Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc

ONUgardiens depaix

 



Một đơn vị gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc
Ảnh UNITED NATIONS


 

Trích dẫn báo chí Việt Nam, hãng tin Mỹ AP ngày 25/02/2013 cho biết : Bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam sẽ cử lực lượng tham gia các hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đã từ bỏ thái độ dè dặt cố hữu để thể hiện ý muốn đảm trách một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

Chính Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã xác nhận quyết định trên tại Hà Nội vào hôm qua, nhân dịp tiếp ông Edmond Mulet, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các chiến dịch gìn giữ hòa bình.

Theo tướng Nguyễn Chí Vịnh, các đơn vị Việt Nam sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ kể từ đầu năm tới. Báo chí Việt Nam tuy nhiên không cho biết là Việt Nam sẽ cử bao nhiêu người tham gia các đơn vị lính Mũ xanh của Liên Hiệp Quốc.

Theo hãng AP, do phải đối phó với nhu cầu ngày càng tăng, Liên Hiệp Quốc đã phải công khai kêu gọi các nước thành viên gửi thêm quân đội và cảnh sát để giúp thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới.
Hiện nay, có hơn 100 quốc gia tham gia vào lực lượng hòa bình Liên Hiệp Quốc, nhưng đa số chỉ đóng góp một cách tượng trưng, với số quân không đầy 40 người.

Lý do thúc đẩy các nước đóng góp binh sĩ cho Liên Hiệp Quốc rất đa dạng, trong đó có vấn đề nâng cao uy tín quốc gia, gia tăng ảnh hưởng của mình trong diễn tiến của một số nhiệm vụ cụ thể, và tạo thêm thuận lợi trong việc tranh giành một số ghế được bầu tại Liên Hiệp Quốc.

Hiện tại có 15 phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đang hoạt động trên thế giới, với Bangladesh là nước đóng góp lớn nhất - hơn 8.000 quân - theo sau là Pakistan và Ấn Độ.
Nước láng giềng của Việt Nam là Cam Bốt cũng đang có 200 lính Mũ Xanh tại Liban.

Nếu lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc chủ yếu đến từ các nước đang phát triển, thì Hoa Kỳ và hầu hết các nước châu Âu, cho dù là nguồn tài trợ chính cho các chiến dịch hòa bình, lại không mặn mà với lực lượng Liên Hiệp Quốc, mà ưu tiên tham gia vào các chiến dịch của NATO, Liên Hiệp Châu Âu hoặc các nhiệm vụ khác do phương Tây chủ xướng.

Trong vùng Đông Nam Á, hiện chỉ có Lào, Miến Điện và Việt Nam là chưa tham gia lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu năm 2012 của Viện Hòa bình Quốc tế đã xếp Việt Nam vào diện 33 quốc gia có tiềm năng góp quân đáng kể cho lực lượng Liên Hiệp Quốc một khi quyết định tham gia.

Switch mode views: