Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

« Krokodil », ma túy nguy hiểm nhất thế giới

Krokodil -matuy

Ma túy Krokodil hoành hành tại Nga - Ảnh chụp màn hình phóng sự của đài truyền hình Pháp France 24 tháng 03/2012

 

 Các chủ đề trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 26/11/2016: « Krokodil » - ma túy cá sấu : Loại ma túy nguy hiểm nhất thế giới.
Pháp : Cứ 7 phụ nữ thì có 1 người bị tấn công tình dục ít nhất 1 lần trong đời.
Ấn Độ : Vụ lật tầu khiến nhiều người chết nhất 10 năm qua.
Rắc rối từ tháp Trump, một biểu tượng quyền lực mới ở Manhattan, New York.

« Krokodil » - ma túy cá sấu : Loại ma túy nguy hiểm nhất thế giới

Loại ma túy nguy hiểm nhất thế giới được gọi là ma túy cá sấu – Krokodil. Tên gọi này là do vùng da quanh chỗ chích thuốc sau đó sẽ đóng vảy như da cá sấu.
Krokodil còn được gọi là « ma túy cho người nghèo » vì giá thành rẻ hơn héroine rất nhiều.

Con nghiện Krokodil đầu tiên được phát hiện tại Siberia vào năm 2002. Rất nhiều người đã chết ngay sau lần đầu tiên tiêm chích Krokodil.
Kể từ khi được phát hiện tại Siberia, ma túy cá sấu đã lan sang nhiều nước trên thế giới.

Ma túy cá sấu thực chất có thành phần chính là désamorphine, một loại dẫn xuất của morphine. Désamorphine được tổng hợp tại Mỹ vào năm 1932 và là một loại thuốc giảm đau cực mạnh.
Tuy nhiên, người ta đã nhanh chóng từ bỏ désamorphine vì nó có khả năng gây nghiện quá cao.

Thế nhưng, loại chất gây nghiện này xuất hiện vào năm 2002 tại Siberia và vùng cực đông của Nga. Chỉ trong vòng ba năm, nó đã lan rộng sang khắp lãnh thổ Nga.
Theo một báo cáo năm 2009 của nhà chức trách Nga, Krokodil ngày càng được nhiều con nghiện ma túy dùng thay cho héroine vì giá rẻ và dễ pha chế.

Theo tờ báo Nga Pravda, trong ba tháng đầu năm 2011, nhà chức trách Nga đã thu giữ được 65 triệu liều Krokodil.
Ông Viktor Ivanov, lãnh đạo cơ quan liên Bang Nga về kiểm soát ma túy đã báo động cho tổng thống Nga khi đó là Dimitri Medvedev về mức độ gây chết người khủng khiếp của loại ma túy tổng hợp này.

Tổng thống Nga sau đó đã ra một loạt các biện pháp như bắt buộc học sinh phải làm xét nghiệm ma túy cá sấu, xây dựng mạng lưới bệnh viện tư điều trị chứng nghiện Krokodil.

Tổng thống Dimitri Medvedev cũng tìm cách hạn chế thị trường chất codéine, thành phần chính của Krokodil. Nhưng các tập đoàn dược phẩm kinh doanh chất codéine không muốn vì họ đang « hái ra tiền » với chất codéine.
Codéine là chất gây nghiện cùng họ với morphine, thường có trong các loại thuốc ho và giảm đau như Dafalgan Codéine, Paracétamol Codéine …

Năm 2016, nhà chức trách Nga đưa ra con số 100.000 người nghiện Krokodil nhưng các hiệp hội cho rằng có 1 triệu người nghiện ma túy cá sấu và tỉ lệ tử vong khi sử dụng Krokodil là rất cao.

Năm 2011, ma túy cá sấu bị phát hiện trong cộng đồng người Nga tại khu vực biên giới miền Đông nước Đức.
Vài tháng sau đó, người ta thấy con nghiện Krokodil ở miền Tây nước Đức.
 Trong những năm sau đó, nhiều trường hợp nghiện ma túy cá sấu được tìm thấy ở Thụy Điển, Hà Lan và Bỉ, gần đây nhất là tại Anh Quốc.

Nước Pháp có vẻ như may mắn chưa bị loại ma túy cá sấu nguy hiểm này tấn công. Thế nhưng, nhiều hiệp hội đã tích cực tiến hành các chiến dịch ngăn ngừa, phòng chống Krokodil.
Còn Mêhicô đang lo lắng. Báo chí nước này cho biết ma túy tổng hợp ngày càng được sử dụng nhiều thay cho các loại ma túy truyền thống như marijuana, cocaine và héroine.

Nhà chức trách Mêhicô cũng đã thu giữ được nhiều liều Krokodil tại biên giới nước này.
Tại bang Jalisco, một cô gái trẻ 17 tuổi tới từ Puerto Vallarta đã đến Viện phòng ngừa các bệnh xã hội để điều trị các vết thương do ma túy cá sấu gây ra.

Một nhân viên của Viện di dân Mêhicô cho báo chí biết : « Chúng tôi chưa bao giờ gặp một trường hợp như vậy tại trung tâm phòng ngừa các bệnh xã hội. Chỉ hai tháng sau khi dùng ma túy cá sấu, cô gái trẻ đã bị nhiễm khuẩn, nhiều phần thịt trên cơ thể đã bị thối rữa.
Cô gái trẻ 17 tuổi cho biết Krokodil được bán như cocaine trong mọi ngõ ngách trên các đường phố. »

Krokodil được pha chế từ các chất rất dễ mua như codéine, i-ốt, xăng, sơn và phốt pho đỏ (phần đầu đỏ của que diêm).
Việc pha chế chỉ mất 45 phút và hợp chất sau đó được chích thẳng vào mạch máu.
Những người may mắn thoát chết sau lần đầu tiên chích Krokodil sẽ « phê thuốc » trong vòng chưa tới 2 giờ. Điều này buộc con nghiện phải chích thuốc nhiều lần mỗi ngày.
Thiếu thuốc sẽ khiến con nghiện vô cùng đau đớn.

Các chất có trong Krokodil với rất nhiều cặn bẩn sẽ tàn phá khủng khiếp cơ thể con người. Vì cơ thể không thể tự đào thải các chất cặn bẩn này trong máu, phần quanh vết tiêm chích sẽ bị hủy hoại bởi axit và các chất độc hại trong Krokodil.

Da sẽ có màu xanh và xếp vảy như da cá sấu. Sau đó, nó sẽ bị hoại tử, phần thịt và cơ bị thối rữa, chỉ còn trơ lại xương, các cơ quan trong cơ thể bị tấn công.
Theo các bác sĩ, người nghiện Krokodil ít khi sống được thêm quá 3 năm, phần lớn chết chỉ sau 1 năm kể từ khi bắt đầu tiêm chích. 

Pháp : một phần bảy phụ nữ bị tấn công tình dục ít nhất  một lần trong đời

Theo cuộc điều tra của viện nghiên cứu quốc gia về dân số của Pháp công bố ngày 23/11/2016, 14,5% phụ nữ và 3,9% nam giới được hỏi cho biết đã từng là nạn nhân bạo lực tình dục ít nhất 1 lần trong đời.

Cuộc điều tra có tên gọi Bạo Lực Và Quan Hệ Giới được tiến hành trên 27.268 người trong độ tuổi 20-69 tuổi. 62.000 phụ nữ và 2.700 nam giới cho biết họ là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp, các mưu toan cưỡng hiếp hoặc cả hai trong vòng 12 tháng qua.

Cuộc điều tra cũng cho thấy phụ nữ là nạn nhân bạo lực tình dục nhiều hơn nam giới và họ cũng phải chịu mức độ bạo hành cao hơn nam giới.
Về độ tuổi của nạn nhân, trong 85% trường hợp, sự việc xảy ra khi nạn nhân chưa tới 15 tuổi.

Cách mà những kẻ xấu dùng để lạm dụng tình dục trẻ nhỏ không phải là dùng sức mà là lợi dùng lòng tin, lợi dụng lỗi lầm của các em nhỏ hay lợi dụng quyền làm cha mẹ.
Cuộc điều tra sẽ cho phép nhà chức trách xây dựng chính sách phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân của nạn bạo lực tình dục ở Pháp.

Ấn Độ : vụ lật tầu khiến nhiều người chết nhất 10 năm qua

Vụ lật tàu cao tốc Indore-Patna xảy ra vào rạng sáng ngày chủ nhật 20/11/2016, tại bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ đã làm tổng cộng 146 người chết và hơn 180 người bị thương.
Tai nạn tàu hỏa không phải là hiếm ở Ấn Độ, vì nước này gặp nhiều khó khăn trong việc bảo dưỡng hệ thống đường sắt rộng khắp trên cả nước.

Từ New Delhi, thông tín viên RFI Antoine Guinard giải thích :

« Đây là vụ tai nạn tàu hỏa khiến nhiều người chết nhất trong vòng 10 năm qua ở Ấn Độ. Nguyên nhân vụ tàu lật bánh vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng theo báo chí Ấn Độ, một vết đứt gãy trên tuyến đường ray có thể là nguyên nhân gây ra thảm họa.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cảm thấy tổn thất rất nặng nề và đã hứa hỗ trợ cho mỗi người bị thương và gia đình những người thiệt mạng khoản tiền 700-2800 euro.

Các tai nạn chết người xảy ra thường xuyên trên tuyến đường sắt của Ấn Độ, hệ thống đường sắt dài thứ 3 trên thế giới.
 Theo các số liệu chính thức, chỉ tính riêng năm 2014, tại Ấn Độ đã có ít nhất 27.000 người chết do tai nạn đường sắt.

Theo ước tính, khoảng 22 triệu người đi tàu hỏa mỗi ngày. Các tuyến đường sắt của Ấn Độ có từ thời nước này là thuộc địa của Anh Quốc, nay đã cũ kỹ, xuống cấp.
 Đây là nguyên nhân thường xuyên của các vụ lật tàu hoặc va chạm tàu.

Thực trạng đáng lo ngại này vẫn tiếp diễn dưới thời thủ tướng Narenda Modi.
Chính phủ Ấn Độ năm ngoái đã thông báo đầu tư 130 tỉ euro trong vòng 5 năm để nâng cấp hệ thống đường sắt.»

Cho dù an toàn đường sắt không được đảm bảo ở Ấn Độ, nhưng tàu hỏa vẫn là phương tiện giao thông chính kết nối các thành phố xa xôi tại đất nước rộng lớn này.

Rắc rối từ tháp Trump, một biểu tượng quyền lực mới ở Manhattan, New York

Tháp Trump, thuộc sở hữu của tổng thống tân cử Donald Trump, nằm ngay tại trung tâm Manhattan, New York.

Từ khi Donald Trump đắc cử, tháp Trump đã thành điểm hấp dẫn với rất nhiều du khách. Còn giới báo chí thì thường xuyên túc trực để theo dõi việc lui tới của các nhân vật chính trị quan trọng trong nhóm chuyển giao quyền lực.

Nhiều vụ kẹt xe kéo dài đã xảy ra trong khu phố, nhiều cửa hiệu cũng kêu ca, than phiền vì việc buôn bán bị ảnh hưởng.
 Từ nay cho tới cuối tháng 01/2017, tháp Trump vẫn là một trung tâm quyền lực mới của nước Mỹ, tạo nên một thách thức cho cảnh sát New York trong vấn đề đảm bảo an ninh.

Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích :

Tòa tháp Trump nằm trên đại lộ thứ năm và cũng là tuyến phố thương mại đắt đỏ nhất thế giới, giờ đây được bảo vệ bởi những tấm bê tông lớn, giống như đang ở Bagdad và Kabul.
Nhưng với nhiều người, điều này chẳng thích thú gì. Một người tên là Zoé, làm việc ngay gần tòa tháp giải thích : « Giao thông đi lại ở đây thật kinh khủng. Cả bầu không khí và việc đi lại đều rối tung cả lên. »

Vì công tác kiểm soát an ninh chặt chẽ, các cửa hiệu bán hàng cao cấp, chẳng hạn như cửa hiệu đồ trang sức Tiffany hay cửa hiệu quần áo Gucci nằm trong tòa tháp Trump mất nhiều khách tới mức nhiều người đã nghĩ tới cuộc suy thoái nhẹ mang tên Trump.
 Điều này thật đáng mỉa mai cho người đã hứa hẹn đưa nước Mỹ phồn vinh trở lại.

Giao thông trong cả khu trung tâm Manhattan bị tắc nghẽn và việc chuyển hàng ngày càng khó khăn.
Một nhân viên giao hàng cho biết trước đây anh chỉ mất có 3h-3h30 để chuyển hàng, giờ đây anh phải mất gấp đôi thời gian.

Trong buổi họp báo diễn ra ngày 18/11, thị trưởng New York tỏ ra không còn kiên nhẫn. Ông giải thích : « Điều này chưa từng xảy ra. Chưa bao giờ có vị tổng thống Mỹ nào lại ở New York thường xuyên đến như vậy. »

Giờ đây nhà chức trách New York đang mong đợi đến ngày 20/01/2017 để Donald Trump chuyển tới Nhà Trắng ở Washington và hy vọng tháp Trump sẽ không biến thành nơi quyền lực mới ở trung tâm Manhattan thêm một lần nữa.

Switch mode views: