đằng sau màn khói mù của ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 », đăng trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post vào hôm nay, 06/03, bình luận gia Tom Holland đã thẩm định : Mặc dù đã vươn lên đứng hàng thứ hai trên thế giới, ngân sách quốc phòng thực thụ của Bắc Kinh còn cao hơn rất nhiều nếu tính đến những chi tiêu quân sự khác được ngụy trang dưới những danh xưng khác.

Trung Quốc có ba khoản chi tiêu cực lớn cho vấn đề quân sự nhưng không được tính vào ngân sách quốc phòng.
Trước hết, đó là chi phí dùng để mua vũ khí, chủ yếu là các loại vũ khí tối tân của Nga, từ chiến đấu cơ Sukhoi đời mới, cho đến các loại tàu ngầm mà Trung Quốc đang cần để hiện đại hóa quân đội của mình, thậm chí để đánh cắp công nghệ học rồi áp dụng vào các loại phương tiện do chính họ chế tạo.

Công việc nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí « made in China » đó cần đến những nguồn tài chánh cực cao, nhưng các khoản chi vào việc này lại không xuất hiện trong ngân sách quốc phòng, mà lại được tính vào chi phí của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Một khoản chi thứ ba cũng rất lớn : Ngân sách dùng cho việc phòng thủ lãnh thổ, chẳng hạn như việc tài trợ cho các đơn vị đồn trú tại các địa phương.

Trong lãnh vực này, theo báo South China Morning Post, cho đến nay, hầu như không ai biết là các chính quyền tỉnh ở Trung Quốc phải gánh vác bao nhiêu phần trăm của ngân sách này. Các chi phí đó cũng không được ghi trong ngân sách quốc phòng chung của cả nước mà ẩn khuất trong ngân sách các địa phương.

Dụng tâm che giấu ngân sách quốc phòng thực của chính quyền Bắc Kinh lẽ dĩ nhiên không qua mắt được các chuyên gia quốc tế. Vào năm 2012, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, trụ sở tại Luân Đôn, đã cố gắng định lượng các chi phí quốc phòng đã được Trung Quốc ngụy trang như nói trên.

 Theo Viện IISS, nêu tính thêm các khoản đó, thì ngân sách quốc phòng thực thụ của Trung Quốc có thể cao hơn khoảng 40% con số chính thức.

Tuy vậy, đối với nhà bình luận báo South China Morning Post, còn có một yếu tố khác khiến cho chi phí quân sự của Trung Quốc được đánh giá là đáng ngại hơn rất nhiều so ngân sách quốc phòng được loan báo : Sức mua mà ngân sách này sản sinh ra.

Bắc Kinh cho đến nay luôn luôn giải thích rằng chi phí mà họ giành cho quân sự chẳng thấm vào đâu so với ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Về hình thức thì quả là như vậy : 720 tỷ yuan của ngân sách 2013 chẳng hạn, chỉ tương đương với hơn 115 tỷ đô la Mỹ, cao hơn gấp đôi Nhật Bản, ngang bằng với Úc, nhưng lại thua xa Hoa Kỳ, nơi mà ngân sách của Lầu Năm Góc cao ngất ngưởng ở mức 614 tỷ đô la.

Thế nhưng, đối với nhật báo Hồng Kông, nếu chỉ căn cứ vào các con số đó, thì sự so sánh trở nên hết sức khập khiễng, vì sức mua của một đô la ở Mỹ chẳng là bao so với mãi lực của một đồng đô la tại Trung Quốc, đặc biệt trong địa hạt vũ khí, khi việc buôn bán không hề được tự do, và giá cả có thể thay đổi tùy theo quốc gia đặt mua.

South China Morning Post đơn cử ví dụ về việc mua hệ thống radar. Với một tỷ đô la bỏ ra tại Trung Quốc, người ta có thể thu hoạch rất nhiều, trong khi cũng số tiền ấy chi ra tại Mỹ thì những gì mua được ít hơn nhiều.

Do vậy, khi so sánh các ngân sách quốc phòng phải tính đến sự khác biệt trong sức mua tại từng nước. Có điều là trên thế giới hiện nay, không có một chỉ số giá cả đáng tin cậy nào được áp dụng cho các chi phí quân sự.

Thế nhưng, nếu áp dụng khái niệm sức mua PPP (Purchasing Power Parity) được dùng trong kinh tế, và tỷ lệ hối đoái tính theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thì giá trị của ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 tăng lên gần 50%.

Nếu tính thêm các yếu tố bị che giấu, thì giá trị thực sự của ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được ước tính cao hơn gấp đôi con số chính thức đã được công bố.

Với tình hình căng thẳng lên cao ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông, cũng dễ hiểu là việc Bắc Kinh gia tăng ngân sách quân sự luôn luôn làm cho các láng giềng lo ngại.

Switch mode views: