Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-03-2013

Cam Bốt: Người dân biểu tình bằng mọi hình thức

 

CAMBODIA chong moihinhthuc


Một cuộc biểu tình đòi đất của người dân trước bộ Nội vụ tại Phnom Penh ngày 22/2/2013.
REUTERS/Samrang Pring


 

Tại Cam Bốt, thời gian gần đây ngày càng có nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối một số chính sách trưng dụng đất đai dành cho các dự án kinh tế của chính quyền.

Biểu tình dường như ngày càng rầm rộ khi cuộc bầu cử quốc hội  vào tháng 7 đang  đến gần.
Người biểu tình Cam Bốt giờ đây sử dụng đủ mọi cách thức có thể để thu hút sự chú ý.

Tờ The Phnom Penh Post tại Cam Bốt đã có bài phản ánh sự việc này, được tuần báo Courrier International dẫn lại với dòng tựa đáng chú ý:  “Cam Bốt, nghệ thuật phản đối khác biệt của những người mất đất mất nhà”.

Tờ báo nhận định, trong năm 2012, tình trạng nhân quyền tại Cam Bốt rất tệ hại, tại thủ đô Phnom Penh người dân thường xuyên biểu tình, đến mức mà cảnh biểu tình đã trở nên quen thuộc trên các đường phố.
 Quen thuộc đến mức mà người ta dường như không còn chú ý đến những chuyện như vậy nữa. Bởi thế người biểu tình phải vắt óc tìm ra những cách biểu thị sự bất bình khác lạ để thu hút dư luận.

Tờ báo nhắc lại, những người dân bị mất đất mất nhà do chính sách giải tỏa đền bù của nhà nước đã không ngại biểu tình bằng cách mặc quần áo lót, cổ đeo xiềng xích, hoặc phát đi  những thông điệp từ đĩa CD.
Bên cạnh đó, người biểu tình còn tập hợp trước các tòa đại sứ hoặc trước cung điện hoàng gia.

Thế nhưng, như một đại diện của người biểu tình cho tờ báo hay, thì sự thờ ơ của mọi người ngày càng lớn, bởi thế người biểu tình phải cách tân phương pháp.
 Và như hồi tháng 10/2012, người ta bị thu hút bởi cảnh người biểu tình đội trên đầu những tổ chim biểu thị cho ngôi nhà ấm cúng của mình đã bị trưng dụng, hay như việc người dân ngồi như những con vật trong những chiếc lồng…

Biểu tình vì…không còn cách nào khác

Đại diện một tổ chức phi chính phủ tại Cam Bốt nhận định, người Cam Bốt vốn không có thói quen xuống đường biểu tình, và đó cũng không phải là lựa chọn số một của họ.
 Hiện tượng biểu tình không dứt chỉ diễn ra trong thời gian gần đây, và đó là biểu hiện của sự thất vọng của người dân khi không còn phương cách nào khác ngoài việc xuống đường.

Một nhà chính trị học tại Cam Bốt nhận định, chính quyền không ngừng sử dụng biện pháp trấn áp, thế mà biểu tình vẫn không ngớt diễn ra.
 Điều đó cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề. Người này còn cho rằng, biểu tình đã có hiệu quả như góp phần buộc chính quyền phóng thích hơn chục người dân bị bắt giam do chống lại việc giao đất giao nhà cho nhà nước để bán lại cho một công ty bất động sản khai thác.
Người này tóm lược thực trạng biểu tình tại Cam Bốt như sau: Người biểu tình đã bất chấp chính quyền, và bày tỏ sự bất mãn hơn bao giờ hết, họ ngày càng thu hút được sự chú ý và sự ủng hộ của mọi người.

Tây Tạng: Buộc phải tự thiêu

Từ năm 2009 đến nay, tại Trung Quốc, đã có đến hơn 100 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính phủ Bắc Kinh. Tạp chí L’Express đăng bài nhìn nhận về sự việc này với dòng tựa khá mỉa mai: “Tây Tạng, ngay cả tự sát cũng bị trừng phạt”.

Sau khi thống kê số người Tây Tạng tự thiêu phản đối Bắc Kinh, tờ báo đã tập trung nhấn mạnh đến một tình cảnh khá khó khăn của người bản địa, đó là họ tuyệt nhiên không dám bàn luận về chủ đề nhạy cảm liên quan đến Tây Tạng, thậm chí không dám nhắc lại những lời mà những người tự thiêu đã hô lên đòi độc lập cho Tây Tạng trước khi chết, hay như chẳng dám treo hình của đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà chính phủ Bắc Kinh xem là kẻ thù.

Theo người dân địa phương, mật vụ của chính quyền Bắc Kinh có mặt khắp nơi, lối vào những khu vực nhạy cảm bị phong tỏa, lực lượng an ninh của chính phủ được tăng cường, do đó, không cẩn thận mồm miệng thì ắt sẽ vào tù.
 

Về phần Bắc Kinh, tờ báo cho biết, Bắc Kinh đổ hết trách nhiệm cho lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đang sống lưu vong trên lãnh thổ Ấn Độ.

Viện cớ chống các thế lực thù địch bên ngoài, Bắc Kinh đã không ngại tăng cường trấn áp.
Tờ báo chua chát : Thay vì tăng cường trấn áp thì nên tập trung xem tại sao lại thất bại trong việc thuyết phục cộng đồng thiểu số người Tây Tạng.

Về phần người đa số tộc Hán, L’Express cho biết, những người này hiện tập trung tấn công chính quyền trên các hồ sơ quan liêu và tham nhũng.
 Còn về hồ sơ Tây Tạng, thì từ thuở nhỏ, đa phần người Trung Quốc đã xem hồ sơ này là một vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, một nơi để thể hiện tinh thần yêu nước bằng cách đấu tranh chống các thế lực thù địch từ bên ngoài.
 

Tờ báo nhắc lại, mỗi lần có tự thiêu, thì chính phủ Bắc Kinh đều tìm cách viện dẫn một lý do nào đó không dính dáng gì đến việc người Tây Tạng đòi tự do độc lập.
Những lí do đại khái như say rượu, bị stress nặng, hay có rắc rối gia đình, hoặc dã là để tìm sự nổi tiếng…

Thế nhưng, theo những gì tờ báo ghi nhậnđược trên thực địa thì lại hoàn toàn khác. Một người dân địa phương cho l’Express biết là: “Vấn đề của chúng tôi là chúng tôi đã mất tự do bởi người Trung Quốc…Người ta tự thiêu bởi không còn cách hành động nào khác để bày tỏ sự thất vọng”. Một người khác chia sẽ: “Không có lối thoát nào cả ».

Singapore : Trung tâm tài chính của Châu Á

Singapore không chỉ nổi tiếng về việc kiểm soát chặt chẽ vệ sinh công cộng, mà còn đang thu hút sự chú ý của giới kinh doanh tài chính. Le Nouvel Observateur nhận định về tương lai của ngành tài chính Singapore với bài chạy tựa : «Singapore, Thụy Sĩ của Châu Á ».
Tờ báo so sánh Singapore với Thụy Sĩ vì cho rằng, đây là thiên đường mới của những tài sản kếch sù. Singapore hiện được xếp vào danh sách những nước giàu nhất thế giới. Đây cũng chính là nơi mà một trong những sáng lập viên của trang mạng Facebook đã chọn để định cư trước khi bỏ quốc tịch Mỹ.
 Tại Singapore, thuế thu nhập tối đa cũng chỉ có 20%.

Trước nhiều thuận lợi đó, Singapore bắt đầu thu hút giới tài chính, nhất là các ngân hàng Thụy Sĩ. Một nhà tài chính tại Thụy Sĩ thừa nhận : «Ai cũng muốn làm ngân hàng ở Singapore ».
Người quản lí tài sản của đại gia Liliane Bettencourt ở Pháp còn không ngại tiết lộ : «Pháp có thể yêu cầu Thụy Sĩ cho biết bạn có tài khoản ở Thụy Sĩ hay không.
Tôi đang mở một tài khoản ở Singapore, vì ở đó sẽ không thể yêu cầu gì cả ».

Tuy nhiên cái mà Singapore nhắm đến không phải là các nhà tài phiệt phương Tây, mà chính là thị trường tài chính đầy tiềm năng ở Châu Á.
Châu lục này hiện có trên 3 triệu người là triệu phú đô la, tức hơn cả khu vực Bắc Mỹ. Ước tính, trong giai đoạn 2011-2016, số người có tài sản trên 100 triệu đô la tại Châu Á sẽ tăng thêm 18%. Tờ báo cho biết, hiện tại, ngành tài chính đóng góp đến 11% tổng thu nhập của Singapore.

Cuba : Người kế thừa nhà Castro?

Hơn 50 năm qua, Cuba nằm dưới quyền lãnh đạo của anh em nhà Castro. Hiện tại, ông Raul Castro, người thay anh mình là ông Fidel Castro để trực tiếp điều hành đất nước từ mấy năm nay, hiện cũng đã 82 tuổi.
Ông có chuẩn bị người kế nhiệm chưa ? Le Courrier International dẫn lại tin tức từ báo chí Cuba cho biết là "đã có".

Số là hôm chủ nhật ngày 25 tháng rồi, ông Raul Castro đã được tái cử chức chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba.
Ngay sau đó, ông đã bổ nhiệm vào ghế phó chủ tịch một kỹ sư 52 tuổi, sinh sau thời cách mạng Cuba. Đó là ông Diaz-Canel, người được cho là đã được chọn lựa để kế tục quyền lực từ anh em nhà Castro.
 Trang mạng Café Fuerte tai Cuba nhận định rằng, ông Diaz-Canel là một người hòa nhã và cởi mở, « là gương mặt chính trị thích hợp nhất mà Cuba có thể đưa ra trên trường quốc tế ».

Cựu ngoại trưởng Mỹ thừa nhận sai lầm về chiến tranh Irak

Cách đây 10 năm, Mỹ đã tìm mọi cách để tấn công Irak với lí do là phá hủy kho vũ khí hóa học nguy hiểm mà chế độ Saddam Hussein sở hữu.
Thế nhưng, thực tế đã cho thấy, cáo buộc đó là không chính xác. Đó là lời thú nhận của ông Colin Powell, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, được Le Nouvel Observateur đăng tải với dòng tựa : «CIA đã lừa tôi ».
Cách đây 10 năm, chính ông Powell đã đại diện cho nước Mỹ đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc chế độ Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt.

Thế nhưng, như trong một cuốn sách ông vừa xuất bản, và như lời ông trao đổi với Le Nouvel Observateur, thì những cáo buộc của ông khi ấy là hoàn toàn dựa vào nguồn tin từ Cục tình báo trung ương Mỹ CIA, mà dần dần ông mới phát hiện là ngay cả CIA cũng không chắc chắn về những thông tin đó.

Ông chua chát :" 10 năm sau, người đứng đầu CIA khi ấy chưa từng thừa nhận sai lầm, chưa từng giải thích vì sao hạ cấp của ông lại có thể viết ra những bằng chứng cho rằng Saddam Hussein sở hữu nhiều trăm tấn vũ khí hóa học trong khi mà ông Saddam không hề có một gam nào về loại vũ khí này".

Chiến tranh Irak : mục tiêu dầu hỏa

Có cùng quan điểm nêu trên của Le Nouvel Observateur, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 3/2013 đăng bài : «Thất bại của một cuộc chiến vì dầu hỏa ».
Tờ báo cho biết, từ lâu, nhà cầm quyền Mỹluôn khẳng định tham chiến tại Irak không phải vì dầu hỏa. Thế nhưng, ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Tờ báo dành đến hai trang lớn đưa ra những tài liệu và bằng chứng cho lập luận của mình.
Cũng nhân sự kiện 10 năm chiến tranh Irak, Le Monde Diplomatique chạy tựa lớn trên trang nhất : «10 năm sau, Irak trở nên ra sao ? ».

Tờ báo dành bài tổng kết về cái được cái mất của việc phương Tây tham chiến tại Irak. Tờ báo nhận định : Sự tham chiến này là một thất bại, không chỉ đối với phương Tây mà còn đối với chính lợi ích của người Irak.

Cuộc chiến đã gây ra hàng trăm ngàn nạn nhân và đẩy đất nước này vào tình trạng bất ổn triền miên. Hiện tại, 10 năm đã trôi qua, đất nước Irak bất ổn vẫn hoàn bất ổn, với một tình trạng tam phân ngũ lập cả về chính trị lẫn tôn giáo.
Tình cảnh Irak được một nhà văn tóm lược như sau : « Chúng ta đang ở trong một chuỗi sự kiện tiếp nối nhau mà không hề thấy điểm kết thúc ».

Mali : Pháp không chỉ có khó khăn về an ninh

Cũng liên quan đến một vụ can thiệp quân sự ở nước ngoài khác đang diễn ra, đó là việc Pháp can thiệp tại Mali, Le Nouvel Observateur dành nhiều bài viết về chủ đề này.
 Trong bài viết chạy tựa :« Pháp, kẻ thù số 1 », tờ báo cho biết, từ khi Pháp can thiệp quân sự vào Mali, các lợi ích về vật chất và sự an toàn của người Pháp trong toàn khu vực bắt đầu trở thành mục tiêu tấn công ưu tiên của phe Hồi Giáo cực đoan.

Trong một bài viết khác với dòng tựa : «Mali : cuộc chiến khác của Pháp », tờ báo cho hay, tham chiến vào Mali, hiện Pháp không chỉ đối mặt với những thách thức về quân sự hay an ninh, mà còn có cả những mặt trận khác cũng không kém phần khó khăn.
 Đó là việc làm sao tránh để xảy ra ở đất nước Châu Phi này một thảm họa lương thực, làm sao thiết lập lại hệ thống điện hay phải hổ trợ làm sao cho việc kiến thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá.

Tunisia: Bất ổn chính trị, khó khăn kinh tế

Courrier International dẫn lại bài của trang mạng Tunisia Live tại Tunis với cảnh báo vềtình trang kinh tế khó khăn của Tunisia. Tờ báo cho biết, đất nước khơi mào cho Mùa xuân Ả Rập này còn đang hứng chịu hậu quả tiêu cực của làn sóng khủng hoảng chính trị vừa qua. Trên bình diện kinh tế, đầu tư ở nước này đang đình trệ,khách du lịch thì không dám đến tham quan, nợ công ngày càng lớn dần theo thời gian…
Nguyệt san Le Monde Diplomatique cũng dành chú ý đặc biệt cho tình hình bất ổn tại Tunisia với bài xã luận đăng trên trang nhất : « Phe Hồi Giáo cực đoan bị dồn vào chân tường ».

Tờ báo đề cập đến tình hình chính trị quá bất ổn của nước này. Vụ ám sát một nhà đấu tranh cánh tả của Tunisia hồi đầu tháng rồi đã làm dấy lên một làn sóng phẩn nộ chống lại đảng Hồi Giáo cực đoan cầm quyền Ennahda và dẫn đến việc thay đổi thủ tướng. Theo tờ báo, chính phủmới sẽ phải tập trung vào việc tái lập trật tự công cộng và giảm tình trạng thất nghiệp.

Ý : Bế tắc chính trị làm dâng cao làn sóng dân túy

Nhìn sang Châu Âu, các tạp chí tuần này quan tâm nhiều đến tình hình bế tắc chính trị tại Ý. Ý là một nền kinh tế lớn không chỉ tại Châu Âu mà còn trên thế giới.
Thế nhưng, hiện tại nước này đang lâm vào bế tắc chính trị và khủng hoảng nợ công.
Hai tờ tuần báo Courrier International và Le Nouvel Observateur đều nhận định rằng, tình hình khủng hoảng kinh tế tại Ý khiến cho các đảng phái thi nhau hứa hẹn với người dân để tranh thủ phiếu ủng hộ, vì vậy làn sóng dân túy đã dâng cao.

 Thế nhưng, tình hình hiện tại ở Ý đòi hỏi thêm nhiều thứ thực tế khác, chứ chỉ việc hứa hẹn theo kiểu dân túy thì không giải quyết được vấn đề.

Trang nhất các tạp chí

Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 3 dành tranh nhất cho chủ đề Irak 10 năm sau chiến tranh và bất ổn chính trị tại Tunisia.
 Bên cạnh đó, tờ báo cũng dành trang nhất chạy dòng tựa khá chú ý : «Pháp phải rời NATO ».

Tờ báo đăng ý kiến của một học giả người Pháp phản bác lại lập luận thân NATO của ông Hubert Védrine-người được tổng thống Hollande ủy nhiệm tổng kết quá trình Pháp tái tham gia vào bộ máy lãnh đạo của NATO trong mấy năm qua.

Tuần báo Courrier International dành trang nhất chạy tựa «Chiến tranh mạng đã được tung ra » với một hồ sơ điểm lại tình hình các cường quốc bắt đầu tấn công nhau trên không gian ảo, tức dùng vũkhí tin học để đánh nhau.
Qua đó, tờ báo cũng bao quát việc các nước có biện phápđối phó thế nào với tin tặc đến từ ngoại quốc.

Tạp chí L’Express thì dành trang nhất chạy tựa : « Tapie-Sarkozy, những mối liên hệ nguy hiểm ». Tờ báo dành nhiều bài bàn về tình hình chính trị nội bộ của nước Pháp trong đó đặc biệt chú ý đến khả năng cựu tổng thống Sarkozy sẽ trở lại chính trường.

Còn tuần san Le Nouvel Observateur thì đăng ảnh một đĩa thức ăn trên trang nhất với dòng tựa : « Sự thật về cái mà bạn sẽ ăn ».

Tờ báo dành một hồ sơ bàn về an toàn thực phẩm, trongđó đặc biệt là 10 lời khuyên để chọn được thực phẩm chất lượng nhất.

Switch mode views: