Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

So sánh hai cuộc tuần tra của Mỹ tại Hoàng Sa và Trường Sa

USS WILBUR

Trên boong khu trục hạm Mỹ USS Curtis Wilbur. Ảnh chụp 2015
Facebook USS Curtis Wilbur

Ngày 30/01/2016, khu trục hạm Mỹ có trang bị tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur đã tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, và Đài Loan nhưng hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc.

Bộ Quốc Phòng Mỹ đã xác nhận ngay lập tức rằng chiến hạm Mỹ đã được giao phó nhiệm vụ tuần tra vì quyền tự do hàng hải, chống lại những yêu sách quá đáng của các bên tranh chấp.

Địa bàn Hoàng Sa được Mỹ chọn trong lần tuần tra Biển Đông thứ hai này đã gây bất ngờ không ít vì hầu hết giới phân tích đều cho rằng Washington sẽ tiếp tục các hoạt động khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển tại vùng quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang củng cố tiền đồn trên nền 7 bãi đá hay rạn san hô mà họ kiểm soát.

Trong bài phân tích mang tựa đề « Trung Quốc bác bỏ cuộc tuần tra vì quyền tự do hàng hải mới nhất của Mỹ tại Biển Đông (China Rejects Latest US FONOP in the South China Sea) », đăng trên trang web báo Nhật Bản The Diplomat ngày 02/02/2016, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Shannon Tiezzi đã so sánh cơ sở pháp lý khác nhau mà Mỹ đã dựa trên đó để tiến hành hai chiến dịch vì quyền tự do hàng hải vừa qua tại Hoàng Sa và Trường Sa, và cách phản ứng khác nhau của Trung Quốc.

Chiến dịch Hoàng Sa : Khẳng định quyền « đi qua vô hại »

Theo tác giả bài báo, chiến dịch tuần tra của chiến hạm Mỹ Curtis Wilbur trong vùng Hoàng Sa đã được đặc biệt thiết kế để khẳng định quyền « đi qua vô hại » (innocent passage) một vùng lãnh hải mà không cần phải thông báo trước (điều mà cả Trung Quốc lẫn Việt Nam yêu cầu mỗi khi tàu thuyền nước ngoài quá cảnh lãnh hải ở quần đảo Hoàng Sa).

Trong lúc Việt Nam phản ứng nhẹ nhàng, tuyên bố « tôn trọng » quyền đi qua vô hại vùng lãnh hải của mình phù hợp với luật lệ quốc tế, thì Trung Quốc đã gay gắt phản đối hành động của Mỹ, cho rằng chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, và tiến vào vùng lãnh hải của Trung Quốc mà không có phép.

Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ngay sau khi chiến dịch Mỹ diễn ra, đã giải thích như sau :
 « Theo Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tàu nước ngoài được sử dụng cho mục tiêu quân sự phải được sự phê duyệt của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nếu muốn đi vào lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. »

Chính bộ luật đó - vốn đòi hỏi tàu nước ngoài phải được Bắc Kinh chấp thuận trước rồi mới được vào lãnh hải Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp đi qua vô hại – là đối tượng mà Hoa Kỳ muốn chống lại khi tung ra chiến dịch tuần tra gần đảo Tri Tôn ở vùng Hoàng Sa.

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã nêu bật vấn đề đó khi loan báo về chiến dịch hôm 30/01 :

« Chiến dịch này thách thức nỗ lực của ba bên tranh chấp, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, nhằm hạn chế sự tự do và các quyền tự do hàng hải xung quanh các thực thể địa lý mà họ tuyên bố chủ quyền bằng các chính sách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước khi đi qua vùng lãnh hải.
Những yêu sách quá mức liên quan đến đảo Triton không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển ».

Trung Quốc tố cáo chủ nghĩa « bá quyền hàng hải » của Mỹ

Qua ngày 01/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) đã cực lực bác bỏ lập luận trên đây của Mỹ, và tuyên bố rằng « cái gọi là » chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ đã « được tiến hành bất chấp an ninh chủ quyền, các quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển, làm tổn hại nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực. »

Phát ngôn viên Trung Quốc không ngần ngại tố cáo :
« Điều đó về bản chất là hành vi theo đuổi chủ nghĩa bá quyền hàng hải của Mỹ dưới vỏ bọc ‘tự do hàng hải’... Hành động thị uy quân sự và tạo ra sự căng thẳng mà Mỹ đang làm dưới chiêu bài tự do hàng hải là nguyên nhân lớn nhất của tình trạng quân sự hóa Biển Đông. »

Ông Lục Khảng còn khẳng định rằng quân đội Trung Quốc, cùng « tàu hải quân và máy bay đã có phản ứng ngay lập tức » trước sự hiện diện của tàu Curtis Wilbur.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói rằng không có tàu hải quân Trung Quốc nào bám theo chiến hạm Mỹ lần này, trái với lần trước trong trường hợp tàu USS Lassen vào tháng 10/2015 gần đá Xu Bi (Trường Sa).

Chiến dịch Trường Sa : không công nhận lãnh hải nhân tạo

Mặc dù cuộc tuần tra năm ngoái tại Trường Sa của chiếc USS Lassen, và chiến dịch của chiếc USS Curtis Wilbur gần Tri Tôn, Hoàng Sa, cuối tháng Giêng vừa qua đều nhằm mục tiêu bảo vệ quyền tự do hàng hải, lý do pháp lý đằng sau mỗi chiến dịch hoàn toàn khác nhau.

Chiến hạm Lassen đã di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của Đá Xu Bi, đã được Trung Quốc bồi lên thành đảo nhân tạo, để chứng tỏ lập trường của Mỹ theo đó thực thể địa lý này về phương diện pháp lý, vẫn được coi là một bãi đá nửa chìm, nửa nổi, chứ không phải là một hòn đảo.

Cũng chính vì lý do đó mà phản ứng chính thức của Trung Quốc dù rất giận dữ, nhưng mang tính chất cố tình mập mờ.
Bắc Kinh đã đả kích Mỹ về việc xâm phạm khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Xu Bi, nhưng không tuyên bố rõ ràng rằng thực thể này có vùng lãnh hải.

Ngược lại, chiến dịch tiến hành trong vùng quanh đảo Tri Tôn mang tính chất rõ ràng hơn : Trung Quốc quả là đã đòi hỏi một cách rõ ràng một vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Chiến dịch của Mỹ như vậy đã nhằm chống lại hai khía cạnh trong các yêu sách của Trung Quốc (và cả của Việt Nam) : các yêu cầu đối với tàu chiến nước ngoài là phải xin phép trước khi quá cảnh vùng biển gần thực thể địa lý có liên quan, và phương thức được sử dụng để vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Như chuyên gia James Kraska thuộc trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College) đã giải thích : « Trung Quốc đã vẽ một đường cơ sở thẳng trái phép chung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, và đó là một điều bất hợp pháp. ».

Chiến dịch tuần tra tự do hàng hải tại Hoàng Sa như vậy mang ý nghĩa dứt khoát hơn vì nó cho thấy rõ những yêu sách cụ thể của Trung Quốc, và quan điểm của Mỹ bác bỏ những đòi hỏi « quá đáng », « Không phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Theo nhận định của The Diplomat, hành động của Hoa Kỳ tại Hoàng Sa đánh vào Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn vì Bắc Kinh đã tuyên bố một cách rõ ràng một vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa – trái với trường hợp mơ hồ của Trường Sa - và do đó họ có thể phản ứng mạnh hơn đối với hành động bị coi là một sự vi phạm của Mỹ (cho dù đến giờ chưa có dấu hiệu nào cho thấy là Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội hơn).
 

Switch mode views: