Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-04-2016

Châu Á : Thiên đường của hạt nhân

169441880 0-thien-duong-cua-hat-nhanMột trung tâm khai thác hạt nhân của Trung Quốc.
Getty Images/Joseph McNally

Bầu cử sơ bộ tại Hoa Kỳ, khủng hoảng chính trị tại Brazil là những hồ sơ lớn trên các nhật báo Pháp sáng nay. Về thời sự châu Á, thông tín viên của Libération tại Nhật Bản, Arnaud Vaulerin, có bài viết giới thiệu sách của ông Mathieu Gaulène, cho rằng châu Á đang trở thành một thị trường tương lai béo bở cho hạt nhân.

« Hạt nhân tại châu Á : Fukushima và sau đó thì sao ? » là tựa sách của nhà báo Mathieu Gaulène. Đây cũng kết quả của một cuộc điều tra tỉ mỉ. Nhu cầu năng lượng trong khu vực ngày càng tăng và « các dự án xây dựng các trung tâm khai thác hạt nhân có quy mô lớn đang làm cho các ngành công nghiệp hạt nhân trên thế giới phải thèm thuồng ».

Năm năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, cộng thêm các vụ thử bom hạt nhân và bắn tên lửa liên tục của Bắc Triều Tiên, điều tra của Gaulène đã đưa ra được một bảng tổng kết các chương trình hạt nhân, đồng thời nhắc lại nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trong một khu vực mà ở đó các vụ đối đầu như đàn với lũ, một khu vực mà ở đó chiến tranh lạnh vẫn dai dẳng.

Không những thế, tác phẩm của Gaulène còn quan tâm đến các phong trào chống hạt nhân tại Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ. Điểm đến đầu tiên mà tác giả đề cập đến chính là Nhật Bản. Làm thế nào mà xứ sở Hoa Anh Đào, quốc gia duy nhất hứng chịu hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, trong Đệ Nhị Thế Chiến lại có thể chấp nhận phát triển chương trình hạt nhân ?

Đây cũng là câu hỏi mà Gaulène đã tìm cách giải đáp qua việc mô tả lại cách thức mà « cỗ máy làm chấp nhận hạt nhân » vận hành, từ việc mua phe đối lập và sự im lặng, với sự ủng hộ một phần của tập đoàn hạt nhân Areva của Pháp. Đến mức có nhiều vùng của Nhật Bản đã trở nên « nghiện hạt nhân ». Ông còn mạnh mẽ tố cáo « văn hóa giấu giếm » như cựu thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, đã từng đề cập đến khi trả lời phỏng vấn Libération, ngày 10/3. 

Ngoài Nhật Bản, giờ còn có thêm cả Hàn Quốc, đang ngoi lên thành một quốc gia hạt nhân dân sự chính tại châu Á. Năng lượng hạt nhân cung cấp đến 30% sản lượng điện cho quốc gia này. Với 24 lò phản ứng đang hoạt động và 10 dự án khác, Hàn Quốc có tham vọng cung cấp đến 59% sản lượng điện từ hạt nhân từ đây cho đến 2035, bất chấp sự nghi kỵ ngày càng lớn của người dân. Hàn Quốc còn dự tính xuất khẩu đến 80 lò phản ứng và mong muốn được xếp vào hàng ngũ cường quốc hạt nhân, bên cạnh Nga, Hoa Kỳ và Pháp.

Đương nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ cũng không muốn vắng mặt trong cuộc đua này. Mặc dù năng lượng hạt nhân chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung cấp năng lượng hỗn hợp, nhưng Trung Quốc cũng muốn « làm chủ toàn bộ công nghệ của vòng hạt nhân » và dự định « xuất khẩu và phát triển các lò phản ứng giá rẻ cho Nam Mỹ hay các nước châu Á mới trỗi dậy ».

Thế nhưng, ngoài vấn đề an toàn các lò phản ứng, điều làm ông Gaulène lo lắng nhất chính là « thị trường chợ đen nguyên tử rộng lớn » nằm chủ yếu tại bốn cường quốc có trang bị vũ khí hạt nhân : Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên. Các động thái của Bình Nhưỡng gần đây cho thấy Bắc Triều Tiên, ngày càng làm chủ tốt hơn bao giờ hết kiểu lập luận răn đe để bảo toàn sự sống còn chế độ. Và điều đó cho thấy là cuộc đua bom nguyên tử không hề biết khủng hoảng là gì. Có thể nói « châu Á, giờ đang là thiên đường cho hạt nhân » như tựa đề bài viết.

« Những bóng ma tại Koreatown »

Đó là nhận định của đặc phái viên Le Monde, Harold Thibault, trong bài phóng sự điều tra. Tại New Malden, gần thủ đô Luân Đôn, một cộng đồng người Triều Tiên đã phát triển tại đây. Nhưng trong số hiếm hoi người tị nạn Bắc Triều Tiên, nỗi sợ hãi và sự hội nhập là những khó khăn lớn nhất.

Nếu như đại sứ quán Hàn Quốc tại Mông Cổ hay một nước Đông Nam Á là điểm đến hiển nhiên của nhiều người Bắc Triều Tiên chạy trốn chế độ, thì châu Âu, nhất là Anh Quốc là điểm chọn của một số ít người. Phóng sự của Le Monde đã tường thuật hành trình chạy trốn gian nan, vất vả của nhiều người Bắc Triều Tiên. Trong số những người đến được Anh Quốc, có những người đã từng bị bắt lại đến ba bốn lần. Một khi bị Trung Quốc trao trả về nước, những người chạy trốn đó có nguy cơ bị đối xử tệ như lao động khổ sai, làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 20 giờ tối, chịu cảnh thiếu ăn và đấu tố mỗi tối.

Phụ nữ Bắc Triều Tiên bỏ trốn có nguy cơ bị bắt bán cho các gia đình Trung Quốc, để làm người hầu và đôi khi còn bị hãm hiếp. Nếu chẳng may bị công an Trung Quốc phát hiện, bắt trả về nước trong tình trạng bụng mang dạ chửa, những phụ nữ đó có nguy cơ bị đánh đập và buộc phải chứng kiến cảnh đứa trẻ sinh ra bị rơi và chết dần chết mòn.

Nhưng khi chạy được đến châu Âu thì sao ? Le Monde cho biết họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập. Ngay giữa cộng đồng người Triều Tiên, giữa người miền Nam và người miền Bắc cũng có sự khác biệt về văn hóa. Hành trang văn hóa của người tị nạn Bắc Triều Tiên chỉ có là Karl Marx, Engels hay như khá hơn là tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo của nhà văn Alexandre Dumas. Bên cạnh việc hội nhập khó khăn, họ còn canh cánh nỗi lo người thân trong nước bị trả đũa vì hành động bỏ trốn của mình.

Dilma Rousseff trong cơn bão táp, Brazil chìm trong khủng hoảng

Tình hình khủng hoảng chính trị tại Brazil hầu như là chủ đề quốc tế nóng bỏng nhất trên các trang báo Pháp. Hình ảnh phe đối lập Brazil vui mừng trước việc Quốc Hội thông qua thủ tục phế truất tổng thống Dilma Rousseff chiếm trọn nửa trang đầu của tờ Le Monde dưới dòng tựa : « Dilma Rousseff trong cơn bão táp, Brazil chìm trong khủng hoảng ».

Đối với Les Echos, « Số phận của bà Dilma Rousseff giờ nằm trong tay Thượng Viện ». Ngày 10/05, chỉ cần 41 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, thì tổng thống Brazil sẽ bị buộc tạm ngừng chức vụ trong vòng 180 ngày, trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng.

Chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội mà Brazil phải đối mặt với nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc. Theo bài xã luận của Le Monde, nữ tổng thống Rousseff không bị cáo buộc là lợi dụng chức quyền để tư lợi cá nhân mà bị chỉ trích che giấu thâm hụt tài chính của chính phủ trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà. Đồng thời bà cũng đang phải trả giá cho những sai lầm chính trị của bản thân.

Thứ nhất, phải nhắc đến nạn tham nhũng quy mô lớn trong nội bộ tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras, được cho là « con bò sữa » phục vụ đảng Lao Động và liên minh lúc đó đang cầm quyền và bà Rousseff giữ chức bộ trưởng Khoáng Sản và Năng Lượng. Ngoài ra, bà bị chỉ trích không đủ khả năng để quản lý một cơ chế Nhà nước, một tầng lớp chính trị đang bị tình trạng tham nhũng gặm nhấm. Cuối cùng là quyết định đưa cựu tổng thống Lula trở lại chính trường với một chức danh ngang bộ trưởng nhằm giúp người tiền nhiệm tránh vòng lao lý vì những cáo buộc tham nhũng.

Tổng thống Dilma Rousseff cũng phải trả giá cho nền kinh tế Brazil đang rơi vào tình trạng trì trệ. Nguyên nhân chính là do nhu cầu về nhiên liệu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, khiến giá nhiên liệu rơi tự do và đẩy nền kinh tế Brazil vào tình trạng suy thoái với tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh. Các chuyên gia thẩm định GDP năm 2016 của Brazil sẽ giảm 3,5%. Đây là năm thứ hai suy thoái liên tiếp của quốc gia đang trỗi dậy điển hình Nam Mỹ.

Lật đổ tổng thống Dilma Rousseff, phe đối lập hy vọng khôi phục nền kinh tế Brazil bằng cách tự do hóa thị trường. Thế nhưng, theo nhận định của bài xã luận, nhiều yếu tố có thể dập tắt những tia hy vọng này. Trước hết, những người kế nhiệm chưa chắc đã trong sạch hơn nữ tổng thống. Người đầu tiên có khả năng bị liên quan là phó tổng thống Michel Temer, cũng có nguy cơ bị phế truất. Người tiếp theo là chủ tịch Hạ Viện Eduardo Cunha, cũng đang bị cáo buộc che giấu hàng triệu đô la tiền hối lộ trong một tài khoản tại Thụy Sĩ.

Tiếp theo, phe đối lập chắc chắn sẽ bị mất « phiếu » của những người ủng hộ đảng Lao Động và cựu tổng thống Lula. Dù là những người tiên phong ủng hộ thủ tục phế truất tổng thống, phe đối lập vẫn không thể thay đổi được sự chán ngán và thiếu tin tưởng vào tầng lớp chính trị của người dân. Bài báo kết luận Brazil đang rơi vào tình trạng bất trắc, việc làm cần thiết trước mắt là các nghị sĩ phải vượt qua những lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích của đông đảo quần chúng, những người đang đánh cược niềm tin vào họ.

New York : Trận quyết chiến giữa Clinton và Bernie Sanders

Một chủ đề khác cũng chiếm nhiều trang báo Pháp là tình hình bầu cử sơ bộ tại Hoa Kỳ. Và New York sẽ là nơi diễn ra « cuộc đọ tài quyết định » như hàng tít lớn trên trang nhất của Les Echos. Mà địa điểm chính xác cho « Trận chiến giữa Clinton – Sanders sẽ là Brooklyn » như quan sát của Libération. Thành trì của đảng Dân Chủ, Brooklyn, khu phố đông dân nhất của thành phố New York có vị trí quan trọng trong các cuộc bầu sơ bộ diễn ra ngày thứ Ba hôm nay. 

Còn La Croix nhận thấy là « Tại New York, ứng viên Sanders trong thế bị dồn vào chân tường ». Bình thường New York chưa bao giờ đóng một vai trò quyết định, nhưng năm nay bầu cử sơ bộ tại New York lại có một tầm cỡ quan trọng cho đảng Dân Chủ.

Ông Bernie Sanders nhận được sự ủng hộ của 1.076 đại cử tri nhưng vẫn thua xa bà Clinton đến hơn 700 đại cử tri là 1758. Số đại cử tri quy định là 2.383 để có thể được chỉ định làm ứng viên đại diện đảng ra tranh cử tổng thống.

Các thăm dò gần đây cho thấy cựu ngoại trưởng Mỹ đang dẫn đầu, tuy nhiên, theo một người ủng hộ ông Sanders thì mọi việc vẫn còn chưa ngã ngũ : « Trên thực tế, càng nghe ông Sanders phát biểu, ông càng nhận được sự ủng hộ. Ngược lại với bà Clinton, bà càng nói thì bà càng bị mất ».

Thế nhưng, La Croix cho là tại New York, rào cản lớn nhất đối với ông Bernie chính là « bầu sơ bộ trong đảng », theo đó, chỉ có những cử tri có đăng ký là thành viên mới được quyền bỏ phiếu. Trong trường hợp này ông Sanders sẽ bị mất nhiều lá phiếu ủng hộ của những người độc lập.

 

Switch mode views: