Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Máy bay điện mặt trời: Bí quyết thành công

solar impulse2

Ảnh : Flirks



 Tháng 7/2016 vừa qua (*), thế giới chứng kiến một kỷ lục khác thường, do hai người Thụy Sĩ thực hiện, với hành trình bay hơn 40.000 km vòng quanh thế giới, lần đầu tiên với máy bay hoàn toàn bằng điện mặt trời.

 Cùng với vô số khó khăn về công nghệ, những thách thức về sinh lý và tâm lý đối với hai nhà du hành là hết sức lớn trong cuộc phiêu lưu được đánh giá là mang tính « cách mạng », mở ra triển vọng góp phần cứu thế giới khỏi đà hâm nóng nhanh chóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 Vì sao các nhà thám hiểm đã thành công chuyến đi vô cùng khắc nghiệt này ?

Trong số 17 chặng hành trình của Solar Impulse 2, có một số chặng kéo dài nhiều ngày đêm, dài nhất là 5 ngày, 5 đêm.
Các phi công phải sống trong phòng lái chật hẹp, chỉ trong hai tư thế, hoặc nằm, hoặc ngồi.
Hàng ngày họ phải đương đầu với áp suất khí quyển loãng ở độ cao hơn 8.000 mét, tương tự như trên đỉnh Himalaya, bởi phòng lái không được điều hòa về áp suất.

Nhiệt độ trong một ngày đêm chênh lệnh hơn 55°C. Ban ngày, có thể nóng đến 40°C, còn ban đêm có thể tụt xuống -40°C… trong khi giấc ngủ được phép không quá 20 phút mỗi lần.

Nhân dịp cuốn phim tài liệu « Solar Impulse, l’impossible tour du monde/Solar Impluse, chuyến đi vòng quanh Trái đất không thể tin nổi » ra mắt trên truyền hình Pháp ngày 30/11/2016 (kênh France 5), chương trình Autour de la question của RFI  hồi tuần trước có cuộc trò chuyện với doanh nhân Andre Borschberg và nhà tâm thần học Bertrand Piccard - hai phi công và đồng chủ trì dự án Solar Impulse.

Khát vọng vì nhân loại - mơ ước tuổi thơ

Trước hết, nhà du hành Bertrand Piccard cho biết ấn tượng mạnh nhất của ông trong chuyến phiêu lưu :
 « Kỷ niệm đầu tiên là cuộc điện đàm trực tiếp với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, vào lúc tôi đang trong chuyến bay thử nghiệm trên Thái Bình Dương, phía trên quần đảo Hawaii.

Đúng vào lúc Thỏa thuận Paris về Khí hậu được ký kết (ngày 22/04/2016 : 174 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu ký Thỏa thuận, tại New York).

Vào lúc đó, tôi đã tự nhủ : Solar Impulse đã đạt được mục tiêu. Đó là trở thành một công cụ đáng tin cậy, để cổ vũ cho các năng lượng tái tạo và công nghệ sạch ».

Về phần mình, André Borschberg hồi tưởng : « Kỷ niệm đẹp nhất của tôi là khi tôi được nghe Bertrand nói đến ý tưởng bay vòng quanh thế giới, bằng năng lượng tái tạo, hoàn toàn không sử dụng năng lượng hóa thạch.
Kể từ giờ phút ấy đến nay, đã gần 14 năm trôi qua.

 deux pilotes

Bertrand Piccard (phải) và André Borschberg
Ảnh : Solar Impulse

Đối với tôi, thời khắc đó mở ra một thế giới mới, một cuộc thám hiểm mà tôi từng mơ ước ngay khi còn là một cậu bé.

Tôi đã là một doanh nhân, từng xây dựng nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án, nhưng chưa bao giờ tôi được làm việc với một thế giới mà tôi say mê.
Lần đầu tiên được nghe Bertrand nói, như một đứa trẻ, tôi cảm thấy mình bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ, kỳ diệu.

Một kỷ niệm đẹp thứ hai của tôi là những lần được bước vào buồng lái. Tôi là người thật rất may mắn được trải qua chuyến bay 5 ngày, 5 đêm này. Đó là những thời khắc thật tuyệt vời. Thậm chí còn tuyệt vời hơn cả khi biết mình tới đích ».

Nhà du hành André Borschberg cho biết thêm một ấn tượng mạnh khác của ông :
 « Hãy tưởng tượng, bạn bay trên đại dương mênh mông.
Hãy nhìn lên mặt trời, bạn thấy tia nắng mặt trời chạm vào cánh máy bay.
Bạn chợt hiểu ra rằng, ánh sáng mặt trời làm rám làn da bạn cũng chính là năng lượng đủ làm cho máy bay của bạn có thể bay không những ban ngày, mà cả ban đêm.

Khi trực tiếp chứng kiến điều đó, trong người bạn lớn dần lên niềm tin vào các công nghệ mà chúng ta có thể sử dụng.
Chúng ta có một chiếc máy bay, bay cùng với Thiên nhiên, gây rất ít tiếng ồn. Điều ấy mang lại cho bạn một cảm giác tự do kỳ diệu ».

Dự án chế tạo máy bay điện mặt trời để đi vòng quanh thế giới đã được hai nhà thám hiểm chuẩn bị liên tục từ gần 14 năm qua, trong thời gian đó nhiều cuộc bay thử nghiệm đã được tiến hành.

Với trải nghiệm, niềm tin vào sức mạnh kỳ diệu của công nghệ - cho phép con người biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng cho động cơ - ngày càng mạnh mẽ hơn, trở thành động lực tinh thần trong những giờ phút thử thách.

Tinh thần của nhà thám hiểm : Sức hút các công nghệ mới

Hai nhà thám hiểm Thụy Sĩ đều ở vào tuổi trên dưới 60 khi bước vào cuộc phiêu lưu lịch sử. Bertrand Piccard từng du hành vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu, còn André Borschberg từng là phi công chiến đấu dự bị, với 23 năm kinh nghiệm.

Đối với Bertrand Piccard, để thành công trong cuộc phiêu lưu chưa từng có này, tinh thần là điều quyết định.
Về phần mình, André Borschberg tâm sự :
« Giống như Bertrand - bạn tôi – nhận xét, điều quan trọng là tinh thần. Về máy bay, vấn đề không phải là công nghệ.

Các công nghệ đã có sẵn, không cần phải có những phát hiện đặc biệt gì để có thể chế tạo được chiếc máy bay này. Vấn đề là tìm ra các công nghệ và phối hợp những gì đã có.

Đối với chuyến bay kéo dài 5 ngày, 5 đêm cũng vậy. Vấn đề chính là tinh thần.
Nếu bạn cảm thấy 5 ngày là dài, thì đúng là dài, nếu bạn cảm thấy nó là ngắn, thì bạn sẽ nhìn nhận chuyến bay hoàn toàn khác…

Đối với tôi, trải nghiệm chuyến bay 5 ngày, 5 đêm này thật là tuyệt vời.
Tôi đã nói chuyện nhiều với Bertrand về các chuyến bay của anh ấy, chuyến bay bằng khinh khí cầu vòng quanh thế giới của anh ấy (Bernard Piccard là một trong hai người lập kỷ lục du hành khinh khí cầu vòng quanh thế giới liên tục không nghỉ, vào năm 1999, với tổng thời gian gần 20 ngày đêm).
Trải nghiệm của anh ấy là nguồn cảm hứng của tôi. 5 ngày, 5 đêm ấy là quá ngắn đối với tôi ».

Sau khi Solar Impulse 2 chạm đích ngày 26/07/2016, tại Abu Dhabi, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, đưa ra nhận xét :
« Đây là một ngày lịch sử đối với lái trưởng Piccard và nhóm Solar Impulse, nhưng đây cũng là một ngày lịch sử đối với nhân loại. Các vị có thể kết thúc chuyến du hành xung quanh thế giới của mình vào hôm nay, nhưng cuộc phiêu lưu vì một thế giới phát triển bền vững chỉ vừa mới bắt đầu.
Nhóm Solar Impulse đang là người dẫn đường cho nhân loại đi đến tương lai này ».

Chính nhà du hành André Borschberg đã tâm sự : chuyến bay kết thúc, nhưng dự án của Solar Impulse vẫn tiếp tục, đặc biệt với sự ra đời của Liên minh Quốc tế vì các Công nghệ Sạch (International Committee of Clean Technologies), mà nhóm tuyên bố thành lập đúng vào thời điểm cuộc bay hoàn tất. Solar Impulse đã nhận lãnh sứ mạng lịch sử trước nhân loại trong cuộc chiến vì phát triển bền vững - chống biến đổi Khí hậu, ngược lại nhiều tập đoàn công nghệ đã đặt lòng tin vào Solar Impulse.

Nhờ uy tín của hai nhà thám hiểm và doanh nhân tiên phong, Solar Impulse đã nhận được rất nhiều công nghệ tiên tiến từ hàng loạt các công ty hàng đầu thế giới như ABB (Thụy Sĩ), Solvay (Bỉ), Altran (Pháp) hay Bayer (Đức)…, đặc biệt trong hai lĩnh vực vật liệu nhẹ và phương tiện dự trữ năng lượng.

Các đóng góp kỹ thuật đó ắt hẳn đã là điều kiện cho sự ra đời của một chiếc Solar Impulse 2 nhẹ và hiệu quả về năng lượng.

Cởi bỏ định kiến, sẵn sàng đón nhận

Trở lại cuộc trò chuyện giữa hai nhà du hành với RFI. Về những thách thức đối với các dự án phiêu lưu, cách tân như Solar Impulse, Bertrand Piccard rất muốn nhấn mạnh với công chúng về ý nghĩa của việc cởi bỏ định kiến -  dám làm khác với những gì được coi là xác tín, để sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác biệt và trái ngược -, mà ông coi là ngọn nguồn bên trong của sáng tạo và thành công :

«  Điều đó tôi gọi là "thay đổi độ cao" (**), cụ thể là giống như khi ta du hành bằng khinh khí cầu. Khi thay đổi độ cao, bạn có thể sử dụng được những dòng không lưu khác, những luồng gió khác, những lực đẩy có thể đưa bạn đến với những chân trời khác. Để thay đổi độ cao, cần bỏ dây cột, vứt các bao cát.

Trong cuộc đời cũng vậy, cần phải thay đổi độ cao, trong những dòng chảy cuộc đời, trong những cách suy nghĩ.
Có nghĩa là cần cởi bỏ những ràng buộc, những xác tín, những thói quen, những đức tin (conviction), để có thể có được nhiều khả năng chọn lựa hơn.

Hãy cởi bỏ những ràng buộc, khiến chúng ta bị cầm tù, thường là trong những định hướng tồi…. Có hàng nghìn cách nghĩ khác. Tự do chính là chọn lựa trong số hàng ngàn cách nghĩ khác với cách nghĩ của riêng ta, có thể đưa ta đến những hướng tốt hơn.

Nếu chúng ta muốn tiến lên, trong một thế giới ngày càng bất trắc, đầy thách thức như hiện nay, cần phải hiểu rằng chúng ta đang trong một cuộc phiêu lưu.
Ta phải là người khám phá chính cuộc sống của mình, là người tiên phong cho các giải pháp mới.

Mỗi lần ta bị trói buộc trong một lối suy nghĩ có sẵn, và đối lập với người khác, cần phải hiểu rằng có thể ta sai lầm, còn người khác có thể đúng.
Tôi và André Borschberg, chúng tôi rất khác nhau. Nếu chúng tôi đã thành công trong dự án này, chính bởi vì anh ấy đã nghi ngờ tôi, và ngược lại.

Cần phải tìm ra một giải pháp khác, có nghĩa là 1+1 = 3. Không phải một người trong số hai chúng tôi đã tạo ra dự án này mà chính là cái thứ 3, sự phối hợp giữa hai người chúng tôi, giúp chúng tôi tìm ra các giải pháp, mà chỉ riêng mình mỗi người không thể tìm ra ».

Ám thị, nguồn sức mạnh nội tâm

Trở lại với thực tại khắc nghiệt của chuyến bay, khi các trang bị bảo hộ không bảo đảm cho các phi công có được một nhiệt độ tương đối dễ chịu, trong lúc một loạt các bất thường về kỹ thuật đe dọa an toàn của chuyến bay có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các phi công Solar Impulse phải chuẩn bị tâm lý, huy động nguồn lực bên trong để sẵn sàng đối mặt với các thách thức.

André Borschberg chia sẻ :
« … Một điều chúng ta cần hiểu là : trên con đường hướng về cái chưa biết, chúng ta cố gắng lập kế hoạch, dự đoán trước, nhưng cuối cùng thì tất cả đều phát triển theo những hướng rất khác với những gì chúng ta dự kiến.

Đây là điều chúng tôi đã trải qua trong chuyến đi này, nhất là về phương diện cảm xúc. Cần phát triển cái tâm thế sẵn sàng đối mặt với những điều bất ngờ.
Cách thức tốt nhất mà tôi muốn trình bày là : cần có đủ năng lượng trong bản thân, để có thể không chỉ chấp nhận những thay đổi, mà còn đón chào nó, không để bị nó cản trở.

Tôi đã phát triển được một tâm thế như vậy, với yoga, với thiền định… Các rèn luyện đó giúp tôi nâng được năng lượng bên trong.
Tôi nhận ra điểm yếu của mình là thay đổi khiến tôi bị tác động, và tôi hiểu rằng năng lượng của tôi không tốt, tôi cần phải tìm cách xây dựng lại mình ».

Khép lại tạp chí về chủ đề “Máy bay điện mặt trời bay quanh Trái đất: Bí quyết thành công”, chúng tôi xin dẫn một giải thích của Bertrand Piccard về phương pháp ám thị, đã được chính ông sử dụng để hỗ trợ người bạn trong chuyến bay, như một trong những bí quyết làm nên thành công của cuộc du hành “không thể tin nổi này”.

Theo Bertrand Piccard, ám thị chính là làm ngược lại với những gì ta thường làm hàng ngày.
Thay vì hướng chú ý ra bên ngoài, thì tập trung vào bên trong, ý thức về những gì diễn ra bên trong, ý thức là ta đang sống.
 Ám thị cho phép ta cảm thấy an toàn, ngay cả khi mọi thứ xung quanh sụp đổ, và điều này không chỉ có ích cho các phi công.
Ám thị chính là tách khỏi ngoại cảnh để trở về với nội tâm, với cảm giác mình đang sống.

  Trong đời sống của mỗi cá nhân, những thời điểm khó khăn của cuộc đời, như mất người thân, khủng hoảng gia đình, khủng hoảng tài chính, mất việc làm…. cũng giống như những "luồng gió ngược" (đối với người lái khinh khí cầu), ta không thể chối bỏ.

Giải pháp duy nhất nên làm là “thay đổi độ cao”, để tìm kiếm một hướng khác.
Cuộc tìm kiếm bên trong ấy cho phép bạn xả bỏ được những quan niệm, vốn trói buộc bạn trong một cách nhìn duy nhất.

Xả bỏ, đột nhiên bạn nhận ra nhiều cách nhìn khác. Bạn không còn bị phụ thuộc vào ngoại cảnh, mà trở thành một chủ thể có khả năng lựa chọn, có khả năng tìm thấy được các nguồn lực mới, cho một hướng đi mới. Điều đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thế giới đang bế tắc như hiện nay.
Đây cũng là mong ước mà nhà du hành André Borschberg gửi đến thính độc giả của RFI.


----
(*) Solar Impulse 2 khởi sự chuyến bay vòng quanh thế giới từ tháng 3/2015, nhưng trục trặc kỹ thuật và điều kiện thời tiết buộc máy bay phải ngừng hoạt động nhiều lần, đặc biệt lâu nhất là 8 tháng nằm tại Hawaii, do hỏng ắc quy.

(**) Bertrand Piccard là tác giả cuốn « Changer d’altitude/Thay đổi độ cao », Stock, 2014.

Switch mode views: